backup og meta

Đường ăn kiêng có tốt không? - Sự thật về chất tạo ngọt

Đường ăn kiêng có tốt không? - Sự thật về chất tạo ngọt

Có thể bạn đã từng nghe nhiều thông tin giới thiệu về đường ăn kiêng hoặc đồ ngọt không calo. Chúng có thể giúp bạn vừa giữ dáng, vừa có thể thoải mái ăn những món ngọt yêu thích. Nhưng bạn có thật sự hiểu về đường ăn kiêng chưa? Theo bạn, đường ăn kiêng có giúp giảm cân không? Đường ăn kiêng có tốt cho sức khỏe không? Đường ăn kiêng có bao nhiêu calo? 

Mời bạn đọc bài viết để tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên cũng như những thông tin thú vị về đường ăn kiêng.

Đường là gì?

Đường là một loại carbohydrate. Giống như các loại carbohydrate khác, đường là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể. Trong cuộc sống hàng ngày, có 2 loại đường chúng ta thường tiêu thụ: đường tự nhiên và đường bổ sung.

Các loại đường tự nhiên bao gồm:

  • Lactose trong sữa
  • Fructose trong trái cây và mật ong
  • Glucose trong trái cây và rau quả
  • Maltose trong lúa mì và lúa mạch.

Đường bổ sung là các loại đường được chúng ta thêm vào thực phẩm, hoặc các nhà sản xuất thêm vào các loại đồ ăn đóng gói.

Đường ăn kiêng là gì?

Đường ăn kiêng là các chất tạo ngọt có nguồn gốc hóa học hoặc nguồn gốc thực vật. Đường ăn kiêng thường được sử dụng để làm ngọt hoặc tăng hương vị của thực phẩm và đồ uống.

Chỉ với một lượng nhỏ vừa đủ, đường ăn kiêng mang đến vị ngọt và tăng hương vị của thực phẩm. Khác với đường tinh luyện, đường ăn kiêng không gây sâu răng. Hầu hết các loại đường ăn kiêng không làm tăng lượng đường trong máu. Nhờ vậy, đường ăn kiêng có thể hữu ích đối với bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, đường ăn kiêng cũng được xem như “cứu tinh” của những người cần kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể.

Bạn có thể quan tâm: 5 chất làm ngọt tự nhiên bạn có thể thay thế đường

Các loại đường ăn kiêng

Các loại đường ăn kiêng được FDA chấp thuận làm phụ gia thực phẩm ở Hoa Kỳ:

  • Acesulfame K (được biết đến với thương hiệu: Sunett và Sweet One)
  • Advantame
  • Aspartame (được biết đến với thương hiệu: Equal và NutraSweet Natural)
  • Neotame (được biết đến với thương hiệu:  Newtame)
  • Saccharin (được biết đến với thương hiệu: Sweet ‘N Low và Sugar Twin)
  • Sucralose (được biết đến với thương hiệu: Splenda)

Đường ăn kiêng có tốt không

Những loại đường ăn kiêng được FDA công nhận là an toàn (GRAS) gồm:

  • Glycoside steviol – loại đường chiết xuất từ ​​cây cỏ ngọt có độ tinh khiết cao. Hai thương hiệu đường ăn kiêng chứa “glycoside steviol” là Pure Via và Truvia
  • Chiết xuất từ quả cây Monk (hay còn biết đến là La Hán Quả)

Ngoài danh sách trên, những loại chất tạo ngọt khác được chấp thuận sử dụng tại Vương quốc Anh, bao gồm:

  • Sorbitol
  • Xylitol

Đường ăn kiêng bao nhiêu calo?

Mỗi thìa cà phê đường kính sẽ chứa 16 calo. Quy ước theo đó, mỗi gram đường có thể cung cấp 387 calo.

Trong khi đó, các loại đường ăn kiêng chứa rất ít hoặc không chứa calo. Giải thích cho điều này, đường ăn kiêng hầu như không cung cấp calo, vì cơ thể chúng ta không thể phân hủy chúng.

Như vậy, đường ăn kiêng có giúp giảm cân không?

Đường ăn kiêng có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng. Chất làm ngọt nhân tạo hầu như không có calo. Bạn có thể giảm lượng calories mà cơ thể hấp thụ mỗi ngày bằng đường ăn kiêng mà vẫn có thể thưởng thức vị ngọt của đồ ăn. 

Một nghiên cứu lớn kéo dài 18 tháng trên  641 trẻ em từ 4–11 tuổi. Theo đó, cân nặng của trẻ uống 250 ml đồ uống chứa chất tạo ngọt mỗi ngày có xu hướng tăng ít hơn, so với những trẻ dùng đồ uống có đường. 

Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại chỉ ra chất tạo ngọt nhân tạo trong đồ uống có liên quan đến việc tăng cân. Người ta cho rằng việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo có thể có tác dụng kích thích sự thèm ăn. Do đó, đường ăn kiêng có thể tác động đến việc tăng cân và béo phì.

Nhìn chung, những nghiên cứu về ảnh hưởng của chất tạo ngọt đến việc giảm cân là không nhất quán. Vì vậy, bạn không nên quá phụ thuộc vào việc sử dụng đường ăn kiêng để giảm cân. Thay vào đó, bạn có thể áp dụng những chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp để có vóc dáng cân đối và dẻo dai hơn. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Gợi ý thực đơn giảm cân trong 7 ngày với chế độ GM Diet

Đường ăn kiêng có tốt không?

Hầu hết các loại đường ăn kiêng đều ngọt hơn đường nhiều lần. Đường ăn kiêng, hay chất thay thế đường được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định là phụ gia thực phẩm. Những loại đường ăn kiêng được FDA công nhận an toàn để thay thế đường để có thể sử dụng trong thực phẩm và thức uống.

Một số nghiên cứu trên động vật lại cho rằng, chất tạo ngọt cyclamate kết hợp với saccharin có thể gây ra ung thư bàng quang. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy những chất tạo ngọt này có thể gây ung thư ở người.

Để trả lời cho câu hỏi “Đường ăn kiêng có tốt không?”, hãy xem qua những lợi ích và bất lợi mà đường ăn kiêng mang lại cho chúng ta.

Mời bạn tham khảo thêm: Nguy cơ ung thư từ chất tạo ngọt nhân tạo

Đường ăn kiêng có tốt không

Lợi ích của đường ăn kiêng

  • Kiểm soát cân nặng

Đường ăn kiêng có tốt không? Đường ăn kiêng có thể hữu ích cho những người đang cố gắng giảm cân hoặc duy trì cân nặng hiện tại. Chất tạo ngọt không dinh dưỡng có ít hoặc không có calo, so với khoảng 16 calo trong 1 thìa cà phê đường. Khi được bổ sung đường ăn kiêng, các món ăn vẫn có vị ngọt của đường mà không chứa calo.

  • Kiểm soát bệnh tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể lựa chọn những loại thực phẩm và đồ uống có chứa đường ăn kiêng. So với những thực phẩm có đường, chất làm ngọt trong đường ăn kiêng ít tác động và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

  • Ngăn ngừa sâu răng

Đường ăn kiêng có tốt không? Đường ăn kiêng không có dinh dưỡng, không làm tăng khả năng phát triển sâu răng. Đó là lý do tại sao chúng được sử dụng trong các sản phẩm vệ sinh răng miệng, chẳng hạn như nước súc miệng và kem đánh răng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng xylitol có thể giúp ngăn ngừa sâu răng.

Đường ăn kiêng có hại không?

Một số chất tạo ngọt trong đường ăn kiêng kể trên đã được FDA kiểm định an toàn. Tuy nhiên, đường ăn kiêng vẫn mang đến một vài bất lợi cho sức khỏe như:

  • Không cung cấp đủ calo cho hoạt động của cơ thể

Chúng ta cần chế độ dinh dưỡng thích hợp để có đủ calo cung cấp năng lượng cho một ngày hoạt động, đặc biệt là trẻ em. Việc nạp quá nhiều thực phẩm chứa hàm lượng calo thấp có thể có dẫn đến nguy cơ cơ thể không có đủ calo để duy trì sự phát triển bình thường.

Ngay cả trong quá trình giảm cân, chúng ta cần phải tiêu thụ đủ calo dựa trên chiều cao và cân nặng riêng. Hãy tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia dinh dưỡng để lập kế hoạch bữa ăn đủ dinh dưỡng và đáp ứng các hướng dẫn về chế độ ăn uống.

  • Vấn đề dinh dưỡng

Đồ uống có chất làm ngọt không dinh dưỡng. Để cơ thể có đủ lượng carbohydrate cần thiết, bạn có thể thay thế đường kính và đường ăn kiêng bằng các loại đường tự nhiên. Chẳng hạn như, bạn có thể thay thế nước ngọt “không đường” bằng đồ uống bổ dưỡng khác như sữa ít béo, nước ép hoa quả.

  • Các vấn đề về độ ổn định

Trong một số trường hợp, chất làm ngọt nhân tạo có thể biến đổi hóa học khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, chẳng hạn như những chất cần thiết cho nấu ăn và nướng.

Để sử dụng đường ăn kiêng trong việc nấu nướng hàng ngày, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc những công thức nấu ăn dành riêng cho đường ăn kiêng. 

Những lưu ý khi lựa chọn đường ăn kiêng

Đường ăn kiêng không dành cho tất cả mọi người. Nếu có những tình trạng sức khỏe dưới đây, bạn nên tránh xa đường ăn kiêng:

  • Những người mắc chứng rối loạn chuyển hóa hiếm gặp phenylketon niệu (PKU) không thể chuyển hóa axit amin phenylalanin. Loại axit amin này được tìm thấy trong aspartame, một loại chất tạo ngọt của đường ăn kiêng. Vì vậy, theo chuyên gia, những người mắc chứng PKU nên tránh aspartame.
  • Những người bị dị ứng với sulfonamit – một loại hợp chất mà có chứa saccharin. Đường ăn kiêng chứa saccharin có thể dẫn đến khó thở, phát ban hoặc tiêu chảy.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy một số chất làm ngọt nhân tạo như sucralose làm giảm độ nhạy insulin và ảnh hưởng đến vi khuẩn đường ruột. Đường ăn kiêng có thể thay đổi thành phần và chức năng của hệ vi sinh vật đường ruột. Từ đó gây ra rối loạn vi sinh vật đường ruột.

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, hoặc muốn kiểm soát cân nặng, đường ăn kiêng là sự thay thế phù hợp. Tuy nhiên, chất tạo ngọt trong đường ăn kiêng có thể gây ra tác dụng phụ trong vài trường hợp. Hơn nữa, đường ăn kiêng không cung cấp, hoặc cấp rất ít calo cho hoạt động của cơ thể. Và dĩ nhiên, chúng không có giá trị dinh dưỡng đối với cơ thể của bạn. Chính vì thế, nếu bạn muốn thay thế hoàn toàn lượng đường bổ sung bằng đường ăn kiêng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. 

Hy vọng qua bài viết, bạn đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc: Đường ăn kiêng có tốt không. Chúc bạn lựa chọn được chế độ ăn uống phù hợp với thể trạng của mình!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sugar Substitutes

https://familydoctor.org/sugar-substitutes/

Ngày truy cập: 21/04/2022

Artificial Sweeteners and Cancer.

http://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/diet/artificial-sweeteners-fact-sheet 

Ngày truy cập: 21/04/2022

Sugar Substitutes & Non-Nutritive Sweeteners

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/15166-sugar-substitutes–non-nutritive-sweeteners

Ngày truy cập: 21/04/2022

Artificial Sweeteners and Cancer

https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/diet/artificial-sweeteners-fact-sheet

Ngày truy cập: 21/04/2022

The Impact of Artificial Sweeteners on Body Weight Control and Glucose Homeostasis

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7817779/ 

Ngày truy cập: 21/04/2022

Fueling the obesity epidemic? Artificially sweetened beverage use and long-term weight gain

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18535548/

Ngày truy cập: 21/04/2022

Phiên bản hiện tại

22/04/2022

Tác giả: Trần Cẩm Tú

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Đường tinh luyện và đường tự nhiên: Nên dùng loại nào?

Uống nhiều nước ngọt có bị tiểu đường không? Cùng tìm lời giải đáp


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 22/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo