Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (hay hoại tử chỏm xương đùi) nếu không được nhận biết và điều trị sớm có nguy cơ cao dẫn đến mất xương, tàn phế. Để nâng cao nhận thức về tình trạng này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị hoại tử chỏm xương đùi qua những thông tin sau đây.
Tìm hiểu chung
Hoại tử chỏm xương đùi là gì?
Khớp háng là khớp nằm ở vị trí tiếp giáp giữa phần chỏm hình cầu của xương đùi và phần ổ cối của xương chậu. Bề mặt của chỏm xương đùi có hình cầu, được bao bọc bởi một lớp sụn và chất bôi trơn để giúp bảo vệ bề mặt xương khớp, giúp chúng dễ dàng trượt lên nhau khi cơ thể vận động.
Hoại tử chỏm xương đùi (hay còn gọi là hoại tử khớp háng) là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng khiến cho cho vùng chỏm xương này dần bị phá huỷ. Nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến gãy xương.
Tình trạng này còn được gọi là hoại tử vô mạch, có thể gặp phải ở nhiều vị trí khớp xương khác nhau nhưng phổ biến nhất là ở chỏm xương đùi.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng hoại tử chỏm xương đùi
Một số người không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Tiếp đến cơn đau hông sẽ là triệu chứng đầu tiên, từ đau âm ỉ đến đau nhói và thường nặng dần theo thời gian. Ban đầu, cơn đau xảy ra khi bạn đặt trọng lượng lên khớp háng, cuối cùng bạn có thể cảm thấy đau ngay cả khi đang nằm. Cơn đau do hoại tử chỏm xương đùi này thường xuất hiện ở vùng khớp háng, mông, đùi và có thể lan rộng đến đầu gối, vai, bàn tay và bàn chân.
Càng về những giai đoạn sau, hoại tử chỏm xương đùi sẽ làm hạn chế biên độ vận động của khớp háng. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi khi cử động khớp háng, ngồi xuống đứng lên hay đi lại.
Cuối cùng người bệnh có thể bị xẹp chỏm xương đùi và thoái hóa khớp nghiêm trọng. Quá trình này có thể diễn ra trong vài tháng đến vài năm. Điều quan trọng là cần chẩn đoán phát hiện bệnh sớm vì một số nghiên cứu cho thấy điều trị sớm cho kết quả cải thiện bệnh tốt hơn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân hoại tử chỏm xương đùi là gì?
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi xuất phát từ tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng. Vì vậy, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Giảm cung cấp máu cho xương đùi có thể được gây ra bởi:
- Chấn thương. Gãy cổ xương đùi, trật khớp háng hoặc một số chấn thương khác có thể làm hỏng các mạch máu lân cận, giảm lưu thông máu đến xương đùi gây hoại tử xương.
- Công việc và hoạt động quá mức lên khớp háng. Các nghề nghiệp có nguy cơ cao gồm các công việc yêu cầu phải đứng lâu, nặng vật và tác động mạnh lên khớp háng, chẳng hạn như: Các nghề liên quan đến xây dựng, cơ khí, thợ mộc, thợ sửa xe, thợ làm sân vận động và thợ làm đồ gỗ, đặc biệt là thợ lặn. Việc mang vác nặng và lặn sâu làm tăng áp lực lên các khớp rất nhiều.
- Rối loạn lipid máu. Chất béo (Lipid) trong máu lắng đọng trong lòng mạch máu làm giảm và/hoặc tắc nghẽn lượng máu tới nuôi.
- Xạ trị ung thư. Bức xạ có thể làm suy yếu xương và gây tổn thương mạch máu.
- Uống rượu, bia quá mức. Cơ chế chưa rõ ràng nhưng rất có thể do đồ uống có cồn làm phì đại và tăng sinh tế bào mỡ trong tủy xương, thay đổi lượng mỡ máu, làm tắc mạch máu, tăng áp lực trong xương và sau đó là giảm tưới máu tới vùng chỏm xương đùi.
- Sử dụng thuốc corticosteroid. Trong các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, hen suyễn,… bệnh nhân được chỉ định điều trị với corticosteroid. Mặc dù chưa xác định được cơ chế nhưng tác dụng phụ khi dùng nhóm thuốc này lâu dài là tình trạng hoại tử xương.
- Một số tình trạng sức khỏe khác như bệnh hồng cầu hình liềm, rối loạn tăng sinh tủy, bệnh Gaucher, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Crohn, thuyên tắc động mạch, huyết khối và viêm mạch,… cũng có mối liên quan với hoại tử chỏm xương đùi.
Đôi khi, có một vài trường hợp không rõ nguyên nhân gây hoại tử vô mạch là gì.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi?
Khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào những biểu hiện lâm sàng kết hợp với kiểm tra chuyển động ở khớp háng của bạn để đánh giá về cơn đau nghi ngờ do hoại tử chỏm xương đùi gây ra.
Nếu người bệnh bị đau khớp háng dữ dội nhưng vẫn có khả năng cử động tương đối tốt thì chỏm xương đùi có thể chỉ mới bước đầu bị hoại tử. Ở những giai đoạn về sau, bề mặt chỏm xương đùi bị xẹp xuống, toàn bộ khớp bị viêm, gây mất cử động và cứng khớp.
Bên cạnh đó, một số xét nghiệm hình ảnh có thể được chỉ định trong chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi:
- X-quang: Hình ảnh có thể bao gồm X quang thẳng và nghiêng là phương tiện được dùng để xác định chỏm xương đùi có xẹp hay không, nếu có thì ở mức độ nào.
- MRI: Những thay đổi ban đầu trong hoại tử chỏm xương đùi không được phát hiện trên hình chụp X quang có thể quan sát thấy khi chụp MRI. Chẩn đoán lâm sàng này giúp phát hiện hoại tử xương ở giai đoạn sớm chưa có triệu chứng và đánh giá mức độ xương bị ảnh hưởng.
Những phương pháp điều trị hoại tử chỏm xương đùi
Điều trị hoại tử chỏm xương đùi được chia thành điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) hoặc phẫu thuật. Trong đó, tuỳ thuộc vào tuổi tác của bệnh nhân, mức độ đau, vị trí và mức độ hoại tử xương, các bệnh lý kèm theo khác,… mà bác sĩ sẽ tư vấn đưa ra những phương pháp điều trị khác nhau.
Điều trị bảo tồn
Các biện pháp điều trị hoại tử chỏm xương đùi không xâm lấn có thể bao gồm:
- Dùng thuốc kháng viêm NSAIDs để giảm đau và các loại thuốc khác để giảm tải nguyên nhân gây ra hoại tử như thuốc chống loãng xương, thuốc hạ cholesterol, thuốc ngăn ngừa cục máu đông, thuốc giãn mạch…
- Cai rượu hoặc ngừng điều trị bằng corticoid nếu chúng là nguyên nhân hoại tử chỏm xương đùi.
- Sử dụng nạng và các công cụ hỗ trợ giúp giảm tải áp lực lên khớp háng.
- Nghỉ ngơi và tiến hành tập vật lý trị liệu để cải thiện và duy trì biên động vận động của khớp háng.
- Kích thích trực tiếp vào vùng khớp háng bằng dòng điện để khuyến khích cơ thể phát triển xương mới thay thế xương bị hư hỏng.
Mục tiêu chính của các biện pháp điều trị này là giảm đau, ngăn ngừa mất xương và cải thiện chức năng vận động. Điều trị bảo tồn thường chỉ phù hợp để kiểm soát hoại tử chỏm xương đùi ở giai đoạn đầu.
Điều trị phẫu thuật
Cho đến nay, sự lựa chọn điều trị hoại tử chỏm xương đùi thành công nhất là phẫu thuật. Một số biện pháp có thể được sử dụng bao gồm:
- Khoan giải ép chỏm xương đùi để giảm áp lực trong xương và tạo kênh cho các mạch máu mới nuôi dưỡng vùng bị ảnh hưởng của hông.
- Ghép xương thường đi kèm với khoan giải ép để giúp tái tạo xương khỏe mạnh và nâng đỡ sụn khớp háng.
- Ghép xương mác có cuống mạch.
- Thay khớp háng toàn phần là chỉ định cuối cùng nếu hoại tử tiến triển gây xẹp chỏm xương đùi.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa chỏm xương đùi?
Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng một số lưu ý dưới đây có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi và nâng cao sức khoẻ tổng thể:
- Hạn chế uống rượu, bia: Rượu, bia là một trong những tác nhân hàng đầu dẫn đến hoại tử vô mạch khớp háng.
- Kiểm soát lượng cholesterol máu ở mức cho phép: Những phân tử chất béo tích tụ trong thành mạch quá nhiều sẽ cản trở lưu thông máu đến các khớp xương.
- Theo dõi quá trình điều trị với corticoid: Thảo luận với bác sĩ nếu bạn đã hoặc đang điều trị với corticoid liều cao hoặc trong thời gian dài. Các tổn thương do corticoid thường gặp ở những trường hợp điều trị nhiều đợt steroid liều cao.
- Bỏ hút thuốc lá: Thuốc lá làm hẹp mạch máu, làm tăng nguy cơ hoại tử xương.
- Tránh các hoạt động gây tổn thương cho khớp: Tránh các hoạt động như chạy bộ trên bề mặt cứng, nhảy cao hoặc tập thể dục quá mức sức chịu đựng của khớp.
[embed-health-tool-bmi]