Tư thế con bò/con mèo (Chakravakasana)

Bài tập chữa đau vai gáy này tác động trực tiếp đến các cơ ở cổ và vai, hỗ trợ mở rộng ngực, tăng cường sức mạnh cho bụng và giúp bạn có hơi thở sâu hơn.
- Bước 1: Đầu tiên, bạn quỳ gối trên sàn, hai tay chống về phía trước để tạo thành tư thế giống như cái bàn.
- Bước 2: Hít vào một hơi thật sâu. Theo hơi thở, bạn từ từ võng lưng xuống hết cỡ, chú ý kéo căng hết mức các cơ ở bụng và cổ, đồng thời đưa mắt nhìn lên trần nhà. Đây là tư thế con bò.
- Bước 3: Sau đó, bạn từ từ thở ra. Trong quá trình thở, bạn hãy cuộn từng đốt sống và đẩy lưng lên cao, thu cằm lại đến khi gần chạm vào ngực. Đây là tư thế con mèo.
- Bước 4: Lặp lại 2 tư thế trên trong ít nhất 8 lần hít vào/thở ra.
Tư thế cúi gập người (Uttanasana)
Tư thế cúi gập người giúp cải thiện độ gù của vai, giảm căng thẳng cho vai, cổ và là một trong những bài tập yoga hiệu quả giúp giảm đau cho người bị đau vai gáy. Bên cạnh đó, bài tập này còn hỗ trợ thư giãn thần kinh, cải thiện tiêu hóa, kích thích hoạt động của gan và thận cũng như giúp đùi và đầu gối khỏe hơn.
- Bước 1: Bạn đứng thẳng trên sàn. Sau đó, hãy hít một hơi thật sâu, thu cằm và từ từ gập người về phía trước cho đến khi hai tay chạm đến bàn chân.
- Bước 2: Giữ nguyên tư thế này và thở ra nhẹ nhàng.
- Bước 3: Từ từ đứng dậy và lặp lại các bước trên. Chú ý thực hiện thật chậm và cố gắng kiểm soát từng nhịp thở.
Bài tập yoga cho người đau vai gáy: Tư thế tam giác mở rộng (Utthita Trikonasana)
Tư thế này giúp kéo giãn cột sống, giảm đau vai gáy và lưng, đồng thời giảm stress rất hiệu quả. Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Bạn đứng thẳng trên sàn, mở rộng hai chân hết mức có thể, đồng thời dang rộng hai tay sang hai bên.
- Bước 2: Giữ thẳng lưng, sau đó từ từ đổ người về bên phải, hai tay vẫn ở tư thế dang ngang.
- Bước 3: Tiếp theo, bạn nhẹ nhàng cúi xuống và đưa tay phải chạm vào cổ chân trái, tay trái giơ thẳng hướng lên trần nhà. Mắt nhìn về phía tay trái.
- Bước 4: Hít thở vài hơi thật sâu, để cơ thể và tâm trí có thời gian thả lỏng.
- Bước 5: Nhẹ nhàng nhấc người trở về tư thế đứng và đổi bên.
Tư thế nhân sư (Salamba Bhujangasana)

Tư thế nhân sư sẽ kéo giãn toàn bộ phần cột sống và cổ, từ đó giúp giảm cảm giác đau mỏi ở vai gáy. Bạn có thể thực hiện thêm tư thế mèo bò để cơ cổ phía trước được thư giãn sau khi bị kéo căng.
- Bước 1: Với bài tập này, bạn bắt đầu ở tư thế nằm sấp, cằm chạm thảm. Hai tay đặt xuôi hai bên cơ thể, hai chân duỗi thẳng và mở rộng bằng hông.
- Bước 2: Hãy di chuyển cánh tay về phía trước, khuỷu tay nằm dưới vai, 2 cẳng tay đặt trên sàn và song song với nhau. Các ngón tay lúc này hướng thẳng về phía trước.
- Bước 3: Nhẹ nhàng hít vào, dồn lực lên phần cẳng tay để nâng đầu và ngực lên cao hết mức có thể. Lúc này, bạn hãy cố gắng kéo căng bụng, ngực và cổ trước.
- Bước 4: Hít thở sâu, giữ tư thế này trong khoảng 1-2 phút (hoặc đến khi nào bạn không thể chịu được nữa).
Tư thế mặt bò (Gomukhasana)
Tư thế mặt bò giúp giãn sâu phần lưng, cổ, tay và ngực. Đồng thời, bài tập yoga cho người đau vai gáy này cũng giúp kéo thẳng trục cột sống và đưa lưng về đúng vị trí.
- Bước 1: Bạn ngồi thoải mái trên sàn. Sau đó, hãy vòng tay phải xuống sau lưng, ngón tay hướng về phía cổ. Đồng thời, bạn cũng đưa tay trái lên phía trên đầu, co tay ra sau và cố gắng nắm lấy bàn tay phải. Nếu hai tay không thể chạm vào nhau, bạn có thể dùng thêm khăn hoặc dây để hỗ trợ.
- Bước 2: Hít thở thật sâu, giữ tư thế này trong khoảng 30 giây đến 1 phút, chú ý thẳng lưng.
- Bước 3: Từ từ thả tay ra, xoay vai nhẹ nhàng và đổi tay.
Tư thế xỏ kim (Parsva Balasana)

Tư thế xỏ kim sẽ kéo giãn cơ vai và phần lưng trên, giúp giảm đau và mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn. Bài tập yoga cho người đau vai gáy này được thực hiện theo các bước như sau:
- Bước 1: Bạn quỳ gối trên sàn, đưa tay chống về phía trước để tạo thành tư thế cái bàn. Cổ giữ ở vị trí cân bằng, mắt nhìn xuống sàn.
- Bước 2: Tiếp theo, bạn từ từ thở ra. Theo nhịp thở, hãy nhẹ nhàng đưa tay phải lên cao rồi luồn tay phải xuống dưới tay trái sao cho lòng bàn tay ngửa, vai phải và tai chạm sàn, mắt nhìn sang trái. Tay trái đang chống xuống sàn có thể đẩy nhẹ sang hướng ngược lại để giúp kéo giãn vai và lưng nhiều hơn.
- Bước 3: Từ từ hít vào, chống tay trái để nâng người lên, đồng thời đưa tay phải về lại tư thế cái bàn. Đổi bên.
Bài tập yoga cho người đau vai gáy: Tư thế em bé (Balasana)
Tư thế yoga đơn giản này sẽ giúp kéo giãn cột sống, đặc biệt là các đốt sống cổ để từ đó giảm đau vai gáy hiệu quả. Ngoài ra, tư thế em bé còn giúp giảm táo bón và căng thẳng thần kinh. Bạn có thể thực hiện theo các bước như sau:
- Bước 1: Hãy bắt đầu bằng tư thế ngồi trên gót chân.
- Bước 2: Tiếp theo, bạn giữ yên mông trên gót chân, sau đó cúi người nằm dài về phía trước sao cho trán chạm sàn. Hai tay đặt xuôi theo thân người, lòng bàn tay ngửa.
- Bước 3: Hít thở sâu, giữ tư thế này trong vài phút.
- Bước 4: Cuối cùng, từ từ hít vào, cuộn từng đốt sống và nâng người để trở về tư thế ngồi trên gót chân.
Tư thế chim đại bàng

Đây là một bài tập tuyệt vời giúp kéo giãn phần cơ giữa hai bả vai cũng như cơ ở cổ và tay. Thực hiện bài tập cho người đau vai gáy này ở tư thế ngồi sẽ tập trung kéo giãn cơ ở phần thân trên và cổ. Bạn cũng có thể chọn tư thế chim đại bàng đứng (Garudasana) để kéo giãn toàn thân.
- Bước 1: Bạn ngồi xếp bằng, giữ thẳng lưng và cổ.
- Bước 2: Hãy đưa tay ra phía trước, giữ bắp tay ngang vai, tay phải hướng lên phía trên. Tay trái đặt dưới tay phải và quấn vào tay phải sao cho hai lòng bàn tay chạm vào nhau.
- Bước 3: Hít thở sâu, cảm nhận cơ vai đang giãn ra. Chú ý không để bắp tay bị đẩy lên quá cao về phía lỗ tai.
- Bước 4: Đổi tay.
Trên đây là 11 bài tập yoga cho người đau vai gáy đơn giản, dễ thực hiện ngay tại nhà. Để giữ cho vai, gáy cũng như cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai, bạn cũng có thể cân nhắc đến việc đăng ký tham gia các lớp học yoga với huấn luyện viên chuyên nghiệp. Việc học với huấn luyện viên sẽ đảm bảo các động tác yoga được thực hiện đúng kỹ thuật, từ đó giúp bạn tránh được chấn thương và cảm nhận tối đa lợi ích từ bộ môn này.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!