backup og meta

Giải đáp thắc mắc về phương pháp cắt bỏ tuyến vú dự phòng

Giải đáp thắc mắc về phương pháp cắt bỏ tuyến vú dự phòng

Nếu bạn biết rằng mình đang có nguy cơ bị ung thư vú thì chắc chắn bạn sẽ muốn biết làm thế nào để phòng tránh căn bệnh này và cắt bỏ tuyến vú dự phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh mà bạn nên cân nhắc.

Thường thì bạn nên nghĩ đến phẫu thuật này nếu bạn nằm trong những trường hợp sau: gia đình có tiền sử bị ung thư vú, đột biến gen BRCA và ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ ( LCIS). Nhưng trước khi đưa ra quyết định, bạn cần tìm hiểu thật rõ về phẫu thuật này.

Dù bạn đang thực sự cân nhắc việc sử dụng phương pháp cắt bỏ tuyết vú hay chỉ muốn tìm hiểu thêm về nó, chắc hẳn những thông tin sau đây sẽ giúp ích cho bạn.

Phương pháp cắt bỏ tuyến vú dự phòng là gì?

Phương pháp cắt bỏ tuyến vú dự phòng là một phương pháp phòng ngừa các tế bào ung thư hình thành trong cơ thể người có nguy cơ mắc bệnh cao bằng cách phẫu thuật loại bỏ mô vú. Phương pháp cắt bỏ tuyến vú hai bên là cắt bỏ cả hai bầu vú. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng phương pháp cắt bỏ tuyến vú dự phòng hai bên có thể giảm 90% khả năng bị ung thư ở các phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao.

Phương pháp cắt bỏ tuyến vú hai bên thậm chí còn được chứng minh rằng có thể giảm 95% nguy cơ ung thư ở những phụ nữ bị đột biến gen BRCA 1 hay gen BRCA 2.

Những ai nên và không nên cân nhắc lựa chọn phương pháp này?

Những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao có thể tìm đến phương pháp này. Các yếu tố nguy cơ đó bao gồm:

  • Xét nghiệm đột biến gen BRCA 1 và BRCA 2 dương tính
  • Gia đình bao gồm những thành viên có cùng dòng máu như bà ngoại, mẹ và chị em có tiền sử bị ung thư trước 50 tuổi.
  • Chẩn đoán bị ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS) và gia đình có tiền sử bị bệnh này nhiều. Mặc dù tên gọi có chữ “ung thư” nhưng thực ra LCIS không phải là bệnh ung thư, nó chỉ là một dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị ung thư và là một yếu tố nguy cơ gây ung thư rất lớn.
  • Khi bị ung thư ở một bên vú, những phụ nữ có một bên ngực đã bị cắt bỏ do ung thư có thể chọn cắt bỏ luôn bên ngực còn lại dù không bị ung thư. Điều này thường được thực hiện để tạo ra sự cân xứng và cải thiện diện mạo bệnh nhân hơn là do lý do sức khỏe.

Những phụ nữ thuộc nhóm sau cũng nên thường xuyên, đến các trung tâm chăm sóc chuyên về ngực, chụp X-quang những khối u ở ngực và tự khám ngực.

  • Nhu mô vú dày
  • Bệnh về nang vú
  • Vôi hóa trong tuyến vú
  • Đã làm sinh thiết nhiều lần

Những phụ nữ thuộc nhóm này nên lên kế hoạch chụp MRI và X-quang các khối u ở ngực hằng năm để phòng ngừa bệnh ung thư. Mặc dù việc này có thể khiến họ lo lắng, nhưng những phụ nữ ở nhóm này thường sẽ không cần đến phương pháp cắt bỏ tuyến vú.

Quy trình của phương pháp này như thế nào?

Nếu bạn có nguy cơ phát triển ung thư, có thể bạn sẽ được tư vấn về vấn đề di truyền. Trong suốt buổi tư vấn, một bác sĩ sẽ giải thích chi tiết về tỷ lệ và rủi ro mắc bệnh ung thư của bạn. Bạn cũng có thể nói chuyện với một nhân viên y tế xã hội hoặc một cố vấn, những người có thể giúp bạn lọc lại các thông tin.

Sau đó bạn sẽ được tư vấn bởi một bác sĩ phẫu thuật tổng quát và một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nếu bạn muốn tái tạo lại bộ ngực của mình. Các cuộc phẫu thuật này thường được thực hiện song song, các bác sĩ phẫu thuật ngực sẽ loại bỏ các mô vú và sau đó bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ tái tạo bộ ngực mới cho bạn.

Có rất nhiều phương pháp tái tạo lại bộ ngực cho bạn. Bạn nên tham khảo ý kiến từ những phụ nữ đã từng nâng ngực vì lý do thẩm mỹ (chứ không phải do bệnh ung thư) vì họ sẽ có nhiều thời gian để quyết định loại phẫu thuật thích hợp nhất. Hãy thật chắc chắn rằng bạn đã hiểu thật kỹ về tất cả các sự lựa chọn dành cho mình.

Bạn cũng có thể bàn bạc cùng với các chuyên gia phẫu thuật ung thư vú và phẫu thuật thẩm mỹ để đưa ra quyết định.

Liệu biện pháp này có để lại di chứng hay rủi ro nào không?

Tất cả các ca phẫu thuật đều có rủi ro. Ngay sau khi phẫu thuật, bạn sẽ có nguy cơ bị xuất huyết, nhiễm trùng hoặc tích tụ dịch. Sau đó bạn còn có thể gặp vấn đề như vết mổ lâu lành. Những tác dụng phụ lâu dài có thể kể đến là:

  • Tê tại vết mổ kéo dài
  • Có khả năng vai và ngực bị yếu đi
  • Bị ảo giác đau và ngứa

Sau khi dùng phương pháp này, tôi có còn nguy cơ mắc bệnh ung thư không?

Bởi vì rất khó để loại bỏ hết mô vú nên phương pháp cắt bỏ tuyến vú không đảm bảo rằng bạn sẽ hoàn toàn không mắc bệnh ung thư trong tương lai. Mô vú có thể kéo dài đến tận xương đòn và nách, nên để loại bỏ hoàn toàn là điều không thể. Và thật không may mắn là chỉ cần một mô vú nhỏ còn sót lại cũng có thể phát triển lên thành ung thư.

Còn những biện pháp ngăn ngừa nào khác không?

Xét nghiệm dương tính với đột biến gen cũng có nghĩa là bạn có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn có thể xem xét việc cắt bỏ luôn buồng trứng. Hai loại thuốc, tamoxifen và raloxifene, được dùng để phòng ngừa bệnh ung thư vú và đã được sự chấp thuận của FDA. Tuy nhiên, những loại thuốc này chỉ ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú khi dương tính với estrogen. Ngoài ra, nó cũng có thể gây ra các tác dụng phụ khó chịu.

Vậy phương pháp phòng ngừa ung thư nào là tốt nhất?

Hiện tại không có cách nào có thể biết chắc chắn một người sẽ mắc ung thư hay không. Sống một lối sống lành mạnh chính là cách phòng ngừa tốt nhất. Hãy ăn thức ăn theo chế độ phù hợp, tập thể dục, giảm uống rượu bia, không hút thuốc và tránh xa các chất hóa học. Mặc dù những biện pháp này có thể không đảm bảo hoàn toàn bạn sẽ không mắc ung thư, tuy nhiên nó sẽ giúp bạn cải thiện và duy trì tổng thể sức khỏe của mình, từ đó phòng tránh được ung thư.

Quyết định cắt bỏ tuyến vú luôn không hề dễ dàng và quá trình phẫu thuật cũng đầy rủi ro. Nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và thay đổi hoàn toàn diện mạo của bạn. Phương pháp khi đã thực hiện thì sẽ vĩnh viễn không thể phục hồi lại cho nên bạn phải thảo luận với bác sĩ, gia đình và người yêu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hartman, L. C., Sellers, T. A., Schaid, D. J., Frank, T. S., Soderberg, C. L., Sitta, D. L. … Jenkins, R. B. (2001, September 10). Efficacy of bilateral prophylactic mastectomy in BRCA1 and BRCA2 gene mutation carriers. Journal of the National Cancer Institute, 93(21), 1633-1637.

Mastectomy. (n.d.). http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/mastectomy.html

Surgery to reduce the risk of breast cancer. (2013, August 12). http://www.cancer.gov/cancertopics/factsheet/Therapy/risk-reducing-surgery

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Các phương pháp chẩn đoán ung thư đại trực tràng | Hello Bacsi x SANOFI

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Các lựa chọn phẫu thuật điều trị ung thư vú | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo