Giai đoạn 2
Xương nguyệt ở cổ tay bắt đầu cứng lại do thiếu nguồn cung cấp máu. Quá trình này được gọi là xơ cứng. Thêm vào đó, hình ảnh xương nguyệt trên kết quả chụp X-quang cũng sáng hơn hoặc trắng hơn, cho thấy xương đang chết dần. Để đánh giá tốt hơn, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI hoặc CT.
Triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn này là sưng, đau cổ tay, nhất là khi có tác động.
Giai đoạn 3
Ở giai đoạn này, xương nguyệt đã chết và bắt đầu sụp xuống, vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Khi xương này bắt đầu vỡ, các xương xung quanh có thể từ từ dịch chuyển vị trí.
Lúc này, người bệnh trải qua những cơn đau nghiêm trọng, ngày càng nặng, cử động cầm nắm yếu đi và chuyển động cổ tay bị hạn chế.
Giai đoạn 4
Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối cùng, các bề mặt của những xương xung quanh xương nguyệt trở nên xấu đi và dẫn đến viêm khớp cổ tay.
Những phương pháp điều trị bệnh Kienbock
Dù không có cách giúp chữa trị hoàn toàn bệnh Kienbock nhưng người bệnh có thể lựa chọn các phương pháp không phẫu thuật hoặc phẫu thuật để điều trị triệu chứng. Mục tiêu điều trị là giảm bớt áp lực lên xương nguyệt và cố gắng khôi phục lưu lượng máu cung cấp đến xương này.
Điều trị không phẫu thuật
Trong giai đoạn đầu, bạn có thể dùng thuốc giảm đau, kháng viêm như aspirin, ibuprofen để giảm bớt sưng và đau. Hạn chế cử động cổ tay trong một khoảng thời gian cũng giúp giảm thiểu áp lực cho xương nguyệt ở cổ tay. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ dùng nẹp hoặc bó bột cổ tay trong 2–3 tuần.
Điều quan trọng là bạn phải luôn theo dõi các triệu chứng trong giai đoạn xem có thay đổi khác lạ nào không. Nếu cơn đau không thuyên giảm bằng các phương pháp điều trị đơn giản hoặc đau tái phát, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật.
Điều trị bằng phẫu thuật
Bác sĩ có thể lựa chọn nhiều phương pháp để phẫu thuật diều trị bệnh Kienbock, phụ thuộc vào một số yếu tố, đặc biệt là mức độ tiến triển của bệnh.
- Tái tạo mạch máu. Phương pháp này giúp hồi phục lại nguồn máu cung cấp đến xương nguyệt và có tỷ lệ thành công cao hơn trong giai đoạn đầu của bệnh. Bác sĩ sẽ loại bỏ một phần xương cùng với mạch máu ra khỏi một xương khác và chèn chúng vào xương nguyệt. Sau đó, một thiết bị giúp cố định từ bên ngoài được dùng để giữ xương nằm đúng vị trí cho đến khi lành lại.
- Nâng diện khớp (joint leveling). Nếu hai xương cánh tay không dài bằng nhau, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện phẫu thuật để giúp các xương này đều nhau như bình thường. Kỹ thuật này sẽ giảm bớt lực đè nén lên xương nguyệt và làm chậm tiến triển bệnh.
- Phẫu thuật cắt bỏ hàng xương cổ tay gần (proximal row carpectomy). Nếu xương nguyệt bị vỡ thành nhiều mảnh, bác sĩ sẽ phải loại bỏ chúng. Trong phẫu thuật này, hai xương hai bên xương nguyệt ở cổ tay cũng được lấy ra ngoài. Cách này giúp người bệnh giảm bớt đau đớn và duy trì một phần chuyển động cổ tay.
- Phẫu thuật hợp nhất xương (fusion). Để giảm bớt áp lực cho xương nguyệt, các xương cổ tay xung quanh có thể được hợp lại thành một khối xương. Phương pháp này giúp giảm đau và bảo tồn một phần khả năng chuyển động của cổ tay.
Tiên lượng
Người bệnh Kienbock có tiên lượng ra sao?
Tình trạng bệnh Kienbock thay đổi nhiều tùy vào mức độ nghiêm trọng cũng như mức độ tiến triển của bệnh. Đáp ứng của mỗi người bệnh với phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương ở xương nguyệt và các xương cổ tay xung quanh. Bạn có thể cần trải qua nhiều đợt phẫu thuật nếu bệnh cứ tiếp tục tiến triển nặng hơn.
Nói chung, chức năng vận động ở cổ tay của người bệnh Kienbock sẽ không thể trở lại như bình thường, cho dù đã điều trị. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị sẽ giúp bảo tồn chức năng nhiều nhất có thể và giảm đau đớn.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.