backup og meta

Cách nấu nha đam đường phèn lá dứa giòn thơm giải nhiệt ngày hè

Cách nấu nha đam đường phèn lá dứa giòn thơm giải nhiệt ngày hè

Nha đam đường phèn là thức uống “khoái khẩu” của nhiều người. Nếu bạn cũng là “fan” của thức uống này, tại sao không thử cách nấu nha đam đường phèn đơn giản ngay tại nhà vừa ngon, vừa bổ, vừa vệ sinh lại rất tiết kiệm? 

Nha đam đường phèn là thức uống giải nhiệt rất hiệu quả. Đặc biệt, cách làm thức uống này cũng rất đơn giản, chỉ vài bước là đã ngay những ly nha đam thơm ngon mát lạnh.

Tuy nhiên, nếu không biết cách nấu nha đam đường phèn thì thành phẩm sẽ rất hay bị nhớt, đắng. Để giúp bạn có những ly nha đam đường phèn ngon, Hello Bacsi mách bạn vài bí quyết hữu ích trong cách nấu nha đam đường phèn.  

Cách nấu nha đam đường phèn lá dứa đơn giản, thanh mát 

Để nấu món nha đam đường phèn lá dứa, bạn cần chuẩn bị: 

  • 2,5kg đến 3kg nha đam (chọn nha đam có bẹ màu xanh đậm, vỏ dày) 
  • 250g đường phèn (tương đương 1 chén)  
  • 2 cây lá dứa 
  • 1,5 thìa cafe muối  
  • 2 lít nước (tương đương 8 chén).

Cách nấu nha đam với đường phèn lá dứa: 

  • Nha đam mua về, rửa sạch dưới vòi nước, gọt bỏ lớp gai ở 2 bên rồi cắt thành từng khúc ngắn.
  • Để không bị đắng, bạn dùng dao gọt hết lớp vỏ màu xanh bên ngoài, chỉ lấy phần thịt màu trắng trong.
  • Rửa sạch phần thịt nha đam với nước để loại bỏ hết lớp nhựa màu vàng trong lớp vỏ để tránh bị đắng, cắt dạng hạt lựu vừa ăn.
  • Pha 1,5 cà phê muối với 2 lít nước, sau đó cho nha đam vào ngâm khoảng 10 – 15 phút. Vớt ra, rửa nhiều lần với nước để nha đam không bị nhớt. Đợi ráo nước. 
  • Đun 1 nồi nước sôi, để nguội còn hơi ấm và cho nha đam vào để khử mùi hăng. Tránh dùng nước sôi vì như vậy sẽ khiến nha đam bị mềm.
  • Vớt ra và ngâm nha đam trong thau đá lạnh để nha đam giòn. Ngâm đến khi nước đá tan hết thì vớt ra.
  • Ướp nha đam với nửa chén đường phèn (có thể gia giảm tùy theo sở thích) 
  • Trong lúc chờ, cho 2 lít nước vào nồi, nấu với nửa chén đường phèn còn lại và lá dứa trong khoảng 10 – 15 phút, sau đó vớt lá dứa ra. Tắt bếp và cho nha đam ướp đường vào 
  • Để nguội, rồi cho ra ly, thêm ít đá và thưởng thức hoặc bạn rót nha đam đường phèn vào từng chai nhỏ, cho vào tủ lạnh để món thức uống này ngon hơn. 

Cách nấu chè đậu xanh nha đam đường phèn mát lạnh 

cách nấu nha đam đường phèn

Bên cạnh thức uống nha đam đường phèn lá dứa, chè đậu xanh nha đam đường phèn cũng rất được yêu thích. Để chế biến món ăn lạ miệng này, bạn cần chuẩn bị: 

  • 300g đậu xanh cà vỏ 
  • 30g phổ tai 
  • 800g nha đam 
  • 2 lít nước  
  • 350g đường phèn 
  • Vani: 1 ống. 

Cách nấu chè đậu xanh nha đam đường phèn: 

  • Ngâm 300g đậu xanh cà vỏ với nước ấm khoảng 1 giờ.  
  • Ngâm 30g phổ tai với nước ấm.
  • Nha đam rửa sạch, gọt bỏ gai 2 bên, dùng dao bào bào hết lớp vỏ màu xanh, xắt miếng và sơ chế theo các bước giống như cách nấu nha đam đường phèn ở trên. 
  • Cho đậu xanh vào nồi nấu với 2 lít nước. Khi sôi thì vớt bọt, hạ lửa và nấu đến khi đậu nở mềm.
  • Tiếp theo, bạn cho nha đam vào, đảo đều 2 – 3 phút rồi cho phổ tai đã ngâm nở, cắt khúc vào cùng với thêm 350g đường phèn. 
  • Nấu sôi khoảng 1 – 2 phút rồi cho 1 ống vani nhỏ vào. 
  • Tắt bếp, để nguội, múc ra chén và thưởng thức. 

