backup og meta

Đau háng là do đâu, khi nào cần đi khám và cách điều trị

Đau háng là do đâu, khi nào cần đi khám và cách điều trị

Tình trạng đau háng (hay còn gọi là đau ở bẹn) chủ yếu là do hoạt động thể chất quá nhiều. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân gây đau vùng háng không liên quan đến cơ – xương – khớp ở vị trí này và đòi hỏi cần được điều trị ngay. Cùng tìm hiểu nhé!

Háng là khu vực nằm ở giữa vùng bụng và chân. Ở đây có 5 nhóm cơ đóng vai trò hỗ trợ chân di chuyển

Đau háng thường xảy ra khi căng các nhóm cơ này quá mức gây đau cơ, cản trở hoạt động của hai chân và ảnh hưởng đến khả năng đi lại.

Nguyên nhân đau háng là gì?

Tình trạng đau cơ háng phổ biến và có khả năng xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Một số nguyên nhân phổ biến nhất có thể kể đến như:

Cơ, dây chằng hoặc gân ở khu vực háng chịu tổn thương

Phần lớn trường hợp đau ở vùng háng bắt nguồn từ tình trạng căng cơ, giãn dây chằng hoặc gân tại đây. Các vận động viên là những người dễ gặp phải loại chấn thương đau háng nhất.

Ngoài ra, nếu bạn không phải là vận động viên chuyên nghiệp nhưng thường tham gia các môn thể thao mang tính đối kháng như bóng đá, bóng bầu dục, khúc côn cầu… nguy cơ đau háng xảy ra ở bạn cũng cao hơn những người khác.

Vận động viên dễ bị đau háng

Thoát vị bẹn

Một nguyên nhân thường gặp khác của chứng đau cơ háng là thoát vị bẹn.

Thoát vị bẹn xảy ra khi mô mềm, thường là một phần của lớp niêm mạc hoặc ruột, di chuyển khỏi khoang bụng và lọt vào ống bẹn. Điều này có thể làm một hoặc cả hai bên háng phình lên, từ đó dẫn đến tình trạng đau 2 bên háng.

Một số nguyên nhân khác

Đôi khi yếu tố gây đau nhức ở vùng háng còn có khả năng đến từ:

  • Sỏi thận
  • Xương ở gần háng bị gãy (mấu, chỏm, cổ xương đùi)
  • Viêm ruột
  • Viêm tinh hoàn (ở nam giới)
  • Sưng hạch bạch huyết
  • U nang buồng trứng (ở nữ giới)
  • Chèn ép dây thần kinh
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Viêm xương khớp hông
  • Hoại tử chỏm xương đùi vô khuẩn
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Thoái hóa khớp háng

Những triệu chứng đi kèm đau háng

Trong phần lớn trường hợp, đau háng là triệu chứng riêng lẻ và có thể nhanh chóng khỏi khi bạn nghỉ ngơi, thả lỏng cơ thể để cơ được thư giãn. Tuy nhiên, hãy tìm đi khám bác sĩ ngay nếu đau cơ háng nhiều khiến bạn khó chịu và cơn đau kéo dài vài ngày.

Ngoài ra, hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây xảy ra cùng với triệu chứng đau nhức vùng háng:

  • Máu lẫn trong nước tiểu
  • Phạm vi đau nhức mở rộng đến vùng lưng dưới, ngực và bụng
  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Sút cân trong thời gian ngắn.

Đặc biệt ở nam giới, bạn càng nên cẩn thận khi dấu hiệu sưng và đau tinh hoàn xuất hiện cùng đau háng. Chúng có thể cảnh báo về những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng tinh hoàn
  • Xoắn tinh hoàn
  • Ung thư tinh hoàn
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Đau cơ háng có nguy hiểm không?

Nếu bạn bị đau cơ háng do bị chấn thương, tư thế sai lệch, triệu chứng này sẽ được giảm nhanh sau khi nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân đến từ các vấn đề bệnh lý, thì bạn cần phải tiến hành chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất.

Các bệnh lý gây đau háng thường sẽ nặng dần theo thời gian, gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên chất lượng cuộc sống và xuất hiện các biến chứng như:

  • Tàn phế: Nếu không được điều trị kịp thời, sụn khớp bị hư hại hoàn toàn, mô xương xốp, rỗng và gãy khi phải chịu tác động. Đối với các trường hợp này, khớp bị hư hại nghiêm trọng, hầu như không có khả năng hồi phục, thậm chí có thể gây tàn phế.
  • Suy nhược cơ thể: Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng dần theo thời gian. Ở giai đoạn nặng, triệu chứng đau háng xảy ra cả ban ngày hay đêm; dẫn đến việc mất ngủ, mệt mỏi và suy nhược cơ thể.

Bên cạnh đó, đau khớp háng còn gây tác động xấu đến các hoạt động sinh hoạt, giảm đi hiệu suất làm việc, đem lại không ít phiền toái trong cuộc sống.

Đau háng có nguy hiểm không

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau háng?

Bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng và hỏi bạn về những hoạt động thể chất gần đây. Bạn nên cố gắng đưa ra đáp án chính xác nhất có thể vì các chuyên gia sẽ dựa vào đó để chẩn đoán vấn đề bạn đang gặp phải.

Sau đó, một số xét nghiệm chuyên sâu khác có thể được tiến hành nếu cần thiết, ví dụ như:

Chụp X quang hoặc siêu âm

Chụp X-quang hoặc siêu âm có thể giúp bác sĩ kiểm tra nguyên nhân đau cơ bẹn có xuất phát từ vấn đề như gãy xương, ung thư tinh hoàn hay u nang buồng trứng không.

Xét nghiệm máu

Đôi khi bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu nhằm xác định liệu đau 2 bên bẹn có phải do nhiễm trùng hay không.

Những phương pháp điều trị đau háng

Phương pháp điều trị được áp dụng nên dựa trên nguyên nhân gây ra tình trạng này, chia hai nhóm chính gồm:

Cách làm giảm đau cơ háng tại nhà

Nếu bạn gặp cơn đau háng bên trái hoặc bị đau háng bên phải do căng cơ, bạn có thể áp dụng những phương pháp khắc phục tại nhà.

Bạn dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chườm đá vào vùng bị đau, đồng thời tạm ngưng các hoạt động thể chất trong khoảng 2–3 tuần sẽ giúp các cơ bị căng cứng dần dần tự hồi phục.

Ngoài ra, nếu cơn đau gây khó chịu, bạn còn có thể sử dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn như paracetamol. Tuy nhiên, hãy lưu ý dùng thuốc theo đúng hướng dẫn sử dụng để tránh tác dụng không mong muốn.

Các phương pháp chữa trị y tế 

Nếu các phương pháp giảm đau hai bên háng tại nhà không mang lại hiệu quả như mong đợi, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm để hỗ trợ xoa dịu triệu chứng.

Nếu cơn đau vẫn không cải thiện nhiều hoặc tái phát nhiều lần, bạn nên đi tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của các chuyên gia y khoa.

Mặt khác, bạn cần phẫu thuật nếu nguyên nhân đau cơ háng bên trái, đau cơ háng bên phải là do gãy xương hoặc thoát vị bẹn.

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau háng?

Bạn có thể dễ dàng ngăn chặn rủi ro phát sinh các cơn đau ở háng bằng một số thói quen như:

  • Duy trì cân khỏe mạnh bằng chế độ ăn và tập thể dục
  • Lưu ý khi khuân vác vật nặng nhằm phòng ngừa thoát vị
  • Luôn khởi động trước khi tập thể dục thể thao
  • Tránh ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân, ngồi xếp bằng.

Thêm vào đó, bạn còn có thể chủ động tập một số động tác co duỗi nhẹ nhàng tác động đến háng. Điều này giúp cơ háng quen dần với việc kéo giãn, từ đó hạn chế tình trạng căng cơ gây đau.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Groin pain (male) https://www.mayoclinic.org/symptoms/groin-pain/basics/causes/sym-20050652 Ngày truy cập: 21/10/2021

Groin Pain https://www.ortho.wustl.edu/content/Education/3625/Patient-Education/Educational-Materials/Groin-Pain-Dr-Nunley.aspx Ngày truy cập: 21/10/2021

Groin pain https://www.mountsinai.org/health-library/symptoms/groin-pain Ngày truy cập: 21/10/2021

Groin Pain https://www.uofmhealth.org/health-library/sig46230spec Ngày truy cập: 21/10/2021

Groin Pain https://www.markfieldmedicalcentre.org.uk/images/Groin_Pain_-_Patient_Information_and_Exercises.pdf Ngày truy cập: 21/10/2021

Phiên bản hiện tại

27/03/2023

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Bị trật khớp háng phải làm sao? Bao lâu thì khỏi?

Sái khớp háng


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 27/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo