backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Trẻ bị khàn tiếng phải làm sao? Mẹo chữa khàn tiếng cho bé hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

Trẻ bị khàn tiếng phải làm sao? Mẹo chữa khàn tiếng cho bé hiệu quả

Khàn tiếng (khàn giọng) là sự thay đổi bất thường về cao độ và âm lượng của giọng nói. Trẻ bị khàn tiếng là tình trạng khá phổ biến, có thể do bệnh lý hoặc do lạm dụng dây thanh quản.

Để hiểu rõ hơn nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trẻ bị khàn tiếng, bạn có thể tham khảo thông tin qua bài viết sau của Hello Bacsi. 

Thanh quản tạo ra âm thanh như thế nào?

Trước khi tìm hiểu vì sao trẻ bị khàn tiếng, việc hiểu được cơ chế tạo ra âm thanh cũng rất cần thiết và giúp bạn dễ hình dung hơn khi nói đến nguyên nhân khàn giọng.

Về cơ chế, âm thanh được tạo ra nhờ một đôi dây thanh âm hoặc còn gọi là dây thanh đới. Dây thanh âm trong thực quản là dải cơ hình chữ V, giống hình quạt xòe ra. Khi chúng ta nói, các tế bào thần kinh kích thích các cơ kéo các dây thanh âm lại với nhau. Đồng thời, khí từ phổi đi qua mối nối hẹp của dây thanh đới khiến dây này theo dòng khí mà rung động. Sự rung động này kết hợp với chuyển động của lưỡi, môi và răng sẽ tạo ra âm thanh của giọng nói.

Dấu hiệu trẻ bị khàn tiếng

Trẻ bị khàn tiếng thường có giọng nói không còn sự trong trẻo như bình thường mà sẽ:

  • Có giọng nói trầm hơn
  • Giọng khàn khàn
  • Nói hụt hơi
  • Thậm chí là mất tiếng.

Thông thường, trẻ em bị khàn tiếng sau một ngày la hét cổ vũ cho hoạt động nào đó ở trường hoặc phổ biến hơn là khi trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm. Bé bị khàn tiếng không ho hoặc có thể ho tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề.

Nguyên nhân trẻ bị khàn tiếng

Nguyên nhân trẻ bị khàn tiếng có thể là do bệnh lý hoặc lạm dụng dây thanh quản.
Nguyên nhân trẻ bị khàn tiếng có thể là do bệnh lý hoặc lạm dụng dây thanh quản.

Khàn giọng là một tình trạng phổ biến, thường kèm theo ho, sổ mũi nếu nguyên nhân là do cảm lạnh. Về cơ bản, trẻ bị khàn tiếng có thể do bệnh lý hoặc lạm dụng dây thanh âm khiến dây này hoạt động quá mức. Sau đây là chi tiết các nguyên nhân bạn cần quan tâm:

1. Trẻ bị khàn tiếng do dây thanh âm hoạt động quá mức

Dây thanh âm là một bộ phận quan trọng để tạo ra giọng nói. Vì vậy, khi dây thanh âm hoạt động quá mức, liên tục trong thời gian dài có thể bị cọ xát và gây ra những kích ứng nhỏ khiến trẻ bị khàn tiếng.

Về lâu dài, nếu không được điều trị, kích ứng có thể gây ra những vết chai hoặc nốt sần ở dây thanh âm dẫn đến khàn giọng mãn tính.

Dây thanh âm thường bị lạm dụng, hoạt động quá mức khi trẻ:

  • La hét trong những lúc vui chơi, cổ vũ hoặc gào khóc
  • Tăng hoạt giảm âm vực của giọng nói
  • Thường xuyên lặp lại hành động ho hoặc hắng giọng
  • Hát hoặc nói liên tục mà không chú ý điều hòa nhịp thở
  • Nói với âm lượng lớn và liên tục
  • Nói bằng giọng gượng ép trong một số trường hợp như trẻ bắt chước âm thanh động vật hoặc nhân vật hoạt hình cũng ảnh hưởng dây thanh âm.

2. Trẻ bị khàn tiếng do bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe

Có nhiều nguyên nhân gây khàn tiếng ở trẻ và cũng không loại trừ một số bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe khiến bé bị khàn giọng, bao gồm:

  • Bệnh về hô hấp: Trẻ bị khàn tiếng do nhiễm virus cũng rất phổ biến. Có thể nói, khàn giọng là triệu chứng thường gặp khi trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm, ho, viêm họng… Tuy nhiên, khàn tiếng có thể biến mất khi trẻ khỏi bệnh.
  • Viêm xoang, viêm mũi, dị ứng: Nếu trẻ bị dị ứng, chẳng hạn như dị ứng phấn hoa, cũng có thể bị khàn tiếng. Các triệu chứng phổ biến khác như hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt… cũng khởi phát một cách đột ngột khi trẻ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
  • Liệt dây thanh âm: Khi chức năng của dây thanh âm gặp vấn đề do tổn thương hoặc ảnh hưởng bởi bệnh lý nào đó cũng có thể khiến bé bị khàn tiếng không ho.
  • Khối u: Các tổn thương lặp đi lặp lại đối với dây thanh âm do la hét hoặc nói quá nhiều sẽ gây ra viêm. Các mô bị viêm có thể cứng lại và hình thành các khối u và gây khàn tiếng, mặc dù lành tính nhưng khối u rất dễ tái phát.
  • Ngưng thở khi ngủ: Trẻ mắc hội chứng này thường gặp các vấn đề trong giấc ngủ như ngáy, thở phì phò, thở hổn hển… Trẻ cũng có thể thở bằng miệng trong lúc ngủ. Điều này sẽ gây khô dây thanh âm và gây viêm, từ đó khiến trẻ bị khàn giọng.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Khi các axit tiêu hóa trong dạ dày trào ngược lên thực quản có thể gây kích ứng thanh quản và khiến trẻ bị khàn tiếng. Tuy nhiên, tình trạng này không quá phổ biến ở trẻ mà xảy ra nhiều hơn ở người lớn.
  • Bệnh về thần kinh cơ: Một số bệnh chẳng hạn như chứng loạn dưỡng cơ, bại não… có thể khiến dây thanh âm bị co thắt khiến giọng nói thay đổi, trở nên yếu ớt.
  • Các vấn đề sức khỏe khác: Suy giáp, dùng ống thở trong quá trình phẫu thuật gây sẹo dây thanh âm, từng mổ ở cổ hoặc ngực, xạ trị để điều trị ung thư vòm họng, hít khói thuốc lá thụ động… cũng góp phần gây ra khàn giọng mãn tính.

Trẻ bị khàn tiếng có nguy hiểm không?

Thông thường, khàn tiếng ở trẻ có thể tự khỏi và thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu trẻ khàn tiếng nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng thì có thể là khàn giọng mãn tính và cần đi khám để được điều trị.

Tốt nhất, khi thấy bé bị khàn tiếng kéo dài, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai mũi họng để xác định nguyên nhân chính xác gây ra vấn đề. Từ đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều trị phù hợp với tình trạng của bé.

Chẩn đoán khàn tiếng kéo dài ở trẻ

Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị khàn tiếng.
Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị khàn tiếng.

Nếu trẻ bị khàn tiếng kéo dài hơn 2 tuần và có xu hướng nghiêm trọng, bạn cần đưa trẻ đi khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Bước đầu tiên, bác sĩ có thể hỏi về bệnh sử của trẻ và chú ý lắng nghe giọng nói của trẻ ở những cao độ khác nhau để đánh giá tình trạng dây thanh âm.

Song song đó, trẻ bị khàn tiếng có thể cần được tầm soát bệnh (nếu có) thông qua một số phương pháp lâm sàng như:

1. Nội soi thanh quản bằng ống mềm/ống cứng

Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ dùng ống sợi quang nhỏ, mềm dẻo, có gắn camera ở đầu để đưa vào thanh quản thông qua đường mũi hoặc cổ họng. Qua đó, ống nội soi mềm có thể đi sâu vào trong và phóng đại hình ảnh thanh quản để giúp bác sĩ quan sát trực tiếp.

Đồng thời, trẻ cũng được yêu cầu nói, hát… để làm cho dây thanh quản rung động và tạo ra các âm thanh khác nhau. Từ đó giúp bác sĩ quan sát thêm hoạt động của dây thanh nhằm phân tích và phát hiện vấn đề.

Đối với những trẻ không chịu được nội soi bằng ống mềm có thể thực hiện phương pháp chẩn đoán này trong phòng phẫu thuật để gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ dùng ống soi cứng cho qua đường miệng để quan sát dây thanh âm được ghi lại ở trạng thái “nghỉ ngơi”.

2. Nội soi hoạt nghiệm thanh quản

Phương pháp này cho phép kiểm tra độ rung động của dây thanh. Đồng thời, nội soi hoạt nghiệm thanh quản cũng cung cấp cái nhìn chính xác về hoạt động đóng mở của dây thanh âm.

Bác sĩ sẽ đưa một ống cứng hoặc ống mềm có gắn đèn nhấp nháy qua đường miệng bệnh nhân. Bởi vì những rung động riêng lẻ của dây thanh quá nhanh nên việc dùng ánh sáng nhấp nháy đồng bộ với sự rung động của dây thanh sẽ giúp bác sĩ xác định tần số rung dễ dàng hơn. Điều này góp phần đánh giá chính xác hoạt động của dây thanh và tìm ra nguyên nhân khiến trẻ bị khàn tiếng.

Ngoài ra, trong một vài trường hợp đặc biệt như trẻ cần được tầm soát các bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề xuất trẻ làm sinh thiết thanh quản hoặc quét MRI. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng các kết quả xét nghiệm này để lập kế hoạch điều trị nhằm xử lý nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng khàn giọng ở trẻ.

Trẻ bị khàn tiếng phải làm sao?

Mẹo chữa khàn tiếng cho bé
Mẹo chữa khàn tiếng cho bé

Hầu hết trẻ bị khàn tiếng đều do cảm lạnh thông thường hoặc do trẻ nói nhiều, la hét quá nhiều khi vui chơi, tham gia các hoạt động… Vì vậy, hầu hết trường hợp khàn giọng ở trẻ có thể tự khỏi và bạn có thể chăm sóc trẻ tại nhà, giúp con có thói quen tốt để bảo vệ giọng nói tốt hơn. Một số lời khuyên sau đây có thể hữu ích để bạn tham khảo:

1. Cách xoa dịu cổ họng khi trẻ bị khàn tiếng

Nếu bạn vẫn chứa biết “Bé bị khản tiếng phải làm sao?” thì dưới đây là những mẹo chữa khàn tiếng cho bé dành cho bạn.

Để xoa dịu sự khó chịu do khàn tiếng, có thể kèm ho, hắt hơi, sổ mũi… giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu là cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm. Các mẹo chăm sóc trẻ theo độ tuổi bạn có thể tìm hiểu thêm:

  • Trẻ trên 1 tuổi: Nếu thắc mắc “Trẻ 2 tuổi bị khàn tiếng phải làm sao?”, bạn có thể cho trẻ nhấm nháp nước ấm, canh ấm hoặc nước táo.
  • Trẻ trên 6 tuổi: Có thể cho trẻ em bị khàn giọng dùng thuốc ho (nếu cần) hoặc kẹo ngậm trị ho.
  • Trẻ trên 8 tuổi: Có thể dùng nước súc miệng dành cho trẻ em hoặc dùng nước muối ấm để súc miệng.

Theo đó, câu trả lời cho thắc mắc “Trẻ bị khàn tiếng uống gì?” cũng đã được giải đáp.

2. Điều trị bệnh lý cho trẻ bị khàn tiếng

Nếu trẻ bị khàn tiếng kèm theo sốt, bạn có thể cho trẻ dùng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen và luôn đảm bảo trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi hoặc trẻ sốt trên 3 ngày thì nên cho bé nhập viện để điều trị.

Ngoài ra, nếu trẻ bị khàn tiếng do bệnh lý, cha mẹ cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để bệnh mau thuyên giảm. Nhờ đó mà tình trạng khàn tiếng ở trẻ em cũng được khắc phục.

Trẻ bị khàn tiếng lâu ngày phải làm sao?

Trong một số trường hợp ít gặp hơn, trẻ cần được bác sĩ thăm khám nếu có những triệu chứng như:
  • Khàn giọng kéo dài hơn 2 tuần
  • Khàn giọng kèm khó thở hoặc khó nuốt
  • Khàn giọng có xu hướng nghiêm trọng hơn (hụt hơi, mất tiếng).

Phòng ngừa trẻ bị khàn tiếng

Như vậy là bạn đã biết được trẻ bị khản tiếng phải làm sao. Vậy, có cách nào phòng ngừa tình trạng khàn tiếng ở trẻ em không? Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa khàn tiếng cho trẻ nhỏ mà bạn có thể tham khảo:

  • Dùng máy phun sương tạo độ ẩm cho không gian sống. Điều này cũng góp phần cải thiện các vấn đề hô hấp của trẻ và cả gia đình bạn.
  • Tránh hút thuốc lá: Trẻ em là đối tượng có nguy cơ tiếp xúc khói thuốc lá thụ động. Điều đáng lo ngại là khói thuốc lá thường khiến tình trạng khàn tiếng và cơn ho trở nên nặng hơn. Vì vậy, người lớn trong gia đình cần chủ động tránh xa trẻ khi đang hút thuốc. Đối với trẻ lớn hơn, bạn cần dạy trẻ tránh xa khói thuốc lá.
  • Không cho trẻ uống đồ uống chứa caffeine như cà phê, nước ngọt… vì chúng có thể góp phần làm khô dây thanh âm.
  • Cha mẹ cần dạy trẻ những thói quen tốt cho việc bảo vệ giọng nói và tự mình làm gương để giúp trẻ học hỏi hiệu quả hơn. Nhắc nhở trẻ không la hét; khi trẻ đang ở trong phòng ngủ, bạn ở phòng bếp, thì thay vì gọi to tên trẻ từ phòng bếp, bạn nên di chuyển đến phòng của trẻ để gọi tên con với âm lượng vừa phải; khuyến khích cả gia đình duy trì thời gian yên tĩnh nửa giờ mỗi ngày; sáng tạo những hoạt động thú vị để trẻ thực hiện (vẽ, trang trí sổ, chơi hình dán…) giúp con hạn chế nói, la hét đùa giỡn quá nhiều….

Nhìn chung, trẻ bị khàn tiếng thường không phải là vấn đề nguy hiểm. Trẻ có thể tự khỏi và sẽ khỏi nhanh hơn khi được chăm sóc đúng cách. Hơn nữa, các thói quen lành mạnh như không la hét, không nói hoặc hát quá nhiều, giữ ấm, uống nhiều nước… cũng có thể giúp ích. Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng khàn tiếng ở trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo