Cũng giống như các loại ung thư khác, khối u ác tính ở buồng trứng thường phát triển âm thầm cho đến khi chúng xâm lấn các bộ phận khác trong khung chậu và bắt đầu di căn sang các cơ quan ở xa. Trong phần lớn các trường hợp, nơi ung thư buồng trứng di căn đầu tiên là ổ bụng.
Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ung thư buồng trứng di căn ổ bụng.
1. Ung thư buồng trứng di căn theo hướng nào trong ổ bụng?
Trong nhiều loại ung thư buồng trứng, ung thư biểu mô buồng trứng là phổ biến nhất (chiếm tỉ lệ khoảng 80 – 90%),. Sau một thời gian phát triển nhất định, chúng tiếp tục lan ra ngoài phạm vi của buồng trứng. Cột mốc đánh dấu này thường là khi ung thư buồng trứng bước vào giai đoạn III (giai đoạn 3).
Mặc dù không phải lúc nào cũng tiến triển theo một quỹ đạo nhất định, nhưng hầu hết các trường hợp ung thư buồng trứng sẽ lây lan từ phần khung chậu đến các cấu trúc, cơ quan trong ổ bụng. Sau đó là đến các cơ quan xa hơn như gan, phổi, xương,…
2. Tốc độ di căn của ung thư buồng trứng
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tế bào ung thư biểu mô buồng trứng mất trung bình 6,5 năm để xâm lấn đến các tế bào trong buồng trứng. Và quá trình này diễn ra rất âm thầm, gần như không có triệu chứng bất thường nào để cảnh báo cho cơ thể.
Nhưng sau đó, khi bắt đầu xâm lấn một hoặc cả hai buồng trứng, khối u sẽ nhanh chóng phát triển đến các cơ quan lân cận ở vùng khung chậu và di căn ổ bụng. Tuy không quá rõ ràng nhưng lúc này ung thư sẽ ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan bị xâm lấn và phát ra “tín hiệu” nhận diện ung thư cho người bệnh. Điển hình như người bệnh sẽ luôn có cảm giác đầy hơi, chướng bụng, khó ăn hay bí tiểu… khi tế bào ung thư xâm lấn vùng ổ bụng.
3. Cách điều trị ung thư buồng trứng di căn ổ bụng
Sau khi xác định ung thư buồng trứng đã di căn ổ bụng, phẫu thuật kết hợp với hóa trị liệu được ưu tiên chỉ định.
Thông thường, bệnh nhân cần trải qua một vài đợt hóa trị trước khi tiến hành phẫu thuật. Điều này giúp thu nhỏ khối u để phẫu thuật được triệt để hơn.
Kế tiếp, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ tử cung, phần phụ, mạc nối nạo bỏ hạch nhằm loại được càng nhiều khối u càng tốt. Mục đích là không để lại khối u nào có thể nhìn thấy được hoặc khối u lớn hơn 1cm. Bên cạnh đó, ung thư buồng trứng di căn ổ bụng có thể phải cắt bỏ một phần các cấu trúc, cơ quan lân cận nếu bị xâm lấn.
Sau cùng, bệnh nhân tiếp tục trải qua thêm nhiều đợt hóa trị nữa, sử dụng hóa chất truyền vào tĩnh mạch, có thể kết hợp với hóa trị tại chỗ trong ổ bụng. Điều này giúp tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại.
Bác sĩ sẽ xét nghiệm nồng độ chất chỉ điểm khối u CA-125 trong máu, chụp CT, chụp PET-CT hoặc MRI để đánh giá hiệu quả điều trị cũng như theo dõi trong và sau quá trình điều trị.
Với những người phụ nữ sức khỏe quá yếu, không thể phẫu thuật được thì hóa trị sẽ được chỉ định đầu tiên. Khi hóa trị có hiệu quả và sức khỏe cải thiện, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật. Đối với các trường hợp bệnh nhân không thể chịu đựng được phẫu thuật và hóa trị thì bác sĩ sẽ đành phải chăm sóc giảm nhẹ, điều trị triệu chứng để làm giảm bớt gánh nặng của bệnh lên cơ thể.
Theo thống kê về tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh ung thư buồng trứng di căn ổ bụng (giai đoạn III) có thể đến 39%. Mặc dù đây chỉ là con số mang tính chất tham khảo vì để điều trị thành công ung thư còn tùy thuộc vào sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người, mức độ đáp ứng với các phương pháp điều trị, loại ung thư buồng trứng,… nhưng đây cũng là một con số khả quan để bệnh nhân có động lực chiến đấu với ung thư.
4. Chăm sóc bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn 3
Không chỉ dựa vào phác đồ điều trị, chăm sóc nâng cao sức khỏe cả thể chất và tinh thần của bệnh nhân cũng góp phần tạo nên thành công trong điều trị ung thư, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đặc biệt là một số tác dụng phụ của quá trình hóa trị liệu có thể làm bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn hay lo âu, mất ngủ,… Một số cách chăm sóc giảm nhẹ được áp dụng bao gồm:
- Dùng thuốc hỗ trợ làm giảm các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy,… theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
- Ăn uống đầy đủ và quản lý cân nặng. Đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất đạm, rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và giảm lượng chất béo trong bữa ăn.
- Thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng.
- Không hút thuốc.
- Duy trì tinh thần lạc quan tích cực. Hãy chia sẻ với người thân, bạn bè và nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý nếu cần thiết.
- Nếu rụng tóc có thể sử dụng tóc giả để đảm bảo không ảnh hưởng về mặt tâm lý.
[embed-health-tool-bmi]