backup og meta

Cây ngải cứu trị bệnh gì? 3 lưu ý quan trọng khi dùng cây ngải cứu chữa bệnh

Cây ngải cứu trị bệnh gì? 3 lưu ý quan trọng khi dùng cây ngải cứu chữa bệnh

Bạn có thể chế biến cây ngải cứu thành nhiều món ăn tốt cho sức khỏe. Song bạn đã biết cây ngải cứu trị bệnh gì? Cách dụng cây ngải cứu trị bệnh cần chú ý những gì để an toàn, mau khỏi bệnh?

Nhiều người sử dụng cây ngải cứu để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Vậy tác dụng của cây ngải cứu cụ thể là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu!

Tìm hiểu chung về cây ngải cứu

Thành phần dinh dưỡng trong cây ngải cứu trị bệnh gì

Ngải cứu là cây gì? Ngải cứu còn được gọi là: thuốc cứu, ngải diệp, cây thuốc cao, thuộc họ Cúc và là một loại rau ăn được. Ngải cứu có tên tiếng Anh là Wormwood, Mugwort; tên khoa học là Artemisia vulgaris.

Đặc điểm nhận dạng của ngải cứu là thân cây có nhiều rãnh nhỏ, lá mọc so le từ thân ra chứ không có cuống, mặt trên lá màu xanh thẫm, mặt dưới trắng ngà, khi chạm vào có cảm giác ráp tay. Khi lại gần hoặc lấy tay vò nhẹ lên lá sẽ thấy lá ngải cứu tỏa ra mùi thơm hơi hắc rất đặc trưng.

Vì ngải cứu dễ sống nên có thể trồng được ở bất cứ nơi nào mà không cần chăm bón cầu kỳ. Người ta thường dùng loại cây này để làm thức ăn, nước uống hoặc làm thuốc chữa bệnh. Tinh dầu chiết xuất từ ngải cứu có vị đắng nồng được sử dụng để giúp tiêu hóa, giảm đau và giảm sưng.

Thành phần dinh dưỡng, hóa học trong cây ngải cứu

Để hiểu rõ ngải cứu có tác dụng gì, hãy cùng tìm hiểu giá trị dinh dưỡng của loại thảo mộc này!

tác dụng của ngải cứu

Cây ngải cứu thường được dùng dưới dạng chiết xuất hoặc trà. Dầu của nó được làm từ thân và lá của cây, trong khi chiết xuất hoặc cồn có thể sử dụng toàn bộ cây.

Theo phân tích từ các chuyên gia, trong cây ngải cứu có khoảng 0,2 – 0,34% hàm lượng tinh dầu. Đồng thời ngải cứu chứa những thành phần tốt cho sức khỏe như: amino acid, flavonoid, choline, adenin,…


Ngoài ra, ngải cứu chứa nhiều hợp chất thực vật, trong đó nổi tiếng nhất là thujone. Thujone được cho là sẽ kích thích não bộ của bạn bằng cách ngăn chặn axit gamma aminobutyric (GABA), một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng làm dịu hệ thần kinh trung ương. Mặc dù hợp chất này mang đến một số lợi ích. Thế nhưng tiêu thụ quá nhiều thujone có thể gây co giật và thậm chí tử vong.

Giá trị dinh dưỡng của ngài cứu theo Đông y


Trong Đông y, tác dụng của cây ngải cứu là: điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp, đau đầu, chóng mặt, uể oải, trị các bệnh cảm mạo thông thường,… Thế nên, ngải cứu được xem như một vị thuốc hiệu quả, an toàn nếu sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. 

Cây ngải cứu trị bệnh gì? 8 Công dụng của ngải cứu

Tùy theo hình thức sử dụng mà ngải cứu mang đến những công dụng khác nhau, xem ngay 5 công dụng phổ biến của cây ngải cứu để hiểu rõ hơn về loại dược liệu tự nhiên này nhé!

1. Trị ho, cảm cúm, đau đầu

Cây ngải cứu có tác dụng gì? Nếu bạn đang muốn biết uống nước ngải cứu tươi có tác dụng gì thì đây chính là lời giải đáp! Vì ngải cứu vì có tính ấm, trấn ho, khử đàm, giải cảm phong hàn nên rất thích hợp cho việc trị các bệnh cảm mạo thông thường như: ho, cảm sốt, nhức đầu… 

  • Cách dụng cây ngải cứu trị ho cảm. Lấy 100g ngải cứu, 50 gr sả, 100g lá húng chanh (rau thơm lùn), 100 gr lá tía tô nấu chung với ½ lít nước. Khi bị bệnh, bạn có thể uống hỗn hợp nước này liên tục trong 5 ngày sẽ giúp giảm ho, trị cảm, giảm hoa mắt, chóng mặt.

2. Ngải cứu trị rong kinh

cây ngải cứu trị bệnh gì: trị rong kinh

Cây ngải cứu trị bệnh gì? Chị em phụ nữ có chu kỳ bất thường, kinh nguyệt không đều, rong kinh… hãy thử chữa bệnh bằng cách uống nước ngải cứu để điều trị.

  • Cách chế biến cây ngải cứu để trị rong kinh. Lấy 10g ngải cứu khô, nấu chung với 200ml nước, khi nào thấy nước cạn xuống còn khoảng 100 ml thì tắt bếp. Dùng rây hoặc khăn mỏng lọc hết cặn ra, chỉ lấy nước uống. Cố gắng uống nước khoảng 1 tuần trước kỳ kinh nguyệt sẽ giảm đau bụng, điều hòa kinh nguyệt.

>> Có thể bạn quan tâm: 8 cách chữa kinh nguyệt không đều tại nhà an toàn

>> Có thể bạn quan tâm: Hỏi đáp bác sĩ: Ngải cứu chữa đau bụng kinh

3. Tác dụng của ngải cứu: Giúp máu lưu thông

Thường xuyên bị choáng váng, đau đầu, hoa mắt, buồn ngủ có thể là dấu hiệu của việc lưu thông máu kém. Bạn có thể khắc phục bằng cách bổ sung ngải cứu vào món ăn thường ngày. Bởi vì trong lá ngải cứu có hoạt chất α-thuyon làm hưng phấn thần kinh nên đồng thời cũng giúp giảm hẳn các cơn đau đầu. 

cây ngải cứu trị bệnh gì: món trứng chiên ngải cứu

Một trong những món ăn dễ thực hiện và rất thơm ngon đó là trứng chiên ngải cứu. Nếu bổ sung món ăn này vào thực đơn trong tuần sẽ giúp tăng tuần hoàn máu lên não; cải thiện tình trạng đau đầu; chóng mặt và uể oải.

4. Phục hồi sức khỏe

Ăn ngải cứu có tác dụng gì? Gà hầm ngải cứu là một món ăn rất bổ, khi cơ thể bị suy nhược, mới sinh xong hoặc mới bệnh dậy… có thể dùng giúp cơ thể được tẩm bổ, nhanh chóng phục hồi.

5. Cây ngải cứu trị bệnh gì? Sơ cứu vết thương

Nếu bị các vết thương ngoài da, bạn hãy giã nhỏ một nắm lá ngải cứu trộn với muối và đắp lên da để cầm máu. Hợp chất có trong ngải cứu sẽ nhanh chóng làm dịu làm cơn đau, hỗ trợ vết thương nhanh lành. 

6. Cây ngải cứu giúp tiêu hóa tốt

Lá ngải cứu chữa bệnh gì? Nghiên cứu cho thấy rằng ngải cứu có thể giúp tiêu hóa và giảm co thắt ở ruột và dạ dày. Ngoài ra, lá ngải cứu cũng có thể thúc đẩy sự thèm ăn và giúp sản xuất nước bọt, các enzym tiêu hóa khác hoặc protein giúp trao đổi chất và hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh.

7. Hỗ trợ miễn dịch và viêm khớp

ngải cứu có tác dụng gì

Tình trạng viêm có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính, đau cấp tính và giảm chức năng miễn dịch. Vậy tác dụng của cây ngải cứu trong việc giảm viêm là gì?


Artemisinin, môt hợp chất có trong cây ngải cứu ngăn cơ thể tạo ra cytokine. Đây là một loại protein gây viêm và có ảnh hưởng đến các bệnh tự miễn dịch.


Cây ngải cứu có tác dụng gì? Một số người sử dụng ngải cứu để giảm đau và sưng tấy do bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) ở khớp, bàn tay và bàn chân.

  • Một nghiên cứu trên 180 bệnh nhân trong 12 tuần. Kết quả cho thấy, những người dùng ngải cứu cho biết giảm đau khớp đáng kể. Theo đánh giá, ngải cứu được cho là an toàn hơn một số loại thuốc thông thường được sử dụng để điều trị RA. 
  • Trong một nghiên cứu khác trên 90 người bị đau đầu gối. Kết quả cho thấy việc bôi thuốc mỡ ngải cứu 3% lên các khớp bị đau giúp giảm đau và cải thiện chức năng thể chất ở bệnh nhân viêm xương khớp.

>> Đọc thêm: Giảm đau hiệu quả với 11 loại thực phẩm sau đây.

8. Lá ngải cứu chữa bệnh Crohn

Lá ngải cứu chữa bệnh gì? Bệnh Crohn là một tình trạng viêm của hệ tiêu hóa. Các triệu chứng của bệnh gồm: đau bụng dữ dội, tiêu chảy và mệt mỏi. Các nghiên cứu nhỏ về việc sử dụng cây ngải cứu để điều trị bệnh Crohn có kết quả vô cùng hứa hẹn.

  • Trong một nghiên cứu, 10 bệnh nhân sử dụng 750mg bột ngải cứu khô 3 lần/ngày liên tục trong sáu tuần song song với việc điều trị của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy triệu chứng bện được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá rằng vẫn cần nghiên cứu thêm về việc liệu ngải cứu có an toàn và hiệu quả tuyệt đối với bệnh nhân Crohn hay không.


3 điều cần lưu ý khi dùng cây ngải cứu chữa bệnh

Tuy cây ngải cứu có rất nhiều công dụng trong việc chữa bệnh cũng như bồi bổ sức khỏe. Nhưng về cơ bản, ngải cứu vẫn là một vị thuốc. Vì thế bạn không nên lạm dụng hoặc tùy ý kết hợp ngải cứu với các nguyên liệu lạ, chưa được kiểm chứng.

Ngải cứu tương đối an toàn cho người lớn sử dụng ngắn hạn trong từ 2-4 tuần. Đối với liều lượng thấp, ngải cứu có thể được sử dụng trong 10 tuần. Dưới đây là 3 lưu ý trong cách dụng cây ngải cứu để bồi bổ hoặc chữa bệnh.

1. Không nên uống ngải cứu và nghệ khi chưa có chỉ định

Trong Đông y, ngải cứu được dùng như một loại thuốc trừ hàn, làm ấm khí huyết, điều kinh, an thai. Nghệ là loại thuốc hoạt huyết dùng để phá huyết tích, sinh cơ. Khi phối hợp 2 vị thuốc này, cần lưu ý và thận trọng đúng chỉ định và liều lượng.

Vì thế, bạn cần thận trọng khi kết hợp ngải cứu với các thuốc có tính hoạt huyết, phá ứ cao. 

cây ngải cứu trị bệnh gì: người nào không nên dùng

2. Những người không nên dùng ngải cứu

Tuy có tác dụng tốt cho cơ thể, nhưng ngải cứu có chứa một số hoạt chất có đặc tính dược lý cao. Vì thế, nếu bạn thuộc 1 trong 3 đối tượng sau, tuyệt đối không tự ý dùng ngải cứu bồi bổ hoặc chữa bệnh nếu chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ:

  • Người bị viêm gan, xơ gan nặng. Tinh dầu trong cây ngải cứu có tác dụng tuyệt vời trong việc chữa bệnh. Thế nhưng đồng thời tinh dầu của ngải cứu cũng khá độc với người suy gan nặng.
  • Phụ nữ có thai 3 tháng đầu. Tuy cây ngải cứu có khả năng an thai. Để an toàn nhất cho thai nhi thì trong tam cá nguyệt thứ 1, phụ nữ mang thai nên tránh tất cả các loại dược liệu – trong đó có ngải cứu. Từ tháng thứ 4 trở đi, khi thai kỳ đã ổn định, mẹ bầu mới có thể bắt đầu bồi bổ bằng ngải cứu theo chỉ dẫn của bác sĩ. 
  • Người rối loạn đường ruột cấp tính. Không nên sử dụng ngải cứu trong giai đoạn này vì có thể sẽ ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn hấp thu.

