Bạn đọc hỏi
Chào bác sĩ! Thời tiết chuyển mùa nên cả người lớn và trẻ em trong nhà tôi hay bị ho, đặc biệt ho nhiều hơn vào sáng sớm và ban đêm. Theo kinh nghiệm dân gian, tôi thường nấu canh hẹ cho cả nhà ăn với mục đích làm giảm các cơn ho nhưng không thấy kết quả rõ rệt. Vậy thực chất canh hẹ trị ho có đúng không? Nên dùng lá hẹ thế nào để tốt cho sức khỏe cả nhà? Cảm ơn bác sĩ!
(Hạnh Nguyên – Vũng Tàu)
Bác sĩ trả lời
Với câu hỏi canh hẹ trị ho có đúng không của độc giả Hạnh Nguyên, Bác sĩ Lai Ngọc Hiền, công tác tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM trả lời cụ thể như sau:
Hẹ có tên gọi khác là cửu thái, cửu thái tử, khởi dương thảo… Tên khoa học là Allium ramosum L. hay Allium tuberosum thuộc họ Hành (Alliaceae). Hẹ là loại rau được dùng nhiều trong các món ăn.
Theo bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam, trong 100g hẹ lá chứa:
- Năng lượng: 16 kcal
- Protein: 2.2g
- Chất béo: 0g
- Carbohydrate: 1.8g
- Chất xơ: 0.9 g
- Canxi: 56 mg
- Phospho: 45 mg
- Sắt: 1.3 mg
- Natri: 6mg
- Kali: 234mg
- Beta Carotene: 1745 mcg
- Vitamin B1: 0.03 mg
- Vitamin C: 19 mg
và các dưỡng chất khác như Mg, Zn, Mn, Cu, F cùng Vitamin B2, B3.
Lá hẹ vừa là thực phẩm có nhiều giá trị dinh dưỡng, vừa là vị thuốc được ứng dụng trong các bài thuốc dân gian, bao gồm:
Chữa ho khò khè ở trẻ em: Dùng lá hẹ hấp cơm lấy nước cho trẻ uống.
Chữa ho do cảm lạnh ở trẻ em: Dùng một nắm lá hẹ tươi, cắt thành từng đoạn nhỏ rồi trộn với đường phèn. Sau đó đem hấp hoặc chưng cách thủy, vắt bỏ bã, chỉ sử dụng phần nước để uống. Uống 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần uống 1 thìa cà phê, nên uống liên tục cho đến khi có dấu hiệu thuyên giảm.
Điều trị cảm mạo, ho do lạnh: Hẹ lá 250g, gừng tươi 25g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cái, uống nước.
Bài thuốc chữa đau họng: Dùng lá hẹ và củ hẹ rửa sạch, đem giã nát rồi đắp lên vùng cổ. Ngoài ra, bạn nên nhai thêm củ cải và lá húng chanh để tăng cường công dụng.
Bài thuốc chữa di mộng tinh, xuất tinh sớm, liệt dương: 0,5kg lá hẹ tươi giã lấy nước, uống ngày 2 lần trong một tuần.
Chữa đi tiểu nhiều lần
Cách 1: Lá hẹ, cây tơ hồng xanh, ngũ vị tử, phúc bồn tử, câu kỷ tử, nữ trinh tử. Lượng bằng nhau. Phơi khô tán bột, mỗi lần uống 6g. Ngày uống 2 lần với nước ấm.
Cách 2: Lá hẹ 30 g, phúc bồn tử 1,5 g, dây tơ hồng xanh 20 g. Sấy khô tán bột hoàn viên. Dùng mỗi lần 3 g, ngày 3 lần.
Cung đình hồi xuân tửu: Hạt hẹ 20g, câu kỷ tử 30g, ba kích 15g, hồng sâm 20g, lộc nhung lát 10g, đường phèn 20 g, rượu trắng 200g. Ngâm nửa tháng trở lên thì dùng được.
Tác dụng dược lý của lá hẹ
– Giảm đường huyết
– Giảm cholesterol có trong máu, giảm mỡ máu
– Ngăn ngừa xơ vữa động mạch
– Kháng khuẩn, chống oxy hóa các gốc tự do….
– Được dùng chữa ho, kiết lỵ, bổ trợ tiêu hóa, sổ giun kim cho trẻ em.
Vậy ăn hoặc uống canh hẹ trị ho có đúng không? Các bài thuốc từ rau hẹ thường dùng để điều trị các bệnh lý thông thường như ho, cảm, đau họng, đau răng,…do các thành phần hoạt chất Allicin, Sulfit, Odorin…
Ngoài ra, hẹ có tác dụng kháng khuẩn, giúp điều trị nhiễm trùng. Một số Flavonoid có khả năng ngăn chặn tế bào ung thư, Phenolic chống các gốc tự do, ngăn ngừa bệnh tim mạch, hen suyễn và Saponin steroid kháng dị ứng, viêm khớp…
Gợi ý các món ăn/ bài thuốc từ lá hẹ
- Hẹ 200g cắt đoạn dài, xào với giá đậu xanh.
- Hẹ xào tôm nõn tươi: Lá hẹ 200g, tôm nõn 200g, xào ăn.
- Hẹ xào gan dê: Lá hẹ 150g, gan dê 150g. Có tác dụng làm sáng mắt.
- Hẹ xào lươn: Lươn 500g lọc bỏ xương, cắt đoạn xào qua, thêm gia vị, gừng, tỏi và nước, vừa cạn cho thêm 300 g lá hẹ cắt đoạn, xào thêm 5 phút. Ăn nóng.
- Hẹ xào: Hẹ 240g, hồ đào nhục (quả óc chó) 60g. Xào với dầu vừng và ít muối. Ăn ngày 1 lần lúc đói hoặc vào bữa cơm trong 2 tuần đến 1 tháng. Còn dùng chữa táo bón, đau lưng, gối, tiểu tiện luôn, nữ giới bị khí hư, lãnh cảm.
- Cháo hẹ: Hẹ 200g, gạo 90g. Nấu cháo ăn nóng ngày 2 lần. Còn dùng chữa đau lưng, gối mỏi, ăn uống kém, phân sống nát, chân tay lạnh; nữ giới bị đới hạ, lãnh cảm.
Các chuyên gia vẫn khuyên nên dùng hẹ. Tuy nhiên, liều lượng mỗi lần dùng và tần suất nên được xem xét, gia giảm phù hợp với từng món ăn, công dụng của bài thuốc.
Lưu ý khi dùng canh hẹ trị ho
- Không sử dụng cây hẹ để làm dược liệu cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong cây hẹ.
- Không nên ăn hẹ vào mùa hè.
Tóm lại, tác dụng của canh hẹ trị ho là có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, để áp dụng và điều trị bệnh nhanh chóng, hiệu quả, bạn cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để quyết định tần suất, liều lượng sử dụng phù hợp.
Bác sĩ hy vọng những thông tin vừa rồi đã giúp quý vị giải đáp thắc mắc canh hẹ trị ho có đúng không và những thông tin liên quan đến thành phần dinh dưỡng/ tác dụng của lá hẹ. Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều bài viết khác về cách ăn uống lành mạnh trên Hello Bacsi.
Rau rần dày lá: 10 lợi ích to lớn trong hình hài bé nhỏ
Tác dụng của quả sấu và những món ngon dinh dưỡng từ sấu
[embed-health-tool-bmr]