Uống nha đam đường phèn có tốt không?

cách nấu nha đam đường phèn

Nha đam có thể mang đến “vô vàn” những lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, uống nha đam đường phèn có tốt hay không sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như bạn uống bao nhiêu mỗi ngày, nguyên liệu bạn sử dụng để nấu nha đam đường phèn có tươi sạch, an toàn hay không. 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu uống đúng cách, nha đam đường phèn có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe như: 

  • Cung cấp nước và giữ ẩm cho cơ thể, giúp thanh lọc và đào thải các tạp chất, làm giảm áp lực cho gan và thận.
  • Nâng cao sức khỏe và tăng cường chức năng gan do cung cấp các hợp chất thực vật tốt cho gan.
  • Tốt cho đường tiêu hóa, giảm nguy cơ bị táo bón, kích ứng trong dạ dày và ruột. Đặc biệt, nha đam còn hữu ích đối với các vi sinh vật có lợi cho sức khỏe, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
  • Dưỡng ẩm da, giúp da căn mịn, hồng hào, giảm nguy cơ bị mụn trứng cá. Không những vậy, nha đam còn hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến và viêm da. 
  • Giàu chất chống oxy hóa và vitamin. Các hợp chất có trong nha đam được chứng minh là có thể vô hiệu hóa tác động của bức xạ tia cực tím (UV), giúp chữa lành tổn thương da do tác hại của tia UV và ngăn ngừa nếp nhăn. 
  • Cung cấp các dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể để nâng cao hệ miễn, tăng sức đề kháng như vitamin B, C, E, axit folic và các loại khoáng chất như canxi, đồng, crom, natri, selen, magie, kali, mangan, kẽm.
  • Giảm các triệu chứng ợ nóng do các hợp chất có trong nha đam có thể giúp kiểm soát khả năng tiết axit của dạ dày. Tác dụng này còn được chứng minh là có thể giúp giảm loét dạ dày và ngăn không cho các vết loét lan rộng. 

Lưu ý khi uống nha đam đường phèn 

Cách nấu nha đam đường phèn rất đơn giản, việc uống nha đam đường phèn cũng rất tốt cho sức khỏe nhưng quan trọng nhất, bạn phải uống đúng cách, vừa phải để tránh “phản” tác dụng: 

  • Loại bỏ hết lớp mủ phía bên dưới vỏ nha đam để nước nha đam không bị đắng hay khiến bạn dễ bị kích ứng, co thắt dạ dày.  
  • Uống nha đam đường phèn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Do đó, người bị tiểu đường cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Uống 2 – 3 ly mỗi ngày, không uống quá nhiều một lần do nha đam có tác dụng nhuận tràng nên dễ gây mất nước. Ngoài ra, uống quá nhiều nha đam đường phèn cũng dễ gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi, khó chịu… 
  • Gia giảm lượng đường phù hợp nếu bạn sợ uống quá nhiều đường sẽ không tốt cho sức khỏe.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh dùng loại thức uống này do nha đam có thể gây kích ứng, kích thích các cơn co thắt tử cung và dẫn đến các biến chứng khi sinh.
  • Người lớn tuổi, người đang bị bệnh cũng không nên uống vì nha đam có thể làm giảm nồng độ kali trong cơ thể, khiến nhịp tim không đều, gây suy nhược và mệt mỏi.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Aloe vera: A review of toxicity and adverse clinical effects https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6349368/ Ngày truy cập: 5/8/2021 

Aloe https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=19&contentid=Aloe Ngày truy cập: 5/8/2021 

Aloe vera https://www.mskcc.org/cancer-care/integrative-medicine/herbs/aloe-vera Ngày truy cập: 5/8/2021 

8 Side Effects Of Aloe Vera: Here’s Why Anything In Excess Is Bad https://food.ndtv.com/health/side-effects-of-aloe-vera-heres-why-anything-in-excess-is-bad-1882205 Ngày truy cập: 5/8/2021 

9 Healthy Benefits of Drinking Aloe Vera Juice https://www.healthline.com/health/food-nutrition/aloe-vera-juice-benefits Ngày truy cập: 5/8/2021

Phiên bản hiện tại

09/08/2021

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Ăn cơm nguội hâm nóng có tốt không, có bị ngộ độc không?

Cách làm khoai tây nghiền: Món ăn giàu dinh dưỡng nhưng dễ làm


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 09/08/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo