backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Ấn vào xương sườn thấy đau: Nguyên nhân và cách xử lý

Tham vấn y khoa: BS CKII Trần Trọng Thắng · Chỉnh hình · Phòng khám Đa khoa MSC - Hà Nội


Tác giả: Lê Phương Thảo · Ngày cập nhật: 16/11/2023

    Ấn vào xương sườn thấy đau: Nguyên nhân và cách xử lý

    Ấn vào xương sườn thấy đau trong một vài tình huống không gây nguy hiểm, tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện của chấn thương hoặc cảnh báo cho các bệnh lý nghiêm trọng khác. Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào diễn biến bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

    Trong bài viết này, Hellobacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý khi ấn vào xương sườn thấy đau nhé! 

    Các nguyên nhân ấn vào xương sườn thấy đau 

    Trong cơ thể, có rất nhiều cơ quan nội tạng quan trọng nằm gần xương sườn, cụ thể là về bên phải nên khi chúng gặp vấn đề và bị tổn thương thì hoàn toàn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xương sườn. Các cơn đau xương sườn bên phải thường nhói hoặc âm ỉ khi bị ấn vào khiến người bệnh khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày. Chưa có phân loại rõ ràng trong việc đau xương sườn bên nào là do biểu hiện bệnh lý nào, nhưng bạn cũng có thể tham khảo dưới đây.

    Ấn vào xương sườn phải thấy đau là bệnh gì?

    Bệnh về gan

    Viêm gan B, viêm gan C là hai bệnh lý thường gặp về gan hiện nay. Ngoài biểu hiện bệnh ấn vào xương sườn thấy đau, ấn vào hạ sườn phải cũng thấy đau thì người bệnh còn cảm thấy chán ăn, mệt mỏi, khó tiêu, buồn nôn và sụt cân trong khoảng thời gian ngắn. Một khi bệnh trở nên trầm trọng hơn thì các dấu hiệu vàng da, nước tiểu chuyển vàng đậm,… sẽ xuất hiện. 

    Đây là nguồn căn dẫn đến ung thư gan. Bởi khi các khối u ngày càng phát triển, các tế bào gan bị chèn ép gây ra các cơn đau dữ dội với tần suất liên tục trong thời gian dài khiến người bệnh kiệt sức và mệt mỏi. Chính vì vậy, cần phải đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy dấu hiệu trên. 

    Vấn đề về phổi

    Ngoài dấu hiệu của bệnh gan thì đau xương sườn khi ấn vào cũng còn là tín hiệu thông báo các cơ quan xung quanh đang gặp vấn đề. Phổi là cơ quan nằm phía trên mạn sườn phải nên có thể khi gặp tổn thương đã gây cơn đau cho phần xương sườn. 

    Khi gặp vấn đề này, người bệnh thường không cảm thấy chán ăn, ăn không tiêu, chướng bụng như bệnh gan mà thay vào đó, họ sẽ thấy đau tức ở mạn sườn phải, ho thành từng cơn nghiêm trọng. 

    ấn vào xương sườn thấy đau
    Phổi có vấn đề gây ra các cơn đau xương sườn kèm với cơn ho nặng ngực

    Ấn vào xương sườn trái thấy đau là bệnh gì?

    Đau dây thần kinh liên sườn

    Đặc điểm của bệnh lý này là cơn đau sẽ bắt đầu từ một vị trí nhất định rồi lan đến xương sườn. Người bệnh sẽ cảm thấy nhói lên và cơ thể giật giật. Mặc dù đau dây thần kinh liên sườn không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bạn vẫn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và sử dụng một số loại thuốc giảm đau phù hợp. Tùy vào tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng thuốc, cơn đau sẽ lùi dần sau khoảng 2 tuần.

    Viêm đại tràng, dạ dày, hội chứng ruột kích thích

    Khi ấn vào xương sườn trái thấy đau và kèm với đó là các dấu hiệu như đau bụng, sụt ký, ợ chua, buồn nôn, khó tiêu, đầy bụng,… thì có thể bạn đang gặp viêm dạ dày, viêm đại tràng. Một số trường hợp còn gặp vấn đề đại tiện khó khăn, tiêu chảy, táo bón. Vậy nên, khi phát hiện những triệu chứng này, người bệnh nên đi khám ngay.

    Sỏi thận

    Ngoài việc ấn vào xương sườn thấy đau, sỏi thận còn có thể gây ra cơn đau ở hạ sườn trái. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng khác như tiểu đau, tiểu có máu, tiểu lắt nhắt,… Nếu không được chữa trị kịp thời, các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận,… sẽ xuất hiện. 

    Ngoài việc đau ở một bên xương sườn, các cơn đau có thể xảy đến ở cả hai bên xương sườn hoặc xen kẽ qua lại giữa hai bên. Trong trường hợp này thì nguyên nhân phổ biến là do đau cơ. Đau cơ thường đến từ chấn thương, bong gân, vận động quá sức hoặc ít vận động, duy trì tư thế sai trong thời gian dài,… 

    Bạn có thể quan tâm:

    Triệu chứng đi kèm 

    Trong trường hợp chưa xác định rõ nguyên nhân đau xương sườn khi ấn vào nhưng xuất hiện các triệu chứng kèm theo dưới đây thì bạn nên chú ý:

    • Nôn mửa 
    • Đau khi đi tiểu
    • Chảy máu khi tiểu
    • Vàng mắt, vàng da
    • Sốt cao hoặc phân bạc màu
    • Ngứa ran hoặc tê cứng chân
    • Phát ban trên da và có kèm theo các cơn đau

    Khi ấn vào xương sườn thấy đau nhẹ hoặc vừa và không có kèm các triệu chứng trên thì có thể chỉ là do nguyên nhân căng cơ bình thường. Vậy nên bạn không cần phải lo lắng quá. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại thì nên đến ngay bác sĩ để xét nghiệm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh để có phương án điều trị hợp lý trong thời gian sớm. 

    Cách xử lý khi bị đau xương sườn khi ấn

    Trong trường hợp người bệnh ấn vào xương sườn thấy đau và chưa thể đến ngay cơ sở y tế gần nhất thì có thể thực hiện phương án sơ cứu tạm thời sau:

    • Tránh các hoạt động quá vất vả
    • Uống nước ấm và nằm nghỉ ngơi trong tư thế thoải mái 
    • Khi cơn đau quá dữ dội, lấy khăn ấm chườm quanh vùng bị đau
    • Không nên tùy ý sử dụng thuốc giảm đau nếu chưa có sự chỉ định từ bác sĩ
    ấn vào xương sườn thấy đau
    Nên có sự chỉ định từ bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc giảm đau

    Ngoài ra để điều trị hiện tượng ấn vào xương sườn thấy đau do bệnh lý thì bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra các phương án điều trị, có thể kể đến như:

    • Sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh gan, bệnh sỏi thận
    • Dùng thuốc điều trị nhiễm trùng, nhiễm trùng thận, nhiễm trùng đường tiểu
    • Phẫu thuật loại bỏ túi mật hoặc uống thuốc tan sỏi mật
    • Phẫu thuật ghép gan, ghép thận đối với các trường hợp bệnh nặng
    • Vật lý trị liệu, chườm nóng lạnh đối với các chấn thương cơ ở mức nhỏ

    Thêm vào đó, bạn nên xây dựng lối sống khoa học với thời gian làm việc – nghỉ ngơi hợp lý kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể luôn trong trạng thái tốt nhất.

    Ấn vào xương sườn thấy đau là triệu chứng thường thấy và có thể không phải biểu hiện cho bệnh lý nguy hiểm. Hầu hết các nguyên nhân gây bệnh đều điều trị được nhưng trong trường hợp phát hiện sớm và thực hiện điều trị đúng theo chỉ định từ bác sĩ. Nếu cơn đau trở nặng với tần suất và cường độ lớn hơn thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    BS CKII Trần Trọng Thắng

    Chỉnh hình · Phòng khám Đa khoa MSC - Hà Nội


    Tác giả: Lê Phương Thảo · Ngày cập nhật: 16/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo