Tiểu đường là bệnh lý mạn tính cần phải được kiểm soát suốt đời. Vì bệnh có nhiều tuýp với một số đặc điểm khác nhau nên việc điều trị cũng có sự khác biệt. Vậy, tiểu đường tuýp 1 2 3 là gì, phân biệt như thế nào? Trong số chúng thì tiểu đường tuýp nào nặng nhất? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 2 3 là gì hay bệnh tiểu đường có mấy tuýp?
Bệnh tiểu đường thường gặp trong thực hành lâm sàng bao gồm tiểu đường type 1 và 2, tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, một số nhà khoa học dùng khái niệm tiểu đường tuýp 3 để chỉ trường hợp tăng đường huyết đặc biệt sẽ được đề cập ở phần sau của bài viết này.
1. Tiểu đường tuýp 1 là gì?
Tiểu đường tuýp 1 2 3 là gì? Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tiểu đường tuýp 1. Tiểu đường tuýp 1 còn được gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin với các đặc điểm như sau:
- Tuyến tụy tạo ra rất ít hoặc không tạo ra insulin. Hormone insulin được cơ thể sử dụng để đưa đường glucose từ trong máu đi vào tế bào và tạo ra năng lượng. Vì không có insulin để đưa glucose vào tế bào tiêu thụ nên có hiện tượng tăng đường huyết.
- Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, ở dạng bệnh này, hệ miễn dịch của cơ thể (dùng để chống lại vi khuẩn và virus có hại) phá hủy nhầm các tế bào sản xuất insulin ở trong tuyến tụy. Các nguyên nhân khác bao gồm di truyền và tiếp xúc với một số virus.
- Triệu chứng bệnh xuất hiện một cách đột ngột và rầm rộ ngay từ đầu, có thể bao gồm: khát nước liên tục, đi tiểu nhiều, đái dầm ở trẻ, đói cồn cào, sụt cân không rõ nguyên nhân, cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, nhìn mờ.
- Bệnh thường khởi phát ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên, nhưng cũng có thể xuất hiện ở người trưởng thành.
- Việc điều trị bắt buộc phải tiêm insulin.
- Người bệnh cũng cần kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để kiểm soát bệnh.
- Không có cách nào phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 1.
2. Tiểu đường tuýp 2 là gì?
Tiểu đường tuýp 2 còn được gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin với các đặc điểm như sau:
- Ban đầu, tuyến tụy vẫn sản xuất insulin bình thường nhưng tế bào lại không sử dụng hiệu quả lượng hormone này (tình trạng đề kháng insulin). Do đó, đường glucose cũng tích tụ trong máu gây tăng đường huyết. Để đáp ứng, tuyến tụy tăng cường tạo ra nhiều insulin hơn. Theo thời gian, tuyến tụy suy yếu và không sản xuất đủ insulin được nữa. Ở người bệnh tiểu đường tuýp 2 lâu năm, đường huyết tăng là do sự kết hợp của việc tuyến tụy không tạo ra đủ insulin và tế bào đề kháng insulin.
- Chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng một số yếu tố góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh chính là thừa cân và ít vận động.
- Triệu chứng bệnh thường phát triển chậm. Có nhiều người mắc bệnh trong nhiều năm mà không hề hay biết. Khi có triệu chứng, chúng có thể bao gồm: khát nước, hay đói, đi tiểu thường xuyên, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, nhìn mờ, có vết thương lâu lành, nhiễm trùng thường xuyên, ngứa ran và tê ở tay/chân, có vùng da sẫm màu (thường ở vùng nếp gấp cơ thể như nách và cổ).
- Bệnh gặp phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, khi số lượng trẻ em bị béo phì tăng cao thì tuổi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng ngày càng trẻ hóa.
- Không phải ai bị tiểu đường tuýp 2 cũng cần tiêm insulin. Tùy theo tình trạng của mỗi người, bác sĩ có thể chỉ định ăn kiêng, tập thể dục. Nếu vẫn chưa đủ, bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc trị tiểu đường đường uống và/hoặc insulin.
- Có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 với lối sống lành mạnh (ăn ít chất béo, ít calo và giàu chất xơ), tập thể dục đều đặn ít nhất 150 phút mỗi tuần, giảm cân nếu thừa cân, tránh tình trạng không vận động trong thời gian dài.
3. Tiểu đường tuýp 3 là gì?
Ngoài ra, các bệnh tiểu đường cụ thể do các nguyên nhân khác cũng được xếp vào tiểu đường tuýp 3:
- Tuýp 3a: Khiếm khuyết di truyền về chức năng của tế bào beta – tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy
- Tuýp 3b: Khiếm khuyết di truyền trong hoạt động của insulin
- Tuýp 3c: Bệnh tuyến tụy ngoại tiết
- Tuýp 3d: Bệnh nội tiết
- Tuýp 3e: Bệnh tiểu đường do thuốc hoặc hóa chất
- Tuýp 3f: Bệnh tiểu đường do nhiễm trùng
- Tuýp 3g: Bệnh tiểu đường qua trung gian miễn dịch không phổ biến nhưng đặc hiệu
- Tuýp 3h: Các hội chứng di truyền khác đôi khi liên quan đến bệnh tiểu đường.
Đến đây, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ tiểu đường tuýp 1 2 3 là gì. Vậy, tiểu đường tuýp 1 2 3 thì tuýp nào nặng nhất?
Bệnh tiểu đường tuýp nào nặng nhất?
Khi tìm hiểu tiểu đường tuýp 1 2 3 là gì, nhiều người cũng có mong muốn biết rõ tiểu đường tuýp nào nặng nhất, liệu có phải tuýp 3 là nặng nhất và bản thân mình có ở trong trường hợp đó hay không?
Mỗi dạng bệnh tiểu đường lại có đặc điểm, nguyên nhân, cách điều trị khác nhau nên không thể phân định rõ bệnh tiểu đường tuýp nào nặng nhất. Bệnh nhân nào nếu không phát hiện kịp thời và kiểm soát tốt lượng đường trong máu đều sẽ gặp nguy hiểm với bệnh tiểu đường, dù là tuýp mấy.
Những biến chứng mà bạn có thể gặp phải khi mắc bệnh tiểu đường bao gồm:
Biến chứng cấp tính:
- Nhiễm toan ceton: Phổ biến hơn ở người bệnh tiểu đường tuýp 1. Cơ thể không có đủ insulin để đưa đường từ máu vào tế bào. Vì vậy, gan sẽ phân hủy chất béo để làm năng lượng. Quá trình này tạo ra một loại axit tên là ceton. Ceton được sản xuất quá nhiều và quá nhanh sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể.
- Tăng áp lực thẩm thấu: Thường gặp ở người tiểu đường tuýp 2, khi đường huyết rất cao (thường trên 33,3 mmol/L). Cơ thể bị mất nước nghiêm trọng. Đây cũng là một tình trạng đe dọa tính mạng.
- Hạ đường huyết.
Biến chứng mạn tính:
- Bệnh võng mạc tiểu đường
- Giảm/mất cảm giác, vết loét chậm lành ở bàn chân; thậm chí có trường hợp phải cắt cụt chi
- Nhồi máu cơ tim, đột quỵ do bệnh tiểu đường làm tổn thương mạch máu
- Bệnh thận
- Tổn thương thần kinh
- Vấn đề về răng miệng
- Tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư
- Vấn đề về tình dục ở cả nam và nữ giới.
Hi vọng những thông tin kể trên đã giúp bạn hiểu rõ tiểu đường tuýp 1 2 3 là gì và tuýp nào nặng nhất. Đừng bao giờ chủ quan với bệnh tiểu đường vì nếu kiểm soát lượng đường trong máu không tốt, bạn sẽ phải đối diện với rất nhiều biến chứng nguy hiểm dù là mắc dạng bệnh nào đi nữa. Hãy tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tập cho mình thói quen sống lành mạnh để bảo vệ bản thân ngay từ hôm nay, bạn nhé!
Bài viết được tham vấn y khoa bởi đội ngũ y bác sĩ DiaB. Đồng hành trên hành trình sống khỏe cùng đái tháo đường, DiaB cung cấp các giải pháp kiểm soát đường huyết, phòng ngừa đái tháo đường típ 2 và tình trạng tiểu đường thai kỳ. Tất cả nhằm hỗ trợ khách hàng thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt, giúp ổn định đường huyết và phòng ngừa các biến chứng.