Bệnh đái tháo đường típ 2 thường tiến triển âm thầm nên giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng. Do đó, xét nghiệm sàng lọc định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời. Vậy ai là đối tượng cần tầm soát đái tháo đường típ 2? Hãy theo dõi bài viết của Hello Bacsi nhé.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, tất cả những người trưởng thành không có triệu chứng của bệnh nhưng có các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh nên kiểm tra đường huyết định kỳ, còn những người không có yếu tố nguy cơ thì nên xét nghiệm kiểm tra khi tuổi ≥ 45 và lặp lại mỗi 1 – 3 năm sau đó.
Đối tượng cần tầm soát đái tháo đường típ 2
1. Người trưởng thành
Ở người trưởng thành không có triệu chứng mắc bệnh nhưng thừa cân hoặc béo phì và có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào sau đây cần xét nghiệm sớm hơn 45 tuổi:
- Bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị đái tháo đường típ 2
- Ít vận động
- Người Mỹ gốc Phi, người Mỹ Latinh, người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc Á, người gốc đảo Thái Bình Dương
- Vòng bụng to: ở nam ≥ 90cm, ở nữ ≥ 80cm
- Phụ nữ có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nặng hơn 4kg
- Rối loạn lipid máu: nồng độ HDL cholesterol máu ≤ 35 mg/dl và/hoặc nồng độ triglyceride ≥ 250 mg/dl
- Tăng huyết áp: huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hay đang điều trị bằng thuốc hạ huyết áp
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Bất thường xét nghiệm đường huyết trước đó: rối loạn đường huyết khi đói hoặc rối loạn dung nạp glucose (tiền đái tháo đường)
- Tiền sử bị bệnh tim mạch.
2. Trẻ em và thiếu niên
Nên cân nhắc sàng lọc phát hiện đái tháo đường típ 2 ở người có triệu chứng bệnh hoặc béo phì và có từ hai yếu tố nguy cơ sau:
- Gia đình có người thân thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai bị đái tháo đường típ 2.
- Chủng tộc người Mỹ gốc Phi, người Mỹ Latinh, người Mỹ bản địa, người Mỹ Á, người gốc đảo Thái Bình Dương.
- Có triệu chứng đề kháng insulin như dấu gai đen (da thâm đen ở các vùng nếp gấp), tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol và/hoặc triglyceride), cân nhẹ khi sinh.
- Mẹ bị đái tháo đường típ 2 hoặc tiền sử đái tháo đường thai kỳ.
Tầm soát cho trẻ nên bắt đầu khi 10 tuổi và lặp lại mỗi 3 năm.
Một vài nghiên cứu đề nghị nên tầm soát đái tháo đường típ 2 ở mức BMI thấp hơn (≥ 23 kg/m2) trên một số chủng tộc nhất định như người Nam Á, Trung Quốc và gốc Phi.
Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán đái tháo đường
- HbA1C: Ngưỡng chẩn đoán là ≥ 6,5%, xét nghiệm phản ánh đường huyết trung bình trong 3 tháng qua. Không cần nhịn đói khi làm xét nghiệm
- Đường huyết buổi sáng lúc đói: Ngưỡng chẩn đoán ≥ 126 mg/dl (7 mmol/l). Người bệnh cần nhịn đói và chỉ được uống nước lọc qua đêm đủ ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm
- Nghiệm pháp dung nạp glucose: Bạn phải nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Khi làm xét nghiệm, bạn sẽ được uống 75g đường glucose và kiểm tra đường huyết 2 giờ sau đó. Chẩn đoán xác định, nếu kết quả đường huyết ≥ 200mg/dl (11,1 mmol/l)
- Đo đường huyết bất kỳ: Đo đường huyết tĩnh mạch bất kỳ lúc nào trong ngày, không cần nhịn đói ≥ 200mg/dl (11,1 mmol/l) và có các triệu chứng mắc bệnh đái tháo đường: khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy sút cân.
Các xét nghiệm trên (trừ trường hợp cuối cùng) cần được thực hiện lại lần thứ 2 vào một ngày khác trong vòng 1 – 7 ngày.
Trên đây là thông tin về những đối tượng dễ mắc bệnh đái tháo đường típ 2. Nếu bạn hoặc người thân nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ này thì cần đi sàng lọc ngay để có biện pháp phòng ngừa bệnh nhé!
[embed-health-tool-bmi]