Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là cách phòng ngừa và điều trị không dùng thuốc phổ biến cho những vấn đề như viêm mũi dị ứng hay nhiễm trùng xoang. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách pha và sử dụng nước muối rửa mũi an toàn và hiệu quả.
Những người gặp vấn đề ở mũi như viêm xoang hay viêm mũi dị ứng thường truyền tai nhau nhiều mẹo thuyên giảm các triệu chứng khó chịu. Trong đó, dùng nước muối sinh lý để rửa mũi là một trong các cách thường gặp nhất. Đồng thời, biện pháp này còn được đánh giá cao về độ hiệu quả cũng như tính an toàn.
Thực tế, việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý có tốt không còn phụ thuộc vào cách pha cũng như quy trình thực hiện. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn cho bạn làm thế nào để chuẩn bị và sử dụng nước rửa mũi đúng cách.
Cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý an toàn, hiệu quả
Để làm sạch xoang và khoang mũi, bạn cần:
- Chuẩn bị sẵn một chậu rửa mặt để hứng dung dịch hoặc thực hiện quy trình rửa mũi trong nhà vệ sinh có bồn rửa mặt.
- Cúi người về phía chậu rửa hoặc bồn rửa, đồng thời nghiêng đầu sang trái.
- Cẩn thận đưa nước muối sinh lý từ bình rửa chảy vào lỗ mũi bên phải. Lưu ý không để đầu của bình rửa chạm vào thành mũi.
- Thở bằng miệng trong lúc chờ đợi dung dịch chảy ra từ lỗ mũi bên trái. Cố gắng điều chỉnh tư thế nghiêng đầu để dung dịch không chảy xuống họng.
- Nghiêng đầu sang phải và thực hiện lại các bước trên.
- Sau khi dùng hết nước muối sinh lý, hãy nhẹ nhàng xì mũi vào khăn giấy để loại bỏ hết dung dịch cũng như chất nhầy còn sót lại.
Bạn đã biết cách pha nước muối rửa mũi chưa?
Vì nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) là dung dịch đẳng trương, có áp suất thẩm thấu gần bằng dịch cơ thể con người nên có thể dùng để khử trùng và sát khuẩn mũi. Theo Viện Dị ứng, Hen và Miễn dịch Hoa Kỳ, cách pha nước muối rửa mũi dùng một lần sẽ gồm các bước như sau:
- Chọn ly hoặc bình tiệt trùng để đựng nước rửa mũi.
- Cho 3/4 muỗng cà phê muối tinh khiết. Lưu ý không chọn dùng muối iot vì có thể gây kích ứng trong mũi.
- Bỏ vào 1/4 muỗng cà phê baking soda để hạn chế cảm giác châm chích, nóng trong mũi sau khi rửa.
- Thêm một cốc nước ấm để hòa tan hai thành phần trên. Bạn cần lưu ý không sử dụng nước máy trong bước này. Thay vào đó, hãy sử dụng nước cất hoặc nước đã được đun sôi để nguội để phòng ngừa dung dịch nhiễm amip ký sinh Naegleria fowleri. Nếu để vi sinh vật này xâm nhập vào xoang, chúng có thể tấn công lên não và gây tử vong.
- Đổ dung dịch pha xong vào bình rửa mũi chuyên dụng đã được tiệt trùng.
Tuy hỗn hợp trên rất dễ pha chế tại nhà nhưng hầu hết bác sĩ khuyến khích mọi người nên chọn mua nước muối sinh lý bán tại các quầy thuốc tây để đảm bảo độ tinh khiết của dung dịch, từ đó giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng không đáng có.
Một số lưu ý khi sử dụng nước muối sinh lý
Nhìn chung, việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường sẽ không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào nếu bạn pha chế dung dịch và thực hiện quy trình làm sạch đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hy hữu, phương pháp này vẫn có thể dẫn đến vài triệu chứng khó chịu như:
- Châm chích trong mũi
- Hắt xì
- Cảm giác đầy tai
- Chảy máu cam (rất hiếm gặp)
Để hạn chế những rủi ro trên, ngoài việc tiệt trùng bình rửa mũi cũng như nước pha dung dịch, bạn cũng nên lưu ý tuân thủ một số quy tắc sau:
- Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi rửa mũi.
- Không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng khi pha nước muối sinh lý.
- Nên pha dung dịch vừa đủ cho một lần dùng.
- Không sử dụng nước rửa mũi nếu dung dịch có hiện tượng vẩn đục.
- Không áp dụng biện pháp này cho trẻ sơ sinh, những người có vết thương trên mặt chưa lành hoặc gặp vấn đề về thần kinh, cơ xương khớp.
- Chỉ rửa mũi 1 – 3 lần mỗi ngày.
Mặt khác, nếu bạn cảm thấy khó chịu trong hoặc sau khi rửa mũi, hãy thử giảm lượng muối trong dung dịch.
Như vậy, cách pha chế dung dịch và quy trình rửa mũi bằng nước muối sinh lý.góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát các vấn đề sức khỏe ở mũi. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn biết cách làm thế nào để chuẩn bị cũng như sử dụng nước rửa mũi an toàn và hiệu quả nhất.
[embed-health-tool-heart-rate]