backup og meta

Biến chứng viêm xoang có nguy hiểm không?

Biến chứng viêm xoang có nguy hiểm không?

Viêm xoang là căn bệnh phổ biến mà rất nhiều người mắc phải. Mọi người thường chủ quan trước các biến chứng viêm xoang mà không ngờ rằng các biến chứng này rất nguy hiểm, thậm chí có khả năng dẫn đến tử vong.

Viêm xoang là gì?

Viêm xoang là tình trạng các niêm mạc lót xoang trong mũi bị viêm gây phù nề. Niêm mạc sưng to gây bít tắc các xoang vốn ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, hình thành dịch mủ. Dịch mủ mắc kẹt trong xoang không có đường thoát và tạo áp lực lên các xoang gây đau nhức.

Người bệnh viêm xoang hay bị chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau nhức đầu, xoang và khu vực quanh các xoang (như mắt, hàm). Nhiều khi nước mũi rỉ xuống họng gây khó chịu, khiến bệnh nhân ho nhiều, đường họng cũng bị nhiễm trùng.

Nếu phân loại viêm xoang theo vị trí, ta có:

  • Viêm xoang trán: Người bệnh bị đau, cảm thấy có áp lực ở phần giữa trán, phía cao trên mũi và hai mắt
  • Viêm xoang sàng: Người bệnh cảm thấy đau, có áp lực ở sâu trong đầu, phía sau hai hốc mắt chỗ gần gáy
  • Viêm xoang hàm: Đau và có áp lực ở xương hàm, đau răng, đau đầu
  • Viêm xoang bướm: Đau và có áp lực lên hai mắt, vùng đỉnh đầu

Nếu phân loại viêm xoang theo thời gian bệnh, ta có:

  • Viêm xoang cấp tính:
    • Kéo dài không quá 4 tuần
    • Triệu chứng khởi phát đột ngột, nhiễm trùng không kéo dài quá lâu, có thể tự khỏi hoặc khỏi do điều trị
    • Nếu tái phát thì tái phát ít hơn 4 lần/năm và niêm mạc ở trạng thái bình thường giữa các lần tái phát
  • Viêm xoang bán cấp: Nhiễm trùng xoang kéo dài từ 4-12 tuần.
  • Viêm xoang cấp tái phát (hồi viêm từng đợt): Có tái phát, không quá 4 lần trong 1 năm. Phục hồi hoàn toàn giữa các lần bệnh.
  • Viêm xoang mạn tính: Viêm xoang kéo dài hơn 12 tuần do không xử lý đúng cách khi bị viêm xoang cấp. Viêm xoang mạn tính không thể được chữa dứt hay phục hồi hoàn toàn như ban đầu. Một số trường hợp viêm xoang mạn tính sẽ được điều trị ngoại khoa.

Các loại biến chứng viêm xoang

Viêm xoang có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng ở các cơ quan khác, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Biến chứng viêm xoang ở đường hô hấp

Viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản mạn tính.

Biến chứng viêm xoang ở mắt

biến chứng viêm xoang 2

  • Viêm ổ mắt: Ổ mắt ở gần xoang và chỉ ngăn cách bằng lớp xương mỏng, nên người bệnh khi bị viêm xoang thì rất dễ ảnh hưởng tới mắt. Viêm ổ mắt (khi là một biến chứng của viêm xoang) thường xuất hiện đột ngột. Người bệnh thường gặp các triệu chứng viêm xoang quen thuộc như sổ mũi, ngạt mũi, nhức đầu, sau đó thấy mi mắt bị sưng, nhãn cầu lồi ra phía ngoài và bị đau mắt. Các triệu chứng sẽ hết khi người bệnh tuân thủ điều trị nội khoa.

Nhãn cầu lồi ra ngoài là một trong những biến chứng phổ biến nhất của viêm xoang cấp tính. Biến chứng này thường gặp hơn ở trẻ em. Các cách điều trị bao gồm tiêm kháng sinh phổ rộng qua đường tĩnh mạch, phẫu thuật dẫn lưu để điều trị tình trạng nhiễm trùng nếu không đáp ứng với kháng sinh. Nếu không kịp thời điều trị thì có thể gây ra nhiễm trùng lan tỏa, tức là nhiễm trùng thông qua hệ thần kinh trung ương, dẫn đến các biến chứng nội sọ. Biến chứng tiêu biểu là viêm màng não (thường xuất phát từ khu vực xoang sàng gần với não nhất) và áp xe ngoài màng cứng (thường xuất phát từ xoang trán).

  • Áp xe mi mắt: Áp xe là một bọc mủ hình thành trong các mô của cơ thể. Áp xe mi mắt là một biến chứng nguy hiểm của viêm xoang. Mi mắt bị áp xe sẽ sưng to, nóng đỏ và đau. Túi mủ ở mi mắt vỡ ra sau khoảng 4, 5 ngày.
  • Viêm túi lệ: Viêm xoang có thể dẫn đến hình thành ổ áp xe viêm túi lệ mãn tính.
  • Viêm tấy ổ mắt: Ở tổ chức mỡ trong ổ mắt bị viêm xuất hiện mủ, gây đau nhói. Mắt bệnh nhân bị sưng, không chuyển động được. Tình trạng sưng viêm lan cả lên thái dương.
  • Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu. Khi viêm xoang cấp tính, thị lực giảm rất nhanh nhưng sẽ tự hồi phục sau vài tuần. Nếu bị viêm xoang mạn tính, người bệnh nhìn mọi vật sẽ mờ như có màn sương giăng trước mắt. Người bệnh nhạy cảm với ánh sáng, khó phân biệt rõ màu sắc. Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu thường do viêm xoang sàng hoặc viêm xoang bướm.

Viêm xoang rất nguy hiểm vì các xoang nằm ở gần mắt và não. Nhiễm trùng xoang lây lan dọc theo đường mạch máu và hệ thần kinh. Trẻ em có nguy cơ cao bị các biến chứng ở mắt do viêm xoang. Bởi lẽ, xương mặt ở trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển chưa hoàn thiện, các khoảng mở giữa các xoang và hốc mắt chưa đóng kín.

Viêm nhiễm lan đến hố mắt khiến các mô quanh mắt sưng nhiều hơn. Trong một số trường hợp, tình trạng sưng viêm xảy ra ở đằng sau mắt, sâu phía bên trong, đẩy nhãn cầu lồi ra ngoài hố mắt và khiến mi mắt khó khép lại được.

Vì hốc mắt kín và không thể thay đổi kích thước nên tình trạng sưng và gia tăng áp lực có khả năng dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn. Nhiễm trùng lây lan trong một số trường hợp sẽ dẫn đến viêm màng não, thậm chí tử vong. Nếu người bệnh viêm xoang bị đau mắt nghiêm trọng hoặc mất thị giác, nên đi khám ngay lập tức.

Biến chứng viêm xoang ở sọ não

biến chứng viêm xoang 3

  • Nhiễm trùng não: Viêm xoang nếu không được điều trị sẽ viêm nhiễm lan tỏa đến não hoặc các mô xung quanh não. Nếu nhiễm trùng lây lan đến các mô của não, người bệnh có nguy cơ bị co giật, tổn thương não hoặc thậm chí tử vong.
  • Viêm màng não: Viêm màng não do vi khuẩn, thậm chí áp xe não sẽ gây mất thính giác, đột quỵ, khiến não bị tổn thương vĩnh viễn hoặc dẫn đến tử vong.
  • Áp xe não: Hãy đi bệnh viện ngay lập tức nếu bạn:
    • Có dấu hiệu viêm màng não (đau đầu, sốt, buồn nôn, cổ căng, cứng đờ)
    • Đột nhiên tâm tính thay đổi (tình trạng tâm thần có chuyển biến khác thường)
    • Một phần cơ thể đột ngột bị mất chức năng

Biến chứng viêm xoang ở tai

Khoang mũi thông với tai nên khi bị viêm mũi, dịch mủ có khả năng lan tới tai. Thường thì bệnh nhân viêm xoang sẽ gặp biến chứng viêm tai giữa, nhất là ở trẻ em (ống vòi tai của trẻ em còn ngắn, nằm ngang nên dịch mủ dễ chảy vào). Viêm tai giữa nếu không được điều trị kịp thời dễ gây điếc vì dịch mủ tạo áp lực làm thủng màng nhĩ.

Biến chứng viêm xoang ở mạch máu

Viêm xoang cũng ảnh hưởng đến các mạch máu, cụ thể là gây viêm tắc. Tùy vào vị trí viêm tắc của mạch máu mà có những ảnh hưởng và biểu hiện khác nhau:

    • Nếu mạch máu ở xương trán, xương sọ bị viêm tắc: có khả năng lan ra các xương xung quanh như xương đỉnh, xương thái dương. Người bệnh thấy đau nhức và sưng tấy vùng xương trán, hình thành áp xe ở mũi.
    • Khi viêm tắc tĩnh mạch hang, bệnh diễn tiến rất đột ngột. Bệnh nhân gặp các triệu chứng như sốt cao, rét run, nhức đầu, cổ gáy cứng đờ. Nhãn cầu bị lồi, không còn chuyển động linh hoạt nên khả năng nhìn bị hạn chế.

Biến chứng viêm xoang ở xương

Viêm tủy xương là biến chứng ở xương do viêm xoang thường gặp. Cả viêm xoang cấp tính tái phát và nhiễm trùng xoang mạn tính ở trên đầu đều có thể lan đến vùng xương xung quanh xoang. Các vi khuẩn theo đường mạch máu, khiến nhiễm trùng lan đến não hoặc các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả xương. Xương bị nhiễm trùng rất khó chữa và tiêm tĩnh mạch trong thời gian dài là cách điều trị thông thường.

  • Mucocele (U nang nhầy)

Nhiễm trùng xoang mạn tính nếu không được điều trị sẽ làm thay đổi các chức năng bình thường của mũi. Mucocele (u nang nhầy) chứa các chất nhầy trong xoang. U này ngày càng phát triển theo thời gian, đến mức ăn mòn và làm biến dạng cấu trúc xung quanh như mắt và não. Để điều trị một số u nang nhầy, cần thực hiện phẫu thuật dẫn lưu.

  • Hen suyễn

Viêm xoang dễ gây những tác động tiêu cực đối với người bị bệnh hen suyễn. Theo như nghiên cứu, tình trạng nhiễm trùng (cụ thể là viêm xoang) khiến tình trạng bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn. Viêm xoang làm người bệnh gặp khó khăn trong việc hít thở, nên những người vốn đã mắc các vấn đề về đường hô hấp như hen suyễn sẽ càng thấy bệnh tình chuyển nặng.

Khi gặp các biến chứng của viêm xoang, bệnh nhân có thể thấy một số triệu chứng:

  • Mắt hoặc hốc mắt sưng đỏ
  • Đau mắt mỗi khi cử động mắt
  • Thị lực thay đổi
  • Mi mắt rũ xuống, nặng trĩu
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Trán bị sưng
  • Đầu đau như búa bổ
  • Phát sốt
  • Hay nhấm lẫn
  • Co giật
  • Cổ căng cứng

Điều trị viêm xoang để ngăn ngừa biến chứng

Cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng của viêm xoang là điều trị bệnh trước khi có biến chứng.

Điều trị viêm xoang cấp tính

Cách phổ biến nhất là cho dùng kháng sinh trong vòng 2 tuần. Bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng gatifloxacin, moxifloxacin hoặc cefurodate.

Điều trị viêm xoang mạn tính

Điều trị bổ trợ

Dùng thuốc xịt thông mũi trong khoảng 3–5 ngày để đỡ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi. Thuốc xịt thông mũi (oxymetazoline) có tác dụng tức thời nhưng nếu dùng lâu dài thì sẽ bị nghẹt mũi nhiều hơn.

Thuốc thông mũi (pseudoephedrine) là một lựa chọn thay thế hợp lý nếu bệnh nhân không thuộc trường hợp chống chỉ định như tăng huyết áp.

Thuốc tiêu nhầy (guaifenesin) giúp giảm độ nhớt, giải phóng chất nhầy dễ dàng hơn và thường được dùng kết hợp với thuốc thông mũi.

Rửa mũi với nước muối cũng giúp làm sạch dịch tiết ở mũi.

biến chứng viêm xoang 4

biến chứng viêm xoang 5

Corticosteroid dùng tại chỗ không được chỉ định đối với trường hợp viêm xoang cấp tính nhưng lại hữu ích với một số trường hợp viêm xoang mạn tính, polyp mũi và viêm mũi, viêm mũi dị ứng.

Thuốc kháng histamine không được chỉ định cho viêm xoang, nhưng có tác dụng đối với trường hợp viêm mũi dị ứng tiềm ẩn.

Phẫu thuật

Nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc nghi ngờ có biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi mũi để xem xét khoang mũi và phức hợp xương. Bác sĩ cũng có thể thực hiện xét nghiệm vi sinh (nuôi cấy khối nghi ngờ là nấm trong môi trường thích hợp rồi quan sát để xác định đó là loại nấm nào).

Một khi đã quyết định tiến hành phẫu thuật để điều trị viêm xoang, người ta sẽ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến hơn trong phẫu thuật nội soi mũi xoang (FESS) để làm sạch xoang bị viêm, nhiễm trùng mãn tính và có polyp. Phương pháp này có khả năng được dùng kết hợp với somnoturboplasty, có nghĩa là sự co cụm của turbinate mũi bằng sóng vô tuyến (turbinate mũi – cuống mũi, là những tế bào giống như lông ngắn gọi là mao có nhiệm vụ ngăn những tạp chất như bụi và các hạt li ti trong không khí rơi vào phổi).

Bạn có thể tham khảo thêm: Phì đại cuống mũi là bệnh gì

Phẫu thuật xoang nội soi thường không yêu cầu bệnh nhân ở lại bệnh viện lâu, chỉ thực hiện gây tê tại chỗ và là loại phẫu thuật ít xâm lấn. Cần đặc biệt chú ý đến những bệnh nhân viêm xoang mạn tính, những người có polyp mũi, hoặc những người mắc hội chứng AIA (Aspirin Induced Asthma) bị lên cơn hen suyễn do dùng thuốc aspirin.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sinusitis

http://www.clevelandclinicmeded.com/medicalpubs/diseasemanagement/allergy/rhino-sinusitis/

Truy cập ngày 23/07/2019

Complications of sinusitis

https://www.slideshare.net/atinbindal/complications-of-sinusitis-46686156?from_action=save

Truy cập ngày 23/07/2019

Chronic sinusitis

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-sinusitis/diagnosis-treatment/drc-20351667

Truy cập ngày 23/07/2019

 

Phiên bản hiện tại

16/12/2019

Tác giả: Thảo Lê

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Viêm họng mãn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, phòng ngừa

Ráy tai ướt có sao không? Ráy tai như thế nào là bình thường?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 16/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo