Đu đủ, nhất là những trái đu đủ chín mọng, thơm ngọt là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Nhưng liệu đu đủ có quá ngọt với người bệnh tiểu đường? Khi bị tiểu đường ăn đu đủ được không?
Tiểu đường được xem là một căn bệnh oái ăm khiến bệnh nhân phải “thắt chặt” chuyện ăn uống, bỏ qua nhiều món ăn yêu thích. Nhưng quan niệm này không đúng hoàn toàn, bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn uống hợp lý nhưng phải đầy đủ dinh dưỡng. Trong đó, dinh dưỡng từ các loại trái cây là không thể thiếu. Vậy với đu đủ thì sao? Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu xem người tiểu đường ăn đu đủ được không nhé!
Thành phần dinh dưỡng trong đu đủ
Dù người bệnh tiểu đường ăn đu đủ được không thì cũng không thể phủ nhận được giá trị dinh dưỡng của trái cây này. Cụ thể:
- Đu đủ chín chứa: 90% nước, 13% đường, không có tinh bột; chứa nhiều carotenoit (tiền vitamin A), acid hữu cơ, vitamin A – B – C, 0.9% chất béo, 0.5% chất xơ, canxi, photpho, magiê, sắt.
- 100g đu đủ xanh chứa: 74-80 mg vitamin C, 500-1.250 IU caroten (tiền vitamin A), các vitamin B1 – B2, các acid gây men, kali, canxi, magiê, sắt và kẽm.
Giải đáp: Tiểu đường ăn đu đủ được không?
Với thành phần dinh dưỡng dồi dào kể trên, sẽ thật đáng tiếc nếu bạn loại bỏ đu đủ ra khỏi chế độ ăn uống của mình. Tuy nhiên đu đủ vẫn chứa một hàm lượng đường tự nhiên và do đó nhiều người vẫn lo lắng liệu khi bị tiểu đường ăn đu đủ được không.
Đu đủ không quá ngọt như chúng ta nghĩ
Thực tế đu đủ không quá “ngọt” với bệnh nhân tiểu đường như chúng ta nghĩ. Một số loại trái cây có thể chứa nhiều đường hơn những loại khác nhưng không có nghĩa là bạn phải kiêng chúng hoàn toàn.
Một trong những điều quan trọng cần lưu ý là khẩu phần trái cây mỗi ngày nên tương đương với 15g carbohydrate (carb). Vậy là có nghĩa là bạn có thể chọn ăn bất kỳ loại trái cây nhiều đường hay ít đường nào miễn là nó tương đương với 15g carb thì tác động đến mức đường huyết là như nhau.
Ưu điểm của các loại trái cây ít carb là bạn có thể ăn nhiều hơn, ví dụ như khẩu phần 15g carb tương đương với 7 quả dâu tây nhưng với đu đủ chín, bạn chỉ nên ăn 1 lát cắt 5cm. Đây cũng là đáp án cho câu hỏi tiểu đường ăn đu đủ được không và nên ăn bao nhiêu.
Đu đủ chứa nhiều chất xơ
Trong đu đủ có chứa rất nhiều chất xơ, giúp kích thích quá trình chuyển hoá và trao đổi chất, giúp no lâu và giảm cảm giác thèm ăn.
Đồng thời đu đủ cũng chứa một loại thực phẩm calo thấp, có lợi cho quá trình giảm cân. Vì vậy, đu đủ cũng được xem là một phần để kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa nguy cơ béo phì có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.
Đu đủ xanh giúp ổn định đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường
Đối với câu hỏi người tiểu đường ăn đu đủ được không thì với đu đủ xanh, đây được xem là một thực phẩm hỗ trợ ổn định tiểu đường tiềm năng.
Kết quả của nhiều nghiên cứu đã cho thấy bổ sung đu đủ xanh có thể làm giảm cholesterol và duy trì đường huyết ở mức ổn định. Bên cạnh đó, đu đủ xanh cũng chứa nhiều chất chống oxy hoá có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển hoá trong cơ thể, ngăn ngừa tình trạng đường tích tụ quá nhiều trong máu.
Cơ chế của những tác dụng này là do thịt quả đu đủ xanh có tác dụng sinh insulin, kích thích dự trữ glucose ở gan nên có thể làm giảm nồng độ glucose trong máu một cách hiệu quả. Ngoài ra, phần vỏ đu đủ xanh còn ức chế sự lắng đọng lipid trong tế bào gan. Điều này chỉ ra rằng vỏ đu đủ xanh có khả năng ngăn ngừa bệnh béo phì liên quan đến bệnh tiểu đường.
Đu đủ chín có chỉ số đường huyết cao, nên cẩn thận
Người bệnh tiểu đường có nên ăn đu đủ chín hay không thì bạn cũng nên cẩn trọng. Bởi xét về chỉ số đường huyết (GI) thực phẩm, đu đủ chín thuộc nhóm thực phẩm có chỉ số cao, có thể gây tăng đường huyết đột ngột, đặc biệt là khi bạn ăn quá nhiều một lúc.
Vậy nên, dù đu đủ mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, thậm chí đu đủ xanh còn được cho là hỗ trợ ổn định đường huyết, bạn cũng chỉ nên bổ sung ở mức vừa phải, kết hợp với các loại thực phẩm khác để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể.
Những lưu ý cho người tiểu đường khi ăn đu đủ
Vậy là bạn đã câu trả lời cho câu hỏi người tiểu đường ăn đu đủ được không. Thế nhưng, khi ăn đu đủ, bạn cũng đừng quên những điều lưu ý sau đây:
- Nên dùng đu đủ tươi thay vì những loại sinh tố đóng chai có thêm đường, sữa.
- Nên ăn đu đủ tươi như bữa ăn phụ trong ngày nhưng chú ý chọn trái chín vừa để tránh ăn phải mủ đu đủ còn xanh có thể gây dị ứng, cũng không nên ăn chín quá vì lượng đường lúc này sẽ nhiều hơn.
- Khi ăn đu đủ xanh hay chín, có thể làm các món như xào, nấu canh, hoặc muối chua,…
- Tránh dùng đu đủ xanh cho phụ nữ mang thai vì trong nhựa của đu đủ xanh có thành phần gây kích thích co bóp tử cung, có nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
- Hạt đu đủ chứa độc tính carpine có thể gây suy nhược hệ thần kinh và loạn nhịp tim. Vì vậy bạn nên loại bỏ hạt đu đủ trước khi ăn.
- Một số đối tượng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn đu đủ bao gồm: Người bị máu khó đông hay đang dùng thuốc chống đông, người đang bị các vấn đề về đường ruột (tiêu chảy, táo bón) và trẻ em dưới 1 tuổi,…
Hello Bacsi hi vọng rằng những thông tin trên đây đã giúp bạn tháo gỡ được thắc mắc khi bị tiểu đường ăn đu đủ được không. Đu đủ là một loại quả bình dân, dễ tìm tại Việt Nam và cũng rất giàu dinh dưỡng, với cả bệnh nhân tiểu đường. Điều quan trọng cần lưu ý là bạn không nên ăn quá nhiều nhé!