backup og meta

Tràn dịch khớp cổ tay gây sưng, phải làm sao?

Tràn dịch khớp cổ tay gây sưng, phải làm sao?

Nếu dịch khớp nhiều hơn bình thường và có dấu hiệu tràn ra sẽ khiến khớp bị sưng. Bên cạnh các khớp lớn dễ bị tràn dịch dẫn đến sưng như khớp gối thì tràn dịch khớp cổ tay cũng là một trường hợp phổ biến. 

Nguyên nhân nào dẫn đến tràn dịch khớp ở cổ tay và cách khắc phục tình trạng này là gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé! 

Dấu hiệu để nhận biết tràn dịch khớp cổ tay

Thông thường trong khớp cổ tay đã sẵn có một lượng chất lỏng nhất định bao gồm dịch khớp, mỡ và máu. Dịch lỏng này giúp cho khớp cử động trơn tru hơn nhưng nếu lượng chất lỏng này quá nhiều và dư thừa sẽ làm cho các khớp sưng lên và có cảm giác căng to, đau nhức. 

Bên cạnh triệu chứng sưng do tràn dịch cổ tay, tình trạng này còn biểu hiện một số triệu chứng điển hình như: 

  • Đau nhức cổ tay
  • Cảm giác nặng và cứng ở khớp, hạn chế các cử động của khớp cổ tay. 
  • Da ở cổ tay trở nên đỏ và nóng rát. 
  • Một số trường hợp có thể kèm theo sốt. 

sưng do tràn dịch khớp cổ tay

Nguyên nhân gây tràn dịch khớp cổ tay thường gặp

Có nhiều lý do để lý giải cho việc sưng khớp cổ tay đến từ việc tràn dịch khớp. Dưới đây là một số nguyên nhân gây tràn dịch khớp cổ tay thường gặp:

  • Nhiễm trùng. Khi vi khuẩn xâm nhập vào các khớp cổ tay gây nhiễm trùng. Khi đó, dịch khớp chứa đầy mủ và xảy ra tình trạng tràn dịch khớp cổ tay. Đây là một bệnh nghiêm trọng có thể làm hỏng thậm chí phá hủy toàn bộ khớp. 
  • Viêm khớp mà điển hình là viêm xương khớp (thoái hóa khớp), bệnh gút và viêm khớp dạng thấp là những nguyên nhân dẫn đến sưng khớp cổ tay.  
  • Sử dụng khớp quá mức khiến cho cổ tay xuất hiện dấu hiệu sưng, viêm và đau đớn dữ dội. 
  • Chấn thương khi té ngã hoặc tai nạn có thể dẫn đến gãy xương, đứt dây chằng đều có nguy cơ biểu hiện thành triệu chứng sưng viêm ở cổ tay. 
  • Khối u có thể là lành tính hoặc ác tính trong cổ tay gây tràn dịch khớp. 

Sưng khớp cổ tay do tràn dịch khớp phải làm sao? 

Cách xử trí sưng do tràn dịch khớp cổ tay phụ thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng cụ thể trên từng bệnh nhân. Một số trường hợp, sưng khớp cổ tay sẽ tự khỏi mà không cần điều trị chăm sóc. Những trường hợp khác thì bạn cần can thiệp để giảm thiểu dịch lỏng dư thừa ở các khớp này. 

Dưới đây là một số thuốc và thủ thuật dùng trong điều trị tràn dịch khớp cổ tay:

  • Thuốc kháng sinh được kê toa khi nguyên nhân dẫn đến tràn dịch khớp là nhiễm trùng.
  • Colchicine giúp giảm đau, sưng và viêm khớp do gút. 
  • Steroid được dùng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào các khớp giúp ngăn chặn hiệu quả những tình trạng tràn dịch khớp gối do viêm. 
  • Hút dịch khớp cổ tay là một thủ thuật nhằm hút bớt dịch khớp cổ tay dư thừa để cải thiện các triệu chứng sưng, viêm và đau ở khớp cổ tay. Tùy vào từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định áp dụng phương pháp này hay không. 

Cách chăm sóc tràn dịch khớp cổ tay tại nhà 

xử trí tràn dịch khớp cổ tay tại nhà

Nếu cổ tay sưng và đau không quá nghiêm trọng thì trước tiên bạn có thể tự giảm đau tại nhà bằng các phương pháp như: 

  • Chườm đá/nóng lên vùng cổ tay bị thương; tác dụng nhiệt có thể giúp giảm đau và bớt sưng. 
  • Hạn chế vận động cổ tay vì lúc này cổ tay cần được thư giãn và nghỉ ngơi. Nếu có thể, nên nâng cổ tay lên cao bằng các dụng cụ hỗ trợ như nẹp tay để giúp tràn dịch khớp cổ tay mau lành lại hơn. 
  • Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hay naproxen có thể giúp giảm sưng do viêm khớp hoặc do chấn thương. 

Khi nào nên đi khám bác sĩ? 

Ngay khi có các triệu chứng sưng, đau ở vùng khớp cổ tay và không thuyên giảm khi tự chăm sóc tại nhà, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở gần nhất để được bác sĩ thăm khám và đưa ra các phương án điều trị phù hợp. Đặc biệt cần cấp cứu ngay khi:

  • Chấn thương gây gãy xương hoặc đứt dây chằng
  • Tràn dịch khớp có kèm theo sốt. ‘
  • Mất khả năng cử động khớp. 
  • Mất cảm giác ở cổ tay. 

Tràn dịch khớp cổ tay có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi?  

tràn dịch khớp cổ tay phải làm sao

Thông thường, tràn dịch khớp cổ tay cần được điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở y tế để cải thiện triệu chứng cũng như giải quyết các nguyên nhân bệnh lý dẫn đến tình trạng này. 

Tùy vào nguyên nhân mà thời gian phục hồi sau tràn dịch cổ tay của từng bệnh nhân có đôi chút khác nhau, ví dụ như tràn dịch khớp cổ tay do gãy xương thì cần mất từ vài tuần đến vài tháng để phục hồi. Trường hợp tràn dịch cổ tay do viêm khớp, bạn có thể phải đối mặt với việc sưng khớp cổ tay cả đời. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, bác sĩ sẽ có các phương án điều trị giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trên cổ tay, để không làm gián đoạn sinh hoạt hằng ngày của bạn.

Có thể bạn quan tâm: Nhận biết bong gân cổ tay và cách xử trí

Trên đây là toàn bộ thông tin về tình trạng tràn dịch khớp cổ tay (hay thường được mô tả là sưng cổ tay). Hy vọng đây sẽ là những thông tin bổ ích với bạn nhé! 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Joint Effusion (Swollen Joint): Symptoms, Causes, and Treatment

https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/21908-joint-effusion

Ngày truy cập: 17/6/2022

Wrist joint effusion (Concept Id: C0343167)

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/medgen/575414

Ngày truy cập: 17/6/2022

Floating fat in the wrist joint and in the tendon sheaths

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20437238/

Ngày truy cập: 17/6/2022

A Patient with Dyspnea and Swollen, Painful Wrists

https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2006/1201/p1909.html

Ngày truy cập: 17/6/2022

A to Z: Joint Effusion (for Parents) – Aetna Better Health of Kentucky (Medicaid)

https://kidshealth.org/AetnaBetterHealthKentucky/en/parents/az-joint-effusion.html

Ngày truy cập: 17/6/2022

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Phòng khám ACC

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Bạn biết gì về bệnh tràn dịch khớp gối?

Chấn thương cổ tay khi chơi thể thao: Phải làm sao?


Tham vấn y khoa:

Phòng khám ACC

Trị liệu thần kinh cột sống · Phòng khám chuyên khoa thần kinh cột sống ACC


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo