backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bạn biết gì về bệnh tràn dịch khớp gối?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 08/12/2021

Bạn biết gì về bệnh tràn dịch khớp gối?

Tràn dịch khớp gối là một bệnh lý tương đối phổ biến ở lứa tuổi trung niên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc vận động, đồng thời có nguy cơ khiến các khớp bị phá hủy nếu không được quan tâm và chữa trị sớm.

Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, tràn dịch khớp gối có thể dẫn đến nhiều hệ quả làm hạn chế vận động và gây phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vậy làm thế nào để nhận biết và điều trị bệnh lý này một cách hiệu quả? Hãy dành thời gian theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích nhé!

Tìm hiểu chung

Tràn dịch khớp gối là gì?

Trước hết chúng ta cần tìm hiểu tràn dịch khớp là gì? Bình thường trong các ổ khớp nói chung, luôn có một lượng nhỏ chất dịch có tác dụng bôi trơn làm giảm ma sát giúp cho các khớp chuyển động dễ dàng và trơn tru hơn. Khi lượng chất dịch này tiết ra quá nhiều, dẫn đến dư thừa và tích tụ lại bên trong hoặc xung quanh khớp thì được gọi là tràn dịch khớp.

Tình trạng tràn dịch có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, tuy nhiên khớp gối là nơi thường gặp nhất. Khớp gối bị tràn dịch sẽ sưng phù, gây đau nhức, khó khăn trong việc đi lại và vận động. Nghiêm trọng hơn, nếu để tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra, khớp gối có thể bị hỏng hoàn toàn và ảnh hưởng đến khả năng đi lại của người bệnh.

Việc phát hiện và điều trị tràn dịch khớp gối được diễn ra càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao. Chính vì thế, bạn nên thăm khám ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở khớp gối.

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình của tràn dịch khớp gối

triệu chứng tràn dịch khớp gối

Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của từng người. Nhìn chung, ở giai đoạn đầu khi mới tràn dịch khớp gối nhẹ thì các triệu chứng tương đối giống nhau và khá dễ nhận biết bằng mắt thường cũng như qua cảm nhận của người bệnh.

Một vài dấu hiệu và triệu chứng gồm:

  • Sưng: dịch khớp dư thừa sẽ ứ đọng thành bọng dịch làm cho khớp bị phù nề và sưng phồng.
  • Đau: cơn đau có thể âm ỉ kéo dài hoặc đau nhói, đặc biệt là khi đè nặng lên gối.
  • Cứng khớp: khó khăn trong việc gấp duỗi gối, leo cầu thang hoặc khi đi lại.
  • Đỏ vùng da xung quanh khớp gối, có cảm giác nóng ấm và mềm khi chạm vào.
  • Kích thước gối bị tràn dịch sẽ có kích thước lớn hơn khi so sánh với bên gối còn lại.
  • Tràn dịch khớp gối do chấn thương có thể kèm theo bầm tím và chảy máu trong khoang khớp.
  • Đa số bệnh nhân đều sẽ có một trong các biểu hiện trên. Tuy nhiên, đặc điểm và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng còn bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân gây tràn dịch.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân tràn dịch khớp gối

    nguyên nhân tràn dịch khớp gối

    Tràn dịch khớp thường là kết quả từ chấn thương, vận động quá mức hoặc thậm chí có thể là biến chứng của một bệnh lý khác. Các nguyên nhân phổ biến là:

    Chấn thương khớp

    Một số chấn thương do tham gia thể thao hoặc do tai nạn như gãy xương, rách sụn chêm khớp gối, đứt dây chằng khớp gốibong gân… là nguyên nhân phổ biến gây tràn dịch khớp gối. Khi có những tác động mạnh đột ngột, có thể sẽ sản sinh ra lượng dịch nhiều hơn để bảo vệ khớp. Do đó, tình trạng dư thừa chất dịch có thể xảy ra.

    Vận động quá mức

    Ngoài chấn thương, thì các đối tượng có hoạt động nặng diễn ra thường xuyên và lặp đi lặp lại (do tính chất nghề nghiệp, các hoạt động thể thao,…) đều có nguy cơ cao bị tràn dịch ở khớp gối. Lý do là khi gối chịu nhiều áp lực sẽ dẫn đến các bao hoạt dịch bị ảnh hưởng mạnh, từ đó rất dễ sản sinh thêm dịch khớp.

    Nhiễm khuẩn khớp

    Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, người có bệnh đái tháo đường, người mới phẫu thuật khớp gần đây,… có thể bị tràn dịch do nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể tấn công khớp gối do nhiễm khuẩn toàn thân qua đường máu hoặc xâm nhập qua các vết thương hở. Nấm, virus, ký sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

    Thừa cân, béo phì

    Trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ tạo thêm sức nặng lên đầu gối, khiến khớp gối bị mài mòn. Khi đó, khớp gối bắt buộc phải tiết ra nhiều dịch hơn để giảm ma sát khi chúng ta di chuyển và hoạt động.

    Các bệnh về khớp

    Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, thì một số bệnh lý có thể dẫn đến tràn dịch khớp bao gồm: viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, rối loạn đông máu,… Những bệnh lý này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến mạn tính và nguy cơ biến chứng cao, điển hình là chứng tràn dịch khớp gối.

    Điều trị

    Phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối

    Hầu hết việc điều trị được quyết định dựa trên nguyên nhân gây bệnh, do đó để điều trị tràn dịch khớp gối hiệu quả thì cần xác định rõ nguyên nhân. Người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa để thăm khám. Tùy vào tình trạng của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa trị thích hợp, có thể là một hoặc kết hợp nhiều phương pháp sau đây:

    Điều trị nội khoa

    Đối với trường hợp tràn dịch khớp gối nhẹ, đang ở giai đoạn đầu tiên thì điều trị nội khoa được ưu tiên hàng đầu. Bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau, chống viêm,… để cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân.

    Khi cơn đau tăng lên, các thuốc chống viêm corticoid có thể sử dụng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp gối. Tuy nhiên, corticoid có một số tác dụng phụ nên phải được kê đơn và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, thuốc kháng sinh cũng được chỉ định trong các trường hợp có nguyên nhân do nhiễm khuẩn.

    Điều trị ngoại khoa

    Nếu tình trạng tràn dịch nặng hơn và không đạt kết quả sau khi dùng thuốc, cần phải điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa như:

    • Chọc hút dịch khớp: phương pháp này được sử dụng để làm giảm áp lực bên trong khớp nếu tình trạng sưng phù đặc biệt nghiêm trọng. Sau đó có thể kết hợp tiêm corticoid để nhanh chóng giảm viêm.
    • Nội soi khớp: có giá trị chẩn đoán nguyên nhân của tràn dịch khớp và có thể kết hợp để khắc phục các tổn thương sụn chêm, dây chằng hay tổn thương thoái hóa khớp.
    • Phẫu thuật khớp: trường hợp bệnh tiến triển và không đáp ứng các biện pháp khác, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để xử lý các tổn thương hoặc nặng hơn là thay khớp.

    Vật lý trị liệu

    Đây là một trong những cách thức điều trị cho bệnh nhân tràn dịch khớp gối bị hạn chế vận động lâu ngày. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các bài tập và hoạt động thể dục đúng cách, mục đích là tăng cường hệ cơ, cải thiện tính linh hoạt và khả năng vận động vùng khớp gối.

    Dù là phương pháp điều trị nào, bệnh nhân cũng cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc hoặc can thiệp bằng bất kỳ biện pháp nào để tránh các biến chứng không mong muốn.

    Biến chứng

    Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không?

    biến chứng

    Tình trạng này không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng các biến chứng của nó có thể làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

    Nếu không được điều trị, theo thời gian khớp sẽ càng sưng to khiến bệnh nhân đau nhức và khó chịu. Đồng thời, tình trạng dính khớp, khớp xương bị tê cứng còn làm hạn chế khả năng cử động, khiến việc đi lại trở nên khó khăn.

    Ngoài ra, việc thực hiện chọc hút dịch khớp nhiều lần sẽ gây ra phản ứng phụ ở cơ thể bệnh nhân. Bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, khớp có thể bị phá hủy, biến dạng và dẫn đến mất hoàn toàn khả năng đi lại.

    Điều đáng mừng là các biến chứng này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu phát hiện ra bệnh sớm và có hướng điều trị phù hợp ngay từ đầu.

    Điều trị tràn dịch khớp gối bao lâu thì khỏi?

    Không thể nói chính xác khoảng thời gian điều trị khỏi hoàn toàn tràn dịch khớp gối. Điều trị bao lâu còn phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng như:

  • Tình trạng bệnh: bệnh đang ở mức độ nào, tần suất các cơn đau, thời gian mắc bệnh bao lâu,…
  • Tiền sử bệnh của bệnh nhân: bệnh lý nền, bệnh bẩm sinh, bệnh di truyền, dị ứng thuốc,…
  • Phương pháp điều trị mà bác sĩ chỉ định: điều trị nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu,…
  • Cùng với việc tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số vấn đề nhỏ sau đây để rút ngắn thời gian điều trị cũng như phòng tránh bệnh:

    • Hạn chế đi lại, tránh các hoạt động thể chất mạnh và cần nghỉ ngơi nhiều.
    • Duy trì trọng lượng cơ thể, tránh tạo áp lực lên chân.
    • Có thể dùng đá chườm khớp gối trong khoảng 15 đến 20 phút khi bị đau
    • Kê cao chân hoặc kê gối dưới phần khớp gối, tốt nhất là cao hơn tim để máu được lưu thông, giảm sưng tấy.
    • Luyện tập các môn thể thao có lợi cho đầu gối bao gồm đi bộ, bơi lội, đạp xe,…

    Để có thể khỏi bệnh và phục hồi một cách nhanh chóng cũng như hạn chế tối đa các biến chứng, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị ngay khi nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng tràn dịch khớp gối.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 08/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo