backup og meta

5 bí quyết giúp bạn bảo quản mứt dừa được lâu

5 bí quyết giúp bạn bảo quản mứt dừa được lâu

Mứt dừa từ xa xưa đã được đưa vào làm món ngon quen thuộc để thết đãi các vị khách trong những ngày Tết. Cách làm mứt dừa thường khá đơn giản nhưng liệu bạn đã biết cách bảo quản mứt dừa được lâu, không chảy nước mà vẫn bùi thơm?

Nếu bạn lo ngại về vấn đề thực phẩm ngoài thị trường thì nên thử học cách làm mứt dừa tại nhà. Cách làm mứt tại nhà thường an toàn nhưng lại khó bảo quản và dễ bị hư nếu bạn làm sai công thức. Bạn muốn bảo quản mứt dừa được lâu thì không những phải bọc dừa kỹ càng sau khi sử dụng mà phải kỹ càng ở cả bước sơ chế và khâu làm mứt dừa.

Bạn hãy thử áp dụng những bí quyết làm mứt dừa dưới đây để giúp mứt giữ được hương vị thơm ngon cùng độ bùi và sử dụng được lâu nhé.

1. Cách sơ chế để mứt dừa nhanh khô

cách sơ chế để bảo quản mứt dừa

Bạn hãy sơ chế dừa theo các bước dưới đây để bảo quản mứt dừa làm ra vừa ngon vừa giữ được hương vị.

• Lựa chọn dừa làm mứt ngon: Bạn nên lựa chọn loại dừa không quá già cũng đừng quá non để phần cùi dừa làm mứt không quá bị khô hay quá mềm làm mất đi độ ngon.

• Làm sạch dầu dừa: Bạn cạo sạch phần vỏ dừa nâu bên ngoài rồi cho dừa vào nồi nước để bóp dừa cho ra bớt dầu và rửa sạch dưới vòi nước 3 – 4 lần. Dừa bám dầu nhiều sẽ làm cho phần mứt dừa dễ bị hư và mất đi độ ngon.

• Cắt dừa miếng hạt lựu: Bạn cắt dừa ra thành từng viên nhỏ như hạt lựu để mứt dừa nhanh khô và không dễ bị chảy nước như khi để miếng dừa dài.

• Ngâm dừa trong nước ấm: Sau khi đã cắt dừa xong, bạn đun sôi một nồi nước nóng rồi tắt bếp, cho dừa đã cắt vào nồi, đậy nắp lại trong 10 phút cho dừa tan hết dầu.

• Kiểm tra độ nước trong của dừa: Bạn rửa sạch dừa lại một lần nữa để kiểm tra độ nước trong của dừa. Nước rửa không còn đục là dừa đã sạch dầu.

Khi áp dụng cách bảo quản mứt dừa lâu, bạn cần phải kỹ càng trong khâu sơ chế dừa. Mứt dừa muốn giữ được độ thơm ngon lâu thì bạn cần phải làm sạch dầu dừa. Cách rửa dừa sạch cũng giúp làm sạch những bụi bẩn để không gây hại cho sức khỏe của bạn.

2. Cách ngâm đường để dừa không bị vón cục

Cách ngâm dừa với đường quyết định khá nhiều đến độ kết tinh của đường cũng như độ ngon và bùi của mứt. Dừa có thể bị hư nếu như bạn cho quá ít hoặc quá nhiều đường.

Bạn chỉ nên sử dụng 400 – 500g đường với 1kg cùi dừa không non, cũng không già. Lượng đường ít thì không thể kết tinh làm dừa không khô được, nhiều đường quá thì đường sẽ bị vón cục và làm cứng mứt, trông mất thẩm mỹ. 

Dưới đây là một số lưu ý khi ngâm dừa với đường để mứt dừa không bị vóc cục khi xong thành phẩm:

• Đợi dừa ráo nước: Sau khi rửa dầu dừa, bạn hãy đợi cho dừa ráo nước rồi cho đường vào dừa để làm khô dừa dễ dàng hơn.

• Đảo đều đường với dừa: Bạn không nên sên dừa ngay khi vừa bỏ đường vào dừa mà hãy dùng đũa để đảo dừa đều tay cho đường ngấm đều. Chỉ nên ướp đến khi đường tan, khoảng 1-1,5 tiếng.

• Che đậy dừa cẩn thận: Khi ngâm dừa, bạn cần phải che đậy kín dừa để tránh côn trùng xâm phạm làm hư thành phẩm.

3. Cách tạo màu để mứt dừa không hư

cách tạo màu để mứt dừa không hư

Thay vì dùng màu thực phẩm để tạo mứt dừa, bạn có thể dùng những nguyên liệu từ tự nhiên để làm mứt. Bạn có thể chọn màu hồng từ củ dền, màu xanh từ lá dứa, màu vàng từ chanh dây, màu cam từ nước ép cà rốt…

Tuy nhiên, bạn có thể làm cho mứt dừa bị hư nếu như bạn không có những lưu ý về cách tạo màu cho mứt dưới đây:

• Không để cặn thực phẩm lẫn với dừa: Bạn cần xay những nguyên liệu tạo màu ra rồi để lên khăn xô và vắt nước lọc qua ray.

Bạn không nên để cặn những nguyên liệu tạo màu trộn lẫn với dừa vì sẽ làm dừa bị thay đổi hương vị và trong lúc nấu phần nguyên liệu bị dính vào cũng có thể bị cháy.

• Vắt lấy nước chanh dây và bỏ hột: Nếu bạn tạo mứt dừa màu vàng thì chỉ vắt nước chanh dây và bỏ hột. Nếu bạn xay chanh dây cùng với hột thì khi hột vỡ ra sẽ tạo chất keo làm mứt dừa bị dính, không thể kết tinh và khô được.

• Cho màu tự nhiên khi sên nước dừa sệt lại: Sau khi phần sên dừa nóng lên và phần nước đường sệt lại, bạn tắt bếp rồi mới cho nguyên liệu tạo màu vào để dừa thấm màu.

4. Cách sên mứt dừa không bị chảy nước

cách sên mứt dừa khô

Sên mứt là công đoạn quan trọng nhất trong cách làm mứt dừa không bị chảy nước, nên bạn hãy lưu ý những điều dưới đây:

• Sử dụng chảo không dính: Bạn nên sử dụng loại chảo, nồi chống dính, có đáy rộng và dày để sên mứt không bị dính.

• Sên lần lượt mỗi mẻ mứt: Bạn sên lần lượt mỗi màu mứt dừa khác nhau. Mỗi khi sên xong 1 mẻ mứt dừa thì bạn lại rửa sạch chảo và lau khô rồi làm mẻ mới để hương vị và màu sắc các loại mứt không bị trộn lẫn.

• Canh lửa khi sên dừa: Ban đầu bạn nên sên dừa ở lửa vừa, khi nước đường sôi lên thì hạ lửa nhỏ nhất để mứt không bị cháy mà đường cũng không bị chuyển thành màu caramen.

• Luôn đảo mứt dừa đều tay: Bạn luôn nhớ phải đảo mứt đều tay, mứt càng nóng thì càng phải đảo đều tay để đường kết tinh và dừa khô, tách ra thành từng miếng.

• Rửa chảo khi đường không kết tinh: Nếu mứt của bạn bị hỏng do đường không kết tinh mà dính chặt vào chảo, bạn hãy rửa lớp đường keo đó đi, tiếp tục ngâm đường và sên lại.

Nếu trong quá trình nấu, bạn thấy đường dính vào chảo mà dừa vẫn còn sệt và chưa khô lại thì bạn nên tắt bếp rồi đảo dừa đều tay 2 – 3 phút. Khi dừa nguội thì bạn bật bếp lại rồi làm như vậy khoảng 2 – 3 lần cho đến khi thấy đường tách ra khỏi dừa và dừa khô lại.

5. Cách bảo quản mứt dừa sau khi làm

Khi dừa đã ra thành phẩm, bạn hãy đổ mứt dừa ra rổ có lỗ nhỏ để loại bỏ đường và hong khô mứt hoàn toàn để mứt không chảy nước và mất vị ngon.

Bạn bảo quản mứt dừa bằng những cách sau:

• Phơi dừa dưới nhiệt độ cao: Bạn có thể rải mứt đều trên mâm, bóp mứt nhẹ một vài lần rồi cho vào lò sấy ở nhiệt độ 100°C cho mứt dừa khô hẳn. Bạn cũng có thể phơi khô mứt dưới nắng to từ 1 – 2 tiếng hoặc lâu hơn để mứt săn lại và lên màu đẹp.

• Bảo quản mứt trong lọ thủy tinh: Bạn nên bảo quản mứt dừa trong lọ thủy tinh kín khí, khô ráo và cho vào trong đó 1 lớp đường mỏng. Lớp đường sẽ có chức năng hút ẩm cho mứt giúp bảo quản mứt lâu hơn.

• Không trộn các loại mứt dừa: Bạn lưu ý không để trộn lẫn các loại mứt dừa với nhau để giữ được hương vị gốc của món ăn.

Nếu mứt xuất hiện dấu hiệu chảy nước, bạn đừng vội bỏ mứt đi mà hãy cho vào chảo đảo kỹ lại và phơi khô rồi tiếp tục dùng món mứt thơm ngon này.

Cách bảo quản mứt dừa sẽ giúp bạn giữ được mùi vị mứt thơm ngon, giòn và không bị chảy nước trong một thời gian nhất định. Lợi ích của dừa bao gồm hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường năng lượng, hỗ trợ điều trị suy thận, đau dạ dày… Bạn hãy bắt tay làm món mứt dừa hấp dẫn để Tết này sum vầy ấm áp bên gia đình và người thân nhé.

Hoa Vũ HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Why Coconut Milk Is So Healthy – and 13 Breakfast-to-Dinner Recipes to Try
https://www.healthline.com/health/food-nutrition/coconut-milk-recipes#1
Ngày truy cập: 15.01.2020

The Truth About Coconut Water
https://www.webmd.com/food-recipes/features/truth-about-coconut-water#1
Ngày truy cập: 15.01.2020

Dried Coconut Recipes
https://www.yummly.com/recipes/dried-coconut
Ngày truy cập: 15.01.2020

Phiên bản hiện tại

27/03/2020

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

3 cách làm chả giò thơm ngon cho người bệnh mạn tính an tâm thưởng thức

3 cách làm bánh bao đơn giản và thân thiện với sức khỏe cho người bệnh mạn tính


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 27/03/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo