backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Cây bưởi bung - Vị thuốc quý cho sức khỏe

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền · Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

Cây bưởi bung - Vị thuốc quý cho sức khỏe

Tên thường gọi: Cây cơm rượu, cây bưởi bung

Tên gọi khác: Cây bẩy bung, Cát bối, Co dọng dạnh,…

Tên khoa học: Glycosmis pentaphylla (Retz.) Correa

Họ: Cam (Rutaceae)

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về cây bưởi bung

  • Cây nhỏ, mọc thành bụi, cao tới 4-5 m
  • Cành cây màu lục, pha tím đỏ
  • Lá chét, có khoảng 1-5 lá chét dày, hình mác thuôn, dài tới 6-16  cm, rộng 2-5cm; mọc so le, ít khi mọc đối. Không rõ mép lá nguyên hay có răng cưa, gốc tròn, đầu nhọn. Mặt trên bóng và nhẵn, mặt dưới vàng nhạt
  • Cụm hoa mọc thành chùm tán ở đầu cành, ngắn hơn lá. Bông hoa nhỏ màu trắng, vàng nhạt hoặc xanh; lá đài 5, hình tròn, rất ngắn.
  • Cụm quả có thể dài tới 25cm. Quả mọng, hình cầu, khi chín có màu hồng, ăn được.
  • Ở Việt Nam, cây mọc khắp nơi từ trung du đến đồng bằng nhưng tập trung ở vùng núi dưới 1000m. Mùa hoa quả ở vào khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

    Bộ phận dùng của cây bưởi bung

    Bộ phận dùng làm thuốc của cây bưởi bung là cành, lá và rễ. Dược liệu được thu hái vào bất kỳ mùa nào trong năm. Sau khi rửa sạch có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần. Trường hợp đã qua sơ chế khô cần để dược liệu trong túi kín và bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm ướt, mối mọt.

    Thành phần hóa học trong cây bưởi bung

    Cây chứa alkaloid (thuộc nhóm carbazol hay quinolon) và các hợp chất phenolic, flavonoid, glycoside, hợp chất thơm, steroid, terpenoid và các dẫn xuất béo

    • Glycosin
    • Glycozolin
    • Skimmianin
    • Noracromycin
    • Glycozolidol
    • Glycozolidal
    • Glycoborinin
    • Glybomin
    • Carbalexin A
    • Arborinin, arborin
    • N-p-coumaroyltyramin
    • Glycophymin
    • Glycomid. 
    • Dictamin
    •  Kokusaginin

    Trong thân có chứa phenol glycosid (glycopentosid A-C), flavanol (glycoflavanon A, B).

    Tác dụng, công dụng

    Tác dụng của cây bưởi bung là gì?

    tác dụng của cây bưởi bung

    Dân gian sử dụng rễ và lá của cây này để làm men rượu, giúp tăng hiệu suất. Rễ cây dùng để trị tiêu thấp, nhức mỏi chân tay. Uống lá giúp cải thiện vị giác, tăng ngon miệng, trị hậu sản ứ huyết. Lấy lá tươi nấu nước để tắm hoặc giã ra đắp vào vết thương để trị mụn nhọt, rắn cắn, chốc lở.

    Theo Y học cổ truyền:

    • Rễ bưởi bung có vị cay; lá vị hơi ngọt, tính ấm. Quy kinh chưa rõ.
    • Công dụng thanh nhiệt giải độc, khu phong trừ thấp, kích thích tiêu hóa, tiêu đờm, giải cảm, tán huyết ứ.
    • Cây bưởi bung chữa bệnh gì? Chủ trị đau nhức xương khớp, phong tê thấp, hậu sản ứ huyết, rối loạn chức năng gan, vàng da, thiếu máu, ho, viêm phế quản, sốt, đau ngực, mụn nhọt, chốc lở, nhiễm trùng đường tiết niệu, gãy xương, đau răng, lậu, tiểu đường, ung thư…

    Theo Y học hiện đại:

    • Một lượng lớn nghiên cứu in vitro và in vivo cho thấy loài bưởi bung có tác dụng chống ung thư, chống đột biến, kháng khuẩn, kháng nấm, tẩy giun sán, diệt muỗi, trị đái tháo đường, hạ mỡ máu, chống oxy hóa, chống viêm, giảm đau, hạ sốt, chống nhiễm asen, chữa lành vết thương.
    • Chiết xuất cây bưởi bung giàu arborine và skimmianine tốt, hoạt động như chất kháng khuẩn mạnh chống lại các chủng tụ cầu vàng.
    • Bưởi bung có hiệu quả chống tiêu chảy và hạ sốt.
    • Lá bưởi bung đem sao vàng, sắc đặc với nước giúp ăn uống ngon miệng hơn, kích thích tiêu hóa cho sản phụ mới sinh.

    Liều dùng

    Liều dùng thông thường của cây bưởi bung là bao nhiêu?

    • Ở dạng sắc uống, dược liệu này được dùng với liều khuyến cáo là 6-16g mỗi ngày.
    • Ở dạng dùng ngoài da, dùng với liều vừa đủ tùy bài thuốc và mục đích sử dụng, không kể liều lượng.

    Một số bài thuốc có cây bưởi bung

    Bưởi bung được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

    bài thuốc từ cây bưởi bung

    1. Trị ăn uống kém ngon miệng, vàng da sau sinh ở phụ nữ

    • Nguyên liệu: Lá bưởi bung 10g
    • Cách làm: Sao vàng phần lá này rồi thêm 400ml nước, sắc với lửa nhỏ cho đến khi còn 200ml thì tắt bếp. Chia phần nước thu được thành 2 lần uống trong ngày.

    2. Trị đau lưng mỏi gối

    • Nguyên liệu: Rễ bưởi bung 25g, quýt gai 15g, huyết đằng 10g, cẩu tích 10g, tỳ giải 10g
    • Cách làm: Sắc tất cả các loại dược liệu với 600ml nước cho đến khi còn 300ml. Chia phần nước thu được thành 3 lần uống trong ngày, uống khi còn ấm.

    3. Trị mụn nhọt ở nách hoặc bẹn

    • Nguyên liệu: Lá bưởi bung, lá thổ phục linh, lá ổi mỗi loại 1 nắm
    • Cách làm: Rửa sạch các dược liệu, thái nhỏ, giã nát và đắp lên nốt mụn.

    4. Trị tê thấp

    • Bài thuốc 1: Rễ bưởi bung 20g, dây đau xương 24g, cỏ xước 20g, rễ hoàng lực 20g, hoa kinh giới 20g, rễ cốt khí 16g sắc cùng 600ml nước cho đến khi còn 200ml. Phần nước thu được chia thành 2 lần uống trong ngày. Duy trì uống ngày 1 thang trong 3-5 ngày
    • Bài thuốc 2: Rễ bưởi bung 10g, thiên niên kiện 12g, dành dành 8g đem thái nhỏ, ngâm cùng 1 lít rượu trắng. Thời gian ngâm càng lâu càng tốt. Mỗi lần lấy uống khoảng 20ml, ngày 2-3 lần.

    5. Trị phong thấp, bị chấn thương gây sưng đau

    • Bài thuốc 1: Lấy 30g rễ và 1 nắm lá bưởi bung. Rễ sắc uống thay nước hằng ngày. Lá giã nát đắp lên vùng bị đau.
    • Bài thuốc 2: Lấy rễ bưởi bung, dây đau xương, củ khúc khắc (thổ phục linh) mỗi vị 20g đem sắc lấy nước uống, ngày 1 thang.

    6. Trị phong thấp, đau nhức xương khớp và toàn thân

    • Nguyên liệu: Rễ bưởi bung, rễ xấu hổ, rễ cúc tần mỗi vị 20g; rễ và lá cam thảo dây, rễ và lá đinh lăng mỗi loại 10g
    • Cách làm: Đem tất cả nguyên liệu sao sơ, sắc chung với 1 thăng nước cho đến khi còn 300ml thì tắt bếp. Gạn lấy phần nước thuốc chia thành 2 lần để uống trong ngày. Duy trì mỗi ngày 1 thang trong vòng 3-5 ngày.

    7. Trị ho, cảm sốt

    • Nguyên liệu: Lá cây bưởi bung 20g, vỏ quýt 10g, bạc hà 5g
    • Cách làm: Sắc các dược liệu với 800ml nước trên lửa liu riu cho đến khi còn 300ml thì tắt bếp. Gạn lấy phần nước rồi chia thành 3 lần uống trong ngày. Uống 1 thang/ngày.

    8. Trị viêm loét dạ dày – tá tràng

    • Nguyên liệu: Lá bưởi bung 12g, lá khôi 12g, dạ cẩm 12g, cam thảo dây 6g
    • Cách làm: Sắc tất cả dược liệu với nước để uống. Duy trì mỗi ngày 1 thang cho đến khi khỏi hẳn.

    9. Trị mụn nhọt rò mủ lâu ngày

    • Nguyên liệu: Lá bưởi bung 20g, tinh tu 10g, lá chanh 10g
    • Cách làm: Phơi khô dược liệu, tán nhỏ, rây lấy phần bột mịn. Bột thu được đem rắc vào vết thương cho mau lành.

    10. Trị ăn không ngon, đầy bụng

    • Nguyên liệu: Quả bưởi bung 15-20g, vỏ quýt 7g
    • Cách làm: Sắc 2 loại dược liệu với 1 thăng nước trên lửa liu riu trong vòng 15 phút, dùng để uống thay trà trong ngày.

    11. Trị đau bụng kinh nguyệt

    • Nguyên liệu: Rễ bưởi bung 12g, gỗ vang 12g, rễ bướm bạc 12g, sim rừng 8g, thiên niên kiện 8g
    • Cách làm: Toàn bộ dược liệu đều thái nhỏ, phơi khô, sắc cùng 400ml nước cho đến khi còn 100ml thì tắt bếp. Gạn lấy phần nước chia thành 2 lần uống trong ngày. Uống 1 thang/ngày.

    12. Trị gút

    • Nguyên liệu: Rễ bưởi bung 20g, cỏ xước tươi 30g, lá lốt 30g
    • Cách làm: Thái nhỏ, sao vàng tất cả dược liệu rồi sắc với 800ml nước trên lửa liu riu. Khi còn khoảng 400ml nước thì tắt bếp. Gạn lấy phần nước thuốc chia thành 3 lần uống trong ngày. Duy trì ngày 1 thang, dùng trong 1 tuần sẽ thấy triệu chứng bệnh thuyên giảm.

    13. Trị tụ máu

    • Nguyên liệu: Rễ cây bưởi bung 16g, đinh lăng 16g, ngưu tất nam (cỏ xước) 16g, kê huyết đằng 16g, mai và chân cua 30g, thổ phục linh 20g, tô mộc 20g, tục đoạn 18g, ngải diệp 10g, xuyên khung 10g, cam thảo 10g, quế tâm 8g
    • Cách làm: Đem 30g mai và chân cua đi sao vàng trên chảo nóng rồi sắc cùng các dược liệu còn lại. Gạn lấy nước uống ngày 1 lần.

    14. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

    • Nguyên liệu: Lá bưởi bung 30g, thổ phục linh 20g, lá móng tay 20g
    • Cách làm: Sắc các loại dược liệu với 1 lít nước trên lửa liu riu trong khoảng 20 phút. Gạn lấy phần nước thuốc, có thể chia thành nhiều lần uống trong ngày. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang, dùng hàng ngày để hỗ trợ kiểm soát đường huyết hiệu quả.

    Lưu ý, thận trọng khi dùng

    Khi dùng cây bưởi bung, bạn nên lưu ý những gì?

    lưu ý khi dùng cây bưởi bung

    Để sử dụng dược liệu một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

    Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

    Mức độ an toàn của cây bưởi bung

    Các nghiên cứu về độc tính cũng chứng minh không có phản ứng bất lợi nào của chiết xuất cây bưởi bung, cho thấy cây này có độ an toàn vừa phải.

    Tuyệt đối không dùng cho phụ nữ có thai

    Tương tác có thể xảy ra với vị thuốc từ cây bưởi bung

    Dược liệu này có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

    Bưởi bung là một cây thuốc quý với 14 bài thuốc chữa bệnh độc đáo. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng tùy tiện mà cần hỏi ý kiến người có chuyên môn trước khi áp dụng. Đặc biệt, bạn không được sử dụng vị thuốc này nếu đang mang thai.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

    Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo