Vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) là tình trạng ngày càng phổ biến, gây tử vong cho 500.000 người trên thế giới mỗi năm, đặc biệt có tới một nửa số này là người trẻ dưới 50 tuổi. Vì vậy, hiểu rõ thông tin về bệnh, nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời là rất quan trọng.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Phình mạch não là một rối loạn mạch máu thần kinh thường gặp, gây ra bởi sự suy yếu của thành động mạch, phình ra dạng túi hoặc hình thoi chứa đầy máu.
Vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) là gì?
Vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) là tình trạng túi phình mạch não bị vỡ khiến máu thoát ra khỏi lòng mạch, tụ trong nhu mô não hoặc trong khoang dưới nhện, gây kích thích màng não và làm tổn thương các tế bào não. Bên cạnh đó, máu không thể lưu thông lên não được, khiến tế bào não bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng.
Vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) có nguy hiểm không?
Tình trạng này vô cùng nguy hiểm bởi có thể khiến người bệnh tử vong chỉ trong thời gian ngắn nếu không được cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) để lại những biến chứng nặng nề cho người bệnh như liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn thị lực, rối loạn vận động, thậm chí hôn mê kéo dài hay trở thành người thực vật…
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não)
Những triệu chứng của bệnh vỡ mạch máu não (vỡ phình mạch não) thường xảy ra đột ngột, không báo trước và với mức độ nghiêm trọng, bao gồm:
- Đau đầu đột ngột và dữ dội “cơn đau dữ dội nhất trong đời”
- Co giật
- Yếu nửa người hoặc tứ chi.
- Tê bì
- Gáy cứng
- Buồn nôn, ói mửa
- Nhìn mờ
- Nhìn đôi
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Nói khó hoặc thất ngôn
- Khó nuốt
- Mất thăng bằng
- Mất ý thức
- Lú lẫn, hôn mê
- Ngừng tim
Nguyên nhân
Nguyên nhân vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) là gì?
Nguyên nhân vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) không do chấn thương xuất phát từ các túi phình động mạch (thành động mạch não bị mỏng, yếu đi và phình ra). Túi này có thể vỡ ra dưới tác động của một số yếu tố, chẳng hạn như:
- Tăng huyết áp: Áp lực dòng máu cao tác động lên túi phình động mạch và khiến chúng vỡ ra.
- Túi phình mạch não kích thước lớn và khả năng đàn hồi, chịu áp lực kém, có thể khiến mạch máu bị vỡ ra. Hầu hết phình mạch máu não xảy ra ở người trẻ tuổi và rất ít triệu chứng. Nếu không cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong là rất cao.
- Dị dạng bẩm sinh ở mạch não thường gặp ở trẻ em, hoặc bất thường ở một hay nhiều chỗ nối giữa các tĩnh mạch và động mạch não.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác làm tăng nguy cơ vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) bao gồm: hút thuốc lá, lạm dụng ma túy hoặc rượu, di truyền, xơ vữa động mạch và thói quen sinh hoạt và ăn uống kém lành mạnh.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não)?
Khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu với nghi ngờ bị vỡ phình mạch não, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, đánh giá các triệu chứng, hỏi về các loại thuốc đang dùng và tiền sử bệnh nếu có để có thể đánh giá một cách chính xác và nhanh chóng.
Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sau đây sẽ giúp chẩn đoán chính xác hơn:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) là phương pháp chụp X-quang không xâm lấn để đánh giá các cấu trúc giải phẫu bên trong não và phát hiện khối máu tụ trong nhu mô não hoặc máu trong các khoang màng não.
- Chọc dò tủy sống là một thủ thuật xâm lấn, sử dụng một cây kim rỗng, chọc qua khe giữa mỏm gai các đốt sống thắt lưng thấp, vào khoang dưới nhện tủy để lấy dịch não tủy. Trong dịch não tủy có máu sẽ gợi ý tình trạng xuất huyết màng não.
- Chụp mạch máu não (CTA) sẽ giúp phát hiện ra các mạch máu bị phình vỡ hoặc đánh giá tình trạng xơ vữa động mạch.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một xét nghiệm không xâm lấn sử dụng từ trường và sóng tần số vô tuyến để cung cấp cái nhìn chi tiết về nhu mô não và đồng thời đánh giá các mạch máu.
Những phương pháp vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não)
Tiên lượng vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) phụ thuộc vào tình trạng người bệnh, vị trí túi phình, tình trạng chảy máu và điều trị kịp thời hay không. Vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) gây nguy cơ tử vong rất cao, tuy nhiên, nếu nhận biết kịp thời các triệu chứng và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu ngay lập tức sẽ hạn chế tổn thương cho các tế bào não, tăng khả năng phục hồi sau điều trị.
Điều trị nhằm mục đích cứu sống, giảm thiểu triệu chứng, sửa chữa mạch máu bị đứt vỡ và đang chảy máu, đồng thời ngăn ngừa biến chứng. Trong 10 đến 14 ngày, sau khi túi phình mạch máu não bị vỡ, bệnh nhân sẽ nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, nơi các bác sĩ và y tá có thể theo dõi chặt chẽ các triệu chứng và tiến hành điều trị.
Tùy theo vị trí và kích thước túi phình, tình trạng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhằm mục đích sửa chữa túi phình mạch não để dự phòng vỡ phình mạch não tái phát. Có 2 phương pháp điều trị vỡ phình mạch máu não phổ biến hiện nay là phẫu thuật và can thiệp mạch.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được điều trị nội khoa nhằm ổn định tình trạng bệnh nhân và hạn chế cũng như điều trị các triệu chứng và biến chứng có thể gặp.
Thuốc men
Một số loại thuốc có thể được kê đơn cho bệnh nhân bị vỡ mạch máu não bao gồm: thuốc giảm đau để giảm nhẹ triệu chứng đau đầu, thuốc chống động kinh để kiểm soát cơn co giật, thuốc kiểm soát huyết áp để giảm chảy máu thêm trong não và kiểm soát áp lực nội sọ.
Phẫu thuật
Tùy vào vị trí và kích thước mà mạch máu não bị vỡ, cũng như tuổi tác, tình trạng sức khỏe và khả năng phục hồi của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án phẫu thuật phù hợp.
Tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ có thể cần phải chỉ định phẫu thuật gấp trong vòng 24-72 giờ đầu sau khi mạch máu não bị vỡ.
Các loại phẫu thuật giúp điều trị vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não) bao gồm:
- Phẫu thuật mở hộp sọ: Bác sĩ sẽ cắt xương sọ để mở một lỗ nhỏ trên hộp sọ, để xác định vị trí của túi phình mạch máu não bị vỡ. Bác sĩ sẽ dùng kẹp titan nhỏ gắn vào cổ của túi phình nhằm để máu lưu thông theo lòng mạch mà không chảy vào túi phình nữa. Kẹp này sẽ cố định trong não bệnh nhân đến suốt đời.
- Bắc cầu động mạch não: Nếu túi phình quá lớn và không thể tiếp cận được, hoặc động mạch bị tổn thương quá nhiều, bác sĩ sẽ cân nhắc làm phẫu thuật bắc cầu. Đầu tiên, bệnh nhân cần được mở hộp sọ, dùng kẹp làm tắc động mạch và túi phình. Sau đó, bác sĩ sử dụng một đoạn mạch nhỏ (thường lấy từ chân bệnh nhân) để nối tắt qua đoạn động mạch đã vỡ, tạo đường đi mới cho máu. Mạch máu thay thế này cũng có thể được tách từ động mạch thái dương.
Can thiệp mạch não
- Nút coil: Một ống thông được đưa vào động mạch ở bẹn và sau đó đi qua các mạch máu trong não, tới túi phình bị vỡ. Thông qua ống thông, bác sĩ sẽ đưa các cuộn dây hoặc keo bạch kim vào lấp đầy túi phình, làm giảm nguy cơ vỡ phình mạch tái phát.
- Đặt stent mạch não: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ đặt stent trong lòng mạch máu qua túi phình mạch não, tạo giá đỡ trong lòng mạch và túi phình mạch não sẽ bị bít tắc.
Ngoài ra, sau 5 – 10 ngày bị vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não), 70% bệnh nhân có thể bị co thắt mạch với các triệu chứng như yếu nửa người, lú lẫn, buồn ngủ hoặc bồn chồn. Co thắt mạch có thể làm hẹp động mạch và giảm lưu lượng máu đến vùng não mà động mạch nuôi dưỡng. Để dự phòng co thắt mạch, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc dự phòng co thắt mạch nimodipine, truyền dịch và theo dõi lâm sàng. Nếu tình trạng co thắt mạch nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được tiêm thuốc trực tiếp vào động mạch để làm giãn mạch máu co thắt.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng vỡ phình mạch não (vỡ mạch máu não). Tóm lại, khả năng phục hồi của bệnh nhân còn tùy thuộc vào mức độ vùng não bị thương tổn và việc kịp thời điều trị càng sớm càng tốt.
[embed-health-tool-bmi]