Theo dõi, phòng ngừa đột quỵ tái phát là việc vô cùng quan trọng và sẽ kéo dài nhiều năm, thậm chí suốt đời ở những người từng bị đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua.
Theo số liệu ghi nhận từ Trung tâm đột quỵ Bệnh viện 115, số ca nhồi máu não chiếm tỷ lệ cao nhất (85%) trong tổng số các ca nhập viện do đột quỵ, có xu hướng tăng dần qua các năm và đang dần trẻ hoá. Ở Việt Nam, mỗi năm có thêm 200.000 ca mắc mới đột quỵ và 11.000 ca tử vong vì đột quỵ [1]. Nguy hiểm hơn, những người từng bị đột quỵ sẽ gia tăng nguy cơ tái phát một cơn đột quỵ khác [2].
Thế nên, việc dự phòng đột quỵ tái phát rất quan trọng. Đây là biện pháp tối ưu hóa điều trị các yếu tố nguy cơ để giảm thiểu khả năng tái phát đột quỵ não cũng như các biến cố tim mạch và mạch máu nghiêm trọng khác như nhồi máu cơ tim, tắc mạch hoặc tử vong [3]. Để phòng ngừa tốt, người bệnh đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua nhất định phải tuân thủ điều trị như chia sẻ từ bác sĩ trong video sau đây:
Các yếu tố nguy cơ gây tăng nguy cơ tái phát đột quỵ
Nguy cơ tái phát đột quỵ ngoài điều trị trong 5 năm là 25% ở những người từng bị đột quỵ thiếu máu não và thiếu máu não thoáng qua. Tỷ lệ tái phát trên những bệnh nhân này chủ yếu xuất hiện trong giai đoạn sớm: 10% ở tuần đầu tiên, 15% trong 1 tháng và 18% trong 3 tháng [3]. Đặc biệt, nguy cơ xuất hiện đột quỵ trong vòng 90 ngày sau cơn thiếu máu não thoáng qua lên đến 17%, với nguy cơ cao nhất ở tuần đầu tiên [2].
Để phòng ngừa tái phát, bạn cần biết về các yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân tiềm ẩn gây ra đột quỵ. Trong đó, bên cạnh một số yếu tố không thể thay đổi (như tuổi, giới tính, tiền sử bệnh gia đình và cá nhân, yếu tố di truyền, từng bị đột quỵ hay cơn thoáng thiếu máu não hoặc nhồi máu cơ tim) thì vẫn có nhiều yếu tố có thể kiểm soát, điều chỉnh và thay đổi được để ngăn ngừa đột quỵ tái phát như [4]:
- Hút thuốc lá
- Ít vận động thể chất
- Thừa cân, béo phì
- Lạm dụng rượu bia
- Sử dụng chất kích thích trái phép
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Rối loạn lipid máu
- Bệnh động mạch cảnh hoặc các bệnh động mạch khác
- Rung nhĩ hoặc các bệnh van tim
- Chứng ngưng thở khi ngủ.
Việc tập trung quản lý các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được sẽ góp phần giúp việc phòng ngừa tái phát đột quỵ hiệu quả hơn [5]. Bên cạnh đó, việc điều trị phòng ngừa tái phát đột quỵ cũng cần nhắm đến những mục tiêu và đạt được càng nhiều mục tiêu điều trị thì sẽ giúp gia tăng khả năng phòng ngừa tái phát.
Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ tái phát?
Trong điều trị dự phòng đột quỵ tái phát, việc quản lý các yếu tố nguy cơ mạch máu như điều trị các bệnh lý đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, cai thuốc lá là cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, việc thay đổi các yếu tố về lối sống như chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất cũng được khuyến khích thực hiện để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ [5].
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
Liệu pháp chống huyết khối bao gồm sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu và thuốc kháng đông được khuyến cáo cho hầu hết bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não không có chống chỉ định với các thuốc này [5].
Tuân thủ điều trị là “chìa khóa vàng” giúp bảo vệ người bệnh từng bị đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua, nhất là trong khoảng thời gian 90 ngày sau khi trải qua cơn đột quỵ hoặc TIA. Do đó, khi được chỉ định sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu hoặc bất cứ loại thuốc nào khác (như thuốc kiểm soát huyết áp, cholesterol), người bệnh cần dùng đúng theo hướng dẫn và không được bỏ liều. Bởi việc không uống thuốc theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ tái phát và rủi ro bị tác dụng phụ nếu sử dụng quá liều [6].
Trường hợp, trong quá trình dùng thuốc, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào thì cần trao đổi ngay với bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngưng dùng thuốc [7]. Đồng thời, người bệnh cũng cần đi tái khám định kỳ đầy đủ, đúng hẹn theo lịch.
Thay đổi lối sống
Bạn có thể góp phần thay đổi nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ bằng việc thay đổi những thói quen sống mỗi ngày như: [4], [5]
- Không hút thuốc lá hoặc các dạng thuốc lá điện tử, cũng như tránh hút thuốc thụ động.
- Nếu có thể nên tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, trải đều các ngày trong tuần.
- Hoạt động thể chất thường xuyên giúp kiểm soát nồng độ cholesterol, cân nặng, bệnh đái tháo đường, đồng thời giảm huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với tim mạch như hạn chế muối, chất béo bão hòa và chuyển hóa, thịt đỏ… Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, dầu thực vật, các loại đậu, hạt không chế biến sẵn. Nếu muốn giảm cân, bạn cần tính toán để lượng calories nạp vào ít hơn mức đốt cháy.
- Hạn chế uống rượu bia, tốt nhất không nên uống.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ về mạch máu có thể điều trị
Kiểm soát huyết áp tốt có thể làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ đến 28%. Huyết áp mục tiêu cần đạt là dưới 140/90 mmHg, với nhóm bệnh nhân nguy cơ cao là dưới 130/80 mmHg [3], [5].
Giảm nồng độ cholesterol trong máu có khả năng ngăn ngừa các biến cố tim mạch, bao gồm cả đột quỵ. Kiểm soát tốt tình trạng tăng cholesterol máu giúp giảm 16% nguy cơ tái phát đột quỵ và mức LDL cholesterol mục tiêu là dưới 70-100 mg/dL [3], [5].
Các bệnh nhân đột quỵ não đều cần được sàng lọc và phát hiện đái tháo đường. [3] Tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2 đều có liên quan đến nguy cơ tái phát đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Để ngăn ngừa sự tiến triển của tiền đái tháo đường cũng như kiểm soát bệnh đái tháo đường típ 2, người bệnh cần duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và sử dụng một số thuốc theo chỉ định. [5]
Hiểu rõ các biểu hiện đột quỵ để có cách xử lý kịp thời
Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là 4.5 giờ đối với điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối và 24 giờ với can thiệp nội mạch [8]. Tuy nhiên, điều trị càng sớm khi số lượng tế bào não bị chết chưa nhiều sẽ có kết cục càng hiệu quả và ít biến chứng. Vì thế, sớm nhận diện được các biểu hiện đột quỵ là vô cùng cần thiết [1]. Dấu hiệu, triệu chứng đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột và không phải ai cũng đều có tất cả các biểu hiện. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ là đột quỵ, bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức: [4], [9]
- Bị tê hoặc yếu/ liệt ở mặt, tay hoặc chân, thường xảy ra ở một nửa bên cơ thể
- Khó nói, nói lẫn lộn, lú lẫn, không hiểu được người khác nói gì
- Méo miệng, miệng bị mất cân đối hoặc khi cười/nhe răng bị bất thường
- Giảm thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai mắt
- Mất thăng bằng hoặc phối hợp tay chân, chóng mặt, khó đi lại bình thường
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
Đột quỵ não là tình trạng cấp cứu cần được can thiệp y khoa càng sớm càng tốt [4]. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cũng như tàn phế, kéo theo nhiều hậu quả về kinh tế xã hội cho gia đình, người thân và xã hội. Vì vậy, những người từng bị đột quỵ cần tái khám thường xuyên và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đột quỵ tái phát gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng [3].
Để tìm hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị cũng như các giải giáp các câu hỏi liên quan đến đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua thì mời bạn xem thêm chương trình tư vấn cùng Ths Bs. Thái Huy (khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) trong video dưới đây: