backup og meta

Viêm dây chằng

Viêm dây chằng

Viêm dây chằng (hay đau dây chằng) là tình trạng tổn thương do chấn thương hay vận động mạnh làm căng giãn dây chằng. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến đau ở vai, đầu gối, lưng hay cổ tay, cổ chân,…Vậy dấu hiệu để nhận biết và xử trí viêm dây chằng là gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay nhé! 

Tìm hiểu chung

Viêm dây chằng là gì?

Dây chằng là một dải tổng hợp các mô sợi được làm từ phân tử collagen cứng và dai có khả năng liên kết chặt chẽ. Dây chằng kết nối các khớp xương, cố định và bảo vệ đầu khớp. Trên cơ thể con người có hàng trăm dây chằng phân bổ ở vai, cổ, lưng, đầu gối, khớp háng, cổ tay…

Bệnh viêm dây chằng (đau dây chằng) là tình trạng dây chằng bị sưng tấy và đau do chấn thương hay vận động làm căng giãn dây chằng. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau vai, cùi chỏ hoặc cổ tay và cổ chân, hạn chế nhiều hoạt động trong đời sống sinh hoạt thường nhật. 

Có nhiều dạng viêm dây chằng gây đau tùy theo vị trí viêm như: 

  • Viêm dây chằng cổ tay, ngón tay cái (cầm nắm khó khăn)
  • Viêm dây chằng đầu gối (đau khi khuỵu gối, giãn gối)
  • Viêm dây chằng lưng (đau khi cúi người, cong lưng)
  • Viêm dây chằng cổ (đau khi xoay cổ)
  • Viêm dây chằng mông (đau khi ngồi)
  • Viêm dây chằng khớp háng (đau khi leo cầu thang, đi bộ đường dài)…

Thông thường, những cơn đau thường cấp tính nhưng có khả năng trở thành mạn tính nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi (từ trên 40 tuổi) nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến giới trẻ, nhất là những người thường xuyên vận động, làm việc quá sức.

Triệu chứng

viêm dây chằng lưng
Người bệnh có thể cảm thấy cứng khớp vào buổi sáng sau khi thức dậy nhưng tình trạng này sẽ giảm dần trong ngày

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm dây chằng là gì?

Người bị viêm dây chằng thường có các triệu chứng như:

  • Đau và khó chịu tại vị trí bị viêm
  • Cứng khớp, khó vận động khớp
  • Vùng viêm có thể sưng đỏ và nóng khi chạm vào
  • Cứng cơ vào các buổi sáng trong một khoảng thời gian ngắn
  • Đau nhiều hơn khi vận động, giảm đau khi nghỉ ngơi

Nguyên nhân

Nguyên nhân của viêm dây chằng là gì?

Viêm dây chằng
Dây chằng bị viêm có thể là hậu quả của đứt giãn dây chằng do chấn thương trong thể thao

Bệnh viêm dây chằng thường do vận động quá sức, chuyển động sai tư thế gây chấn thương hoặc thường xuyên lặp đi lặp lại các thao tác gây sức căng cho khớp. Ngoài ra, những yếu tố khác có thể kể đến gồm lão hóa do tuổi tác, bị chấn thương thể thao hoặc các bệnh viêm khác trong cơ thể như viêm khớp.

Cụ thể là:

  • Tuổi tác. Khớp trở nên kém linh hoạt theo tuổi tác và dễ bị chấn thương hơn, có thể gây ra viêm dây chằng.
  • Thể thao. Người chơi các môn thể thao có nhiều chuyển động lặp đi lặp lại, căng giãn cơ như chạy bộ, quần vợt, bóng rổ, golf, bowling… sẽ dễ gặp chấn thương khớp nói chung và dây chằng nói riêng.
  • Một số tình trạng sức khỏe. Người mắc viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc viêm dây chằng cao hơn.

Nếu cơn đau đột ngột trở nên nghiêm trọng hơn hoặc nếu đột nhiên không thể cử động khớp, người bệnh nên nhanh chóng đến khám tại bệnh viện.

Chẩn đoán và điều trị

chườm lạnh giảm sưng trong viêm dây chằng
Để giảm sưng đau, bạn có thể chườm lạnh tại vị trí bị ảnh hưởng bằng túi chườm trong 15-20 phút

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm dây chằng?

Để chẩn đoán viêm dây chằng, bác sĩ thường đặt các câu hỏi về bệnh sử và kiểm tra các triệu chứng thực thể. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần thực hiện chụp cộng hưởng từ MRI. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh học này có thể cho thấy hình ảnh giãn hoặc đứt dây chằng, phát hiện các bất thường ở sụn khớp, rối loạn liên quan đến bao hoạt dịch, tổn thương cơ, gân, mô mềm ở vùng khớp nếu có.

Những phương pháp điều trị viêm dây chằng

Sau chấn thương đột ngột xảy ra với các vị trí khớp và nghi ngờ tổn thương dây chằng, người bệnh cần:

  • Nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi giúp ổn định tình trạng viêm. Nếu có hoạt động thể thao hay thể chất trước đó có thể là nguyên nhân gây viêm dây chằng, người bệnh cần ngừng lại hoặc giảm cường độ thực hiện.
  • Chườm đá, chườm nóng. Chườm đá tối đa 15-20 phút một lần để giảm sưng đau, dịu vết thương sau đó có thể chườm nóng. Không được chườm đá trực tiếp lên da mà nên bọc qua một chiếc khăn sạch hoặc sử dụng túi chườm chuyên dụng. Cũng cần lưu ý ở giai đoạn mới sưng không nên chườm nóng (ngâm nước ấm, đắp khăn ấm, bôi dầu hoặc thuốc dạng kem) vì sẽ làm tình trạng sưng phù trầm trọng hơn. 
  • Dùng nẹp cố định vị trí đau để hạn chế cử động làm tăng nguy cơ tổn thương thêm. 

Bên cạnh đó, người bệnh có thể dùng thuốc paracetamol (acetaminophen) giảm đau hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), tiêm các thuốc cortisone chữa viêm theo chỉ định từ bác sĩ. 

Các biện pháp điều trị trên thường cần phối hợp với nhau. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thực hiện thêm vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Trong trường hợp rất hiếm, nếu tất cả các biện pháp trên không hiệu quả, người bệnh có thể cần được phẫu thuật.

Phòng ngừa

khởi động trước khi tập phòng ngừa viêm dây chằng
Luôn làm nóng cơ thể trước khi tập thể thao để hạn chế chấn thương

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa viêm dây chằng?

Để phòng ngừa tình trạng này, bạn cần thực hiện những biện pháp sau:

  • Tập thể dục. Vận động hợp lý để tăng cường cơ bắp hỗ trợ dây chằng cũng như các khớp xương. Cần có chế độ, bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe mỗi người, không luyện tập quá sức.
  • Khởi động và giãn cơ. Trước khi tham gia vào các hoạt động thể thao, cần khởi động đúng và đủ để hạn chế xảy ra chấn thương. Tương tự, sau khi kết thúc tập luyện, hãy kéo giãn cơ bắp.
  • Linh hoạt hơn. Tránh giữ cơ thể ở một tư thế quá lâu, hãy cố gắng thay đổi các kiểu ngồi cũng như những hoạt động không thoải mái hoặc ngừng lại để nghỉ ngơi và thực hiện sau.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh. Bổ sung đầy đủ dưỡng chất và nước để bảo vệ sức khỏe xương khớp nói chung và dây chằng nói riêng.
  • Giảm cân. Người béo phì, thừa cân thường dễ gặp các chấn thương xương khớp hơn. Giảm cân giúp giảm khối lượng mà các khớp trong cơ thể phải nâng đỡ (đặc biệt là khớp gối) đồng thời cũng hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cần biết về tình trạng viêm dây chằng, hy vọng chúng là những thông tin bổ ích cho bạn nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tendinitis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tendinitis/symptoms-causes/syc-20378243 Ngày truy cập 8/6/2020

Tendinitis. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10919-tendinitis Ngày truy cập 8/6/2020

Tendinitis. https://www.arthritis.org/diseases/tendinitis Ngày truy cập 8/6/2020

Tendinitis https://medlineplus.gov/tendinitis.html Ngày truy cập 27/5/2022

Tendinitis https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/tendinitis Ngày truy cập 27/5/2022

Phiên bản hiện tại

27/05/2022

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

Mổ dây chằng chéo trước, những điều bạn cần biết

Vật lý trị liệu phục hồi tổn thương gân và dây chằng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 27/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo