backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Cách chữa giời leo an toàn giúp bạn nhanh khỏi bệnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/06/2023

Cách chữa giời leo an toàn giúp bạn nhanh khỏi bệnh

Bị giời leo là một thuật ngữ dân gian phổ biến tại Việt Nam để chỉ bệnh zona thần kinh. Mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm cho tính mạng nhưng cơn đau dữ dội và dai dẳng mà giời leo gây ra là nỗi ám ảnh cho người bệnh. Biết cách chữa giời leo đúng và kịp thời sẽ giúp rút ngắn thời gian nhiễm bệnh zona và hạn chế nguy cơ biến chứng.

1. Giời leo là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu?

Bệnh giời leo (hay còn gọi là bệnh zona thần kinh) là một bệnh do nhiễm vi-rút varicella-zoster gây triệu chứng phát ban hoặc mụn nước trên da. Phát ban thường xuất hiện thành một dải phát ban; hoặc mụn nước ở một vùng trên cơ thể.

Vi-rút varicella zoster gây ra bệnh giời leo cũng cùng loại vi-rút gây bệnh thủy đậu. Sau khi một người khỏi bệnh thủy đậu; vi-rút sẽ không hoạt động trong cơ thể; nhưng nó có thể bị kích hoạt lại nhiều năm sau đó, gây ra bệnh zona thần kinh.

Thông thường phát ban do zona thần kinh xuất hiện ở bụng, ngực; nhưng nó cũng có thể ở bất kỳ vị trí nào khác trên cơ thể, kể cả mặt hay cơ quan sinh dục. Bên cạnh đó bệnh còn xuất hiện ở vùng bụng, cổ, vai, mặt, lưng; và nguy hiểm và khó điều trị nhất là hố mắt.

2. Triệu chứng của bệnh giời leo (zona thần kinh)?

Nhận diện các triệu chứng của bệnh giời leo là bước đầu tiên trước khi áp dụng cách chữa bệnh này. Các dấu hiệu giúp bạn nhận biết bị bệnh giời leo là: 

  • Nhức đầu hoặc cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. 
  • Cảm giác ngứa ran hoặc đau rát dữ dội ở một vùng da nhất định.
  • Sau đó vài ngày, một dải mụn nước (hay còn gọi là phát ban) sẽ bùng phát trên cơ thể người bệnh.

Đặc biệt, nếu phát ban do zona thần kinh thì thường các nốt ban chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể. Phát ban ở cả hai bên trái và phải của cơ thể thường không phải do nhiễm zona thần kinh.

triệu chứng và cách chữa giời leo
Nhận diện dấu hiệu trước khi tìm cách chữa bệnh giời leo

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Liên hệ với bác sĩ để tìm cách chữa bệnh giời leo nếu bạn thuộc những trường hợp sau:

  • Phát ban lan rộng và gây đau đớn dữ dội.
  • Người từ 60 tuổi trở lên, vì tuổi tác làm tăng đáng kể nguy cơ biến chứng.
  • Bạn hoặc ai đó trong gia đình bị suy giảm hệ thống miễn dịch (do ung thư, thuốc men hoặc bệnh mạn tính).
  • Đau và phát ban xảy ra gần mắt. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng này có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn.

3. Bệnh giời leo lây truyền theo đường nào?

Người bị bệnh giời leo có thể lây qua cho người khác khi đã đó mụn rộp xuất hiện trên da; mủ trong những mụn nước này có chứa vi-rút varicella-zoster; nếu một người tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải trong không khí thì sẽ bị lây bệnh.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh zona thần kinh có lây không?

4. Đối tượng nguy cơ bệnh giời leo

Nguy cơ bị giời leo sẽ tăng cao hơn nếu bạn có các yếu tố như:

  • Người lớn tuổi, đặc biệt trên 60 tuổi.
  • Những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
  • Những bệnh nhân có tiền sử bị thủy đậu.

5. Cách chữa giời leo hiệu quả và an toàn 

5.1 Sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ 

Mặc dù không có cách chữa giời leo dứt điểm nhưng sử dụng một số thuốc kháng virus sẽ giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian nhiễm bệnh và hạn chế biến chứng.

Một số thuốc virus dùng trong điều trị zona thần kinh bao gồm: Acyclovir; Famciclovir; và Valacyclovir.

Lưu ý: Thời điểm sử dụng thuốc chữa giời leo đúng cách là trong vòng 3 ngày kể từ khi bắt đầu phát ban. Vì thế, bạn cần phải đi khám bác sĩ và nhận đơn thuốc càng sớm càng tốt khi nghi ngờ bị giời leo.

5.2 Uống thuốc giảm đau theo chỉ định

Bên cạnh điều trị zona thần kinh bằng thuốc kháng virus thì việc giải quyết triệu chứng đau rát cho người bệnh cũng phần quan trọng. Trong đó, bác sĩ có thể dùng thuốc giảm đau như cách chữa triệu chứng của giời leo

  • Miếng dán tại chỗ hoặc kem chứa capsaicin.
  • Thuốc chống co giật, chẳng hạn như gabapentin.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline.
  • Thuốc tiêm giảm đau bao gồm corticosteroid và thuốc gây tê cục bộ.
  • Thuốc có chứa chất thành phần giảm đau gây nghiện, chẳng hạn như codeine.
  • Các loại thuốc chứa thành phần chất gây tê như lidocaine được sử dụng bôi ngoài da dưới dạng kem, gel, thuốc xịt hoặc miếng dán tại chỗ. 
giảm triệu chứng đau
Cách chữa triệu chứng đau khi bị giời leo

5.3 Cách chữa giời leo tại nhà an toàn

Cách chữa giời leo tại nhà là những biện pháp tự giảm đau mà bạn có thể thực hiện tại nhà trong trường hợp nhiễm zona thần kinh nhẹ và đã tham khảo ý kiến từ bác sĩ (dược sĩ).

Để chữa triệu chứng giảm đau và ngứa rát do giời leo đúng cách, người bệnh có thể:

  • Mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát. 
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol. 
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ và khô ráo cho vùng da đang bị giời leo và toàn thân.
  • Chườm mát lên vùng da nổi mụn nước vài lần trong ngày. Lưu ý tránh để các mụn nước vỡ trong khi chườm mát.

5.4 Lưu ý khi áp dụng cách chữa giời leo

Bệnh nhân cũng cần lưu ý những điều sau khi chăm sóc vùng da bị giời leo: 

  • Không để băng gạc dính vào vết thương.
  • Không sử dụng kem kháng sinh làm chậm quá trình lành vết thương.
  • Tránh tiếp xúc với đồ dùng, vật dụng của người thân để hạn chế lây lan bệnh.
  • Tránh gãi vào khu vực bị giời leo để tránh tình trạng nhiễm trùng và để lại sẹo xấu.
  • Không tự ý bôi, đắp các loại lá cây hoặc bất cứ thứ gì lên vết thương theo dân gian mà chưa tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ (dược sĩ).

6. Phương pháp phòng ngừa bệnh giời leo

Để phòng ngừa giời leo, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo người trên 50 tuổi nên tiêm đủ 2 mũi vắc xin zoster tái tổ hợp (Shingrix) để ngăn ngừa bệnh giời leo và các biến chứng của bệnh.

Ngoài ra, cũng nên tiêm vắc xin này cho người từ 19 tuổi trở lên có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do bệnh tật hoặc liệu pháp điều trị. 

Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách chữa giời leo; cũng như có biện pháp xử trí kịp thời khi nghi ngờ bị giời leo nhé! 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/06/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo