Tiêm insulin là một phần thiết yếu trong quá trình điều trị bệnh của hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Vì việc điều trị là lâu dài, nên nếu nắm vững kỹ thuật tiêm sẽ giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn và ngăn ngừa các tác dụng phụ của thuốc.
Vậy, tiêm insulin ở đâu? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu vị trí và cách tiêm insulin trong bài viết ngay sau đây nhé!
Các vị trí tiêm insulin
Tiêm insulin ở vị trí nào? Những khu vực lý tưởng để tiêm vào là những bộ phận cơ thể có một lớp mỡ dưới da dày để thuốc hấp thụ từ từ. Khi tiêm insulin, bạn chỉ nên tiêm trực tiếp vào mô mỡ ngay dưới da, không nên tiêm sâu hơn vào cơ vì như vậy thuốc bị hấp thu quá nhanh, có thể gây tụt đường huyết. Những khu vực nhiều mỡ cũng có ít đầu dây thần kinh hơn, sẽ đỡ đau hơn khi tiêm.
Bạn có thể tiêm tiểu đường ở bụng, bắp tay, mông và mặt trước ngoài của đùi. Khi tiêm vào vùng bụng, tránh tiêm vào rốn. Cần lưu ý rằng những người gầy không nên chọn tiêm vào cánh tay, vì tay của bạn có rất ít mỡ.
Hãy hỏi bác sĩ xem mình nên tiêm insulin ở vị trí nào là phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
Nên xoay vòng vị trí tiêm
Insulin được tiêm vào cùng một vị trí quá nhiều lần có thể khiến vùng da đó bị nổi cục cứng, sưng tấy, da dày lên và trở nên sần cứng hơn. Điều này sẽ cản trở khả năng hấp thụ insulin. Vì vậy, bạn bắt buộc phải xoay vòng các vị trí tiêm. Hãy thử tiêm vào các điểm khác nhau ở vùng da đã được chọn, mỗi điểm cách nhau ít nhất 3cm. Sau 1 -2 tuần bạn có thể quay lại vị trí cũ.
Ví dụ, cách tiêm insulin dưới da bụng là bạn có thể luân phiên tiêm vào các vùng da khác nhau trên bụng, chẳng hạn như nếu ngày hôm trước tiêm vào bên phải bụng, thì đến hôm sau bạn có thể tiêm vào bên trái bụng. Sau một thời gian, bạn có thể quay lại tiêm vào bên trái bụng khi vùng da đó đã lành hẳn.
Các bước tiêm insulin bằng ống tiêm
Tiêm insulin bằng ống tiêm là phương pháp truyền thống được rất nhiều bệnh nhân tiểu đường lựa chọn. Ống tiêm insulin hiện nay cũng có nhiều kích cỡ khác nhau tùy thuộc vào liều lượng insulin mà bạn cần. Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ giúp bạn tìm được loại ống tiêm có kích thước phù hợp.
Cách tiêm insulin bằng ống tiêm như sau:
- Rửa tay với xà phòng và nước nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng trước khi tiêm. Sau đó, lau khô tay bằng khăn sạch hoặc khăn giấy.
- Sờ hoặc bóp da trước khi tiêm. Nếu vùng da đó bị sần sùi, không được mềm mại như ban đầu, hãy chọn một vị trí tiêm tiểu đường khác tốt hơn.
- Làm sạch vùng da định tiêm. Bạn có thể dùng miếng bông tẩm cồn hoặc tăm bông nhúng cồn để lau sạch vùng da này.
- Chờ cồn bay hơi và vùng da khô.
- Nhẹ nhàng lấy ngón tay cái và ngón tay trỏ véo da để tạo thành một nếp gấp.
- Đâm kim thẳng, vuông góc vào da và đảm bảo kim đi hết vào da.
- Đẩy pittông xuống từ từ để tiêm insulin vào. Nhấn vào pittông cho đến khi hết insulin trong ống. Giữ kim tại chỗ trong khoảng 5 giây.
- Rút kim ra, sau đó không day hay ấn vào vị trí tiêm.
- Bỏ ống tiêm và kim tiêm đã sử dụng theo đúng hướng dẫn.
Mẹo giảm đau khi tiêm insulin?
Hiện nay, hầu hết các mũi tiêm insulin không gây đau đớn nhiều như trước đây. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn thấy việc tiêm insulin để kiểm soát bệnh tiểu đường không phải là một điều dễ chịu.
Bên cạnh chọn vị trí tiêm insulin tốt nhất và tiêm tiểu đường đúng cách như trên, một số mẹo sau đây có thể giúp giảm thiểu cơn đau khi tiêm, bao gồm:
- Luôn sử dụng kim mới cho mỗi lần tiêm.
- Sử dụng kim có chiều dài phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
- Loại bỏ tất cả bọt khí khỏi ống tiêm trước khi tiêm.
- Nếu bạn làm sạch vùng da định tiêm bằng miếng bông tẩm cồn, hãy đợi cho đến khi da khô hoàn toàn rồi mới tiến hành tiêm.
- Tiêm insulin ở nhiệt độ phòng. Nếu insulin đã được bảo quản trong tủ lạnh, hãy làm ấm lọ thuốc bằng cách lăn giữa 2 lòng bàn tay trong 30 giây.
- Đẩy kim vào nhanh chóng khi tiêm.
- Cố gắng không lắc kim khi đang tiêm hoặc khi rút kim.
- Không thay đổi hướng của kim trong khi đưa vào hoặc rút ra.
Muốn việc tiêm insulin trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường có hiệu quả, ngoài tuân thủ những hướng dẫn trên đây, bạn cần thực hiện những thay đổi nhất định trong lối sống như duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, kiểm tra đường huyết thường xuyên trong ngày và tái khám đúng hẹn.