Ung thư cổ tử cung là một trong các loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới và cả Việt Nam. Việc chữa trị vô cùng khó khăn, làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của người bệnh. Gần đây, y học đã phát hiện chích ngừa ung thư cổ tử cung bằng vaccine HPV có hiệu quả phòng ngừa căn bệnh này rất tốt.
Vậy, chích ngừa ung thư cổ tử cung bao nhiêu tuổi, lộ trình tiêm ngừa, độ tuổi và chích ngừa ung thư cổ tử cung ở đâu tốt nhất? Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết này nhé!
Vì sao bạn nên chích ngừa ung thư cổ tử cung?
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018 ghi nhận 570.000 ca ung thư cổ tử cung. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của trên 300.000 phụ nữ trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Globocan năm 2018, ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 3-4 ở phụ nữ. Mỗi năm có khoảng 4.177 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong do căn bệnh này, tức mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt tử vong do ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung do nhiều nguyên nhân. Trong đó có một nguyên nhân chính là do virus HPV gây ra. Con đường lây truyền phổ biến nhất của HPV là đường tình dục.
70% số ca ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới có liên quan đến chủng HPV (Human papilloma virus) 16 và 18. Ngoài ra còn có một số chủng HPV nguy cơ cao khác nhưng ít phổ biến hơn như 31, 33, 34, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68 và 70.
Vì sao nên chích ngừa ung thư cổ tử cung? Phòng ngừa ung thư cổ tử cung bao gồm 2 giai đoạn: phòng ngừa tiên phát (bằng cách tiêm ngừa vaccine HPV) và phòng ngừa thứ phát (tầm soát và điều trị những tổn thương tiền ung thư). Trong đó, phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng vaccine là phương pháp an toàn và ít tốn kém hơn.
Hai loại vaccine ngừa virus chủng 16 và 18 đã được chấp thuận. Cả 2 đều được ghi nhận là an toàn. Chúng cũng có thể được tiêm cùng với các loại vaccine khác như DTP (Vaccine bạch hầu – ho gà – uốn ván) và viêm gan B.
Có 3 loại vaccine HPV, 1 loại chỉ có tác dụng lên chủng virus 16, 18; 2 loại còn lại còn phòng thêm chủng virus 6, 11 (chủng virus gây bệnh sùi mào gà)
Tiêm vaccine cho nữ chưa quan hệ tình dục là phương pháp chính trong việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Vaccine không có tác dụng chữa trị HPV đã nhiễm trước đó hoặc các bệnh có liên quan đến HPV đã mắc. Bởi vì tiêm vaccine không bảo vệ người tiêm khỏi tất cả các chủng HPV có thể gây ung thư. Nữ giới đã được tiêm vaccine HPV vẫn cần được tầm soát ung thư như thường lệ.
Chích ngừa ung thư cổ tử cung bao nhiêu tuổi và lộ trình tiêm thế nào?
Nhiều bạn sẽ thắc mắc không biết nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung bao nhiêu tuổi? Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nữ giới từ 9-14 tuổi nên tiêm vaccine HPV để có hiệu quả phòng ngừa ung thư cổ tử cung cao nhất. Chích ngừa ung thư cổ tử cung độ tuổi nào? Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo độ tuổi chích ngừa ung thư cổ tử cung hay tiêm vaccine HPV tốt nhất là từ 9-26 tuổi.
Độ tuổi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là bao nhiêu? Đối tượng được khuyến cáo nên tiêm HPV là bé gái tuổi từ 9-14, trước khi có hoạt động tình dục. Việc dự phòng sớm ngay khi chưa có quan hệ tình dục sẽ mang đến hiệu quả dự phòng cao nhất và có thể bảo vệ trẻ lên đến 14 năm.
Phụ nữ 35 tuổi có tiêm ngừa ung thư cổ tử cung được không? Phụ nữ từ 26 tuổi trở lên (từ 27-45 tuổi), đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm ngừa ung thư cổ tử cung nhưng chưa có tài liệu y khoa nào chứng minh kết quả rõ ràng của vaccine trong trường hợp này.
Mấy tuổi tiêm ung thư cổ tử cung hay tiêm ung thư cổ tử cung bao nhiêu tuổi? Nữ giới nên tiêm liều vaccine HPV đầu tiên trước 15 tuổi có thể sử dụng lộ trình tiêm 2 liều. Khoảng cách giữ 2 liều nên là 6 tháng. Không có khoảng thời gian tối đa giữa 2 mũi tiêm. Tuy nhiên khoảng thời gian này không nên dài hơn 12-15 tháng.
Nếu khoảng thời gian giữa các liều ngắn hơn 5 tháng thì liều thứ 3 nên được tiêm cách mũi đầu tiên ít nhất là 6 tháng.
Những người suy giảm miễn dịch, bao gồm những người đang mắc HIV và nữ độ tuổi 15 hay lớn hơn cũng nên chích vaccine và cần 3 liều (tại 0, 1-2 và 6 tháng) để có hiệu quả tối đa.
Các loại vaccine được sử dụng trong việc chích ngừa ung thư cổ tử cung
Hiện nay, có 2 loại vaccine chứng minh hiệu quả ngăn ngừa HPV chủng 16 và 18 đã được cấp phép lưu hành trên toàn thế giới.
- Vaccine 2 chủng (ngừa HPV chủng 16 và 18)
- Vaccine 4 chủng (ngừa HPV chủng 16, 18 và 6, 11 xuất hiện ở 90% mụn sinh dục, mào gà ở nữ).
Cả 2 vaccine chứa các mảnh giống virus, là những mảnh có hình dạng giống vỏ ngoài của HPV. Bởi vì vaccine không chứa virus, chích vaccine không thể gây nhiễm HPV. Các vaccine kích thích sự phát triển của các kháng thể chống lại các mảnh này, và do sự giống nhau với virus HPV, sẽ ngăn nhiễm HPV trong trường hợp tiếp xúc với virus sau này.
Vaccine nên được tiêm trước khi cơ thể nhiễm HPV. Nữ giới sẽ có rất nhiều nguy cơ nhiễm HPV sau khi bắt đầu hoạt động tình dục. Do đó, chích ngừa ung thư cổ tử cung khi chưa bao giờ quan hệ tình dục được xem là cách bảo vệ các bạn nữ khỏi ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất.
a. Bằng chứng hiện hành
Tổ chức Y tế Thế giới đã có vài nghiên cứu thực hiện trước khi vaccine được cấp phép. Kết quả cho thấy:
√ Cả hai vaccine có tác dụng phòng ngừa rất cao trước các tổn thương tiền ung thư gây ra bởi HPV chủng 16 và 18 trong 93-99% bé gái và phụ nữ tham gia. Vaccine cũng làm giảm đáng kể các trường hợp ung thư xâm lấn trong tương lai.
√ Vaccine HPV gây đáp ứng miễn dịch cao hơn hẳn đáp ứng miễn dịch tự nhiên.
√ Sự phòng ngừa làm giảm viêm nhiễm HPV cả tạm thời và kéo dài, và cũng phòng ngừa chống lại các tổn thương tiền ung mức độ trung bình và nghiêm trọng.
√ Vaccine 4 chủng đã chứng tỏ làm giảm tỷ lệ nhiễm mụn cóc, mào gà sinh dục.
√ Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng số lượng kháng thể sinh ra sau chích vaccine HPV ở nữ dưới 15 tuổi cao hơn so với nữ trên 15 tuổi.
√ Các nghiên cứu cho thấy thời gian vaccine có tác dụng bảo vệ là 10 năm sau khi tiêm. Do đó hiện nay không có khuyến cáo chích ngừa ung thư cổ tử cung thêm liều tăng cường (liều nhắc sau 10 năm).
b. Vaccine HPV và những điều cần nghiên cứu thêm
Mặc dù vaccine HPV đã được chứng minh hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung chủng 16 và 18 và có nhiều tác dụng phòng ngừa chéo đến các virus sinh ung khác nhưng sức mạnh và thời gian phòng còn chưa được xác định.
Tiêm vaccine HPV chưa được thử ở trẻ dưới 9 tuổi. Vì vậy vaccine không được cấp phép hoặc khuyến cáo cho bé gái dưới 9 tuổi.
Những lưu ý khi chích ngừa ung thư cổ tử cung
a. Độ an toàn và những phản ứng bất lợi sau khi tiêm
Các loại vaccine được sửu dụng trong chích ngừa ung thư cổ tử cung đều dễ dung nạp và không có lo lắng lớn về an toàn sức khỏe.
Trong các nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ, phản ứng thông thường từ các bé gái sau khi được tiêm là đau và sưng tại chỗ tiêm. Tình trạng này có thể kéo dài đến 2 ngày.
Ngoài ra có thể gặp một số phản ứng phụ khác như nhức đầu, sốt nhẹ, chóng mặt, nôn ói, đau nhẹ cơ và khớp.
Ngất cũng là phản ứng đã được ghi nhận sau khi tiêm vaccine HPV. Ngất thường thấy ở thanh thiếu niên sau khi đã trải qua nhiều thủ tục gây lo lắng và gây đau nhẹ. Vì nguyên nhân này bé gái nên được ngồi nghỉ và theo dõi trong vòng 15 phút sau khi tiêm vaccine HPV.
Những bất lợi sau chích ngừa ung thư cổ tử cung nghiêm trọng là vô cùng hiếm. Sốc phản vệ có thể liên quan đến tiêm vaccine HPV và cảnh báo nên được ghi lại để tránh tiêm vaccine cho bé gái đã có phản ứng phản vệ với vaccine HPV và các vaccine khác có thành phần giống với vaccine HPV trước đó. Nếu chẩn đoán là sốc phản vệ, bé gái sẽ được chữa trị ngay lập tức.
b. Chống chỉ định với vaccine HPV
Vaccine HPV không nên được tiêm cho người đã bị sốc phản vệ nghiêm trọng sau khi tiêm liều vaccine trước đó hoặc sau khi tiếp xúc với một trong những thành phần vaccine. Triệu chứng phản ứng phản vệ bao gồm: ngứa ngáy, nổi ban, nổi mề đay hoặc phồng rộp da, có thể khó thở, hạ huyết áp và lơ mơ. Nếu bất cứ triệu chứng nào xảy ra trong đợt tiêm trước, không nên tiêm thêm liều HPV tiếp theo và các vaccine khác có cùng thành phần.
√ Bé gái đang mắc bệnh lý nghiêm trọng có gây sốt không nên tiêm vaccine.
√ Vaccine HPV không được khuyến cáo sử dụng với phụ nữ đang mang thai. Nếu người nữ mang thai sau khi đã tiêm liều vaccine đầu tiên, các liều còn lại nên được hoãn cho đến sau thai kỳ.
√ Nếu không may vaccine HPV được tiêm cho người nữ đang mang thai thì không cần can thiệp gì. Cô ấy nên được theo dõi để xác định xem rằng vaccine không chứa virus sống và không có vấn đề sức khỏe ở mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Các liều vaccine còn lại nên được hoãn đến sau thai kỳ, lúc đó có thể hoàn tất lịch tiêm. Không cần phải bắt đầu lại lộ trình vaccine sau thai kỳ. HPV không gây thêm bất kỳ phản ứng bất lợi nào trên phụ nữ có thai. Nếu vaccine HPV đã được chích cho mẹ đang cho con bú, bạn hãy yên tâm vì đến nay vẫn chưa có vấn đề nghiêm trọng nào được báo cáo lại.
√ Vaccine HPV có gây ung thư? Vaccine HPV không làm gia tăng nguy cơ ung thư.
√ Vaccine HPV có gây bệnh tự kỷ? Mối liên hệ này được bác sĩ Andrew Wakefield đề cập đến năm 1998, sau đó giả thuyết này đã bị bác bỏ.
[embed-health-tool-bmi]