backup og meta

Chăm sóc người bệnh tiểu đường type 2: Những bước cơ bản để phòng ngừa biến chứng

Chăm sóc người bệnh tiểu đường type 2: Những bước cơ bản để phòng ngừa biến chứng

Hẳn nhiều người sẽ rơi vào trạng thái sa sút tinh thần khi hay tin mình mắc phải đái tháo đường type 2. Nhất là khi bệnh lý này được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi những giai đoạn diễn tiến của bệnh thường lặng lẽ nhưng để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng. Trên thực tế, người bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể tận hưởng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc nếu có kế hoạch chăm sóc và kiểm soát các biến chứng hợp lý.

Đái tháo đường type 2 là một bệnh mãn tính xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả khiến cho nồng độ glucose máu tăng vọt. Tình trạng này nếu kéo dài mà không có sự can thiệp sẽ gây tổn hại đến nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là mắt, thận, mạch máu và các dây thần kinh (1).

Theo đó, người mới được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường ngoài việc tuân thủ theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ thì nên có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp (2). Nếu bạn chưa biết rõ, hãy cùng tham khảo những gợi ý qua bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Kế hoạch chăm sóc người bệnh tiểu đường dựa trên thói quen sinh hoạt hằng ngày

1. Thay đổi chế độ ăn uống theo hướng tích cực

Có thể nói, dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Bởi lẽ, bất kỳ loại thực phẩm nào bạn tiêu thụ cũng đều có khả năng ảnh hưởng đến lượng đường huyết. Để an tâm, bạn có thể tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về cách lên thực đơn hằng ngày (3).

Ngoài yếu tố trên, bạn cũng cần chú trọng hơn nữa đến vấn đề cân đối các nhóm chất dinh dưỡng thông qua việc ăn uống đa dạng nhiều loại thực phẩm. Lời khuyên là hãy cắt giảm các thực phẩm nhiều đường, bột; thay vào đó nên bổ sung nhiều rau xanh xen kẽ giữa các bữa ăn để giảm bớt cơn đói (4). 

Về khẩu phần ăn, bạn nên chia thành nhiều bữa trong ngày để giảm hấp thụ quá nhiều đường một lúc. Khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ và dùng bữa đúng giờ để tránh làm thay đổi chỉ số glucose máu đột ngột (3). 

Để đường huyết ổn định, cuộc sống cân bằng, bạn nên dùng thêm sữa dành riêng cho người đái tháo đường. Ưu tiên chọn sữa đã được chứng minh lâm sàng cung cấp đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng, đáp ứng khuyến cáo về dinh dưỡng cho người đái tháo đường của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và châu Âu (EASD). Sản phẩm với công thức đặc chế hệ bột đường giải phóng chậm nên có tác dụng làm chậm tốc độ hấp thu đường vào máu giúp ổn định đường huyết, tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp giảm cân và vòng eo. Bạn có thể dùng sữa thay thế toàn phần bữa ăn chính hoặc làm bữa ăn phụ.

2. Quan tâm đến thời gian nghỉ ngơi

Ông bà ta thường nói: “Ăn được ngủ được là tiên” để nói lên vai trò quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe. Đặc biệt trong các khuyến cáo về chăm sóc người bệnh tiểu đường, hầu hết các chuyên gia đều khuyên người bệnh nên ngủ ít nhất từ 7 – 8 giờ mỗi ngày (5).

Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt, giảm được chứng thèm ăn, mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu và cải thiện khả năng hoạt động của insulin (5).

Ngược lại, bệnh sẽ diễn tiến xấu đi nếu bạn rơi vào trạng thái thiếu ngủ, mất ngủ hay gặp phải hội chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu không sớm phát hiện và xử lý kịp thời, tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng như các vấn đề tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp (6).

Để ngon giấc hơn, bạn hãy đặt ra giờ ngủ cố định, tránh dùng rượu, bia hoặc chất kích thích hay suy nghĩ quá nhiều. Nhiều người bệnh đái tháo đường chia sẻ họ ngủ ngon hơn khi “tạm xa” các thiết bị điện tử 1 giờ trước khi lên giường (5).

3. Kiểm tra mức đường huyết

Một kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường hoàn chỉnh không thể thiếu bước kiểm tra mức đường huyết mỗi ngày. Việc này có ý nghĩa giúp người bệnh quản lý chế độ dinh dưỡng, phòng tránh được nguy cơ bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Hơn nữa, thông qua việc theo dõi đường huyết thường xuyên tại nhà, người bệnh cũng có thể điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, luyện tập cho phù hợp (7). 

Với cách đo đường huyết truyền thống (lấy giọt máu ở đầu ngón tay), Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo người bệnh nên ghi lại kết quả hằng ngày. Bởi lẽ, những thông tin như vậy sẽ rất hữu ích cho bác sĩ trong những lần thăm khám định kỳ. Căn cứ trên những số liệu mà bệnh nhân thu thập, bác sĩ sẽ đánh giá được hiệu quả của phương pháp điều trị và đưa ra những thay đổi nếu cần thiết (7). 

Riêng với người sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM), sử dụng cảm biến nhỏ gắn dưới da để kiểm tra nồng độ đường trong dịch mô hoặc các chất lỏng xung quanh tế bào của cơ thể, loại máy này cứ sau vài phút sẽ đo chỉ số đường huyết 1 lần. Điều đặc biệt là dữ liệu đường huyết có thể tải về máy tính hoặc điện thoại thông minh để người bệnh tiện theo dõi. Điểm bất lợi là CGM có chi phí cao so với dạng máy đo đường huyết truyền thống (8). 

4. Tránh lối sống tĩnh tại

vận động là cách giúp kiểm soát đường huyết

Vận động là một trong những việc nên làm trong kế hoạch chăm sóc người bệnh tiểu đường. Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa luyện tập thể dục với chế độ ăn hợp lý là cách giúp kiểm soát đường huyết vô cùng hữu hiệu (9).

Người bệnh đái tháo đường có thể chọn các hình thức vận động phù hợp như đi bộ, leo cầu thang hoặc các động tác yoga giúp cân bằng các hoạt động của cơ thể. Những gợi ý vừa nêu cũng khá phù hợp với nhân viên văn phòng hoặc những đối tượng mà tính chất công việc phải ngồi thường xuyên và không có thời gian đến phòng tập (9).

Bạn cần chú ý rằng, việc tập luyện ở cường độ vừa phải, phù hợp với thể trạng người bệnh sẽ mang lại hiệu quả tích cực, trái lại nếu tập không đúng, bệnh nhân có thể đối mặt với hàng loạt những nguy cơ như: đau ngực do gắng sức, tổn thương gân, xương, khớp… (10)

Lời khuyên là bạn không nên tập thể dục ngay sau bữa ăn chính và cũng không tập vào thời điểm quá xa bữa ăn vì nguy cơ hạ đường huyết lúc này rất cao. Trong quá trình luyện tập, bạn nên mang theo kẹo bánh… để phòng nguy cơ hạ đường huyết. Lưu ý người bệnh đái tháo đường đã có biến chứng hoặc bệnh lý mắc kèm phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập (10). 

5. Kiểm tra bàn chân

Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng cho cơ thể, thường gặp nhất là những vấn đề ở bàn chân. Đây là hậu quả của nhiều tổn thương phức tạp khác nhau bao gồm (11): 

  • Bệnh thần kinh ngoại biên: người bệnh giảm và dần mất cảm giác ở bàn chân
  • Bệnh động mạch ngoại biên: người bệnh dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị tắc, hẹp làm giảm lưu lượng máu đến chân
  • Nhiễm trùng: lượng đường trong máu cao khiến vi khuẩn phát triển nhanh hơn, hệ quả là vết thương ở chân lâu lành

Chính vì nguyên nhân rối loạn cảm giác và giảm tưới máu đến chân nên bệnh nhân đái tháo đường type 2 dễ gặp phải những tình trạng như: nấm da chân, nấm móng, xuất hiện các vết chai sần, loét bàn chân (thường gặp ở những vị trí hay bị tì đè nhiều như gan bàn chân, đầu ngón chân), ngón chân khoằm (Hammertoe), móng chân mọc ngược (xảy ra khi các cạnh của móc chọc vào da)… (11)

Từ những vấn đề trên, để chăm sóc bàn chân, bản thân người bệnh đái tháo đường và người nhà cần phải (12):

  • Kiểm tra bàn chân hằng ngày để phát hiện xem có bất kỳ tổn thương nào hay không
  • Vệ sinh bàn chân sạch sẽ bằng cách rửa với nước ấm và xà phòng dịu nhẹ mỗi ngày. Chú ý tránh ngâm chân quá lâu, sau mỗi lần vệ sinh phải lau khô chân, đặc biệt là các kẽ ngón
  • Luôn mang giày, dép đúng cỡ, mềm mại kể cả ở trong nhà. Nếu sử dụng giày, những loại vớ, tất đi kèm phải đảm bảo vừa vặn và có độ co giãn tốt
  • Cắt móng chân gọn gàng và thường xuyên. 

Chăm sóc người bệnh tiểu đường thông qua những buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ

Ngoài những lưu ý trong thói quen sinh hoạt hằng ngày, người bệnh đái tháo đường type 2 cũng cần quan tâm đến những buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ, bao gồm:

1. Xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm này nhằm mục đích kiểm tra lượng glucose gắn với hemoglobin trong tế bào hồng cầu. Theo đó, người mắc bệnh đái tháo đường thì mức glucose gắn với hemoglobin sẽ cao hơn bình thường (13).

Chỉ số HbA1c phản ánh tình trạng kiểm soát lượng đường huyết của người bệnh trong 3 tháng gần nhất. Dựa vào đó, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra hướng điều trị thích hợp. HbA1c nếu dưới 6% nghĩa là nồng độ glucose máu đang được kiểm soát tốt, không có sự phát triển về các biến chứng ở mắt, thận, tim mạch thần kinh… (13)

Trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường type 2, nếu không có chỉ định đặc biệt, hầu hết người bệnh sẽ được khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm HbA1c khoảng 3 – 4 lần/năm (13).

2. Khám răng

Như đã đề cập, đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng trong đó có cả bệnh răng miệng. Lý do vì lượng đường huyết tăng cao gây tổn thương các vi mạch, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng nướu răng (14).

Hơn nữa, hàm lượng đường trong nước bọt của người bị đái tháo đường thường sẽ cao hơn so với người bình thường. Điều này tạo cơ hội cho hại khuẩn sinh sôi và phát triển mạnh mẽ. Lúc này, vi khuẩn sẽ kết hợp với thức ăn trong miệng hình thành nên các mảng bám, gây ra vấn đề sâu răng, viêm nướu… (14)

Để những vấn đề trên không xảy ra, người bệnh cần (15):

  • Đánh răng kỹ sau mỗi bữa ăn 
  • Khám răng định kỳ 6 tháng một lần ngay cả khi không có biểu hiện gì bất thường
  • Hạn chế tiêu thụ thức ăn rắn, nhiều đường và tinh bột
  • Tránh thói quen hút thuốc lá vì điều này làm tăng nguy cơ phát triển bệnh răng miệng
  • Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám thay vì dùng tăm xỉa răng
  • Dùng nước muối sinh lý súc miệng sau mỗi bữa ăn

3. Khám mắt

Theo nhiều nghiên cứu, đường huyết tăng cao có thể dẫn đến các bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể (mắt nhìn mờ), bệnh glaucoma hay còn gọi là cườm nước (đau nhức mắt dữ dội, giảm thị lực) thậm chí là tổn thương võng mạc (17). Do đó, với người bệnh tiểu đường type 2, việc chăm sóc và bảo vệ đôi mắt là điều hết sức cần thiết (16).

Vì những vấn đề trên, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyên người bệnh nên đi kiểm tra mắt ngay khi biết mình mắc bệnh. Bởi lẽ, cứ 5 người bị tiểu đường thì có 1 người gặp phải các bệnh về mắt vừa liệt kê (8). 

Để phòng tránh các biến chứng ở mắt, người bệnh cần cố gắng giữ đường huyết ở mức ổn định, nên khám mắt định kỳ tối thiểu 1 lần/năm. Riêng phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ nên khám nhãn khoa mỗi 3 tháng một lần để đảm bảo sức khỏe. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu lạ nào xảy ra, bạn hãy lập tức đến bệnh viện ngay (17).

4. Tiêm vắc xin

tiêm phòng vắc xin

Tiêm vắc xin cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc người bệnh tiểu đường lâu dài. Bởi lẽ, việc này sẽ giúp bệnh nhân đối chọi tốt với các tác nhân gây bệnh từ môi trường (18). 

Nên nhớ rằng, bệnh tiểu đường khiến hệ miễn dịch trở nên suy yếu, vì thế người bệnh có nguy cơ dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm. Nếu chẳng may nhiễm phải, tỷ lệ người bệnh gặp biến chứng hoặc thậm chí tử vong là rất cao (18).

Những loại vắc xin mà người mắc bệnh đái tháo đường cần tiêm phòng là vắc xin cúm, phế cầu khuẩn, viêm gan siêu vi B, bạch hầu, ho gà, uốn ván. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khuyến cáo bệnh nhân tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu, Zoster (18). 

Kế hoạch chăm sóc, bảo vệ người bệnh đái tháo đường khỏi căng thẳng

Căng thẳng, mệt mỏi là trở ngại rất lớn đối với việc kiểm soát bệnh đái tháo đường. Theo đó, khi cơ thể và tâm trí đang trong trạng thái căng thẳng, các hormone như adrenaline và cortisol được bài tiết dẫn đến làm tăng lượng đường huyết. Bên cạnh đó, tính kháng insulin (hormone làm giảm lượng đường trong máu) cũng được đẩy mạnh (19). 

Vì thế, để “xua tan” căng thẳng, dưới đây là một vài lời khuyên bạn có thể thực hiện:

1. Cần cởi mở hơn trong giao tiếp

Việc phải sống chung với bệnh đái tháo đường là chuyện chẳng hề đơn giản. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy có quá nhiều áp lực đặt lên vai mình. Nhưng đừng vì thế mà giữ yên trong lòng, hãy chia sẻ gánh nặng của bạn với người thân. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết mọi người quan tâm đến bạn hơn bạn nghĩ đấy (8). 

2. Nuôi thú cưng

Việc mắc bệnh tiểu đường khiến bạn rất dễ cảm thấy cô đơn, nếu tình trạng này lâu dài có thể dẫn đến vấn đề trầm cảm rất nguy hại. Để tránh điều này, bạn hãy thử chăm sóc một chú cún hay bất kỳ thú cưng nào mà mình thích. Việc có người bầu bạn là một ý tưởng rất hay để loại bỏ sự cô đơn (8).

3. Hòa mình vào thiên nhiên

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc dạo bộ dưới tán cây có tác dụng giảm nồng độ hormone gây căng thẳng, điều hòa nhịp tim và huyết áp rất tốt. Bản thân bệnh nhân hay người chăm sóc người bệnh tiểu đường nên quan tâm nhiều hơn đến việc này (8). 

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu hơn phần nào về kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường dành cho cả người nhà và người bệnh một cách hợp lý. Đừng ngần ngại chia sẻ những khó khăn, khúc mắc của mình với bác sĩ hay người thân để việc kiểm soát bệnh trạng của mình ngày càng tốt hơn bạn nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

  1. Type 2 diabetes – Symptoms, Causes, Treatment

https://www.diabetes.org/diabetes/type-2

  1. Diabetes management: How lifestyle, daily routine affect blood sugar

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-management/art-20047963

  1. Your 15 diabetes healthcare essentials

https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/managing-your-diabetes/15-healthcare-essentials/what-are-the-15-healthcare-essentials

  1. Diabetes diet: Create your healthy-eating plan

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-diet/art-20044295

  1. Diabetes and Sleep

https://www.diabetes.co.uk/diabetes-and-sleep.html

  1. Sleep Apnea and Diabetes

https://www.diabetes.co.uk/sleep-apnea-and-diabetes.html

  1. Type 2 Diabetes: A Testing Checklist

https://www.everydayhealth.com/hs/type-2-diabetes-lifestyle/diabetes-tests-and-exams/

  1. 11 Diabetes Dos: Your Type 2 Checklist

https://www.webmd.com/diabetes/features/diabetes-type2-checklist

  1. The importance of exercise when you have diabetes

https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/the-importance-of-exercise-when-you-have-diabetes

  1. Blood Sugar and Exercise

https://www.diabetes.org/fitness/get-and-stay-fit/getting-started-safely/blood-glucose-and-exercise

  1. Diabetic Foot Problems

https://www.webmd.com/diabetes/foot-problems#1

  1. Type 2 Diabetes and Your Feet

https://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/feet

  1. Guide to HbA1c

https://www.diabetes.co.uk/what-is-hba1c.html

  1. Diabetes and dental care: Guide to a healthy mouth

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes/art-20043848

  1. Diabetes and Your Smile

https://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/d/diabetes

  1. Can Diabetes Affect Your Eyes?

https://www.webmd.com/diabetes/diabetes-eye-problems

  1. Diabetic Eye Disease

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/diabetic-eye-disease

  1. Vaccination of Adults with Diabetes

https://www.cdc.gov/vaccines/adults/rec-vac/health-conditions/diabetes.html

  1. Stress: How it Affects Diabetes and How to Decrease it

https://www.healthline.com/health/diabetes-and-stress

 

 

 

Phiên bản hiện tại

17/04/2023

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

GIẢI ĐÁP NHỮNG HIỂU LẦM VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2 - Lựa chọn sữa cho người bệnh tiểu đường type 2

Mách bạn những biện pháp giúp ổn định tâm lý người bệnh tiểu đường


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 17/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo