backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 27/07/2023

    Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua

    Biết cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến khả năng phục hồi của người bệnh. Vì vậy, gia đình, người thân hoặc người chăm sóc cần lưu ý một số vấn đề giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

    Cần lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua như thế nào và lưu ý những gì? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây.

    Tuân thủ điều trị đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua

    Sau điều trị đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, người bệnh vẫn có nguy cơ cao tái phát đột quỵ. Cụ thể [8]:

    • Cứ khoảng 4 người sống sót sau đột quỵ thì lại có 1 người tái đột quỵ trong 5 năm
    • Với bệnh nhân vừa trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hay đột quỵ nhẹ, tỷ lệ mắc đột quỵ trong vòng 90 ngày có thể lên tới 17%, cao nhất ở tuần đầu tiên.

    Vì thế, khi chăm sóc người bệnh đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, người thân, gia đình hoặc người chăm sóc cần đảm bảo người bệnh tuân thủ điều trị và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để dự phòng nguy cơ tái phát đột quỵ trong tương lai [1], [8].

    Thông thường, dựa trên các nhóm yếu tố nguy cơ mà bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau để dự phòng tái phát đột quỵ như [9], [12]:

    • Thuốc kháng kết tập tiểu cầu
    • Thuốc chống đông máu
    • Thuốc kiểm soát huyết áp
    • Thuốc kiểm soát cholesterol

    Trong đó, sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu là một trong những điều trị quan trọng giúp dự phòng đột quỵ tái phát [10]. Thuốc kháng kết tập tiểu cầu là nhóm thuốc có tác dụng ức chế khả năng kết dính của tiểu cầu, từ đó giảm hình thành cục máu đông trong lòng mạch [11]. Nhóm thuốc này được chỉ định để ngăn ngừa đột quỵ thứ phát, ngoài ra, việc sử dụng cũng có thể giúp phòng tránh các biến cố do huyết khối xơ vữa động mạch (tình trạng có thể gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim và dẫn đến tử vong) [10], [13].

    Khi được chỉ định sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu hoặc bất cứ loại thuốc nào khác (như thuốc kiểm soát huyết áp, cholesterol), người chăm sóc cần cho người bệnh dùng đúng theo hướng dẫn và không được bỏ liều. Bởi việc không uống thuốc theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ là một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ tái phát. Không những vậy, dù thấy sức khỏe của người bệnh đã tốt hơn thì việc dùng thuốc cũng cần phải được duy trì và không được dừng lại cho đến khi bác sĩ cho phép [14].

    Trong quá trình dùng thuốc, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào, gia đình, người thân hoặc người chăm sóc cần trao đổi ngay với bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngưng dùng thuốc [2]. Đồng thời, cần đảm bảo người bệnh đi tái khám định kỳ đầy đủ, đúng hẹn theo lịch [1].

    Để hiểu rõ hơn về cách chăm sóc và các loại thuốc giúp người mắc đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua phòng ngừa đột quỵ thứ phát, bạn có thể tham khảo thêm các chia sẻ từ Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

    Chú ý đến yếu tố tâm lý khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ

    Đột quỵ không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn tác động đến cả tinh thần của người bệnh [4]. Sau đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, người bệnh có thể hay quên, lơ đễnh, khó chịu hoặc cũng có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, cáu kỉnh, tức giận, buồn bã, lo lắng hoặc nghiêm trọng hơn là trầm cảm [5].

    Vì vậy, khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, người thân, gia đình hoặc người chăm sóc nên chú ý quan tâm đến các thay đổi về hành vi, tâm lý của người bệnh. Nếu người bệnh thường xuyên có các biểu hiện như buồn, lo lắng, chán nản, khó ngủ hoặc nghiêm trọng hơn là có cảm giác tuyệt vọng, tội lỗi, cảm giác bản thân là một gánh nặng, có ý nghĩ về cái chết… thì nên đưa người bệnh đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách can thiệp kịp thời [5].

    Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, để giúp người bệnh tránh gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần thì người nhà, gia đình hoặc người chăm sóc cũng nên [15]:

  • Kiên nhẫn: Cho phép người bệnh làm hoặc nói những điều mình muốn theo cách riêng của họ. Đồng thời, cho người bệnh không gian, thời gian để luyện tập, thích nghi với những thay đổi.
  • Tôn trọng: Sau đột quỵ, người bệnh có thể cảm thấy yếu ớt nhưng hãy để họ tự quyết định mọi việc khi có thể.
  • Đồng cảm: Đột quỵ có thể khiến cuộc sống của người bệnh bị “xáo trộn” và việc thích nghi với những thay đổi này có thể khiến người bệnh có cảm giác đau buồn, tức giận, lo lắng. Do đó, hãy cho phép người bệnh được bày tỏ, chia sẻ cảm xúc của mình.
  • Tích cực: Quá trình phục hồi sau đột quỵ có thể mất nhiều thời gian. Trong quá trình chăm sóc, gia đình, người thân hoặc người chăm sóc hãy cố gắng trấn an, động viên người bệnh [20].
  • Bên cạnh đó, gia đình, người thân cũng nên khuyến khích người bệnh làm những việc mình thích như đọc sách, nghe nhạc, đi dạo với bạn bè… hoặc tham gia các hội nhóm, diễn đàn hỗ trợ để nâng cao sức khỏe tinh thần[15].

    Khuyến khích người bệnh vận động

    Khi chăm sóc người bệnh sau đột quỵ, việc khuyến khích người bệnh vận động cũng đóng vai trò rất quan trọng. Gia đình, người thân hoặc người chăm sóc nên khuyến khích người bệnh vận động, tập thể dục từ 20 đến 60 phút mỗi ngày với các bài tập aerobic như đi bộ, đạp xe, chạy…; các bài tập giúp tăng sức mạnh, chẳng hạn như nâng tạ nhẹ; các bài tập giúp cải thiện khả năng thăng bằng… [16].

    Một số trường hợp sau đột quỵ, người bệnh sẽ cần đến liệu pháp phục hồi chức năng nếu chức năng thể chất bị suy giảm, chẳng hạn như gặp khó khăn trong vận động, mất thăng bằng dẫn đến té ngã, chóng mặt, không thể tự chăm sóc bản thân hay thực hiện các hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày [1]. Với những trường hợp này, người chăm sóc sẽ cần trao đổi với bác sĩ để biết được đâu là chương trình tập phục hồi chức năng phù hợp cho người bệnh.

    Lưu ý về chế độ ăn uống đối với người đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua

    Hạn chế các vấn đề nhai nuốt khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ

    Khi chăm sóc người bệnh đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, gia đình, người thân hoặc người chăm sóc cần xây dựng cho người bệnh một chế độ ăn khoa học, lành mạnh, cân bằng [17], [18], [19]:

    • Ăn ít nhất năm phần trái cây và rau quả mỗi ngày. Mỗi phần tương đương khoảng 80g. Người chăm sóc có thể lựa chọn các loại trái cây, rau củ nhiều màu sắc như rau lá xanh, cà rốt, ớt chuông, táo, mận….
    • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa như các thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh… Thay vào đó nên ăn nhiều các thực phẩm chứa chất béo “tốt” như các loại cá béo, quả bơ, dầu oliu…
    • Ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả tươi và các loại ngũ cốc nguyên hạt
    • Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường
    • Cắt giảm lượng muối dùng trong các bữa ăn hàng ngày vì tiêu thụ nhiều muối có thể gây tăng huyết áp.

    Trường hợp sau đột quỵ, người bệnh chưa thể nhai nuốt một cách an toàn, người chăm sóc nên cho họ ăn các loại thức ăn mềm hoặc đã xay nhuyễn. Bạn không được để thức ăn quá nóng và nên kiểm tra kỹ trước khi cho bệnh nhân ăn. Ngoài ra, thay vì ăn 3 bữa chính, bạn có thể cho người bệnh ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày [6]. Với bệnh nhân đặt ống thông dạ dày, phải cho ăn uống đúng cách dưới sự hướng dẫn của người có chuyên môn [3].

    Chăm sóc vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân đột quỵ

    Nếu người bệnh không thể tự vệ sinh cá nhân thì người chăm sóc cần hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh sạch sẽ cơ thể hàng ngày, đặc biệt là vùng sinh dục và hậu môn [3]. Ngoài ra, người chăm sóc cũng đừng quên việc chăm sóc răng miệng, cạo râu và cắt móng tay, móng chân cho người bệnh thường xuyên [7].

    Trong trường hợp bệnh nhân phải đặt ống nuôi ăn hoặc các ống dẫn lưu khác thì người chăm sóc cũng nên vệ sinh kỹ lưỡng những khu vực này để tránh tình trạng nhiễm khuẩn. Ngoài ra, sau mỗi lần bệnh nhân đi đại tiện hoặc tiểu tiện cũng nên vệ sinh sạch sẽ để phòng ngừa viêm nhiễm [3].

    Hy vọng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua. Hãy nhớ rằng, để giúp người bị đột quỵ phục hồi tốt thì việc chăm sóc và động viên tinh thần từ những người xung quanh là vô cùng quan trọng.

    Bạn có thể tham khảo thêm thông tin đầy đủ hơn về cách chăm sóc người bệnh đột quỵ thông qua sự chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM qua video sau:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 27/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo