backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Phác đồ điều trị gout và những cập nhật trong điều trị gout

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh · Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 28/08/2023

    Phác đồ điều trị gout và những cập nhật trong điều trị gout

    Bệnh gout là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt gout cấp (hay còn gọi là viêm khớp cấp), có sự lắng đọng tinh thể natri urat trong mô và gây tăng acid uric máu. Vậy, cần làm gì để giảm đau trong các cơn gout cấp hay phương pháp điều trị gout mới nhất là gì? Hãy cùng tìm hiểu phác đồ điều trị gout mới nhất và những thuốc mới điều trị bệnh gout với Hello Bacsi nhé!

    Gout là bệnh viêm khớp do sự lắng đọng vi tinh thể. Bệnh đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, và dần dần trở thành bệnh khớp mạn tính. Nguyên nhân của bệnh là do rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng acid uric và lắng đọng tinh thể muối urat natri tại khớp và các mô trong cơ thể.

    Nguyên tắc chung trong phác đồ điều trị gout 

    Phác đồ điều trị gout tập trung vào hai vấn đề. Đó là: 

    • Giảm đau và giảm viêm trong các cơn viêm khớp cấp. 
    • Dự phòng các biến chứng của bệnh bằng cách hạ acid uric máu. 

    Nguyên tắc điều trị là điều trị liên tục, lâu dài và toàn diện, kết hợp ngay từ đầu giữa điều trị và phòng bệnh, đảm bảo các mục tiêu sau:

    • Điều trị triệu chứng: khống chế các đợt viêm khớp gout cấp.
    • Giảm và duy trì acid uric máu về mục tiêu.
    • Điều trị các bệnh lý kèm theo (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì).

    Điều trị cụ thể

    Dựa trên cơ sở các nguyên tắc chung này, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị gout cụ thể cho từng đối tượng bệnh nhân. Cơ bản bao gồm:

    Điều trị nội khoa

    Đơn thuốc điều trị gout cấp trong phác đồ điều trị gout 

    phác đồ điều trị gout cấp colchicine

  • Colchicin hiệu quả trong chống viêm, giảm đau gout cấp và mạn tính. Tuy nhiên, khi dùng colchicin trong phác đồ điều trị gout cấp, cần lưu ý không nên dùng liều cao vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. 
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) với các lựa chọn thuốc không cần kê đơn như ibuprofen và naproxen hay các NSAIDs mạnh hơn và cần đơn thuốc từ bác sĩ như indomethacin hoặc celecoxib. Lưu ý: Nhóm này thuốc này chống chỉ định với người bị viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận. NSAIDs có thể dùng đơn trị liệu hoặc kết hợp colchicin trong phác đồ điều trị gout. 
  • Corticoid được chỉ định để làm giảm viêm và đau trong phác đồ điều trị gout. Thuốc có thể dùng đường uống cho tác dụng toàn thân nhưng thường chỉ được dùng ngắn ngày và trong trường hợp các thuốc trên không đáp ứng điều trị. Ngoài ra còn có thể dùng corticoid tại chỗ (tiêm vào khớp bị ảnh hưởng). 
  • Thuốc dự phòng biến chứng trong phác đồ điều trị gout

    • Thuốc ức chế tổng hợp acid uric (Allopurinol và Febuxostat) giúp cơ thể giảm sản sinh ra acid uric. Đây không phải là nhóm thuốc được chỉ định cho các trường hợp gout cấp mà nên được dùng khi tình trạng viêm khớp đã thuyên giảm, sau 1-2 tuần sử dụng colchicin.  
    • Thuốc tăng thải acid uric như probenecid được chỉ định trong phác đồ điều trị gout giúp cải thiện khả năng loại bỏ acid uric ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, probenecid có thể gây ra các tác dụng đáng chú ý như đau dạ dày và sỏi thận. 
    • Pegloticase là một loại porcine uricase – enzym chuyển đổi urat kém tan sang dạng dễ tan hơn để bài tiết qua nước tiểu, được FDA chấp thuận trong điều trị gout khi các thuốc hạ acid uric thông thường không đạt được hiệu quả.
    • Các thực phẩm chức năng, thuốc đông y hay thuốc nam bao gồm kim tiền thảo, râu mèo, râu bắp, … cũng có tác dụng làm giảm acid uric.

    Chế độ sinh hoạt phù hợp

    chế độ sinh hoạt trong phác đồ điều trị gout

    Điều trị bằng thuốc là cách hiệu quả nhất để bệnh nhân có thể giải quyết các cơn gout cấp và ngăn ngừa biến chứng của chúng. Song song đó, chế độ sinh hoạt phù hợp cũng đóng góp không nhỏ cho thành công trong điều trị bệnh gout

    • Tránh các loại thức ăn có chứa nhiều purin như nội tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua,…Có thể thay thế các loại đạm này bằng trứng, hoa quả hay sữa ít béo. Người bệnh gout chỉ nên ăn 150g thịt cho 1 ngày 24 tiếng.  
    • Hạn chế uống rượu, bia và các loại thức uống có cồn khác. 
    • Uống nhiều nước (2-4 L/24 giờ), đặc biệt là các loại nước khoáng có chứa kiềm hoặc nước kiềm 14%. Điều này giúp làm tăng lượng nước tiểu và hạn chế lắng đọng urat. 
    • Tập thể dục thường xuyên và giảm cân. Nếu đang bị đau khớp, bạn có thể chọn các vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe hay bơi lội. 

    Điều trị ngoại khoa (rất hạn chế)

    Phẫu thuật cắt bỏ hạt tophi được chỉ định trong trường hợp gout kèm biến chứng loét, bội nhiễm hạt tophi hoặc hạt tophi kích thước lớn, ảnh hưởng đến vận động hoặc vì lý do thẩm mỹ. 

    Khi phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định thêm colchicin để tránh khỏi phát cơn gout cấp, có thể cần kết hợp thuốc hạ acid uric máu. 

    Một số điểm cập nhật trong phác đồ điều trị gout mới nhất (Hội thấp khớp học Hoa Kỳ ACR 2020)

    phác đồ điều trị gout có thuốc nào mới

    Một số điểm mới nổi bật trong khuyến cáo (ở cấp độ cao) đối với việc lựa chọn và sử dụng thuốc làm giảm acid uric máu trong phác đồ điều trị gout theo ACR 2020 bao gồm:

    • Khuyến cáo điều trị cơn gout cấp
      • Sử dụng colchicine, NSAIDs hoặc glucocorticoids là liệu pháp đầu tiên.
      • Cochicine liều thấp hay cao có hiệu quả như nhau, nên sử dụng liều thấp là tốt hơn giúp giảm nguy cơ tác dụng phụ.
      • Nếu người bệnh gout cấp mà các thuốc colchicine, NSAIDs hoặc glucocorticoids không hiệu quả, dung nạp kém hoặc chống chỉ định thì cân nhắc sử dụng ức chế IL-1 thay vì không sử dụng thuốc nào
    • Quản lý về lối sống
      • Hạn chế sử dụng sản phẩm có cồn
      • Hạn chế thực phẩm chứa purin
      • Hạn chế dùng tất cả loại si-rô giàu fructose
      • Sử dụng chương trình giảm cân ở người bệnh gout thừa cân
  • Chỉ định cho liệu pháp hạ acid uric máu
    • Sử dụng ngay thuốc giảm acid uric máu khi người bệnh có cơn gout cấp: Có nốt tophi dưới da, có hình ảnh (ví dụ X-quang) cho thấy tổn thương liên quan đến gout, có từ 2 cơn gout cấp trở lên trong 1 năm.
    • Không dùng thuốc hạ acid uric máu ở người bệnh bị cơn gout cấp đầu tiên, người bệnh tăng acid uric máu đơn thuần (không có biểu hiện gout cấp trước đó, không có nốt Tophy dưới da..).
    • Allopurinol hoặc febuxostat được khuyên dùng thay vì probenecid như một phương pháp điều trị đầu tay cho những bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính từ trung bình đến nặng. Trong đó, allopurinol được khuyến cáo ưu tiên sử dụng.
    • Khởi đầu với allopurinol hoặc febuxostat liều thấp.
  • Ngoài ra, phác đồ điều trị gout theo ACR 2020 cũng có những khuyến cáo đáng chú ý như: 

    • Nên dùng các loại thuốc kháng viêm (NSAIDs, colchicin,..) song song với các thuốc hạ uric máu và duy trì từ 3-6 tháng sau đó để phòng ngừa cơn gout cấp bùng phát. 
    • Điều trị theo chiến lược dựa trên mục tiêu duy trì acid uric máu < 6 mg/dl thay vì dùng liều thuốc cố định.  
    • Nếu người bệnh gout cấp không đáp ứng, dung nạp kém hoặc chống chỉ định với các thuốc kháng viêm colchicine, NSAIDs hoặc glucocorticoids, thì sử dụng ức chế IL-1 là khuyến cáo có điều kiện.

    Khi bùng phát đợt gout cấp đầu tiên, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để nhận được phác đồ điều trị gout và chế độ sinh hoạt phù hợp, để hạn chế nguy cơ biến chứng và tái phát cơn viêm khớp cấp thường xuyên nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

    Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 28/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo