backup og meta

Bong gân cổ: dấu hiệu nhận biết và cách để nhanh hồi phục

Bong gân cổ: dấu hiệu nhận biết và cách để nhanh hồi phục

Nếu sau chấn thương, bạn có các dấu hiệu như đau cổ, đặc biệt khi cử động, cơn đau có thể lan đến phần đầu sau, vai hoặc lưng trên kèm theo cứng cổ thì có thể bạn đã bị bong gân cổ hay còn gọi trật gân cổ. 

Dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết bong gân cổ? Và làm thể nào để khắc phục nhanh chóng? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về chấn thương ở cổ này qua những thông tin sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Bong gân ở cổ là gì?

Cột sống cổ có 7 xương (đốt sống) được nối với nhau bằng dây chằng và cơ. Khi cổ thay đổi chuyển động đột ngột, làm cổ bị uốn cong quá mức có thể làm tổn thương dây chằng hoặc cơ. Tổn thương này gây giãn, rách mô, còn được gọi chung là bong gân cổ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bong gân cổ

Đau cổ có thể do nhiều nguyên nhân khác. Nhưng nếu bạn xuất hiện cơn đau cổ, nặng hơn khi cử động. Cơn đau tăng dần lên đỉnh điểm là một vài ngày sau chấn thương thay vì đau ngay lập tức.

Cùng với các triệu chứng sau đây, rất có thể đó là dấu hiệu của bong gân cổ:

  • Các cơn co thắt cơ và đau ở vai trên.
  • Nhức ở phía sau đầu.
  • Ù tai
  • Cảm giác cáu kỉnh, khó chịu, mệt mỏi, khó ngủ và mất tập trung.
  • Tê lan ra ở cánh tay hoặc bàn tay.
  •  Cảm giác ngứa ran hoặc yếu ở cánh tay (dị cảm).
  • Cứng cổ và giảm phạm vi chuyển động (xoay tròn, lên trên xuống dưới hay xoay sang trái, sang phải).

bong gân cổ

Dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng

Một số dấu hiệu có thể cho thấy trật gân ở cổ nghiêm trọng, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức mà bạn cần lưu ý bao gồm:

  • Cơn đau dữ dội kéo dài, dai dẳng.
  • Kèm theo cơn đau lan xuống cánh tay và chân.
  • Kèm theo nhức đầu và tê, ngứa ran hoặc yếu ở tay, chân.

Yếu cánh tay hoặc chân, đi lại khó khăn và không thể kiểm soát bàng quang hoặc ruột là những dấu hiệu của chấn thương cột sống. Bạn cần lập tức đi khám bác sĩ ngay để cấp cứu nếu phát hiện các triệu chứng này hoặc để chẩn đoán loại trừ chấn thương cột sống.

Nguyên nhân

Nguyên nhân bong gân cổ vai gáy là gì?

Tình trạng này xuất hiện khi cổ của bạn thay đổi cử động đột ngột, bất ngờ về phía trước hoặc phía sau đầu. Tai nạn ô tô, té ngã,… là những nguyên nhân phổ biến của bong gân ở cổ.

Ngoài ra bong gân cổ còn do giữ lâu một tư thế sai như ngồi làm việc cúi lâu, ngủ gối cao,…

bong gân cổ

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bong gân cổ?

Để chẩn đoán bong gân cổ, bác sĩ cần tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện, thăm hỏi tiền sử chấn thương, đo phạm vi chuyển động ở cổ và kiểm tra các vị trí đau của bệnh nhân.

Ngoài ra, khi nghi ngờ chấn thương khác ngoài bong gân cổ, bác sĩ có thể chỉ định bạn tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp MRI. Mặc dù không phải là kỹ thuật để quan sát được mô mềm bên trong nhưng các xét nghiệm này sẽ cung cấp thêm thông tin về chấn thương của bạn và loại trừ các nguyên nhân gây đau cổ khác như gãy xương cột sống, trật khớp hoặc viêm khớp. 

bong gân cổ

Những phương pháp điều trị bong gân cổ

Tất cả các trường hợp bong gân kể cả trật gân cổ đều được điều trị theo trình tự giống nhau theo nguyên tắc chung RICE ( Rest -nghỉ ngơi, Ice-chườm lạnh, Compression- băng ép, Elevation – nâng đỡ hay nâng cao đối với tổn thương ở tay và chân). Thông thường, những chấn thương này sẽ lành dần theo thời gian. Để thúc đẩy chấn thương mau lành lại, giảm đau đớn, bạn có thể thực hiện theo các lời khuyên sau:

  • Bạn sẽ cảm thấy đau nhức và co thắt cơ nhiều hơn trong vài ngày đầu sau chấn thương. Hãy nghỉ ngơi cho đến khi cơn đau được cải thiện. Khi nằm nghỉ ngơi, sử dụng một chiếc gối thoải mái hoặc một chiếc khăn cuộn kê dưới cổ để hỗ trợ giữ cho đầu và cột sống ở vị trí cân bằng. Lưu ý không nên để vị trí của đầu nghiêng về phía trước hoặc phía sau quá mức.
  • Chườm đá lên vùng bong gân cổ từ 15-20 phút mỗi lần, cách 3-6 giờ trong 48 giờ đầu tiên sau chấn thương. Lưu ý không chườm đá trực tiếp lên vùng chấn thương, bạn nên cho đá vào một túi nilong bịt kín rồi dùng khăn mỏng quấn lại. Sau 48 giờ, bạn có thể chườm ấm (tắm với nước nóng hoặc nước ấm) trong 15-20 phút vài lần trong ngày, hoặc luân phiên giữa chườm nóng và chườm lạnh. Điều này sẽ giúp giảm viêm và nới lỏng các mô, cơ bị co cứng.
  • Nếu cơn đau quá dữ dội và làm bạn khó chịu, một số thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin và ibuprofen có thể giúp bạn làm dịu cơn đau, giảm sưng. Dùng thuốc giãn cơ cũng giúp làm giảm co thắt, căng cứng ở cổ nhưng chỉ nên sử dụng khi có hướng dẫn của thầy thuốc.
  • Bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng băng mềm quanh cổ giúp nâng đỡ đầu và làm giảm áp lực lên dây chằng, để chúng có thời gian lành lại. Tuy nhiên, bạn không nên đeo nhiều hơn 3 giờ/ngày và đeo lâu hơn 1-2 tuần (các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giữ yên cổ trong thời gian dài có thể làm giảm sức mạnh cơ bắp và cản trở quá trình hồi phục).

Các phương pháp điều trị khác:

  • Xoa bóp cơ quanh cổ: xoa thụ động với lực nhẹ các cơ quanh cổ sẽ làm giãn các vùng cơ co thắt. Bác sĩ dùng một số thủ thuật bằng tay làm giãn cơ vùng cổ, giảm cơn đau.
  • Châm cứu: Một chuyên gia được đào tạo về châm cứu điều trị chứng đau mạn tính bằng cách châm những chiếc kim mỏng như tóc vào những vị trí cụ thể trên cơ thể bạn.
  • Chăm sóc thần kinh cột sống: Bác sĩ chỉnh hình thực hiện các kỹ thuật nắn khớp. Có một số bằng chứng cho thấy chăm sóc thần kinh cột sống có thể giúp giảm đau khi kết hợp với tập thể dục hoặc vật lý trị liệu. Thao tác nắn cột sống có thể gây ra các vấn đề nhỏ, chẳng hạn như tê hoặc chóng mặt, và hiếm khi làm tổn thương các mô cột sống.
  • Vật lý trị liệu: chuyên gia sử dụng sóng siêu âm
  • Tập thể dục: Bác sĩ có thể sẽ kê một loạt các bài tập kéo giãn và vận động để bạn thực hiện tại nhà. Các bài tập này có thể giúp phục hồi phạm vi chuyển động ở cổ và giúp bạn trở lại các hoạt động bình thường. Có thể nên chườm nóng ẩm lên vùng đau hoặc tắm nước ấm trước khi tập luyện. Các bài tập có thể bao gồm:
    • Xoay cổ của bạn theo cả hai hướng
    • Nghiêng đầu sang bên
    • Cúi cổ về phía ngực
    • Lăn vai

bong gân cổ

Phục hồi

Bong gân cổ bao lâu thì lành lại?

Các phương pháp điều trị biểu hiện hiệu quả khi triệu chứng bong gân cổ được cải thiện theo thời gian. Hầu hết các trường hợp bong gân cổ sẽ lành lại 4-6 tuần sau chấn thương. Một vài trường hợp bong gân nặng sẽ cần thời gian dài hơn để lành lại, có khi mất tới 3 tháng để bình phục hoàn toàn.

Lưu ý rằng bạn cần đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện dù đã áp dụng các phương pháp chăm sóc tại nhà. Không nên tự ý xoa bóp vùng bong gân hay tập các bài tập vật lý trị liệu nếu chưa tham vấn ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra lại để đánh giá và điều trị những nguyên nhân khác có khả năng gây ra các cơn đau và bầm tím ở cổ.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Neck Sprain – OrthoInfo – AAOS https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/neck-sprain/ Ngày truy cập: 6/1/2021

Neck Sprain (Neck Pain & Stiff Neck): Symptoms & Treatment https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14517-neck-sprain Ngày truy cập: 6/1/2021

Acute neck sprains https://www.nth.nhs.uk/content/uploads/2017/10/AE097.4-Acute-neck-sprains-24.10.17.pdf Ngày truy cập: 6/1/2021

Neck Sprain or Strain https://www.fairview.org/Patient-Education/Articles/English/n/e/c/k/_/Neck_Sprain_or_Strain_116330en Ngày truy cập: 6/1/2021

Neck pain – Symptoms and causes – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/neck-pain/symptoms-causes/syc-20375581 Ngày truy cập: 6/1/2021

Phiên bản hiện tại

06/10/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Top 4 phòng khám cơ xương khớp uy tín tại TP.HCM

Top 4 Bệnh viện, Phòng khám Cơ xương khớp uy tín tại Hà Nội


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 06/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo