
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một biến chứng thường gặp ở người bệnh ung thư, xảy ra khi cục máu đông (huyết khối) được hình thành trong lòng tĩnh mạch [9], [10]. Bệnh nhân ung thư có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao gấp 4 – 7 lần người bình thường, đặc biệt sau khi thực hiện các biện pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị [10].
Ở người bệnh ung thư, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 [11]. Không những vậy, người bệnh ung thư bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cũng có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần so với người không bị ung thư gặp phải tình trạng này [12]. Dù là một biến chứng nguy hiểm nhưng bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp dự phòng để ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cho bệnh nhân ung thư.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ – Bác sĩ. Lê Phi Long – Phó trưởng khoa Lồng Ngực – Mạch máu thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh nhân ung thư sẽ được đánh giá nguy cơ thuyên tắc dựa trên các thang điểm, đặc biệt ngay sau khi bệnh nhân ung thư nhập viện. Dựa vào kết quả đánh giá này, kết hợp với việc xem xét nguy cơ chảy máu, chống chỉ định của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc có nên áp dụng biện pháp dự phòng hay không cũng như lựa chọn biện pháp và thời gian dự phòng phù hợp. Trong đó, biện pháp thường được áp dụng nhất để dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là sử dụng thuốc kháng đông dạng tiêm đối với bệnh nhân ung thư có phẫu thuật. Với bệnh nhân ung thư nguy cơ cao chỉ điều trị nội khoa, thuốc kháng đông dạng tiêm hoặc dạng uống có thể được chỉ định. Các thuốc kháng đông thường được dùng là heparin trọng lượng phân tử thấp, fondaparinux, heparin phân đoạn.
Đặc biệt, tất cả bệnh nhân ung thư phải phẫu thuật cần được dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch một cách có hệ thống trong thời gian ít nhất 7 – 10 ngày. Đối với các loại phẫu thuật có nguy cơ cao như phẫu thuật ung thư vùng bụng và vùng chậu thì thời gian này có thể kéo dài đến 4 tuần. Tùy từng loại phẫu thuật mà biện pháp dùng thuốc kháng đông sẽ được chỉ định kết hợp với biện pháp cơ học [13].
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư nhập viện do bệnh nội khoa cấp tính, nhập viện kèm ung thư đang tiến triển (không có yếu tố nguy cơ nào khác) hoặc bệnh nhân đi lại khó khăn cũng là những đối tượng cần được dự phòng. Trong trường hợp này, thuốc kháng đông đường tiêm thường sẽ được sử dụng nếu không có chống chỉ định [13].
Đối với bệnh nhân ung thư có tình hình ổn định hoặc được cho xuất viện điều trị ngoại trú, việc đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch nên được thực hiện đều đặn và định kỳ. Nếu cần dự phòng, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định các biện pháp phù hợp như mang vớ y khoa, thuốc kháng đông đường tiêm hay đường uống…
Trong trường hợp bệnh nhân ung thư cần được tiếp tục dự phòng bằng thuốc kháng đông dạng tiêm, bệnh nhân và người nhà sẽ được hướng dẫn cụ thể thao tác tự tiêm như sau [14]:
- Bước 1: Bệnh nhân nằm xuống để tiến hành tiêm thuốc
- Bước 2: Lấy bơm tiêm ra khỏi bao bì, lưu ý không đẩy bọt khí khỏi bơm tiêm trước khi tiêm
- Bước 3: Xác định vùng tiêm, thường là bên phải và bên trái của bụng hoặc lưng, cách xa rốn ít nhất 5cm
- Bước 4: Véo nhẹ, kẹp nếp da giữa hai ngón tay trong suốt thời gian tiêm
- Bước 5: Đâm bơm tiêm thẳng đứng theo góc 90°
- Bước 6: Đâm dọc hết chiều dài kim vào nếp da và đảm bảo thuốc phải được tiêm vào lớp mỡ ngay dưới lớp da bụng hoặc da lưng chứ không phải vào bắp. Ấn ống bơm tiêm xuống cho thuốc chảy vào lớp mỡ. Giữ nếp da trong suốt thời gian tiêm thuốc.
- Bước 7: Vẫn giữ nếp da và rút kim bằng cách kéo thẳng ra. Lưu ý không xoa lên chỗ tiêm để tránh để lại vết thâm tím.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!