backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau đầu gối nhưng không sưng – Biểu hiện của nhiều bệnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh · Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 22/10/2021

    Đau đầu gối nhưng không sưng – Biểu hiện của nhiều bệnh

    Đau khớp gối không chỉ còn là “bệnh của người lớn tuổi” nữa khi ngày càng có nhiều thanh niên gặp phải triệu chứng khó chịu này. Trong đó, đau đầu gối nhưng không sưng là tình trạng bạn không nên chủ quan vì có thể là biểu hiện của nhiều bệnh. 

    Nhiều người vẫn chưa hiểu rõ đau nhức đầu gối là bệnh gì, chân bị đau nhưng không sưng thì có nguy hiểm hay không. Bên cạnh đó, bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến khớp gối đều dễ dàng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhất là khi chúng xảy ra thường xuyên và có khả năng trở thành mạn tính. 

    Các triệu chứng đi kèm với đau đầu gối nhưng không sưng

    triệu chứng đau đầu gối nhưng không sưng

    Mức độ đau đầu gối của bạn có thể thay đổi từ nhẹ đến trung bình, từ thoáng qua đến dai dẳng. Ngoài ra, bạn đôi khi gặp phải các triệu chứng khác đi kèm với những cơn đau này như:

    • Ngứa ran, tê bì hoặc dị cảm
    • Cảm giác nóng rát ở khớp
    • Cứng khớp, khó cử động khớp, giảm phạm vi chuyển động
    • Mệt mỏi, yếu sức
    • Có hoặc không có dấu hiệu viêm

    Đau đầu gối nhưng không sưng là bệnh gì?

    nguyên nhân đau đầu gối nhưng không sưng

    Có nhiều nguyên nhân khiến đầu gối bị đau nhưng lại không gây sưng tấy. Hiện tượng này thường xảy ra trong những trường hợp như sau: 

    Thoái hóa khớp gối

    Thoái hóa khớp là bệnh khớp phổ biến nhất và ước tính ​​sẽ trở thành nguyên nhân gây tàn tật đứng hàng thứ tư thế giới vào năm 2020. Bệnh khớp mạn tính này có đặc điểm là gây nứt vỡ, mất sụn cùng với những thay đổi khác của khớp, bao gồm phì đại xương (hình thành gai xương). 

    Khớp gối là một trong những vị trí dễ bị thoái hóa. Tỷ lệ thoái hóa khớp gối tăng dần theo độ tuổi, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này như béo phì, lao động thể lực nặng, ngồi xổm, quỳ gối, leo trèo…

    Đau nhức đầu gối là triệu chứng sớm nhất của bệnh, đôi khi được mô tả là đau sâu. Đau thường tăng lên khi duy trì những tư thế chịu trọng lực và giảm khi nghỉ ngơi nhưng cuối cùng bạn có khả năng bị đau liên tục. Bạn cũng có thể bị cứng khớp sau khi ngủ dậy hoặc không hoạt động. Tình trạng này thường kéo dài < 30 phút và giảm khi vận động. 

    Khi thoái hoá khớp tiến triển, khả năng vận động khớp sẽ trở nên hạn chế, xuất hiện đau và cảm giác lục khục, lạo xạo. Sự tăng sinh của sụn, xương, dây chằng, gân, bao khớp và màng hoạt dịch, cùng với tình trạng tràn dịch khớp ở các mức độ khác nhau dần dần xảy ra. Giai đoạn cuối cùng mới gây ra tình trạng sưng khớp.

    Đau đầu gối nhưng không sưng do chấn thương

    Trong nhiều trường hợp, chấn thương đầu gối rất khó nhận biết vì bề mặt ngoài da không có biến dạng rõ rệt hoặc rất ít sưng, không bị bầm tím hay mất độ ổn định của khớp. Hai tình trạng thường gặp nhất là bong gân và căng cơ.

    Bong gân là tình trạng dây chằng (cấu trúc nối giữa 2 hoặc nhiều xương quanh 1 khớp) bị căng quá mức hoặc bị rách, gây đau, giảm hoặc mất vận động khớp. Trong khi đó, căng cơ là tình trạng gân cơ (sợ mô kết nối xương với cơ) bị rách, căng quá mức hoặc co thắt cơ bị ảnh hưởng. Triệu chứng chung của hai tổn thương này là đều gây đau, làm giảm cường độ vận động và không thể thực hiện được hết tầm các động tác của khớp, có thể có hoặc không sưng tại vùng cơ, khớp bị tổn thương

    Những chấn thương ở đầu gối thường ít nghiêm trọng. Tuy nhiên trong trường hợp té ngã, tai nạn thể thao hoặc tai nạn giao thông, cơn đau nhức đầu gối dai dẳng có thể gây cản trở sinh hoạt hàng ngày rất nhiều dù không bị sưng tấy. Lúc này, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra lại.   

    Đau khớp gối do bệnh tự miễn

    Nếu bạn tự hỏi “Bị đau nhức đầu gối là bệnh gì?” thì câu trả lời có thể là các bệnh tự miễn. Một số bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus cũng gây đau khớp gối nhưng không làm sưng phù đầu gối.

    Viêm khớp dạng thấp gặp phải ở khoảng 1% dân số, trong đó nữ giới chiếm gấp đôi nam giới. Yếu tố nguy cơ thường là do di truyền. Triệu chứng phổ biến của viêm khớp dạng thấp phần lớn là đau khớp và xơ cứng khớp, nặng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau khi ngồi bất động trong khoảng thời gian dài. Tình trạng này thường kéo dài trên 1 giờ. Đau, sưng khớp có tính chất đối xứng, lan tỏa đặc biệt là ở các khớp nhỏ. 

    Bệnh lupus (lupus ban đỏ) ít gặp trong dân số, tỷ lệ nữ giới chiếm gấp 9 lần nam giới, với các biểu hiện đau khớp tương tự như viêm khớp dạng thấp. Bệnh cũng làm người bệnh mệt mỏi, xơ cứng và đau đầu gối nhưng không sưng tấy. Bệnh thường biểu hiện rõ ở tay, thắt lưng và đầu gối.

    Viêm gân (tendinosis) cũng có thể làm đau đầu gối nhưng không sưng

    viêm gân cũng là một nguyên nhân gây đau đầu gối nhưng không sưng

    Trong cơ thể, gân kết nối các cơ với xương, có chức năng tương tự như dây chằng. Viêm gân thường xảy ra do vận động quá sức hoặc chấn thương gân (chẳng hạn như trong quá trình tập luyện, chơi thể thao), khiến bạn bị đau khi chuyển động đầu gối.

    Ở vị trí đầu gối, tình trạng gân bị viêm gọi là bệnh viêm gân xương bánh chè (Jumper’s knee). Triệu chứng điển hình là đau ở đầu gối, cứng khớp gối. Cơn đau thường tự phát, trở nặng khi đi lên cầu thang hoặc ngồi xổm. Bệnh tuy hiếm gặp nhưng thường xảy ra ở các vận động viên, đặc biệt là trong các môn thể thao có động tác bật nhảy. 

    Ngoài ra, các gân xung quanh đầu gối đều có thể gặp tình trạng viêm gân, căng cơ. Tình trạng này xảy ra do sử dụng quá mức mạn tính gân. Các gân cần một thời gian dài để chữa lành vì nguồn cung cấp máu kém. Hoạt động liên tục và lặp đi lặp lại gây căng thẳng cho gân và làm chậm quá trình điều trị. Điều này cuối cùng dẫn đến chứng thoái hóa gân. Triệu chứng thường gặp là đau nhói hoặc bỏng rát vùng gối (sau gối), yếu cơ và khớp, đau nhói hoặc đau âm ỉ, cứng cơ và khớp, có thể sưng hoặc viêm. 

    Điều trị hiệu quả tình trạng đau đầu gối nhưng không sưng

    điều trị đau đầu gối nhưng không sưng

    Phương pháp điều trị đau đầu gối nhưng không sưng thường bao gồm điều trị y tế (dùng thuốc) và điều trị tại nhà. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thực hiện vật lý trị liệu. Mục tiêu của điều trị là nhằm giảm đau đầu gối, đẩy nhanh quá trình lành vết thương để hồi phục chức năng bình thường của khớp gối, hạn chế biến chứng.

    Điều trị y tế

    Trong trường hợp đầu gối bị đau từ nhẹ đến vừa, người bệnh có thể bổ sung glucosamine dạng sulfate tinh thể để giảm đau và phục hồi chức năng ở giai đoạn sớm của thoái hóa khớp. Glucosamine được tổng hợp bởi cơ thể nhưng khả năng đó thường giảm dần theo tuổi tác. Do vậy, người trẻ tuổi có thể dùng glucosamine để phòng ngừa đau khớp gối trong tương lai. Bạn cũng có thể sử dụng paracetamol để giảm đau.

    Nếu mức độ đau khớp gối nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) và thuốc điều trị các bệnh lý chuyên biệt.

    Cách trị đau đầu gối tại nhà và phòng ngừa chấn thương

    Một số cách chữa đau khớp gối mà bạn có thể thực hiện tại nhà nhằm bảo vệ và củng cố sức khỏe sụn khớp là:

    • Tập các bài tập tốt cho khớp gối ở mức độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội và đạp xe đạp. Những hoạt động thể chất này không tạo quá nhiều áp lực lên khớp gối, do đó giúp giảm sức căng cho các bộ phận ở đầu gối.
    • Dành thời gian nghỉ ngơi.
    • Giảm cân lành mạnh hoặc duy trì cân nặng hợp lý. Béo phì, thừa cân có thể là một “gánh nặng” cho hệ thống xương khớp, đặc biệt là khớp gối, làm gia tăng nguy cơ gặp chấn thương.
    • Tắm nước ấm, chườm ấm. Nhiệt độ ấm có thể giúp thư giãn cơ bắp, giảm cứng cơ và khớp từ đó giảm tình trạng đau đầu gối nhưng không sưng.
    • Chườm lạnh trong trường hợp gặp các chấn thương gây đau gối hay sau khi có tình trạng sưng, nóng, đỏ vùng gối
    • Mát-xa. Liệu pháp mát-xa có thể giúp giảm đau và cứng khớp. Tuy nhiên, cũng tương tự như chườm ấm, phương pháp này thường chỉ có tác dụng ngắn hạn.
    • Khởi động, làm nóng cơ thể trước khi chơi thể thao cũng như giãn cơ sau khi chơi, tập luyện. 
    • Thay đổi thói quen vận động để tăng tính linh hoạt và độ bền cho khớp gối, tránh lười vận động hoặc vận động quá sức, thay đổi chuyển động đột ngột. 
    • Bổ sung đầy đủ và cân bằng dưỡng chất, nhất là các thực phẩm tốt cho xương khớp, sụn.
    • Sử dụng các thiết bị bảo vệ đầu gối khi tham gia thể thao, lao động.

    Hy vọng bài viết này đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “Đau nhức đầu gối nhưng không sưng là bệnh gì?”. Nếu bị đau đầu gối kéo dài hoặc đau dữ dội, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

    Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 22/10/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo