Theo dõi đường huyết hàng ngày giúp kiểm soát tiểu đường type 1
Đối với người bị tiểu đường type 1, việc theo dõi sát sao lượng đường trong máu là rất quan trọng. Lượng đường huyết ở người tiểu đường type 1 có thể thay đổi rất thất thường, đặc biệt là sau khi ăn hoặc sử dụng insulin. Vì vậy, chủ động theo dõi lượng đường huyết cẩn thận là cách duy nhất để ngăn ngừa hạ đường huyết và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Tùy thuộc vào loại insulin được sử dụng hoặc yêu cầu của bác sĩ, bệnh nhân có thể cần phải kiểm tra lượng đường huyết nhiều lần trong ngày. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu trước các bữa ăn chính và bữa phụ trong ngày, trước khi đi ngủ, trước khi tập thể dục hoặc khi có dấu hiệu nghi ngờ lượng đường trong máu xuống thấp.

Ngoài ra, theo dõi lượng đường trong máu còn cho phép bệnh nhân biết được khi nào mình cần tiêm insulin để giảm lượng đường trong máu hoặc khi nào nên bổ sung carbohydrate để ngăn ngừa hạ đường huyết. Theo dõi lượng đường trong máu có thể được thực hiện bằng cách sử dụng máy đo đường huyết truyền thống hoặc máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM).
Kiểm soát carbohydrate trong chế độ ăn uống
Để có thể sống khỏe mạnh, người bị tiểu đường type 1 cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống hàng ngày. Đây là cách điều trị tiểu đường type 1 đơn giản nhất, có thể thực hiện ngay tại nhà. Bạn cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa thực phẩm với lượng insulin nạp vào cơ thể cũng như mức độ hoạt động hàng ngày để duy trì lượng đường huyết ổn định.
Một số loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao, ngược lại insulin và tập thể dục sẽ làm cho đường huyết giảm xuống. Vì vậy, bạn hãy học cách xác định lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn hàng ngày để từ đó cung cấp đủ lượng insulin cần thiết nhằm chuyển hóa lượng carbohydrate đó và duy trì lượng đường trong máu ổn định sau khi ăn.

Bệnh nhân cần duy trì một thực đơn ăn uống lành mạnh, đầy đủ bao gồm các dưỡng chất như bột đường, béo, đạm theo một tỷ lệ hợp lý, tăng cường chất xơ, bổ sung vitamin và khoáng chất. Đồng thời, hạn chế ăn nhiều chất béo và carbohydrate hấp thu nhanh. Bởi chúng có thể khiến mức đường huyết tăng cao bất thường, gây tăng cân, béo phì và dẫn đến những biến chứng tim mạch nguy hiểm.
Tập thể dục đều đặn
Hoạt động thể chất có thể làm giảm lượng đường trong máu, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, duy trì tập thể dục đều đặn là cách điều trị tiểu đường type 1 mà mọi lứa tuổi đều nên áp dụng. Bạn có thể tăng cường tập luyện với các bài thể dục nhịp điệu, đi bộ, đạp xe, bơi lội,…khoảng 45-60 phút mỗi ngày. Trước khi bắt đầu tập thể dục, bạn cũng nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên để biết được hoạt động thể chất có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào.
Các phương pháp điều trị tiểu đường type 1 tiềm năng khác
Tuyến tụy nhân tạo
Vào tháng 9 năm 2016, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt việc sử dụng tuyến tụy nhân tạo đầu tiên cho những người mắc bệnh tiểu đường type 1 từ 14 tuổi trở lên. Một tuyến tụy nhân tạo thứ hai đã được phê duyệt sử dụng vào tháng 12 năm 2019. Hiện nay, có nhiều hệ thống tụy nhân tạo đang được thử nghiệm lâm sàng.
Tuyến tụy nhân tạo còn được gọi là phân phối insulin vòng kín. Thiết bị cấy ghép sẽ được liên kết với một máy theo dõi đường huyết liên tục. Máy sẽ kiểm tra lượng đường trong máu 5 phút một lần kết hợp với một máy bơm insulin. Máy bơm sẽ tự động cung cấp lượng insulin chính xác khi màn hình thông báo đã đến lúc cần thiết.
Ghép tụy
Trong tương lai, nếu việc cấy ghép tuyến tụy thành công, bệnh nhân sẽ không cần điều trị tiểu đường type 1 bằng insulin nữa. Tuy nhiên, phương pháp cấy ghép tuyến tụy luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nguy hiểm và khả năng thành công không cao. Vì vậy, cấy ghép tuyến tụy chỉ được chỉ định cho những người mắc bệnh tiểu đường type 1 khó kiểm soát hoặc cho những người cần ghép thận.
Cấy ghép tế bào đảo tụy
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm phương pháp cấy ghép tế bào đảo tụy từ người hiến tặng. Phương pháp này giúp cung cấp các tế bào để cải thiện việc sản xuất insulin, đồng thời kiểm soát tốt mức đường huyết trong máu.
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu thêm về các phương pháp điều trị tiểu đường type 1 hiệu quả. Hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát tốt lượng đường huyết bằng một chế độ sinh hoạt lành mạnh, cũng như tuân thủ phác đồ insulin của bác sĩ để có được phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!