backup og meta

Căng cơ

Căng cơ

Tình trạng cơ bắp bị giãn quá mức dẫn đến căng cứng không chỉ xảy ra ở vận động viên mà tất cả mọi người đều có khả năng gặp phải vấn đề này ít nhất một lần trong đời. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết bị căng cơ thì làm gì.

Vậy, căng cơ là gì và bạn nên làm gì khi bị căng cơ? Đọc ngay bài viết sau để hiểu thêm về vấn đề sức khỏe này và bỏ túi các cách trị căng giãn cơ bắp đơn giản mà hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Căng cơ là gì?

Tình trạng cơ bắp bị kéo giãn quá mức hoặc rách gọi là căng cơ. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là căng cơ đùi, căng cơ bắp chân, cổ, tay và vai. Một số người còn gặp tình trạng đau đầu căng cơ.

Những chấn thương nhẹ có thể làm các sợi cơ hoặc phần gân gắn kết cơ và xương bị kéo căng quá mức. Nếu nặng hơn sẽ gây rách một phần hoặc toàn phần và không thể hoạt động bình thường. Rách cơ ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ, dẫn đến chảy máu, bầm tím và đau tại chỗ tổn thương.

Bác sĩ thường chia căng cơ thành 3 cấp độ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương sợi cơ:

  • Độ 1: Chấn thương nhẹ, chỉ có một số sợi cơ (<5%) bị kéo căng và rách. 
  • Độ 2: Chấn thương vừa, với số lượng sợi cơ bị tổn thương nhiều hơn (rách 1 phần) với cường độ đau nhiều hơn.
  • Độ 3: Chấn thương nặng, căng cơ dẫn đến đứt toàn phần. Có thể xuất hiện cảm giác “lộp bộp” khi cơ bị đứt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng căng cơ là gì?

Các triệu chứng căng – rách cơ thường bao gồm:

  • Sưng tấy, bầm tím hoặc đỏ do chấn thương
  • Đau nhức cơ bắp, kể cả khi nghỉ ngơi, khi sử dụng cơ bắp bị tổn thương hoặc khớp liên quan đến các cơ đó
  • Yếu gân cơ
  • Khó khăn khi vận động, mức độ tùy thuộc vào việc cơ bị rách nhẹ hay nặng

Các triệu chứng gặp phải  tương ứng với  từng mức độ chấn thương như sau:

  • Độ 1: Thường xuất hiện các cơn đau nhưng sức mạnh cơ bắp vẫn bình thường.
  • Độ 2: Cường độ đau nhiều hơn, thường kèm theo sưng nhẹ, giảm sức mạnh cơ bắp và có thể có bầm tím kèm theo.
  • Độ 3: Có thể xuất hiện cảm giác “bộp” khi cơ bị đứt. Đây là chấn thương nghiêm trọng với việc mất hoàn toàn chức năng cơ, kèm theo cơn đau dữ dội, sưng và bầm tím. Thường xuất hiện các vết đứt rõ ràng “lõm”, “khoảng trống” rõ ràng dưới da vùng cơ bị đứt.

căng cơ ở vận động viên

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đến bác sĩ càng sớm càng tốt nếu tình trạng bị giãn cơ kéo dài nhiều ngày và không có dấu hiệu cải thiện kể cả khi bạn đã áp dụng các biện pháp sơ cứu tại nhà được đề cập ở bên dưới.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây căng cơ là gì?

Tình trạng bị căng giãn cơ quá mức có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:

  • Không khởi động cơ bắp cẩn thận trước khi bắt đầu hoạt động thể chất
  • Cơ bắp thiếu độ mềm dẻo, linh hoạt
  • Sử dụng cơ bắp quá mức hoặc sai cách, đặc biệt khi vận động và nâng vật nặng

Thực tế, nguyên nhân bị căng cơ còn có thể đến từ nhiều vấn đề khác chứ không chỉ là do tập luyện với cường độ cao, chẳng hạn như:

  • Cơ bắp chân hay cơ đùi căng do mất thăng bằng hoặc trượt ngã khi chạy nhảy
  • Bạn có thể bị căng ở vùng cơ cổ, vai và thắt lưng khi thực hiện động tác ném hoặc nhấc vật nặng trong tư thế không thoải mái.

Mặt khác, thời tiết lạnh có thể khiến các cơ bắp bị co cứng, dẫn đến tình trạng căng cơ cấp tính.

Căng cơ lưng do mang vác vật nặng sai tư thế

Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế được dùng để chẩn đoán căng cơ là gì?

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra những vị trí bị sưng và đau trên cơ thể bạn. Vị trí và cường độ của các cơn đau có thể giúp họ xác định mức độ và tính chất của tổn thương.

Trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng, khi cơ và gân bị đứt hoàn toàn, bác sĩ có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy tình trạng này. Họ chỉ định siêu âm để phân biệt tình trạng căng, rách cơ với một số loại chấn thương mô mềm khác.

Những phương pháp điều trị căng cơ

Bị căng cơ tay làm sao hết? Hầu hết các tình trạng căng cơ không cần phẫu thuật và sẽ phục hồi hoàn toàn vì phần lớn trường hợp đều nhẹ (độ 1, độ 2). Tương tự với tình trạng bong gân, mọi người có thể tự khỏi bằng các cách chữa căng cơ chân tại nhà với tổn thương mức độ nhẹ. Bạn nên cởi bỏ quần áo và đồ trang sức khỏi vùng bị tổn thương. Tiếp theo, bạn hãy:

  • Bảo vệ cơ bắp đang bị co kéo để chúng không tổn thương nặng hơn.
  • Nghỉ ngơi, tránh sử dụng những cơ bắp bị tổn thương trong một vài ngày. Tuy nhiên, bạn đừng hạn chế tất cả các hoạt động thể chất mà hãy bắt đầu vận động nhẹ nhàng sau khi cảm thấy đỡ hơn.
  • Chườm đá ngay sau khi bị căng cơ để giảm sưng. Hãy sử dụng túi chườm hoặc ngâm nước đá từ 15 – 20 phút mỗi lần và lặp lại sau mỗi 2- 3 giờ trong vài ngày đầu tiên.
  • Băng bó bằng cách quấn băng đàn hồi xung quanh vùng tổn thương để giảm sưng. Lưu ý không quấn quá chặt vì có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.
  • Nếu có thể, bạn hãy giữ cho phần cơ bắp bị tổn thương cao hơn tim trong lúc ngủ, sẽ giúp vùng tổn thương hạn chế sưng.

Lưu ý: Khi chườm nóng hay chườm lạnh, bạn không nên đặt túi chườm trực tiếp lên da mà hãy đặt một lớp vải hoặc khăn giữa nguồn nhiệt hoặc đá lạnh với da để không làm bỏng da.

Một số bác sĩ khuyên bạn nên tránh dùng một số thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, ibuprofen trong 48 tiếng đầu tiên sau khi bị chấn thương vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Paracetamol có thể giúp giảm đau trong thời gian này nhưng cần chú ý đến trình trạng dạ dày và gan hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Nên làm gì khi bị căng cơ?

Bị căng cơ chân nên làm gì hay bị căng cơ vai phải làm sao thì bạn cũng nên tránh tham gia vào các hoạt động làm tăng cơn đau như chạy bộ, đạp xe, nâng vật nặng… một thời gian.

Nếu bạn bị căng cơ cấp độ II hoặc cấp độ III nghiêm trọng thì tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí căng cơ của bạn, bác sĩ chỉnh hình có thể cố định cơ bị thương bằng cách bó bột trong vài tuần hoặc điều trị can thiệp bằng phẫu thuật.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp bạn phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của căng cơ?

Một số thói quen sinh hoạt hàng ngày như sau có thể giúp bạn phòng ngừa và cải thiện tình trạng bị rách hay giãn cơ quá mức trong tương lai:

  • Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sự linh hoạt của các cơ
  • Khởi động thật kĩ trước khi tập thể dục (căng cơ động) và làm nguội bằng các bài tập giãn cơ (căng cơ tĩnh) sau đó
  • Không ngồi ở một vị trí quá lâu
  • Giữ đúng tư thế khi đứng và ngồi
  • Nhấc đồ vật một cách cẩn thận
  • Mang giày thoải mái

Nếu được điều trị thích hợp, hầu hết mọi người đều có thể hồi phục hoàn toàn nhanh chóng. Các trường hợp căng cơ nghiêm trọng hơn sẽ cần được bác sĩ can thiệp để có kết quả phục hồi tốt nhất mà không để lại tác dụng phụ.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Muscle Strain (Pulled Muscle). https://www.hopkinsmedicine.org/orthopaedic-surgery/specialty-areas/sports-medicine/conditions-we-treat/muscle-strains.html. Ngày truy cập: 20/05/2021

Muscle Strain: Causes, Symptoms, Treatment. https://www.hss.edu/conditions_muscle-strain.asp. Ngày truy cập: 20/05/2021

Muscle strains. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/muscle-strains/symptoms-causes/syc-20450507Muscle Strain. Ngày truy cập: 20/05/2021

Muscle Strain. https://www.health.harvard.edu/a_to_z/muscle-strain-a-to-z. Ngày truy cập: 20/05/2021

Strains. https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/strains. Ngày truy cập: 23/11/2021

Phiên bản hiện tại

30/05/2023

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Phân biệt bong gân và căng cơ

Căng cơ bắp chân: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị


Tác giả:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Ngày cập nhật: 30/05/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo