Phụ nữ ai cũng muốn sở hữu vóc dáng đẹp và mảnh mai. Ăn kiêng là giải pháp được rất nhiều chị em lựa chọn để cải thiện và duy trì vóc dáng, tuy nhiên việc lựa chọn một chế độ ăn kiêng gây hại cho sức khỏe lại mang đến nhiều tác hại hơn lợi ích.
Ăn kiêng không xấu, nhưng chế độ ăn kiêng quá khắt khe và kéo dài lại vô tình trở thành một chế độ ăn kiêng gây hại cho sức khỏe. Việc ăn kiêng cần phải phù hợp với tình trạng cơ thể của bạn và bạn cần thường xuyên theo dõi sức khỏe trong thời gian thực hiện ăn kiêng. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 5 dấu hiệu cho thấy chế độ ăn kiêng đang gây hại cho sức khỏe của bạn và cách cải thiện tình hình nhé!
1. Vấn đề về kinh nguyệt
Ăn kiêng có thể khiến bạn bị thiếu i-ốt, gây ảnh hưởng đến hormone tuyến giáp và khiến bạn có nguy cơ mắc phải bệnh lý suy giáp. Các nội tiết tố (hormone) đảm nhiệm chức năng trao đổi chất của cơ thể nên tình trạng mất cân bằng, rối loạn nội tiết tố có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các vấn đề về kinh nguyệt như rối loạn kinh nguyệt, mất kinh… là một trong những dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn bị rối loạn, mất cân bằng nội tiết. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám bác sĩ nội tiết, uống bổ sung i-ốt theo chỉ định, ngoài ra bạn có thể dùng các thực phẩm giàu i-ốt trong chế độ dinh dưỡng.
2. Vấn đề về trí nhớ
Chế độ ăn kiêng gây hại cho sức khỏe có thể dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu hụt axit béo omega-3, khiến não hoạt động kém hiệu quả, mất khả năng tập trung và gặp phải vấn đề về trí nhớ. Cơ thể của bạn sẽ bắt đầu hấp thụ nhiều chất béo bão hòa nếu bị thiếu hụt axit béo omega-3. Các nhà khoa học cho biết chất béo bão hòa có khả năng gây trầm cảm.
Nếu tình trạng trầm cảm xảy ra kèm theo các vấn đề về trí nhớ, bạn nên bổ sung nhiều omega-3 hơn bằng các thực phẩm như cá, hạt quả óc chó, dầu lanh…
3. Chuột rút ở chân
Nếu bạn bị chuột rút ở chân, tức là chế độ ăn uống của bạn không đủ dinh dưỡng. Triệu chứng bị chuột rút có thể cho thấy bạn cần bổ sung magie – một nguyên tố vi lượng giúp hoạt hóa các enzyme cần thiết cho việc sản sinh serotonin.
Thiếu hụt magie có thể gây trầm cảm. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc giúp bổ sung magie để cơ thể hấp thụ một cách an toàn. Trong trường hợp thiếu magie nhẹ, bạn chỉ cần bổ sung các loại thực phẩm như hạt bí ngô, đậu Hà Lan… để cải thiện tình trạng thiếu magie và các triệu chứng liên quan.
4. Mất hứng thú ăn uống
Đối với những người muốn giảm cân, việc mất cảm giác thèm ăn là một niềm vui với họ. Tuy nhiên, việc mất hứng thú ăn uống có thể kèm theo tình trạng khó thở, mệt mỏi và gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Các triệu chứng này cho thấy bạn có thể đang bị thiếu máu do chế độ ăn uống thiếu sắt có thể dẫn đến mệt mỏi và trầm cảm.
Để cải thiện tình trạng này, bạn nên tích cực bổ sung các thực phẩm giàu sắt ở mức độ hợp lý như gan (gan bò hoặc gan lợn), ức gà, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành…
5. Rối loạn đường ruột
Nếu bạn có chế độ ăn kiêng gây hại cho sức khỏe, đường ruột sẽ là cơ quan đầu tiên phản ánh tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng. Đường ruột là cơ quan tiết ra các hormone quan trọng, ví dụ như hormone hạnh phúc serotonin được sản xuất tại ruột non.
Nếu bạn bị trầm cảm và gặp phải các vấn đề về tiêu hóa, bạn hãy cố gắng kiểm soát lượng kẽm trong chế độ ăn. Các loại thực phẩm giàu kẽm mà bạn có thể xem xét bổ sung vào chế độ dinh dưỡng bao gồm phô mai, thịt, hải sản (đặc biệt là hàu)…
Bạn nên ăn kiêng theo một chế độ ăn uống hợp lý và khoa học tùy thuộc vào tình trạng cơ thể của bạn. Một kế hoạch ăn kiêng quá khắt khe và kéo dài sẽ gây hại đến sức khỏe của bạn kèm theo những bệnh lý nghiêm trọng, tốt nhất bạn hãy cân bằng chế độ ăn kiêng và dinh dưỡng cho cơ thể nhé!
Hồng Nhung HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]