Đau cổ tay là triệu chứng thường gặp với những đối tượng thường xuyên vận động cơ bàn tay và cánh tay. Căn bệnh này khiến chúng ta gặp khá nhiều trở ngại trong việc cử động và sinh hoạt hằng ngày.
Vậy, nguyên nhân của những cơn đau này là do đâu? Có những phương pháp điều trị nào? Hãy tham khảo bài viết sau để có câu trả lời bạn nhé!
Nguyên nhân bị đau cổ tay là gì? Triệu chứng đi kèm?
Đau cổ tay trái là bệnh gì? Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau cổ tay phải hay trái rất thường gặp:
- Hội chứng ống cổ tay: khi dây chằng cổ tay dày lên phì đại cơ hoặc bệnh lý bao hoạt dịch gây chèn ép lên dây thần kinh, dây đó sẽ bị đè ép và khiến bạn bị đau cổ tay nhưng không sưng, tê và yếu ở tay. Những người có nguy cơ cao bị hội chứng ống cổ tay bao gồm: người béo phì, bệnh nhân tiểu đường, viêm khớp, những người làm những công việc lặp đi lặp lại như đánh máy, vẽ, may, phụ nữ có thai hoặc đang trải qua thời kỳ mãn kinh… Triệu chứng là đau cổ tay nhưng không sưng, rát, tê, ngứa ran hoặc yếu bàn tay, đặc biệt vào ban đêm.
- Viêm khớp: gây sưng và cứng khớp. Một số dạng phổ biến của bệnh viêm khớp bao gồm: viêm khớp dạng thấp (một tình trạng tự miễn), viêm xương khớp do thoái hóa khớp theo tuổi tác, viêm khớp vẩy nến và viêm khớp truyền nhiễm. Tuy nhiên, viêm do thoái hóa khớp cổ tay không phổ biến mà thường chỉ xảy ra ở những người từng bị thương ở cổ tay trước đây.
- Chấn thương cổ tay: bao gồm bong gân, căng cơ, gãy xương, viêm bao hoạt dịch hoặc viêm gân. Khi bị chấn thương cổ tay, bạn có thể có các triệu chứng sưng, bầm tím hoặc biến dạng các khớp gần cổ tay. Nếu bị bong gân cổ tay, bạn sẽ có những triệu chứng như đau nhức, sưng và bầm tím, khó vận động cổ tay. Còn đau xương cổ tay thường là cảm giác đau âm ỉ, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay, sưng đỏ hoặc nóng quanh cổ tay, khó để nắm tay hoặc nắm đồ vật. Gãy xương khiến cổ tay bị đau đột ngột, đau buốt, sưng tấy, nghe thấy tiếng gãy của xương ngay thời điểm chấn thương.
- Viêm gân: Viêm gân gây đau, sưng và cứng ở gốc ngón tay kéo dài; khó cử động ngón cái; sưng cổ tay.
- Gout (Gút): khi cơ thể bạn sản sinh ra quá nhiều axit uric thì lượng axit dư thừa có thể ảnh hưởng đến các khớp gây ra đau và sưng.
Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác khiến cổ tay bị đau như u nang hạch xuất hiện ở cổ tay (nổi cục u mịn ở gần khớp hoặc gân, đau), bệnh Kienbock, bệnh giả gút…
Bạn cần đi khám bác sĩ nếu cơn đau ở tay cản trở hoạt động hàng ngày hay tình trạng tê và ngứa ran trở nên tệ hơn khiến bạn không thể làm cử động tay đơn giản.
Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu một cổ tay bạn bị nóng và đỏ lên; bị sốt trên 38 độ C; không thể cử động cổ tay, bàn tay hoặc ngón tay; biến dạng ở tay hoặc chảy máu. Bởi điều này có thể cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Những cách trị đau cổ tay
Cách trị đau cổ tay phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, điều trị đau nhức cổ tay gây ra bởi hội chứng ống cổ tay có rất nhiều điểm khác biệt so với điều trị do viêm khớp.
Cách chăm sóc tại nhà
Đôi khi, điều trị tại nhà có thể thành công. Điều trị tại nhà thường bao gồm thư giãn cổ tay càng nhiều càng tốt cho đến khi đủ thời gian để lành. Bên cạnh đó, bạn hãy thử một số cách để điều trị như:
Với hội chứng ống cổ tay:
- Uống thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen nếu cần thiết, chú ý khi dùng thuốc cho người bệnh gan và dạ dày.
- Để bàn phím thấp để không phải cong tay lên khi làm việc với máy tính. Khi đánh máy cần thường xuyên dừng lại để nghỉ ngơi ngắn
- Sử dụng đệm đánh máy, bàn phím rời hay nẹp cổ tay được thiết kế để giảm đau cổ tay
- Đeo nẹp cổ tay, có thể chỉ khi đi ngủ để giảm sưng nhưng đôi khi bạn phải đeo nẹp cả ngày
- Chườm ấm hoặc chườm đá 3 – 4 lần trong ngày
- Không giũ tay hoặc bóp bàn tay.
Với chấn thương gần đây:
- Uống thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen nếu cần thiết
- Để cổ tay nghỉ ngơi, đặt tay cao hơn vị trí của tim để giảm sưng
- Chườm túi đá lên vùng sưng tấy 10 – 15 phút mỗi giờ trong ngày đầu tiên; sau đó 3 – 4 lần/ngày
- Hỏi bác sĩ về việc sử dụng nẹp cổ tay trong vài ngày.
Với bệnh viêm khớp không nhiễm trùng:
- Thực hiện các bài tập tại cổ tay để tăng cường độ linh hoạt và sức mạnh của cổ tay
- Không tập thể dục khi cổ tay bị viêm
- Đảm bảo rằng bên cạnh tập luyện, các khớp cũng được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Bài tập giúp giảm đau cổ tay
- Giữ cổ tay thẳng, nắm các ngón tay lại, ngón cái nằm phía trong 4 ngón tay còn lại. Gập cổ tay vào phía trong hết mức có thể, giữ trong 2 giây sau đó trở về vị trí ban đầu. Tiếp tục uốn cong cổ tay ra phía ngoài, giữ trong 2 giây rồi trở lại vị trí ban đầu.
- Đặt toàn bộ tay lên một mặt phẳng, chẳng hạn như mặt bàn, duỗi thẳng cổ tay, bàn tay và ngón tay. Uốn cong cổ tay sang trái càng nhiều càng tốt, giữ trong 2 giây sau đó trở lại vị trí ban đầu. Tiếp tục uốn cong bàn tay sang bên phải, giữ trong 2 giây rồi đưa trở lại vị trí ban đầu.
- Đặt cánh tay và bàn tay lên bàn, duỗi thẳng, liên tục úp và ngửa lòng bàn tay.
Điều trị cổ tay bị đau tại bệnh viện
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau để giúp bạn nhanh chóng cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà thuốc khác được chỉ định, chẳng hạn như corticoid đường uống hoặc tiêm, kháng sinh…
Bên cạnh đó, châm cứu, xoa bóp cũng giúp cải thiện tình trạng chèn ép.
Trong một số trường hợp, bạn cần được phẫu thuật để giải quyết nguyên nhân gây đau cổ tay như gãy xương, hội chứng ống cổ tay, đứt/rách gân.
Ngoài ra, chuyên gia vật lý trị liệu có thể thực hiện các phương pháp điều trị đau nhức cổ tay như băng nẹp cổ tay và hướng dẫn bài tập cụ thể cho các chấn thương ở cổ tay và vấn đề về gân (bong gân, viêm gân). Nếu bạn phải phẫu thuật, vật lý trị liệu cũng sẽ giúp phục hồi chức năng về sau.
Để giảm nguy cơ bị đau cổ tay trong tương lai, bạn nên bổ sung đủ canxi theo tuổi, ngăn ngừa té ngã, đeo thiết bị bảo vệ cổ tay khi tham gia thể thao, dành thời gian cho cổ tay nghỉ ngơi nhiều hơn nếu nguy cơ của bạn là do công việc.
[embed-health-tool-bmi]