backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Chủ quan với u hốc mắt, mất thị lực lúc nào không hay!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 07/07/2021

Chủ quan với u hốc mắt, mất thị lực lúc nào không hay!

U hốc mắt là bệnh lý có thể gặp ở tất cả mọi người. Mặc dù hầu hết các trường hợp đều lành tính, nhưng vẫn có tỷ lệ không nhỏ là ác tính. Khi không được kiểm soát và điều trị tốt, các khối u này dễ dàng gây tổn thương dây thần kinh, mạch máu quanh mắt và trục nhãn cầu. Cuối cùng, bệnh nhân mất dần thị lực, thậm chí mù lòa và giảm đáng kể tuổi thọ.

Vì vậy, việc phát hiện, chẩn đoán cũng như điều trị u hốc mắt từ sớm rất quan trọng, giúp bạn gìn giữ “cửa sổ tâm hồn” của mình luôn sáng khỏe.

Tìm hiểu chung

Bệnh u hốc mắt là gì?

Hốc mắt là hốc xương được tạo thành từ các xương mặt và xương sọ, hình chóp nón có đỉnh nhọn hướng ra sau còn đáy mở rộng về phía trước xương. Trong hốc mắt có những tổ chức mềm được bao bọc bởi cân. 

U hốc mắt là tình trạng có khối u lạ ở trong hốc xương mắt này, có thể lành hoặc ác tính. 

Dạng khối u lành tính phổ biến nhất là u máu thể hang, gặp phần lớn ở người trưởng thành trẻ tuổi và trung niên. Trong khi đó, may mắn là hầu hết những trường hợp u hốc mắt ở trẻ em là lành tính, nhưng cũng cần điều trị sớm để bảo toàn thị lực cho bé.

Một số loại khối u có thể kể đến như:

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng u hốc mắt

Triệu chứng u hốc mắt

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là:

  • Lồi mắt: Đây cũng là dấu hiệu điển hình nhất. Căn cứ vào hướng lồi, bác sĩ có thể xác định sơ bộ vị trí khối u và nơi xuất phát của nó. Chẳng hạn như u tuyến lệ sẽ đẩy nhãn cầu xuống dưới và hướng vào trong, còn u dây thần kinh thị giác thì đẩy nhãn cầu ra trước theo trục dọc. Nếu tình trạng lồi mắt tiến triển từ từ, khả năng cao là khối u lành tính, còn phát triển nhanh chóng thì nghiêng về ác tính hoặc có viêm nhiễm nhiều hơn.
  • Giảm thị lực nghiêm trọng: Triệu chứng này gợi ý cho tình trạng u hốc mắt nguyên phát gây chèn ép và ảnh hưởng tới dây thần kinh thị giác; cụ thể là u màng não hoặc khối u ngoài trục cơ vận nhãn có kích thước lớn. Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân có thể bị mù vĩnh viễn.
  • Đau: Triệu chứng đau chủ yếu do u di căn hoặc u ác tính phát triển nhanh. Trong khi u lành tính có xu hướng ít đau hơn mà chỉ gây căng tức vùng mắt.
  • Nhìn đôi: Xảy ra ở 24% trường hợp u hốc mắt, có thể do khối u ác tính hoặc di căn làm sợi thần kinh chỉ huy cơ vận nhãn bị viêm, khối u lớn khiến cơ vận nhãn bị chiếm chỗ, khó vận động hoặc làm lệch trục nhãn cầu.
  • Triệu chứng khác: Mắt dễ viêm nhiễm, sung huyết, đỏ, đồng tử giãn, mi mắt sụp và sưng to, nguyên nhân là vì kích thước u nang lớn chèn ép và làm ứ trệ tuần hoàn khiến tỷ lệ viêm nhiễm tăng lên.

Nguyên nhân

Nguyên nhân u hốc mắt là gì?

Khối u có thể nguyên phát, hình thành ngay từ những bộ phận trong hốc mắt mà không rõ nguyên nhân vì sao. Chúng chiếm tới 70% các trường hợp được chẩn đoán. 

Bên cạnh đó, u di căn vào hốc mắt từ những bộ phận gần và xa khác như vú, phổi, tuyến tiền liệt hoặc da chiếm khoảng 27%. Còn lại là do bệnh tự miễn phát triển lấn sâu vào vùng hốc mắt và gây ảnh hưởng tương tự như khối u (viêm giả u hốc mắt).

U hốc mắt nguyên phát là chủ yếu

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh?

Trước đây, siêu âm hốc mắt là xét nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh lý này. Tuy nhiên, hiện tại nó chỉ còn dùng khởi đầu để đánh giá u hốc mắt và u nhãn cầu dạng nang chứa dịch hoặc có tổn thương mạch máu. 

Sau đó, bệnh nhân được thực hiện những kỹ thuật chuyên sâu hơn như:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): hữu ích nhất trong trường hợp đánh giá u hốc mắt nguồn gốc từ xương và kiểm tra xương hốc mắt cùng các vùng quanh hốc mắt, từ đó cân nhắc phương án phẫu thuật 
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: là cách chẩn đoán ưu việt nhất hiện nay. Hình ảnh MRI cho biết cấu trúc chi tiết của khối u, dây thần kinh và mạch máu trong hốc mắt cũng như mối liên hệ giữa chúng. 

Những phương pháp điều trị u hốc mắt

U hốc mắt lành tính, kích thước nhỏ, không gây triệu chứng hầu như chưa cần điều trị, nhưng phải theo dõi liên tục. Khi khối u biến dạng hoặc bắt đầu gây triệu chứng thì phẫu thuật là phương án tốt nhất.

U nhỏ có thể chỉ cần loại bỏ vùng màng chóp mắt, nhưng nếu khối u lớn và xâm lấn vào sâu kết mạc buộc phải cắt diện rộng. Trước đây, can thiệp chủ yếu là mổ mở nắp hộp sọ (tại trán hoặc keyhole), rạch đường lớn, thời gian mổ kéo dài và rủi ro tai biến rất cao. Hiện tại các bệnh viện lớn ở Việt Nam đã áp dụng hình thức mổ nội soi qua đường lỗ mũi với ưu điểm nhanh, không để lại sẹo xấu, ít đau và giảm biến chứng nhiễm trùng, thời gian phục hồi nhanh với chi phí thấp. 

Các khối u lành tính có thể khỏi hoàn toàn, còn u ác tính thường phải kết hợp thêm phương pháp điều trị khác sau mổ. Đó là: 

  • Hóa trị: truyền hóa chất nhằm loại bỏ những tế bào ung thư còn sót lại, tăng hiệu quả điều trị
  • Xạ trị: dùng tia chiếu xạ (thường là tia X) tập trung vào vùng hốc mắt để tiêu diệt tế bào ung thư.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa u hốc mắt?

U hốc mắt có thể ảnh hưởng rất lớn tới thị lực của bệnh nhân, thậm chí gây mù lòa hoặc giảm tuổi thọ. Vì vậy, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Để làm được điều này, bạn nên thăm khám sức khỏe mắt định kỳ (2 lần/năm) và ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường để sớm phát hiện bệnh.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 07/07/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo