backup og meta

Tiêm insulin sống được bao lâu? Hiểu để an tâm điều trị

Tiêm insulin sống được bao lâu? Hiểu để an tâm điều trị

Insulin là giải pháp bắt buộc trong điều trị tiểu đường tuýp 1 và được chỉ định trong nhiều trường hợp bệnh tuýp 2, đặc biệt là khi bệnh nhân không còn đáp ứng với thuốc tiểu đường dạng uống. Vì vậy, rất nhiều bệnh nhân lo lắng không biết tiêm insulin sống được bao lâu?

Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!

Insulin có tác dụng gì?

Insulin là một loại hormon do tuyến tụy tiết ra. Tác dụng của insulin là giúp điều hòa lượng đường trong máu (đường huyết). Bạn có thể hiểu nôm na rằng insulin giống như chiếc chìa khóa đưa đường glucose trong máu vào tế bào để tạo ra năng lượng.

Insulin tiết ra liên tục trong suốt cả ngày, mức độ tiết nhiều hay ít phụ thuộc vào lượng đường có trong máu ở thời điểm đó. Đường huyết tăng, đặc biệt là sau bữa ăn sẽ cần nhiều insulin nhiều hơn để tiêu thụ chúng.

Ở người tiểu đường tuýp 1, tuyến tụy không còn khả năng sản xuất ra insulin nên việc phải tiêm insulin từ bên ngoài vào là bắt buộc.

Ở người tiểu đường tuýp 2, ban đầu tuyến tụy vẫn tạo ra insulin bình thường, nhưng tế bào đề kháng insulin, khiến insulin không thể đưa đường từ máu vào trong tế bào được. Điều này khiến não hiểu nhầm rằng cơ thể bị thiếu insulin và thúc đẩy tuyến tụy sản xuất nhiều hơn. Theo thời gian, tuyến tụy suy yếu và hoạt động tạo ra insulin bị giảm đi.

Ban đầu, người bệnh chỉ cần dùng thuốc tiểu đường dạng uống nhằm ngăn đường trong máu tăng quá cao. Thuốc có nhiều cơ chế, có thể giảm hấp thu đường từ thức ăn vào máu, tăng dự trữ đường ở gan và cơ, đồng thời ngăn gan và cơ ly giải glycogen (dạng dự trữ của đường glucose tại đây) để đưa lại vào máu,… Lâu dần thuốc đường uống không còn hiệu quả, tuyến tụy yếu đi thì insulin ngoại sinh sẽ được sử dụng. Ngoài ra, nếu đường huyết quá cao, bác sĩ cũng sẽ chỉ định insulin để nhanh chóng đưa lượng đường trong máu về mức bình thường.

Các trường hợp tiểu đường thai kỳ không cải thiện bằng cách thay đổi chế độ ăn cũng được điều trị bằng insulin.

người tiểu đường tiên insulin sống được bao lâu

Bệnh nhân tiểu đường tiêm insulin sống được bao lâu?

Vậy, tiêm insulin sống được bao lâu? Thực chất, insulin không giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sống lâu và khỏe hơn thì ổn định đường huyết là “chìa khóa” quan trọng. Và insulin hỗ trợ ổn định đường huyết rất hiệu quả nếu sử dụng đúng cách.

Có thể bạn muốn biết tính từ thời điểm tiêm insulin sống được bao lâu, nhưng không có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của người đang điều trị bằng insulin, gồm:

  • Loại bệnh tiểu đường
  • Thời gian được chẩn đoán và bắt đầu điều trị
  • Điều trị bằng insulin đúng theo chỉ định hay không
  • Có hay không các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, biến chứng đó là gì và mức độ nặng nhẹ của chúng
  • Tình hình sức khỏe tổng thể.

Cụ thể như sau:

Dùng insulin đúng theo chỉ định không

tiên insulin sống được bao lâu phụ thuộc việc có tuân thủ chỉ định không

Tiêm insulin sống được bao lâu tùy thuộc vào việc bạn có tuân thủ chỉ định của bác sĩ hay không.

Insulin thường được tiêm dưới da nhiều lần trong ngày và có thể cần nhiều hơn một loại insulin (Loại tác dụng nhanh, chậm, trung bình). Bác sĩ sẽ chỉ định bạn cần tiêm loại insulin nào, liều lượng bao nhiêu và tần suất tiêm trong ngày. Nếu bạn làm đúng, đường huyết sẽ được giữ ổn định và bạn sẽ ít nguy cơ biến chứng hơn, sống lâu hơn.

Bạn hãy tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ và KHÔNG NÊN:

  • Tiêm insulin nhiều/ít hơn hoặc thường xuyên hơn so với chỉ định.
  • Tự ý ngừng tiêm insulin khi thấy đường huyết đã ổn định mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Tự ý đổi nhãn hiệu hoặc loại insulin khác.

Những sai lầm này có thể khiến mức đường huyết tăng cao bất thường, gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng và rút ngắn tuổi thọ.

Từ lúc tiêm insulin sống được bao lâu tùy vào loại bệnh tiểu đường

Theo một thống kê tại Anh vào năm 2010, tuổi thọ của người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể bị giảm tới 10 năm. Còn người bị tiểu đường tuýp 1 bị rút ngắn tuổi thọ trên 20 năm. Sở dĩ tuổi thọ người bệnh tuýp 1 ngắn hơn là bởi họ khởi phát bệnh khi còn quá trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, những tiến bộ trong y học giúp nhiều người tiểu đường tuýp 1 có tuổi thọ dài hơn so với tiểu đường tuýp 2 nếu điều trị đúng cách bằng insulin.

Tùy vào thời gian chẩn đoán và điều trị

tiên insulin sống được bao lâu tùy thuộc việc chẩn đoán sớm hay muộn

Chẩn đoán và điều trị sớm là yếu tố giúp kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân tiểu đường.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 khởi phát âm thầm và tiến triển từ từ trong nhiều năm. Người bệnh thường chỉ được chẩn đoán sau khi đã xuất hiện biến chứng. Lượng đường trong máu cao kéo dài không được điều trị sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, rút ngắn tuổi thọ và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tiêm insulin sống được bao lâu tùy vào biến chứng gặp phải

Theo thời gian, đường huyết cao có thể dẫn đến các biến chứng mạn tính nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Bệnh tim mạch: tăng đường huyết làm tổn thương mạch máu lớn, dẫn đến đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Bệnh thận: gặp ở khoảng 40% bệnh nhân tiểu đường. Nguyên nhân do các mạch máu nhỏ trong thận bị tổn thương, khiến nó giảm khả năng lọc máu, đưa chất thải ra ngoài. Lâu dài, nhiều người bị suy thận và có thể phải lọc máu hoặc ghép thận.
  • Bệnh võng mạc tiểu đường: lượng đường trong máu cao làm hỏng các mạch máu ở võng mạc nơi đáy mắt, gây giảm thị lực và trong một số trường hợp là mù lòa.
  • Tổn thương dây thần kinh: chẳng hạn như tê, lạnh chân hoặc bàn chân, giảm ham muốn tình dục, bệnh nướu răng…

Bên cạnh đó, vì quá trình chuyển hóa trong cơ thể là một vòng tròn nên rối loạn chuyển hóa đường thường sẽ kéo theo:

  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao

Trong một số trường hợp, các biến chứng cấp tính khác như tăng áp lực thẩm thấu, hạ đường huyết và nhiễm toan ceton do tiểu đường cũng có thể gây tử vong.

Tùy vào mức độ kiểm soát đường huyết

Tiêm insulin sống được bao lâu còn tùy vào việc bạn có thực hiện các biện pháp khác để hỗ trợ ổn định đường huyết không.

Nếu đang điều trị bằng insulin, việc tính toán lượng carbs trong thức ăn và đồ uống nạp rất quan trọng. Lượng carbs sẽ quyết định lượng insulin cần tiêm. Bạn nên có thói quen lành mạnh bằng cách hạn chế tinh bột ở mức vừa đủ, không ăn chất béo động vật (mỡ, nội tạng, da), tránh tối đa thực phẩm đóng hộp hay xào nấu nhiều lần; nạp nhiều rau quả; chọn đạm từ cá, thịt nạc và các loại đậu.

Ngoài ra, tăng cường hoạt động thể chất sẽ giúp làm tăng độ nhạy insulin, giảm tình trạng kháng insulin, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tổng thể. Bạn nên dành tối thiểu 30 phút hằng ngày để tập thể dục, bằng bất kì bài tập ưa thích nào.

Cuối cùng, bạn nên thường xuyên theo dõi đường huyết tại nhà và thăm khám định kỳ với bác sĩ để đảm bảo đường huyết luôn nằm trong phạm vi cho phép.

Nếu bạn gặp bất kỳ khó khăn nào trong quá trình điều trị bằng insulin, hãy nói chuyện với bác sĩ để xem có cần điều chỉnh gì không. Khi tuân thủ chỉ định nghiêm ngặt và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát đường huyết, bạn có thể ngăn ngừa các biến chứng bệnh tiểu đường và có một cuộc sống năng động, khỏe mạnh. Nhờ đó, bạn cũng sẽ giảm bớt lo lắng về vấn đề tiêm insulin sống được bao lâu.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diabetes Life Expectancy. https://www.diabetes.co.uk/diabetes-life-expectancy.html. Ngày truy cập: 25/05/2023

Diabetes. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/7104-diabetes. Ngày truy cập: 25/05/2033

Diabetes treatment: Using insulin to manage blood sugar. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-treatment/art-20044084. Ngày truy cập: 25/05/2023

Human Insulin Injection. https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a682611.html. Ngày truy cập: 25/05/2023

Improved insulin injection technique, treatment satisfaction and glycemic control: Results from a large cohort education study. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7013331/. Ngày truy cập: 25/05/2023

[Course of disease and prognosis of diabetes mellitus] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/798463/. Ngày truy cập: 25/05/2023

Type 2 diabetes. https://medlineplus.gov/ency/article/000313.htm. Ngày truy cập: 25/05/2023

Lưu ý khi dùng Insulin ở người bệnh đái tháo đường. http://www.benhvien108.vn/luu-y-khi-dung-insulin-o-nguoi-benh-dai-thao-duong.htm. Ngày truy cập: 25/05/2023

Phiên bản hiện tại

13/11/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Bệnh tiểu đường sống được bao nhiêu năm?

Tiền tiểu đường: Nhận biết sớm để đẩy lùi bệnh!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 13/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo