Không phải ai cũng biết rõ vai trò của ráy tai và cách khắc phục tình trạng tích tụ ráy tai nhiều.
Đôi khi việc tự loại bỏ ráy tai có thể dẫn đến mất thính lực và nhiễm trùng tai. Do đó, nếu nghi ngờ mình bị tích tụ ráy tai hoặc tắc nghẽn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
Ráy tai là gì?
Ống tai sản sinh ra một loại dầu sáp đặc biệt, thường được gọi là ráy tai. Ráy tai có tác dụng bảo vệ tai khỏi bụi, vật thể lạ và các loại vi sinh vật. Đồng thời, nó cũng giúp bảo vệ phần da ống tai khỏi sự kích ứng của nước. Thông thường, phần ráy tai thừa có thể thoát ra khỏi ống tai và được làm sạch một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, khi ráy tai nhiều hơn mức cần thiết, nó sẽ trở nên khô cứng và gây tắc nghẽn ống tai. Đồng thời, khi làm sạch tai, bạn có thể vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong, khiến tình trạng tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng hơn. Tinh trạng ráy tai quá nhiều là lý do phổ biến khiến bạn mất thính giác tạm thời.
Bạn nên thận trọng khi tự xử lý ráy tai tích tụ nhiều tại nhà. Nếu tình trạng không thuyên giảm, bạn nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa. Việc điều trị ráy tai tích tụ thường khá đơn giản, nhanh chóng và không gây đau đớn. Sau khi điều trị, thính giác có thể được phục hồi hoàn toàn.
Nguyên nhân khiến ráy tai tích tụ
Khi ráy tai được sản sinh quá nhiều mà không được loại bỏ đúng cách, nó có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn. Trên thực tế, nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn ráy tai là do tự loại bỏ tại nhà. Việc sử dụng tăm bông và các vật dụng khác để lấy ráy tai sẽ khiến ráy tai bị đẩy vào sâu hơn, tạo ra sự tắc nghẽn.
Vì sao ráy tai nhiều hay ráy tai nhiều là do đâu? Theo các chuyên gia sức khỏe, thói quen đeo tai nghe hay dùng nút bịt tai thường xuyên cũng có thể là nguyên nhân gây tích tụ ráy tai. Các thiết bị này có thể vô tình ngăn ráy tai thoát ra khỏi ống tai và gây ra tắc nghẽn.
Dấu hiệu và triệu chứng khi có ráy tai nhiều
Ráy tai có thể có màu từ vàng nhạt đến nâu sẫm. Do đó, ráy tai sẫm màu không phải là dấu hiệu của tình trạng tích tụ ráy tai.
Theo Healthline, các dấu hiệu tích tụ ráy tai bao gồm:
- Mất thính lực đột ngột hoặc một phần, thường là tạm thời
- Ù tai
- Cảm giác đầy bên trong tai
- Đau tai.
Sự tích tụ ráy tai có thể dẫn đến nhiễm trùng. Biểu hiện nhiễm trùng do ráy tai tích tụ bao gồm:
- Đau tai dữ dội
- Đau tai kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm
- Tai chảy dịch
- Sốt
- Ho
- Mất thính lực kéo dài
- Tai có mùi khó chịu
- Chóng mặt
Tình trạng mất thính lực, chóng mặt và đau tai cũng có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu các triệu chứng này xảy ra thường xuyên. Một đánh giá y tế tổng quát sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân là do ráy tai nhiều, gây tắc hay một vấn đề sức khỏe khác.
Ráy tai ở trẻ em
Ráy tai ở trẻ em hay người lớn đều được sản sinh một cách tự nhiên. Trẻ em thường có xu hướng thích ngoáy tai và lấy ráy tai. Điều này có thể gây nên nhiều vấn đề cho tai của trẻ.
Nếu nghi ngờ trẻ bị tích tụ hoặc tắc nghẽn ráy tai, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để thăm khám. Các bác sĩ sẽ kiểm tra phần ráy tai dư thừa và loại bỏ chúng nếu cần thiết. Ngoài ra, khi thấy trẻ cho tay hoặc vật thể lạ vào tai, bạn cũng nên đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Ráy tai ở người cao tuổi
Người già có ráy tai nhiều có bị sao không? Thực tế ráy tai cũng có thể gây ra nhiều vấn đề cho người cao tuổi. Một số người già thường không quan tâm đến vấn đề này cho đến khi thính giác bị ảnh hưởng. Trên thực tế, hầu hết trường hợp mất thính lực ở người lớn tuổi là do tích tụ ráy tai.
Vậy nguyên nhân ráy tai nhiều ở người già là gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, việc đeo máy trợ thính cũng là nguyên nhân khiến ráy tai bị tích tụ và tắc nghẽn.
Cách loại bỏ ráy tai dư thừa
Bạn không nên tự loại bỏ phần ráy tai dư thừa. Điều này có thể gây ra nhiễm trùng hoặc mất thính giác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng tăm bông để vệ sinh bên ngoài tai khi cần thiết.
Cách làm mềm ráy tai
Để làm mềm ráy tai, bạn có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ tai không kê đơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các dung dịch sau:
- Dầu khoáng
- Hydro peroxide
- Carbamide peroxide
- Các loại dầu cho em bé
- Glycerin
Dùng ống tiêm rửa sạch tai
Một cách khác để loại bỏ sự tích tụ ráy tai là dùng ống tiêm đặc biệt để vệ sinh tai. Tuy nhiên, bạn cần tránh sử dụng biện pháp này khi đang có chấn thương hoặc từng thực hiện một thủ tục y tế trên tai. Ngoài ra, rửa tai bằng ống tiêm khi màng nhĩ bị tổn thương cũng có thể gây mất thính lực hoặc nhiễm trùng.
Có thể bạn quan tâm
Ráy tai nhiều: Khi nào bạn cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ?
Hầu hết mọi người đều có thể tự loại bỏ ráy tai tại nhà mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ hay nhân viên y tế. Tuy nhiên, nếu không thể làm sạch ráy tai hoặc có cảm giác khó chịu, bạn nên tìm đến các dịch vụ chuyên nghiệp.
Bác sĩ có thể sử dụng ống soi tai, đèn và kính phóng to để nhìn rõ bên trong tai. Để loại bỏ ráy tai, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp như:
- Dùng ống tiêm làm sạch tai
- Hút
- Sử dụng thìa nạo chuyên dụng
[embed-health-tool-heart-rate]