Tỷ lệ bệnh gout (gút) ngày càng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc… Tại Việt Nam, bệnh gout được xem là bệnh nhà giàu vì quan niệm cho rằng chỉ những người có điều kiện, ăn uống dư dả, nhiều chất đạm mới bị bệnh gout.
Theo thống kê của khoa xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, trong những năm qua, các bệnh viêm khớp do gout tăng từ 1,5% (1978-1989) đến 6,1% (1991-1995) và 10,6% (1996-2000).
Theo khảo sát của Viện Gout từ tháng 7-2007 đến tháng 7-2012 trên cả nước có hơn 22.000 người mắc bệnh gout. Riêng TP. Hồ Chí Minh chiếm 1/3 bệnh nhân cả nước.
Tỷ lệ người bị bệnh gout đang ngày càng tăng do chế độ sinh hoạt và thói quen ăn uống không hợp lý. Theo các nghiên cứu trước đây, một số bệnh nhân có thể giảm triệu chứng của bệnh thông qua việc có chế độ ăn uống hợp lý. Từ đó, những thực đơn ăn kiêng cho bệnh gout hiệu quả và lành mạnh ra đời.
Ăn uống ảnh hưởng đến bệnh gout như thế nào?
Những người bị bệnh gout do có nhiều axit uric trong máu khiến các tinh thể axit uric tích tụ trong khớp gây sưng và đau buốt.
Một chế độ ăn kiêng hiệu quả là hạn chế các thực phẩm chứa purin, vì purin dễ chuyển hóa thành axit uric trong cơ thể làm tình trạng viêm nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, bạn nên ăn những thực phẩm có khả năng bổ trợ giúp loại bỏ axit uric trong máu.
Mặc dù việc ăn uống không loại bỏ hoàn toàn bệnh gout, nhưng nó làm giảm những cơn đau cũng như các triệu chứng sưng phù. Lợi ích của việc ăn kiêng còn giúp bạn giảm cân và duy trì sức khỏe, điều này rất quan trọng vì thừa cân làm tăng nguy cơ bị các cơn đau do gout thường xuyên.
Chế độ ăn kiêng hợp lý để chống lại bệnh gout
Hãy lập một kế hoạch ăn uống có chế độ ăn rõ ràng bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc, sữa ít béo và một số thực phẩm khác hỗ trợ hạn chế những cơn đau.
Thực phẩm người bị gout nên ăn
Bạn nên nhớ rằng, điều quan trọng trong chế độ ăn là hạn chế tối đa purin. Vì vậy, cắt giảm để hạn chế tiêu thụ các sản phẩm từ cá béo, thịt đỏ, động vật có vỏ, nội tạng động vật, carbohydrate tinh chế, bánh mì trắng và gạo trắng là việc rất quan trọng.
Chế độ ăn giúp bạn loại bỏ nhiều loại thực phẩm, nhưng vẫn có rất nhiều thực phẩm có hàm lượng purin thấp bạn có thể ăn như:
- Trái cây: anh đào (cherry), thơm, cam…
- Các loại rau: rau củ quả luôn là combo cho các chế độ ăn kiêng, đặc biệt các loại rau lá xanh đậm.
- Các loại đậu: đậu lăng, đậu nành, đậu đen…
- Các loại hạt: hạnh nhân, óc chó…
- Các sản phẩm từ sữa: chúng đều an toàn, bạn nên chọn loại ít béo
- Trứng
- Các loại gia vị: nghệ, gừng…
- Dầu thực vật: dầu canola, dầu dừa, dầu oliu…
Đồ uống cho chế độ ăn kiêng
Uống nước đầy đủ là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh gout, vì vậy bạn nên uống đủ nước: 2 lít/ngày. Trên thực tế, cơ thể thiếu nước là mối nguy cơ khiến bệnh gout thêm trở nặng.
Sữa có thể giúp cơ thể loại bỏ axit uric, bạn nên lựa chọn sữa ít béo. Bạn có thể kết hợp sữa với cà phê. Các nghiên cứu gần đây cho thấy uống cà phê làm giảm tỷ lệ mắc bệnh gout ở nam và nữ giới.
Thức uống giàu vitamin C như nước cam, ổi ép… cũng là những lựa chọn tuyệt vời. Nên lựa chọn đồ uống nguyên chất và không thêm đường vào nước uống.
Bạn nên ngừng sử dụng các loại nước như soda hoặc các loại đồ uống có chất tạo ngọt và lượng đường cao.
Những lầm tưởng về bệnh gout
Thực phẩm có tính axit làm tăng axit uric trong máu?
Nhiều người hiểu sai rằng những thực phẩm có thành phần axit góp phần làm tăng lượng axit uric trong máu. Thực phẩm có thành phần axit như cà chua, cam, chanh… không làm cho bệnh gout thêm nặng, mặt khác chúng giúp ích cho việc hỗ trợ điều trị.
Không nên dùng sản phẩm từ sữa?
Bạn có thể thêm các sản phẩm từ sữa vào thực đơn điều trị gout, vì nó không hề gây hại cho tình trạng bệnh, song bạn không nên ăn quá thường xuyên. Nếu bạn có cân nặng ổn định và không bị những cơn đau của gout làm ảnh hưởng, bạn có thể dùng các món làm từ sữa làm món tráng miệng như một biện pháp phòng ngừa bệnh.
Ưu điểm của việc lựa chọn ăn kiêng điều trị gout
Chế độ ăn kiêng cân bằng, lành mạnh giúp hỗ trợ cho việc điều trị gout, vì vậy bạn nên lên thực đơn mỗi ngày, mỗi tuần giúp cho việc ăn uống trở nên dễ dàng hơn.
Để ăn kiêng, bạn phải từ bỏ những thực phẩm bạn thích ăn nhưng lại ảnh hưởng đến bệnh. Hãy lựa chọn những thực phẩm thân thiện và tốt cho sức khỏe bản thân.
Bạn có thể tìm kiếm thực đơn trên mạng, chỉ cần lưu ý thực phẩm đó không chứa nhiều purin và loại bỏ được axit uric. Bạn cũng có thể tham khảo thực đơn 7 ngày ăn kiêng điều trị gout của Hello Bacsi.
LUYẾN TRẦN/HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]