Cùng với trào lưu tập luyện thể thao, các sản phẩm nước vitamin ngày càng trở nên phổ biến vì mức độ tiện dụng hơn hẳn so với nước ép trái cây. Liệu nước uống vitamin có thật sự tốt cho sức khỏe của người tập luyện như các lời quảng cáo?
Những quảng cáo hấp dẫn có thể đã phóng đại tác dụng của nước vitamin, bởi loại thức uống này chưa chắc đã mang lại đủ hàm lượng vitamin cho cơ thể bạn. Vì vậy, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu lý do tại sao bạn không nên uống nước vitamin nhé.
1. Nước vitamin có thể chứa nhiều đường
Một chai nước vitamin 591ml có chứa khoảng 120 calo và 32g đường, chỉ ít hơn một lon Coca-Cola thông thường khoảng 50% đường. Tuy nhiên, loại đường được sử dụng khác nhau tùy vào từng quốc gia.
Nước vitamin có thể được tạo ngọt bởi đường fructose và sucrose dạng tinh thể (hay còn gọi là đường mía) và cũng có thể được tạo ngọt chủ yếu bằng sucrose. Đường fructose dạng tinh thể gây hại cho sức khỏe vì loại đường này chứa trên 98% là fructose. Sucrose có chứa một nửa glucose và một nửa fructose nên ít ảnh hưởng hơn so với đường fructose tinh khiết.
Nước vitamin ở Hoa Kỳ có chứa hàm lượng fructose tương đương với nước Coca-Cola thông thường do có chứa nhiều fructose tinh khiết. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng fructose là thành phần gây hại chủ yếu trong đường công nghiệp chứ không phải glucose. Coca-Cola khẳng định nước vitamin do công ty này sản xuất có màu sắc và hương vị tự nhiên. Tuy nhiên, nước vitamin cũng chứa nhiều đường phụ gia, cụ thể là fructose, nếu sử dụng nhiều có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe.
Nước vitamin có thể chứa nhiều đường tương đương một lon nước Coca-Cola, đặc biệt là đường fructose – thành phần gây hại chính trong các loại đường bổ sung.
2. Nước vitamin có thể tăng nguy cơ béo phì
Trong quá trình tăng hay giảm cân, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng. Đồ uống ngọt như nước vitamin có chứa nhiều năng lượng. Nếu sử dụng lâu dài, nước vitamin có thể gây tăng cân dẫn đến làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan.
Nước giải khát dùng đường để tạo ngọt là nguyên nhân gây béo phì phổ biến nhất trên thế giới. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ở những trẻ em sử dụng các loại nước giải khát này, nguy cơ béo phì tăng lên đến 60%.
3. Nước vitamin có thể tăng nguy cơ mắc bệnh
Đa số chuyên gia về sức khỏe đồng ý rằng đường phụ gia là một trong những nguyên nhân chính gây tăng số người bị béo phì và các bệnh mãn tính trong xã hội hiện đại. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo không nên tiêu thụ đường phụ gia quá 10% tổng lượng calo hàng ngày, tốt nhất là dưới 5%.
Chế độ ăn hàng ngày có 2.500 calo, 10% lượng calo hàng ngày tương đương 62g đường. Lượng đường tiêu thụ hàng ngày lý tưởng là 5% lượng calo, tương đương với 31g đường. Tuy nhiên, thông thường chai nước vitamin đã chứa 32g đường phụ gia, tương đương với mức đã khuyến cáo. Điều này cũng có nghĩa là việc sử dụng nước vitamin thường xuyên làm tăng nguy cơ tiêu thụ quá mức đường phụ gia.
Thành phần fructose trong đường phụ gia có mối liên hệ chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, sâu răng, bệnh tim, hội chứng trao đổi chất và thậm chí ung thư. Fructose trong đường phụ gia chỉ được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Việc tiêu thụ quá nhiều fructose có thể làm tăng hàm lượng cholesterol và triglyceride trong máu, tăng huyết áp, kháng insulin và làm tăng nguy cơ nhiễm mỡ các cơ quan, đặc biệt là gan nhiễm mỡ.
Một chai nước vitamin cung cấp từ 50 – 100% giới hạn đường phụ gia khuyến cáo, đặc biệt là fructose. Điều này có liên quan đến khả năng đề kháng insulin tiểu đường, bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh gút, huyết áp cao…
Khác với nước vitamin, một lượng nhỏ fructose có trong trái cây bạn ăn hàng ngày không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong trái cây có chứa nước và chất xơ, do đó trái cây chứa mật độ năng lượng thấp mà bạn có thể an tâm hơn khi sử dụng.
4. Nước vitamin chứa dinh dưỡng không cần thiết
So với mức tiêu thụ khuyến cáo hàng ngày (RDI), các loại nước vitamin có khoảng 50 – 120% vitamin B và 50 – 150% vitamin C. Một số loại nước vitamin cũng có chứa một lượng nhỏ vitamin A, E và các chất khoáng như kali, magie, mangan, kẽm và crom. Vitamin B và vitamin C là những vitamin hòa tan trong nước, chế độ dinh dưỡng hàng ngày của chúng ta hầu như có thể cung cấp đủ các vitamin này.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ quá nhiều các loại vitamin này cũng không thật sự đem lại lợi ích cho sức khỏe. Cơ thể không thể dự trữ các loại vitamin này mà chỉ đơn thuần là bài tiết ra ngoài qua nước tiểu.
Một số nhóm người nhất định có thể thiếu một số vitamin, ví dụ như vitamin B12 và folate. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải uống loại đồ uống chứa nhiều đường phụ gia có hại cho sức khỏe như nước vitamin để bổ sung các dưỡng chất bị thiếu hụt. Thay vào đó, bạn có thể bổ sung bằng cách ăn các thực phẩm giàu các dưỡng chất không chứa nhiều đường hoặc uống bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
Hầu hết việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng trong nước vitamin như vitamin B, vitamin C… đều không cần thiết cho cơ thể của bạn, vì bạn có thể đã nhận được đủ từ chế độ ăn uống hàng ngày.
5. Nước vitamin gây dư thừa nguyên tố vi lượng
Các loại vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, giúp cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là bệnh tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cứ bổ sung các loại vitamin hoặc các chất chống oxy hóa là tốt cho sức khỏe. Việc tiêu thụ quá nhiều vitamin và một số chất chống oxy hóa, ví dụ như vitamin A, E có thể gây ảnh hưởng tới tuổi thọ.
Mặc dù nước vitamin không chứa lượng vitamin và khoáng chất vượt quá nhu cầu, song phần lớn các loại nước vitamin lại chứa khoảng 25–50% RDI. Vì thế, khi cộng thêm với lượng vitamin mà bạn hấp thụ hàng ngày qua các loại thực phẩm, thuốc, sản phẩm khác sẽ có nguy cơ bị thừa vitamin và khoáng chất. Tình trạng này không những không đem lại lợi ích nào đối với sức khỏe mà thậm chí có thể gây ngộ độc và nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.
Nước vitamin không phải là loại đồ uống lành mạnh và đem lại lợi ích đối với sức khỏe như nhiều người lầm tưởng, thậm chí còn có thể gây hại. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn tin vào quảng cáo mà không chú ý kỹ tới thành phần của sản phẩm ghi trên nhãn. Vì thế, bạn nên hạn chế sử dụng nước vitamin và có thể thay thế bằng nước ép trái cây hoặc sinh tố để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể nhé!
Hồng Nhung HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmr]