backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm họng hạt có nguy hiểm không và cách chữa trị ra sao?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 27/12/2023

    Viêm họng hạt có nguy hiểm không và cách chữa trị ra sao?

    Nếu có thắc mắc viêm họng hạt có nguy hiểm không, bạn hãy dành chút thời gian tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, các lựa chọn chữa trị theo Tây y và Đông y cũng như cách chăm sóc tại nhà. Chỉ cần điều trị và chăm sóc sức khỏe đúng cách, chứng viêm họng sẽ nhanh chóng qua ngay thôi.

    Để trả lời câu hỏi viêm họng hạt có nguy hiểm không, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, cách điều trị và chăm sóc tại nhà. Khi hiểu rõ về bệnh tình, bạn sẽ dễ dàng vượt qua những dấu hiệu khó chịu và chữa dứt bệnh thật nhanh.  

    Giải đáp thắc mắc: Viêm họng hạt có nguy hiểm không? 

    Viêm họng hạt là thuật ngữ y học chỉ chứng viêm họng mạn tính, một tình trạng tương đối phổ biến. Việc bị viêm họng mạn tính khiến các tế bào lympho (tế bào có nhiệm vụ tiêu diệt những tác nhân lạ xâm nhập) phát triển mạnh do phải hoạt động liên tục trong thời gian dài để chống lại tình trạng viêm, đẩy niêm mạc họng lồi cao so với xung quanh.

    Viêm họng hạt có 2 dạng là cấp tính và mạn tính.

    • Viêm họng hạt cấp tính: Đây là giai đoạn đầu của bệnh, chưa gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, dẫn đến nhiều người thường chủ quan, tự ý mua và sử dụng dụng thuốc tại nhà. Điều này vô tình khiến bệnh diễn tiến nặng hơn, khó kiểm soát và điều trị. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu, nên kịp thời thăm khám và điều trị, hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
    • Viêm họng hạt mạn tính: Khi tình trạng cấp tính lâu ngày không điều trị kịp thời, dứt điểm có thể dẫn đến mạn tính, thời gian chuyển biến bệnh khoảng 3 tuần. Giai đoạn này thường nguy hiểm, khó điều trị dứt điểm, dễ tái phát ngay cả khi thời tiết không giao mùa, chuyển lạnh.

    Nguyên nhân gây viêm họng hạt bệnh thường có thể xuất phát từ những nhóm nguyên nhân sau:

  • Thời tiết trở lạnh, cơ thể không được giữ ấm, sức khỏe kém.
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn có hại gây ra.

    Biến chứng từ các bệnh viêm mũi xoang, viêm amidan mạn tính…

  • Tác động từ môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại, sử dụng thuốc lá, lạm dụng rượu bia.
  • Một số bắt nguồn từ hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, suy gan, rối loạn tiêu hóa…
  • Trong đó nguyên nhân gây viêm họng hạt phần lớn là do nhiễm virus gây ra, chẳng hạn như virus cảm cúm thông thường hay do vi khuẩn chẳng hạn như liên cầu khuẩn nhóm A. Viêm họng do virus thường tự khỏi trong vòng một tuần hoặc hơn. Tuy nhiên trên thực tế, họng là cửa ngõ ngã 3 của hô hấp và tiêu hóa. Vùng hầu họng tập trung nhiều tế bào lympho để bảo vệ cơ thể. Trong trường hợp viêm họng do virus, cơ thể suy yếu thì cũng thường là cơ hội để bội nhiễm thêm vi khuẩn.

    Trong trường hợp bạn đã mắc viêm họng hạt thì các yếu tố nguy cơ gây tái phát và tiến triển bệnh nhanh chóng bao gồm:

    • Thói quen chủ quan khi bệnh còn ở giai đoạn cấp tính, không sớm thực hiện các phương pháp điều trị.
    • Tình trạng suy yếu nghiêm trọng, viêm nhiễm và tổn thương tại niêm mạc hầu họng.
    • Thường xuyên tiếp xúc, làm việc trong môi trường ô nhiễm, khí bụi, khói thuốc…
    • Có thói quen sử dụng nước đá, ăn uống đồ lạnh hàng ngày
    • Sử dụng thuốc kháng sinh liên tục trong thời gian dài, sai chỉ dẫn của bác sĩ.
    • Sức khỏe suy nhược, khả năng đề kháng chống lại bệnh tật kém.
    • Làm căng mao mạch dẫn đến bị vỡ bởi thói quen khạc nhổ thường xuyên.

    Một số triệu chứng bạn có thể gặp khi bị viêm họng hạt là:

    • Đau họng
    • Cổ họng khô, ngứa
    • Đau khi nuốt
    • Đau khi nói
    • Ho khan hoặc ho có đờm

    Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bạn cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như mệt mỏi, khó chịu, đau cơ, nhức đầu và sốt. Ngoài ra, nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, các triệu chứng của bệnh có thể tiến triển nặng, như viêm họng hạt có mủ. Viêm họng hạt có mủ có thể kéo dài dai dẳng và dễ tái phát khi có điều kiện thuận lợi.

    Do đó, câu trả lời cho băn khoăn “viêm họng hạt có nguy hiểm không?” là tuy không quá nguy hiểm nhưng bệnh lại gây ra các triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng sinh hoạt – cuộc sống nếu không được điều trị triệt để.

    Mách bạn các cách điều trị viêm họng hạt

    Tuy bạn không cần quá lo lắng băn khoăn viêm họng hạt có nguy hiểm không nhưng bệnh này thường gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Để chữa dứt bệnh cũng như “đánh bay” các triệu chứng, bạn có thể tham khảo một số các điều trị bệnh theo Tây y hoặc dùng thảo dược. 

    1. Điều trị viêm họng hạt bằng Tây y

    viêm họng hạt có nguy hiểm không

    Theo các chuyên gia sức khỏe, phương pháp điều trị bệnh viêm họng hạt sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đối với trường hợp bị viêm do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê các thuốc kháng sinh đường uống có tác dụng phổ rộng như amoxicillin hoặc penicillin. Thuốc kháng sinh sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn và bên cạnh đó tùy theo triệu chứng như ho, sốt, đau họng… bác sĩ cũng sẽ kê thêm các thuốc điều trị triệu chứng làm giảm bớt sự khó chịu do bệnh gây ra. Bạn cần tuân thủ liệu trình dùng kháng sinh bác sĩ chỉ định để đảm bảo chữa dứt điểm chứng viêm họng, ngừa tái nhiễm và giảm nguy cơ kháng kháng sinh.

    Tình trạng viêm họng do virus thì không cần điều trị bằng kháng sinh và thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bạn có thể dùng các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau và hạ sốt. Về liều lượng acetaminophen và ibuprofen bạn bạn có thể hỏi kỹ dược sĩ tại quầy thuốc hoặc đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. Trong trường hợp bạn có bệnh lý nền kèm theo, đặc biệt bệnh lý về chức năng gan, bệnh lý về rối loạn đông máu thì bạn vẫn cần đi khám trước khi sử dụng 2 loại thuốc này. 

    2. Điều trị viêm họng hạt bằng thảo dược 

    Ngoài cách dùng thuốc Tây để điều trị viêm họng hạt, bạn cũng có thể tham khảo cách chữa bệnh bằng thảo dược. Bạn có thể tham khảo một vài bài thuốc sau: 

    2.1. Chữa viêm họng bằng lá hẹ

    Lá hẹ là thảo dược có công dụng hỗ trợ giải độc, giúp khí huyết lưu thông, tiêu đờm, trị ho do viêm họng rất hiệu quả. Theo y học cổ truyền, hẹ có vị cay, ngọt, tính ấm, có tác dụng ôn trung, trợ vị khí, điều hòa tạng phủ, hạ nghịch khí, cố thận tinh, tán ứ huyết, giải độc, chống viêm, giảm đau, điều trị cảm mạo, ho khan, ho có đờm.

    Việc dùng hẹ để điều trị ho do viêm họng rất an toàn, phù hợp cho mọi đối tượng người bệnh. Nguyên liệu chuẩn bị và cách làm cũng rất đơn giản.

    Cách 1: hẹ hấp đường phèn

    Chuẩn bị 

    • 300 gram hẹ
    • 50 gram đường phèn

    Cách làm

    • Lá hẹ nhặt bỏ lá sâu, úa, rửa dưới vòi nước sạch rồi ngâm với nước muối loãng. Sau khoảng 5 phút, vớt hẹ ra, vẩy ráo, cắt thành từng khúc ngắn. 
    • Cho đường phèn vào phần hẹ vừa cắt rồi giã nhuyễn sao cho hai nguyên liệu trộn đều.
    • Cho hẹ và đường phèn vào chén rồi hấp cách thủy trong 10 – 15 phút.
    • Ăn cả phần nước và cái 2 đến 3 lần mỗi ngày. Bạn có thể thấy các triệu chứng của bệnh viêm họng hạt cải thiện sau 5 đến 6 ngày.

    Cách 2: Siro lá hẹ, húng chanh

    Chuẩn bị: Lá hẹ tươi, lá húng chanh tươi, gừng tươi, trái tắc tươi, đường phèn.

    Cách thực hiện: 

    • Bước 1: Rửa sạch  tất cả các nguyên liệu, cắt nhỏ, gừng bào vỏ thái lát.
    • Bước 2: Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi, đổ nước vừa đủ ngập nguyên liệu.
    • Bước 3: Đun lửa nhỏ khoảng 60 phút, sau đó vớt bã nguyên liệu ra. Tiếp tục đun cô đặc lại. 
    • Bước 4:  Tắt bếp, để nguội, bảo quản ngăn mát tủ lạnh. Mỗi lần uống khoảng 5- 15ml pha nước ấm, ngày 3 lần. 

    2.2. Chữa viêm họng bằng lá trầu không

    Theo Y học cổ truyền, Lá trầu không là một vị thuốc có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Quy kinh phế, vị, tỳ. Có tác dụng trung hành khí, khư phong tán hàn, tiêu thũng chỉ thống, hoá đàm, chống ngứa.

    Các nghiên cứu của Y học hiện đại cũng cho thấy rằng, các hoạt chất trong lá trầu không có thể kháng viêm, chống virus khá hiệu quả. Vậy nên, bạn có thể dùng lá trầu không để ức chế sự phát triển của tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, virus cúm…

    Cách 1: Sử dụng trầu không và muối

    Chuẩn bị 

    • 3 đến 4 lá trầu không
    • 1/4 thìa cà phê muối

    Cách làm

    • Rửa sạch lá trầu không rồi để ráo.
    • Đun sôi 500 ml nước rồi cho lá trầu không vào.
    • Tiếp đục đun sôi thêm 3 phút rồi tắt bếp.
    • Khi nước nguội, bạn cho thêm ít muối rồi dùng hỗn hợp nước này để súc họng trong ngày.

    Cách 2: Sử dụng trầu không và mật ong 

    Chuẩn bị: Lá trầu không và mật ong lượng vừa đủ.

    Cách làm:

    • Rửa sạch lá trầu không rồi để ráo.
    • Xay nhuyễn lá trầu không với nước và lọc lấy nước cốt.
    • Trộn thêm mật ong rồi ngậm thật lâu, nếu uống được thì càng tốt, sẽ giảm các kích thích gây đau họng, ho.

    2.3. Chữa viêm họng bằng mật ong chanh đào

    viêm họng hạt có nguy hiểm không

    Đây là bài thuốc rất phổ biến được các mẹ chuẩn bị cho gia đình mình mỗi khi thời tiết giao mùa, đặc biệt với gia đình nào có người già và trẻ nhỏ. Mùa thu hoạch chanh đào vào tháng 8-9 hàng năm, đây cũng trùng với mùa cuối thu đầu đông-thời điểm dễ mắc bệnh lý hô hấp nhất trong  năm. Mật ong có tính kháng khuẩn, kháng viêm, làm dịu niêm mạc họng và hỗ trợ tăng cường đề kháng rất tốt. Chanh đào lại giàu vitamin C, giúp giảm nhẹ tình trạng ho và đau rát cổ họng.

    Cách 1: chanh đào chưng mật ong

    Chuẩn bị

    • Chanh đào số lượng tùy ý
    • Mật ong

    Cách làm

    • Rửa sạch chanh đào, hong hoặc lau cho ráo rồi dùng dao sắc cắt chanh thành từng lát mỏng.
    • Xếp chanh vào thố có nắp đậy rồi cho thêm mật ong và đem đi hấp cách thủy trong 10 phút.
    • Dùng lát chanh để ngậm, lấy phần nước để pha uống hàng ngày.

    Cách 2: Chanh đào ngâm mật ong

    Ở cách này, bạn chuẩn bị thêm đường phèn để ngâm cùng chanh đào và mật ong. Theo y học cổ truyền, đường phèn cũng là vị thuốc có vị ngọt tính bình, có tác dụng tiêu đờm, làm giảm cơn đau rát họng khá nhanh.

    Chuẩn bị: 

    • Chanh đào tươi, chọn những quả đã già 1kg
    • Mật ong tự nhiên 1 lít
    • Đường phèn 0,5kg
    • Bình thủy tinh để ngâm chanh (chú ý rửa thật sạch và tiệt trùng bằng nước sôi, để ráo hết nước)

    Cách làm: 

    • Bước 1: Ngâm chanh đào trong nước muối pha loãng chừng 15 phút. Tiếp theo, vớt chanh và rửa lại với nước.
    • Bước 2: Phơi chanh đào dưới bóng mát hoặc bạn cũng có thể lấy khăn sạch lau khô từng trái chanh.
    • Bước 3: Dùng dao sắc thái chanh đào thành từng lát mỏng.
    • Bước 4: Phủ một lớp đường phèn xuống dưới đáy bình thủy tinh. Sau đó, xếp 2 đến 3 lớp chanh rồi lại lót 1 lớp đường, cứ làm như vậy đến khi gần đầy bình thủy tinh.
    • Bước 5: Cho mật ong vào lọ thủy tinh vừa xếp chanh và đường phèn một cách từ từ.
    • Bước 6: Đậy kín bình thủy tinh. Thường thì sau khoảng 3 tháng là bạn có thể sử dụng hỗn hợp chanh đào ngâm mật ong.

    Cách sử dụng nước chanh đào ngâm mật ong, đường phèn để điều trị họ cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần lấy nước ấm pha cùng vài thìa nước chanh đào ngâm mật ong là đã có một món nước uống ngon và có tác dụng điều trị bệnh viêm họng. 

    Một số lưu ý khi sử dụng nước chanh đào ngâm mật ong đường phèn: 

    • Bạn không nên sử dụng cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 1 tuổi và người có bệnh lý đái tháo đường. 
    • Người bệnh có bệnh lý viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản thì hạn chế uống lúc đói.

    2.4. Chữa viêm họng bằng vỏ quýt

    Vỏ quýt phơi khô (hay còn gọi trần bì) là một vị thuốc nổi tiếng của y học cổ truyền, có vị cay thơm tính ấm, quy kinh phế vị. Tác dụng kiện tỳ, lý khí, táo thấp, hóa đờm. Trần bì rất thường xuất hiện trong những bài thuốc có tác dụng chỉ khái hóa đàm, ích khí thăng đề.

    Vỏ quýt chứa các dưỡng chất có thể kích thích tiết đờm để đẩy chất nhầy này ra khỏi cơ thể, từ đó giảm nhẹ triệu chứng ho có đờm do viêm họng hạt. Trần bì còn có tác dụng làm giãn phế quản, hạ cơn hen; tác dụng kháng viêm, chống loét; có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của tụ cầu khuẩn. 

    Chuẩn bị

    • Vỏ quýt
    • Gừng tươi
    • Mật ong

    Cách làm

    • Rửa sạch vỏ quýt và gừng tươi rồi để ráo nước.
    • Vỏ quýt và gừng tươi thái sợi. 
    • Cho vỏ quýt, gừng tươi cùng mật ong vào thố có nắp đậy rồi đem hấp cách thủy trong 15 phút.
    • Khi hỗn hợp nguội, bạn có thể dùng cả phần nước và cái để cải thiện tình trạng viêm họng.

    Lưu ý khi sử dụng vỏ quýt điều trị ho:

    Chỉ nên dùng trần bì cho trường hợp ho có đờm, ho do ngoại cảm phong hàn. Trường hợp thực nhiệt, khí hư, ho khan do âm hư, không có thấp, không có đờm, không ứ trệ thì không nên dùng.

    2.5. Chữa viêm họng bằng hoa kinh giới

    Hoa kinh giới hay còn gọi là kinh giới tuệ có tính năng tiêu viêm, chống dị ứng, an thần và hạ nhiệt nên thường được dùng phối hợp với những loại thảo dược khác để điều trị viêm họng hạt. Theo y học cổ truyền, kinh giới tuệ có vị hơi chát, cay và mát, mùi thơm, cuống nhỏ, bông to, nhiều hoa là loài tốt. Kinh giới tuệ có tác dụng giải biểu tán hàn, chỉ khái, hóa đờm. Thông thường, để điều trị bệnh lý viêm họng hạt, các thầy thuốc Đông y sẽ phối hợp kinh giới tuệ và cát cánh, cam thảo để tăng tác dụng điều trị của bệnh.

    Chuẩn bị 

    • 10 gram hoa kinh giới 
    • 10 gram cát cánh
    • 3 gram cam thảo

    Cách làm

    • Rửa sạch các nguyên liệu rồi cho vào nồi sắc cùng với 500ml nước.
    • Sắc thuốc cho đến khi lượng nước chỉ còn khoảng một nửa thì dừng.
    • Chia thuốc là 2 phần để uống trước mỗi bữa ăn.

    Lưu ý

    Đối với bệnh nhân có sẵn bệnh nền là tăng huyết áp thì hạn chế sử dụng bài thuốc này do cam thảo gây tăng giữ nước và gây tăng huyết áp.

    2.6. Chữa viêm họng bằng khế chua

    viêm họng hạt có nguy hiểm không

    Khế chua có tính bình, giúp long đờm, tiêu viêm, lợi tiểu nên thường được dùng trong các bài thuốc chữa viêm họng cấp, viêm họng hạt kèm ho khan, ho có đờm…

    Chuẩn bị

    • Khế chua 500 gram
    • Muối

    Cách làm

    • Rửa sạch khế
    • Vắt/ép khế để lấy nước cốt rồi pha cùng muối.
    • Ngậm nước khế chua pha muối để giảm tình trạng đau rát họng.

    2.7. Chữa viêm họng bằng rau diếp cá

    Theo kinh nghiệm dân gian, rau diếp cá có vị chua cay, mùi tanh của cá, chứa các chất kháng khuẩn, kháng sinh mạnh có khả năng giải độc, thanh nhiệt, tiêu viêm… Diếp cá được dùng trị táo bón, trĩ, mụn nhọt, lở ngứa, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do nhiễm trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, kiết lỵ, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều.

    Chuẩn bị 

    • Diếp cá 300 gram 
    • Nước vo gạo 500 ml

    Cách làm

    • Rau diếp cá nhặt bỏ lá sâu già, rửa dưới vòi nước chảy rồi ngâm trong nước muối loãng, vớt ra, vẩy ráo.
    • Cho diếp cá vào máy xay rồi xay nhuyễn.
    • Nước vo gạo gạn lấy nước trong rồi đun sôi, cho diếp cá đã xay vào nấu chung.
    • Khi nước sôi, bạn tắt bếp và khuấy đều.
    • Lọc bỏ phần bã rồi uống 2 lần mỗi ngày.

    3. Hỗ trợ điều trị tại nhà 

    Ngoài việc dùng thuốc theo Tây y hay áp dụng cách chữa bệnh bằng thảo dược, bạn cũng có thể thử các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà để tăng tốc độ phục hồi như:

    • Nghỉ ngơi nhiều, giữ ấm vùng cổ họng.
    • Uống nhiều nước ấm, nước trái cây.
    • Dùng máy tạo độ ẩm nếu không khí quá khô
    • Dùng viên ngậm trị hoặc siro thảo dược đau họng để làm dịu cổ họng
    • Súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý 
    • Thay bàn chải đánh răng mới, vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
    • Uống trà hay nước chanh ấm. 
    • Tăng sức đề kháng bằng cách tập thể dục thường xuyên.

    Hello Bacsi tin rằng qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết này, bạn đã có được lời đáp rõ ràng cho thắc mắc viêm họng hạt có nguy hiểm không. Từ đó, có thể áp dụng các cách điều trị giúp giảm nhẹ triệu chứng, đẩy nhanh quá trình phục hồi để viêm họng hạt không còn là “một kẻ gây phiền toái”.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 27/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo