backup og meta

Đeo tai nghe nhiều có tốt không? Làm sao bảo vệ thính giác hiệu quả?

Đeo tai nghe nhiều có tốt không? Làm sao bảo vệ thính giác hiệu quả?

Hầu hết chúng ta đều sử dụng tai nghe mỗi ngày. Tai nghe là thiết bị cá nhân cần thiết vì đem đến nhiều tiện ích như giúp bạn tận hưởng âm nhạc, phim ảnh, giải trí… một cách riêng tư. Trong đại dịch COVID-19, chúng ta càng sử dụng tai nghe nhiều hơn để học tập, tham gia họp online… Tuy nhiên, dù chất lượng các loại tai nghe ngày càng tốt hơn và hiện đại hơn nhưng vấn đề an toàn khi đeo tai nghe nhiều cũng đã được đặt ra.

Vậy đeo tai nghe nhiều có tốt không? Làm sao để sử dụng tai nghe một cách an toàn và không gây ảnh hưởng xấu đến thính giác? Bạn có thể tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau của Hello Bacsi.

Đeo tai nghe nhiều có ảnh hưởng gì không?

Trong giai đoạn hiện nay, trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên là những đối tượng sử dụng tai nghe nhiều nhất để nghe nhạc hàng giờ liền mỗi ngày với mức âm lượng vượt quá giới hạn được khuyến nghị là 70 decibel (dB). Dẫu rằng tai nghe là một thiết bị cá nhân rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc hoặc giải trí. Thế nhưng, việc đeo tai nghe nhiều có thể khiến thính giác của bạn bị ảnh hưởng. Thông thường, việc tiếp xúc với tiếng ồn hoặc âm thanh quá lớn có thể gây ra mất thính giác theo cơ chế sau đây: 

Tai của bạn được tạo thành từ ba bộ phận liên kết với nhau để xử lý âm thanh, bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Một phần của tai trong được gọi là ốc tai sẽ chứa các tế bào lông nhỏ. Những tế bào lông này có vai trò gửi thông điệp của âm thanh đến não. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn hoặc đeo tai nghe nhiều thì có thể làm hỏng các tế bào lông. Khi đó, ốc tai cũng không thể chuyển tiếp các thông điệp âm thanh đến não.

đeo tai nghe nhiều có tốt không

Không giống như các bộ phận khác của cơ thể, tổn thương tai trong sẽ không bao giờ lành. Theo thời gian, khi các tế bào lông ngày càng bị tổn thương thì thính giác của bạn sẽ ngày càng kém đi.

Hậu quả của suy giảm thính giác thường liên quan đến khó khăn trong giao tiếp, dễ tách biệt với xã hội, tăng nguy cơ té ngã và tại nạn. Không những vậy, theo một nghiên cứu thì những người bị mất thính lực thường có nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ theo những mức độ sau:

  • Những người bị mất thính lực nhẹ có gần gấp đôi nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ
  • Những người bị mất thính lực ở mức trung bình có nguy cơ cao gấp 3 lần
  • Những người bị mất thính lực nghiêm trọng sẽ có nguy cơ cao gấp 5 lần.

Mách bạn bí quyết sử dụng tai nghe đúng cách để bảo vệ thính giác

Như đã đề cập, tổn thương thính giác không thể chữa lành. Do đó, đối với sức khỏe thính giác thì việc phòng bệnh thường quan trọng hơn chữa bệnh. Tin tốt là tình trạng giảm thính lực do đeo tai nghe nhiều có thể được ngăn ngừa hiệu quả nếu bạn không đeo thiết bị này quá lâu hoặc mở âm thanh quá lớn.

Bí quyết dùng tai nghe an toàn được khuyến nghị là quy tắc 60%/60 phút. Điều này nghĩa là khi đeo tai nghe, bạn nên:

  • Nghe nhạc, xem phim, chơi game… với mức âm lượng không quá 60%
  • Thời gian dùng tai nghe liên tục không nên kéo dài quá 60 phút mỗi lần.

Mặt khác, bạn cũng có thể tìm hiểu xem tai nghe của mình có đang phát ở mức âm lượng an toàn hay không bằng cách hỏi những người ngồi gần bạn có nghe được âm thanh từ tai nghe không. Nếu họ có thể nghe được nhạc phát ra từ tai nghe của bạn, đây thường là dấu hiệu cho thấy âm thanh to quá mức và dễ gây tổn thương thính giác.

Không những vậy, thói quen đeo tai nghe với mức âm lượng quá lớn thường khiến bạn không thể nghe thấy những âm thanh khác xung quanh. Điều này có thể gây nguy hiểm khi bạn đang lái xe hoặc đi bộ ngoài đường hay đang làm việc tại các công trình. Do đó, bạn không nên đeo tai nghe nhiều khi đang di chuyển hay làm việc tại các công trình để tránh rủi ro nhé!

Những lưu ý về an toàn khi sử dụng tai nghe thường xuyên

đeo tai nghe nhiều có tốt không

Chắc hẳn chúng ta không thể loại bỏ tai nghe khỏi cuộc sống, thậm chí bạn có thể cần đeo tai nghe nhiều để đáp ứng nhu cầu học tập hoặc làm việc. Vì vậy, việc kiểm soát tần suất dùng tai nghe và âm lượng là rất quan trọng. Bên cạnh quy tắc 60%/60 phút được chia sẻ như trên, bạn nên lưu ý thêm những điều sau để bảo vệ tốt thính giác khi có nhu cầu dùng tai nghe thường xuyên.

Đeo tai nghe nhiều – Cần giữ âm thanh ở mức 70 dBA

Về cơ bản, việc tiếp xúc với âm thanh càng lớn thì tình trạng suy giảm hoặc mất thính lực xảy ra càng nhanh. Vì vậy, chú ý đến mức âm lượng khi đeo tai nghe là điều rất quan trọng. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, âm thanh có mức bằng hoặc dưới 70 decibel trọng số A (dBA) thường không có nguy cơ gây mất thính giác. Ngược lại, nếu bạn đeo tai nghe nhiều, liên tục tiếp xúc với âm thanh ở mức 85 dBA trở lên thì có thể gây mất thính lực.

Đối với các thiết bị chúng ta thường sử dụng, bạn sẽ khó xác định được đầu ra decibel là bao nhiêu. Vì vậy, lời khuyên là bạn nên điều chỉnh âm thanh ở mức 50%, cắt giảm thời gian nghe hoặc có thể áp dụng quy tắc 60%/60 phút.

Sử dụng ứng dụng đo âm thanh trên điện thoại

Các ứng dụng (app) đo cường độ âm thanh giúp bạn xác định được mức độ ồn của môi trường và đo được chi tiết mức decibel từ các thiết bị. Có rất nhiều ứng dụng đo âm thanh miễn phí để bạn dễ dàng tải về và sử dụng. Nếu bạn thường xuyên đeo tai nghe nhiều thì việc dùng app đo âm thanh để kiểm soát độ ồn là rất cần thiết.

Dùng tai nghe chống ồn

Nếu bạn cần đeo tai nghe nhiều, gợi ý là bạn nên dùng tai nghe chống ồn để loại bỏ các tiếng ồn phức tạp xung quanh. Bằng cách đó, bạn sẽ không cần tăng âm lượng quá lớn khi nghe nhạc, xem phim, nghe giảng online… để nghe rõ hơn. Đồng thời, tai nghe chống ồn sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn vào việc học hoặc các các buổi họp online. Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên sử dụng loại tai nghe này khi di chuyển ngoài đường hay khi làm việc tại các công trình. Việc không nghe thấy gì xung quanh có thể gây nguy hiểm cho bạn.

Chú ý đến các dấu hiệu suy giảm hoặc mất thính giác

Đeo tai nghe nhiều có thể gây suy giảm hoặc mất dần thính lực theo thời gian. Vì vậy, bạn nên nhận biết sớm các dấu hiệu thính giác bị tổn thương để đi khám kịp thời. Trong đó, tình trạng suy giảm thính giác thường khiến bạn khó nghe rõ trong môi trường ồn ào, cảm giác như đang nghe thấy nhưng không hiểu người khác đang nói gì.

Bên cạnh đó, ù tai hoặc cảm giác nghe thấy tiếng chuông trong tai cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm thính giác của bạn đang bị tổn thương nên đừng chủ quan nhé!

Kiểm tra thính lực của bạn thường xuyên

Nếu bạn trên 50 tuổi hoặc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn ở mức độ không an toàn thì lời khuyên là bạn nên đi kiểm tra thính lực hàng năm. Mặt khác, nếu bạn nhận thấy những thay đổi bất thường của thính giác như hay ù tai, nặng tai,… thì nên đi bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt để ngăn ngừa nguy cơ mất thính lực vĩnh viễn.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How Headphones, Earbuds Can Slowly Harm Your Hearing Over Time

https://www.healthline.com/health-news/how-headphones-earbuds-can-slowly-harm-your-hearing-over-time Truy cập ngày 09/05/2022

Healthy headphone use: How loud and how long?

https://www.health.harvard.edu/blog/healthy-headphone-use-how-loud-and-how-long-2020072220565 Truy cập ngày 09/05/2022

Earbuds

https://kidshealth.org/en/teens/earbuds.html Truy cập ngày 09/05/2022

Headphones, earbuds impact younger generations’ future audio health

https://www.eurekalert.org/news-releases/482465 Truy cập ngày 09/05/2022

Noise-Induced Hearing Loss

https://www.nidcd.nih.gov/health/noise-induced-hearing-loss Truy cập ngày 09/05/2022

Hearing Loss and Incident Dementia

https://jamanetwork.com/journals/jamaneurology/fullarticle/802291 Truy cập ngày 09/05/2022

Phiên bản hiện tại

10/05/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Ù tai trái: 14 yếu tố khiến bệnh trở nặng, tái đi tái lại, bạn cần tránh xa

Tai bị đau nhức bên trong: Nguyên nhân và cách khắc phục?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 10/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo