backup og meta

Dâu tây: Giá trị dinh dưỡng và những công dụng tuyệt vời

Dâu tây: Giá trị dinh dưỡng và những công dụng tuyệt vời

Dâu tây là loại thực vật có quả và lá dùng để làm thức ăn, bào chế thuốc cũng như có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Mọi người thường quan niệm ăn dâu tây để chữa các loại bệnh như bệnh gan, vàng da, đau nhức và sưng tấy do viêm niêm mạc đường hô hấp, bệnh gút, viêm khớp, căng thẳng thần kinh, phù thũng, các bệnh về thận như sỏi thận, sốt, đổ mồ hôi đêm và thiếu máu.

Trái dâu còn được dùng để “làm sạch máu”, tăng cường trao đổi chất, hoãn chu kỳ kinh nguyệt và giúp “giảm cân tự nhiên”.

Khi bị phát ban, một số người còn lấy khăn gói quả dâu để chậm hoặc ấn lên vùng da bị ửng đỏ.

Giá trị dinh dưỡng của dâu tây

Dâu tây là một loại trái cây phổ biến chứa hàm lượng cao các vitamin, chất chống oxy hóa và các thành phần dinh dưỡng quan trọng khác. Bạn có thể ăn sống loại quả màu đỏ đa năng này hoặc ăn chung với bữa chính, xà lách trộn hay món tráng miệng.

Khẩu phần dâu tây trung bình hàng ngày chúng ta nên ăn là 200g – tương đương với 8 trái dâu lớn. Một khẩu phần dâu chứa 50 calo, 11g carbohydrate và 1g protein. Trong quả dâu không hề chứa chất béo, cholesterol hay natri.

Vitamin

Dâu tây là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời. Trong 200g dâu có tới 160% vitamin C theo liều lượng khuyến cáo nên dùng hàng ngày. Một khẩu phần dâu có thể cung cấp 51,5 mg vitamin C, trẻ cần gấp đôi như thế, nghĩa là 100 mg vitamin C mỗi ngày để duy trì sức khỏe tốt. Bên cạnh đó, vitamin C có trong dâu tây là một trong những chất chống oxy hóa có khả năng phòng ngừa bệnh ung thư nhờ vào việc tăng cường hệ miễn dịch, tạo nên rào cản tự nhiên bảo vệ tốt nhất cho cơ thể.

Con người là một trong số ít những động vật không thể tự sản sinh ra vitamin C do đó cần bổ sung vi chất này hằng ngày. Vitamin C được biết đến là  nhân tố thúc đẩy hệ miễn dịch cũng như là loại trái cây giàu chất chống oxy hóa nhanh và mạnh. Theo một nghiên cứu vào năm 2010, chất chống oxy hóa trong dâu tây có thể nhanh chóng phát huy tác dụng chỉ sau vài tuần được hấp thụ.

Dâu còn chứa nhiều chất folate cần thiết cho phụ nữ đang mang thai.

Chất khoáng

Trong 200g dâu tây cung cấp 170mg kali, khoảng 2% canxi và chất sắt theo tiêu chuẩn liều lượng nên hấp thu hàng ngày.

Chất xơ và đường

Một khẩu phần (200g dâu) chứa 2g chất xơ thiết yếu cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh và 9g đường, chủ yếu là đường fructose.

Chất xơ rất cần thiết cho một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Trong trái dâu có chứa khoảng 2g chất xơ trong một khẩu phần ăn. Nếu để chế độ dinh dưỡng thiếu hụt chất xơ, dễ mắc phải chứng táo bón và viêm túi thừa. Chất xơ còn là một yếu tố bảo vệ cơ thể khỏi bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Chất chống oxy hóa và flavonoid

Khoảng 200g dâu chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa và flavonoid – hợp chất đã được chứng minh giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Một chất có tên axit ellagic được tìm thấy trong trái dâu đã được chứng minh có khả năng sản sinh ra chất chống ung thư. Trái dâu còn chứa các chất chống oxy hóa khác như lutein và zeathancins. Những chất chống oxy hóa này là những “tay săn lùng” các gốc tự do và trung hòa tác động xấu của chúng lên các tế bào khoẻ mạnh trên cơ thể trẻ.

Chất chống oxy hóa dồi dào trong trái dâu còn có thể giúp phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể làm mờ mắt trẻ và là nguyên nhân dẫn tới mù lòa hàng đầu khi về già. Bạn nên bổ sung đầy đủ vitamin C từ quả dâu tươi để bảo vệ bản thân khỏi các gốc tự do của tia UV độc hại từ ánh nắng mặt trời. Những gốc tự do này sẽ phá hủy đạm có trong thủy tinh thể. Vitamin C còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp võng mạc và giác mạc khỏe hơn.

Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa và các chất khác có chứa trong dâu tây giúp giảm viêm ở các khớp. Ăn khoảng 16 trái dâu tây mỗi ngày giúp giảm đáng kể nồng độ protein C phản ứng (CRP), một dấu hiệu của phản ứng viêm trong cơ thể.

Các công dụng khác của dâu tây

Dâu tây chứa các chất hóa học như chất chống oxy hóa giúp ngăn cản các tế bào ung thư nhân đôi. Những chất hóa học khác trong dâu có khả năng giảm tốc độ lão hóa thần kinh theo độ tuổi – lý do khiến các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu liệu trái dâu có giúp ngăn ngừa hay chữa trị bệnh Alzheimer và những căn bệnh làm suy giảm chức năng thần kinh khác.

Duy trì một cân nặng hợp lý là cách tốt nhất để chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch hay đơn giản là giúp con luôn có một sức khỏe tốt. Trái dâu có rất ít calo, không chất béo, chứa ít đường và natri. Bạn có thể thưởng thức dâu như một bữa ăn nhẹ tốt cho sức khỏe, giàu dinh dưỡng và dưới 100 calo.

Tác dụng phụ và cách dùng dâu tây an toàn

Dâu tây khá an toàn khi ăn sống với hàm lượng vừa phải nhưng vẫn chưa có nghiên cứu về việc liệu có đảm bảo an toàn khi làm thuốc từ dâu hay không.

Thận trọng và cảnh báo khi sử dụng dâu tây

Phụ nữ đang mang thai và cho con bú

Dâu tây khá an toàn cho phụ nữ có thai và đang cho con bú khi ăn với số lượng vừa phải. Tuy nhiên, phụ nữ không nên dùng thuốc bào chế từ dâu tây với liều lượng lớn trước khi có nghiên cứu chứng minh an toàn.

Người bị bệnh máu không đông

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ăn dâu tây quá nhiều sẽ kéo dài thời gian chảy máu, tăng nguy cơ bầm ở người mắc bệnh máu không đông. Nếu đang bị bệnh này, bạn nên cẩn trọng khi ăn dâu tây nhé.

Phẫu thuật

Ăn dâu tây nhiều có thể làm chậm đông máu. Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng dâu tây sẽ làm chảy máu nhiều trong và sau khi phẫu thuật. Vì thế, bạn nên ngừng ăn dâu ít nhất trong vòng 2 tuần trước khi phẫu thuật.

Liều dùng dâu tây

Liều lượng thích hợp cho mỗi người tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, thể chất và các điều kiện khác. Hiện nay vẫn chưa có đủ thông tin khoa học để quyết định liều lượng phù hợp khi ăn dâu tây. Vì thế, lúc ăn, bạn nên chú ý kiểm soát liều lượng của chính mình. Bạn cũng nên cẩn thận làm theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm và có thể hỏi trước ý kiến bác sĩ, dược sĩ hay các chuyên gia y tế khi bạn muốn ăn dâu nhưng đang bị bệnh.

Dâu tây là một loại thực phẩm bổ dưỡng thơm ngon mà bạn nên ăn với các bữa ăn chính hàng ngày. Tuy nhiên, bạn nên chú ý cẩn thận liều lượng vì thức ăn nào cũng sẽ trở nên nguy hiểm khi ăn quá nhiều. Hãy ăn dâu tây điều độ kết hợp với các món ăn bổ dưỡng khác để bạn có cơ thể khỏe mạnh hơn nhé.

7 bí quyết làm đẹp với dâu tây giúp bạn luôn rạng rỡ!

Không chỉ có hiệu quả làm sáng da, dâu tây còn giúp ngăn ngừa mụn và chống lão hóa. Tìm hiểu rõ hơn về các lợi ích làm đẹp từ dâu tây để có thể áp dụng ngay nhé.

1. Chống lão hóa cho da

Các chất chống oxy hóa và axit ellagic chứa trong dâu tây có tác dụng bảo vệ làn da khỏi các tổn hại do tia cực tím (tia UV) gây ra mỗi khi bạn tiếp xúc với ánh mặt trời.

Không chỉ như thế, dâu tây còn có thể giúp bạn giảm thiểu quá trình hình thành nếp nhăn và sự giảm sản sinh collagen, nguyên nhân khiến bạn dễ bị lão hóa da nhanh hơn.

2. Trị mụn trứng cá

Nhiều phụ nữ, kể cả nam giới, cần phải tìm đến sự hỗ trợ của những loại kem trị mụn. Tuy nhiên, liệu bạn có biết rằng các sản phẩm này thường chứa một số chất hóa chất độc hại? Vì thế, bạn nên tìm kiếm những phương pháp điều trị mụn đến từ thiên nhiên như dâu tây.

Trên thực tế, tình trạng tiết dầu và bã nhờn quá nhiều chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mụn trứng cá. Chính hàm lượng axit tự nhiên chứa trong dâu tây sẽ giúp loại bỏ lượng dầu thừa trên làn da. Nhờ đó, việc ăn dâu tây mỗi ngày sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng da bị mụn trứng cá.

3. Giúp da trắng sáng hơn

Dâu tây chính là một loại trái cây chứa hàm lượng vitamin C khá cao. Vitamin C là dưỡng chất giúp làm sáng và đều màu da, cũng như khiến làn da trở nên tươi sáng và mềm mịn.

Kết hợp với axit malic, một dưỡng chất khác chứa trong dâu tây, vitamin C có thể giúp bạn làm trắng sáng răng. Bạn cũng có thể sử dụng dâu tây để làm sáng và dưỡng ẩm cho đôi môi thâm sạm và khô ráp.

4. Ngăn ngừa mụn đầu đen

Hàm lượng axit salicylic chứa trong loại quả này có hiệu quả rất tốt trong việc loại bỏ các tế bào chết tích tụ trên da, từ đó giúp bạn ngăn ngừa sự hình thành của mụn đầu đen.

5. Làm sáng quầng thâm mắt

Dâu tây có hoạt tính như một chất làm săn da, vì thế loại quả này thường được sử dụng để giảm tình trạng da sưng húp hoặc giảm thâm quầng mắt. Với 2 cách đơn giản dưới đây, bạn có thể nhanh chóng nhận thấy hiệu quả bất ngờ này của dâu tây đấy.

• Cách 1: Bạn có thể làm món salad dâu tây đơn giản bằng cách rửa sạch, cắt quả làm đôi và cho thêm một ít mật ong vào. Bạn cũng có thể thêm vào một ít kem sữa để tăng hương vị thơm ngon.

• Cách 2: Bạn cũng có thể làm món sinh tố dâu dinh dưỡng cùng với sữa hạnh nhân và một nắm dâu tây tươi.

Với 2 công thức đơn giản này, không chỉ có thể thưởng thức một món ăn nhẹ dinh dưỡng, bạn còn đang âm thầm nuôi dưỡng vùng da bị thâm quanh mắt đấy.

6. Làm trắng răng hiệu quả

Dâu tây còn có công dụng làm trắng răng bị ố vàng. Sau đây chính là 3 bước đơn giản hướng dẫn bạn cách thực hiện:

• Bạn có thể nghiền nát dâu tây ra và thoa lên bàn chải đánh răng, sau đó dùng chà xát vào răng.

• Bạn cũng có thể chà xát trực tiếp các lát dâu tây lên trên bề mặt răng 2 lần mỗi tuần cho đến khi nhận thấy kết quả mong muốn.

• Sau khi chà xát, bạn nên để yên trong vòng vài phút. Cuối cùng, hãy súc miệng lại với nước ấm.

7. Dưỡng sáng vùng da đôi môi

Tương tự như cách dưỡng trắng cho răng, hãy chà xát lát dâu tây tươi trực tiếp lên trên vùng môi bị thâm trong vòng 2 phút. Để yên cho dưỡng chất thấm vào môi trong vòng 5 phút. Rửa sạch lại môi cùng với nước ấm. Thực hiện vài lần mỗi tuần cho đến khi bạn đạt được hiệu quả như ý.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

STRAWBERRY http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-362-strawberry.aspx?activeingredientid=362&activeingredientname=strawberry Ngày truy cập 19/07/2017

Nutritional Value of Strawberries http://www.livestrong.com/article/43808-nutritional-value-strawberries/ Ngày truy cập 19/07/2017

Phiên bản hiện tại

14/08/2020

Tác giả: Thiên Kim

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Ăn cơm nguội hâm nóng có tốt không, có bị ngộ độc không?

Nước ép dâu tây vừa khỏe người lại đẹp da


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thiên Kim · Ngày cập nhật: 14/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo