4 loại thuốc chữa ung thư gan phổ biến

Sau khi tìm hiểu về những thay đổi trong tế bào ung thư, các nhà nghiên cứu đã phát triển các loại thuốc nhắm trúng đích để nhắm chuyên biệt vào các tế bào này. Thuốc nhắm trúng đích có nguyên lý hoạt động khác với thuốc hóa trị và thường có ít tác dụng phụ hơn. Cũng giống như hóa trị, các loại thuốc này sẽ xâm nhập vào máu và các cơ quan của cơ thể để chống lại những tế bào ung thư đang “hoành hành”. Hóa trị thường ít có hiệu quả với bệnh ung thư gan, do đó, bác sĩ thường chỉ định sử dụng liệu pháp thuốc nhắm trúng đích. Dưới đây là một số loại thuốc nhắm trúng đích giúp điều trị ung thư gan phổ biến:
1. Sorafenib (Nexavar)
Sorafenib là loại thuốc nhắm được sử dụng để điều trị ung thư gan khá phổ biến. Loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự tăng sinh mạch máu giúp nuôi dưỡng tế bào ung thư. Ngoài ra, sorafenib còn giúp ức chế sự hình thành và hoạt động của các men tyrosine kinase, từ đó làm cho tế bào ung thư không phát triển được.
Mỗi ngày, bạn nên uống hai lần khi dạ dày trống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi uống thuốc này, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ phổ biến như sụt cân, buồn nôn/nôn, tiêu chảy, chán ăn, thay đổi khẩu vị, khô da, lở miệng, rụng tóc, thay đổi giọng nói, mệt mỏi. Nếu bất kỳ tác dụng nào kéo dài hoặc nặng hơn, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ ngay lập tức.
2. Lenvatinib (Lenvima)
Lenvatinib là phương pháp được áp dụng đầu tiên để điều trị ung thư biểu mô tế bào gan khi không thể loại bỏ bằng phẫu thuật hoặc khi các tế bào ung thư đã di căn sang các cơ quan khác. Theo các bác sĩ, loại thuốc nhắm này hoạt động bằng cách nhận biết và gắn vào một số loại tế bào ung thư, từ đó, giúp ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển.
Khi uống thuốc Lenvatinib, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, huyết áp cao, đau khớp hoặc cơ, giảm cân, đau bụng, phồng rộp ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên sử dụng theo đúng liều lượng của bác sĩ.
3. Regorafenib (Stivarga)
Regorafenib là loại thuốc thường sử dụng để điều trị ung thư đại trực tràng và ung thư gan. Loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự tăng sinh mạch máu giúp nuôi tế bào ung thư và ức chế sự hình thành một số protein giúp tế bào khối u phát triển. Thông thường, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng loại thuốc này khi việc dùng thuốc Sorafenib không còn hiệu quả. Regorafenib thường được chỉ định dùng hàng ngày trong liên tiếp 3 tuần và tuần kế sau đó thì ngưng sử dụng. Bác sĩ sẽ quyết định số lần lặp lại chu kỳ điều trị này.
Khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: mệt mỏi, chán ăn, huyết áp cao, sốt, nhiễm trùng, giảm cân, tiêu chảy và đau bụng. Ngoài ra, còn có một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như: tổn thương gan, chảy máu nặng, thủng dạ dày, ruột và các vấn đề về tim.
4. Cabozantinib (Cabometyx)
Cabozantinib cũng là một loại thuốc nhắm giúp điều trị ung thư gan khá phổ biến. Cũng giống như 3 loại thuốc trên, Cabozantinib cũng có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách ức chế một số protein và ngăn ngừa sự tăng sinh mạch máu. Để đạt hiệu quả tốt nhất, mỗi ngày, người bệnh uống 1 viên theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi uống, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, chán ăn và sụt cân, huyết áp cao, táo bón… Nghiêm trọng hơn, người bệnh còn có thể bị chảy máu nặng, huyết áp rất cao và thủng dạ dày.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!