Khi già đi theo thời gian, các khớp xương cũng bị lão hóa và mài mòn. Trong số đó, mặc dù thoái hóa khớp vai không phổ biến như thoái hóa khớp gối nhưng ước tính ở những người trên 60 tuổi, cứ 3 người thì sẽ có 1 người mắc phải bệnh lý xương khớp này.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật có thể can thiệp làm chậm và ngăn chặn quá trình thoái hóa khớp vai. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về tình trạng này để nắm rõ cách điều trị nhé!
Tìm hiểu chung
Thoái hóa khớp vai là gì?
Vai được tạo thành từ hai khớp, khớp acromioclavicular (AC) và khớp glenohumeral. Khớp AC là điểm nối giữa xương đòn với xương bả vai. Khớp glenohumeral là điểm nối giữa đỉnh xương cánh tay và xương bả vai. Thoái hóa khớp (viêm xương khớp) thường xảy ra ở khớp AC hơn.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Viêm gân vai vôi hóa
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng thoái hóa khớp vai là gì?
Tương tự với các loại viêm khớp, triệu chứng chính của thoái hóa khớp vai là đau. Bạn có thể cảm thấy đau trong hoặc sau khi di chuyển vai. Một số người cũng có thể đau khi nằm ngủ.
Một dấu hiệu khác của tình trạng này chính là phạm vi chuyển động vai bị hạn chế. Bạn có thể nhận biết triệu chứng này khi cố di chuyển cánh tay. Ngoài ra, khi vai di chuyển cũng có thể tạo ra những tiếng ồn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp vai là gì?
Các chuyên gia ước tính có tới 90% người bị viêm khớp sẽ có một hoặc hai yếu tố sau đây:
- Chấn thương khớp vai. Xương gãy, trật khớp (khi đầu xương cánh tay trật ra khỏi ổ cắm), chấn thương hoặc phẫu thuật nghiêm trọng có thể gây tổn thương khớp vai. Các tổn thương cuối cùng có thể dẫn đến viêm xương khớp vai. Các triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến nhiều năm sau chấn thương.
- Căng khớp vai và chấn thương mãn tính. Những người có công việc hoặc thói quen sử dụng vai nhiều như khuân vác đồ nặng, vận động viên bóng rổ… có thể gặp phải chấn thương nhỏ ở khớp vai. Những chấn thương nhỏ này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển viêm xương khớp vai.
- Tuổi cao. Thoái hóa khớp vai thường ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi. Tỷ lệ viêm xương khớp có triệu chứng tăng theo tuổi vì theo thời gian các khớp vai bị hao mòn khiến sụn mỏng và trở nên kém linh hoạt.
- Khiếm khuyết bẩm sinh. Cấu trúc xương yếu cũng làm cho một số người dễ bị trật khớp vai, có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp.
- Viêm khớp tự miễn hoặc bệnh khác. Viêm khớp tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, có tiền sử bệnh gout, viêm khớp nhiễm trùng hoặc rối loạn chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ viêm xương khớp vai.
- Giới tính. Viêm khớp glenohumeral phổ biến hơn ở phụ nữ.
- Béo phì. Mặc dù vai không phải là khớp chịu trọng lượng, nghiên cứu cho thấy những người thừa cân có nhiều khả năng bị viêm khớp vai. Béo phì có liên quan đến viêm toàn thân cấp thấp, có thể góp phần vào sự phát triển của viêm xương khớp.
- Di truyền. Tương tự như chiều cao và màu tóc, khả năng một người bị viêm xương khớp vai cũng liên quan đến di truyền. Mặc dù chưa xác định được mức độ chính xác của các yếu tố di truyền, nhưng người có thành viên trong gia đình bị viêm khớp sẽ có nguy cơ cao hơn mắc tình trạng này.
Một người không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào ở trên vẫn có thể bị viêm khớp vai. Tương tự như vậy, một số người có tất cả các yếu tố trên vẫn có thể không mắc viêm khớp.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán thoái hóa khớp vai?
Để chẩn đoán chính xác thoái hóa khớp vai, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh, kiểm tra thể chất và nếu cần thiết, yêu cầu là xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm y tế.
Quá trình chẩn đoán có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây đau vai, như viêm bao hoạt dịch vai, hội chứng chạm mỏm cùng vai, đông cứng vai và rách rotator cuff.
Đặt câu hỏi để tìm hiểu vấn đề
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh mô tả công việc, hoạt động hàng ngày, thói quen của mình và tiền sử chấn thương vai. Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu họ diễn tả các triệu chứng ở vai, đặc tính cơn đau, giới hạn phạm vi chuyển động, cũng như điều gì làm cho các triệu chứng tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Việc miêu tả rõ các triệu chứng rất quan trọng để chẩn đoán và điều trị.
Khám sức khỏe
Bác sĩ sẽ kiểm tra vai bệnh nhân để nhận thấy bất kỳ dấu hiệu chấn thương nào trước đó, vị trí đau và yếu cơ.
Họ cũng có thể tìm kiếm các vấn đề ở các khớp khác như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gout. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được kiểm tra các vấn đề ở cổ, lưng, khuỷu tay và các khớp khác có thể gây ra đau ở vai.
Việc hỏi và khám thực thể có thể cung cấp cho bác sĩ đủ thông tin để chẩn đoán viêm khớp vai. Trong các trường hợp khác, bạn sẽ cần làm thêm xét nghiệm để loại trừ các vấn đề khác có thể xảy ra.
Xét nghiệm hình ảnh
Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm hình ảnh để đánh giá mức độ nghiêm trọng của viêm khớp vai và để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây đau.
- X-quang. X-quang có thể cho thấy khoảng trống giữa đầu xương cánh tay và ổ cắm. X-quang cũng có thể cho thấy gai xương và các dị tật khác của đầu cánh tay.
- MRI. Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể cung cấp hình ảnh chi tiết các mô mềm vai (dây chằng, gân và cơ) cũng như xương. MRI sẽ cho thấy một rách sụn viền cổ chảo, một nguyên nhân gây đau vai thường xuyên. Bác sĩ thường chỉ định chụp MRI khi kết quả X-quang không cho thấy dấu hiệu thoái hóa khớp.
- Chụp CT. Chụp cắt lớp vi tính (CT) giúp bác sĩ xem các cấu trúc bên trong cơ thể. Kỹ thuật này cung cấp một cái nhìn chi tiết hơn về vai so với chụp X-quang. Chụp CT có thể giúp bác sĩ hình dung ổ cắm vai, các bề mặt khớp khác và xác định các khiếm khuyết xương có thể ảnh hưởng đến phẫu thuật.
- Siêu âm. Giống như MRI, siêu âm có thể cho thấy tổn thương đối với các mô mềm, chẳng hạn như rotator cuff. MRI tạo ra hình ảnh chi tiết hơn siêu âm. Tuy nhiên, trong một kiểm tra siêu âm, người bệnh có thể được yêu cầu xoay vai để bác sĩ xem các chuyển động mạnh ảnh hưởng đến mô vai như thế nào.
Xét nghiệm y khoa
Các xét nghiệm y khoa, xét nghiệm máu hoặc chọc hút dịch khớp, giúp loại trừ các tình trạng khác có thể gây đau vai, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, nhiễm trùng hoặc bệnh gout.
Sau khi chẩn đoán thoái hóa khớp vai, bác sĩ sẽ đưa ra chiến lược điều trị.
Những phương pháp nào giúp điều trị thoái hóa khớp vai?
Các phương pháp điều trị ban đầu cho viêm xương khớp vai bao gồm:
- Để khớp nghỉ ngơi. Bạn cần phải thay đổi cách di chuyển cánh tay trong khi thực hiện các hoạt động hàng ngày. Ví dụ, bạn nên mặc quần áo có dây kéo thay vì quần áo trùm qua đầu hoặc nhờ người sấy tóc thay vì cầm máy trong thời gian dài.
- Dùng thuốc chống viêm không steroid không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc aspirin. Những loại thuốc này sẽ làm giảm viêm và đau. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước vì những thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng lên đường tiêu hóa và tim mạch.
- Tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ. Vật lý trị liệu sẽ giúp tăng tính linh hoạt của khớp vai.
- Chườm ấm.
- Chườm đá lên vai. Đá đặt trong khăn sạch và chườm trong 20 phút hai hoặc ba lần một ngày để giảm viêm và đau.
- Sử dụng các loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ, như tiêm corticosteroid.
- Uống bổ sung glucosamine và chondroitin. Bạn nên thảo luận về việc sử dụng chúng với bác sĩ vì các chất bổ sung có thể tương tác với các loại thuốc khác.
Nếu phương pháp điều trị không phẫu thuật không hiệu quả, bạn sẽ cần làm phẫu thuật. Như các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật khớp vai cũng có những rủi ro nhất định, bao gồm nhiễm trùng hoặc các vấn đề với gây mê. Phương pháp điều trị phẫu thuật bao gồm:
- Thay khớp vai. Thay thế toàn bộ khớp vai bằng khớp nhân tạo thường được thực hiện để điều trị viêm khớp ở khớp glenohumeral.
- Thay thế đầu xương cánh tay hoặc cánh tay trên. Phương pháp này cũng được sử dụng để điều trị viêm khớp ở khớp glenohumeral.
- Cắt bỏ một mảnh nhỏ của phần cuối xương đòn (cắt bỏ khớp). Đây là phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị viêm khớp khớp AC và các vấn đề về rotator cuff liên quan.
[embed-health-tool-bmi]