Viêm tai giữa là căn bệnh nhiễm trùng tai phổ biến nhất hiện nay. Nếu không được điều trị, viêm tai giữa có thể gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Phát hiện và điều trị viêm tai giữa sớm chính là cách đơn giản nhất để phòng tránh các biến chứng này.
8 biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa
1. Thủng màng nhĩ
Thủng màng nhĩ là một trong những biến chứng thường gặp nhất của viêm tai giữa. Màng nhĩ bị căng phồng do chất dịch ứ đọng phía sau, gây ra các cơn đau khó chịu và khiến người bệnh bị sốt.
Theo thời gian, màng nhĩ sẽ bị tổn thương nặng hơn, dẫn đến thủng do tình trạng căng phồng quá mức. Khi đó, dịch từ trong tai giữa sẽ thoát ra ngoài, không còn áp lực nên các cơn đau tai cũng sẽ thuyên giảm dần.
Nếu kích thước lỗ thủng không quá lớn thì màng nhĩ có thể tự liền lại. Có đến 90% trường hợp thủng màng nhĩ tự lành sau một thời gian. Tuy nhiên, khi viêm tai giữa đã trở thành mãn tính, các lỗ thủng của màng nhĩ sẽ không thể tự hồi phục, gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của người bệnh.
2. Biến chứng viêm tai giữa gây viêm xương chũm
Xương chũm (Mastoid bone) là một khối xương nằm ngay ở phía sau vành tai. Nó cũng là một bộ phận cấu thành nên thành trong của tai giữa. Do đó, viêm tai giữa hoàn toàn có thể biến chứng thành viêm tai xương chũm, đặc biệt là viêm tai giữa mãn tính. Đồng thời, viêm tai giữa cũng có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần nếu tình trạng viêm xương chũm chưa được giải quyết.
3. Viêm tai giữa biến chứng thành áp xe tai
Áp xe tai là những khối u chứa mủ hình thành bên trong hoặc xung quanh vùng viêm. Tình trạng này gây ra những cơn đau khó chịu ở tai và khiến người bệnh bị sốt do nhiễm trùng.
Đôi khi, áp xe tai có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, biến chứng này phải cần tới sự can thiệp y khoa để chữa trị.
4. Viêm tai giữa khiến ống tai bị hẹp
Bệnh viêm tai giữa mãn tính có thể khiến chất nhầy cùng lớp vẩy vụn tích tụ bên trong ống tai. Nếu không được điều trị, những chất này sẽ ngày càng dày lên và khô cứng, gây ra tình trạng hẹp ống tai, che khuất màng nhĩ, ù tai và suy giảm thính lực.
5. Viêm mô tế bào
Khi bị viêm tai giữa, vi khuẩn trên bề mặt da có khả năng xâm nhập sâu hơn vào các cấu trúc dưới da, gây ra tình trạng viêm mô tế bào.
Thông thường, viêm mô tế bào sẽ được điều trị bằng kháng sinh tại nhà trong vòng 1 tuần. Nếu bệnh không thuyên giảm và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, bạn có thể phải cần nhập viện để điều trị.
6. Viêm tai giữa gây ra các biến chứng nội sọ
Bệnh viêm tai giữa có thể gây ra các biến chứng nội sọ như viêm tĩnh mạch bên, viêm màng não, viêm não, áp xe não… Đây đều là những biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Viêm tĩnh mạch bên có thể gây tắc tĩnh mạch và nhiễm trùng huyết. Trong khi đó, viêm màng não thường gây ra tình trạng buồn nôn, đau đầu, tê cứng cổ và toàn cơ thể, lơ mơ hay thậm chí là hôn mê cấp tính.
Viêm não, áp xe não cũng có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề như liệt hoặc chậm phát triển trí tuệ. Vì thế, đây được xem là một trong các biến chứng viêm tai giữa nguy hiểm nhất mà người bệnh cần đặc biệt lưu ý.
7. Viêm tai giữa biến chứng gây hoại tử các thành phần trong tai giữa và viêm tai trong
Viêm tai giữa kéo dài và không được điều trị có thể gây viêm tai trong và hoại tử các thành phần trong tai giữa. Cụ thể, biến chứng viêm tai giữa này sẽ dẫn đến các vấn đề như:
♦ Mất thính lực hoàn toàn và không thể hồi phục
Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa chỉ gây ra mất thính lực tạm thời. Nguy cơ bị mất thính lực vĩnh viễn do viêm tai giữa là rất thấp, với tỷ lệ chỉ khoảng 2/10.000. Tuy nhiên, khi các thành phần ở tai giữa đã bị hoại tử, việc hồi phục khả năng nghe hầu như là không thể.
♦ Gây ra cảm giác chóng mặt và mất khả năng giữ thăng bằng
Tình trạng này xảy ra khi viêm tai giữa đã lan rộng và làm cho tai trong bị viêm. Đối với các trường hợp nặng, viêm tai trong có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống tiền đình.
♦ Gây mất cảm giác và liệt mặt
Viêm tai giữa có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt khiến bạn bị liệt một bên mặt. Đây là trường hợp hiếm khi xảy ra và hầu hết người bệnh gặp phải biến chứng này đều có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, khi thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào xảy ra ở cơ mặt, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức.
8. Viêm tai giữa biến chứng gây chậm nói và chậm phát triển ở trẻ em
Suy giảm thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn có thể gây ảnh hưởng đến khả năng nói của trẻ nhỏ. Không chỉ gây chậm nói, suy giảm thính lực kéo dài còn có thể khiến trẻ bị câm và chậm phát triển trí não.
Phòng ngừa bệnh viêm tai giữa
Cách tốt nhất để tránh gặp các biến chứng viêm tai giữa là thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa bệnh. Bạn hãy thử áp dụng các cách sau để bảo vệ chính mình và những người xung quanh:
- Rửa tay thường xuyên và đúng cách
- Không dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác
- Không hút thuốc lá và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc lá
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì trong sữa mẹ có đầy đủ các kháng thể giúp trẻ phòng bệnh tốt hơn. Khi cho trẻ ăn dặm, đặt bé ngồi ở tư thế thẳng để tránh thức ăn chảy vào tai
- Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ
- Thực hiện các biện pháp phòng tránh tốt trong mùa dễ bị cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác
- Vệ sinh tai nhẹ nhàng và cẩn thận, không dùng vật nhọn đưa vào trong tai vì có thể gây trầy xước da tai và tắc nghẽn
Điều trị sớm và đúng cách là một trong những cách để phòng tránh biến chứng viêm tai giữa. Vì thế, khi có các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Dung Nguyễn / HELLO BACSI
[embed-health-tool-heart-rate]