3. Ngải cứu không phải là thực phẩm có thể dùng hằng ngày

Vì ngải cứu là thuốc, có dược tính cao nên cũng kèm theo nhiều tác dụng phụ. Bên cạnh đó, lạm dụng ngải cứu rất dễ bị ngộ độc chất Alpha- thujone. Có thể bạn chưa biết nhưng hợp chất này sẽ kích thích não bộ quá mức.

  • Ở phương Tây

Ứng dụng ban đầu của ngải cứu là để làm rượu Absinthe, hay còn được gọi là rượu ngải cứu. Đây là một loại rượu rất phổ biến vào thế kỉ thứ 19, có khả năng gây ảo giác đối với người sử dụng. Tuy nhiên sau này người ta đã phát hiện: uống rượu ngải cứu quá liều gây ra hiện tượng co giật, thậm chí tử vong. Vì vậy, ngải cứu đã bị cấm trong một thời gian dài tại Hoa kỳ.

  • Ở phương Đông

Ngải cứu luôn được biết đến như một loại “thần dược” tự nhiên, được tin dùng rộng rãi từ xưa đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia đều khuyên không nên lạm dụng vị thuốc này.

Nếu không có bệnh, bạn không nên dùng ngải cứu như một món ăn thường ngày. Đặc biệt, không uống trà ngải cứu thay cho nước uống hoặc nước trà thông thường. Nếu tẩm bổ bằng ngải cứu cũng chỉ nên ăn 1 – 2 lần trong tuần, không ăn liên tục trong thời gian dài để tránh tích tụ các chất có hại cho cơ thể. 

Khuyến cáo khi sử dụng ngải cứu


Vì ngải cứu là một vị thuốc nên bạn cần cân nhắc thật kỹ về lợi ích. Cũng như các nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng để không vô tình làm tổn hại sức khỏe của mình và người thân. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng ngải cứu để chữa bệnh, tẩm bổ bạn nhé!

Thông qua bài viết này, hy vọng đã giúp bạn biết cây ngải cứu trị bệnh gì. Qua đó, có thêm góc nhìn khách quan về tác dụng của cây ngải cứu, cách dùng hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày để chữa bệnh, bồi bổ cơ thể.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Wormwood (Artemisia absinthium) suppresses tumour necrosis factor alpha and accelerates healing in patients with Crohn’s disease – A controlled clinical trial – ScienceDirect
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0944711309002682?via%3Dihub
Ngày truy cập 13/09/2022
Wormwood (Artemisia absinthium) suppresses tumor necrosis factor alpha and accelerates healing in patients with Crohn’s disease – A controlled clinical trial | Request PDF
https://www.researchgate.net/publication/40449280_Wormwood_Artemisia_absinthium_suppresses_tumor_necrosis_factor_alpha_and_accelerates_healing_in_patients_with_Crohn’s_disease_-_A_controlled_clinical_trial
Ngày truy cập 13/09/2022
Effect of Artemisia annua extract on treating active rheumatoid arthritis: A randomized controlled trial
https://link.springer.com/article/10.1007/s11655-016-2650-7
Ngày truy cập 13/09/2022
Topical Effects of Artemisia Absinthium Ointment and Liniment in Comparison with Piroxicam Gel in Patients with Knee Joint Osteoarthritis: A Randomized Double-Blind Controlled Trial
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29184260/
Ngày truy cập 13/09/2022
Ingredients and uses of wormwood
https://www.drugs.com/npp/chinese-mugwort.html
Ngày truy cập 11/03/2022
Tác dụng chữa bệnh của cây ngải cứu
https://syt.baclieu.gov.vn/vi/-/tac-dung-chua-benh-cua-cay-ngai-cuu-693
Ngày truy cập 11/03/2022
Ngải cứu – cứu nhiều bệnh
http://soytetiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin?/ngai-cuu-cuu-nhieu-benh/6116222
Ngày truy cập 11/03/2022
Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Trang 36-37.
Đỗ Huy Bích và cộng sự, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Trang 362-367.

Phiên bản hiện tại

13/09/2022

Tác giả: Thu Hiền

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Cập nhật bởi: Trần Cẩm Tú


Bài viết liên quan

Tinh dầu ngải cứu: Nhiều công dụng mà rất dễ làm

Chữa buồng trứng đa nang bằng ngải cứu có hiệu quả không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Thu Hiền · Ngày cập nhật: 13/09/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo