backup og meta

Giải đáp thắc mắc xoay quanh việc tập thể dục của bệnh nhân tiểu đường

Giải đáp thắc mắc xoay quanh việc tập thể dục của bệnh nhân tiểu đường

Mặc dù biết tập thể dục có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nhiều bệnh nhân tiểu đường vẫn lo lắng về cách cơ thể mình thích nghi với các bài tập thể dục, và những bài tập này ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào. Một số người nghĩ rằng tập thể dục sẽ gây mệt mỏi hoặc khiến mức đường huyết khó kiểm soát hơn.

Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp xoay quanh việc tập thể dục của người bị bệnh tiểu đường trong bài viết ngay sau đây nhé!

1. Tại sao sau khi tập thể dục đường huyết tăng?

Khi bạn bắt đầu tập thể dục, cơ thể sẽ tiết ra các hormone căng thẳng vì cơ bắp hoạt động nhiều. Những hormone này có thể làm đường huyết tăng sau khi tập thể dục trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng sau đó chỉ số đường huyết sẽ giảm xuống.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân tiểu đường có thể gặp hiện tượng bình minh, khiến đường huyết tăng cao vào buổi sáng. Do đó họ nghĩ rằng do tập thể dục gây nên.

Các bác sĩ cảnh báo rằng nếu người bị bệnh tiểu đường bắt đầu tập thể dục với lượng đường trong máu rất cao, nó có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, hãy cần đợi nó giảm bớt một chút trước khi bắt đầu tập luyện.

Nếu bị hạ đường huyết sau vài giờ tập thể dục, hãy ăn nhẹ trước khi luyện tập và cần theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên để kịp thời điều chỉnh. Nếu vẫn tái diễn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

2. Bệnh nhân tiểu đường nên kiểm tra đường huyết lúc nào khi tập thể dục?

bệnh nhân tiểu đường nên kiểm tra đường huyết trước khi tập

Trước khi tập

Nếu bạn đang dùng insulin hoặc các loại thuốc khác có thể gây ra lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết), hãy kiểm tra lượng đường trong máu từ 15 đến 30 phút trước khi tập thể dục.

  • Nếu lượng đường trong máu từ 100 đến 250 mg/dL, bạn đang ở trong mức khỏe mạnh và có thể bắt đầu tập luyện ngay.
  • Nếu mức đường huyết thấp hơn 100mg/dL, hãy bổ sung thêm 15 gram carbohydrate bằng một bữa ăn phụ lành mạnh với nước ép, trái cây, hoặc thậm chí là viên nén glucose trước khi bắt đầu tập thể dục để mức đường huyết không giảm quá thấp.
  • Nếu mức đường huyết quá cao (trên 250mg/dL hoặc hơn), đừng tập thể dục ngay mà hãy thử nước tiểu để xem có xuất hiện ceton hay không, nếu có nghĩa là cơ thể bạn đang không có đủ insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Nếu tập thể dục khi lượng ceton cao, bạn có nguy cơ bị nhiễm toan ceton – một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.

Trong khi tập

Hãy kiểm tra mỗi 30 phút, đặc biệt là khi bạn đang tập một chương trình mới hoặc tăng cường độ tập luyện. Điều này sẽ giúp bạn biết được đường huyết thay đổi như thế nào với thói quen tập luyện. Ngưng tập nếu đường huyết từ 70mg/dL trở xuống hoặc bạn thấy run rẩy, mệt mỏi, đói. Tiếp theo, nên ăn viên glucose, nước trái cây hoặc kẹo rồi đợi 15 phút để kiểm tra đường huyết lần nữa. Đến khi chỉ số này lên trên mức 70mg/dL thì bạn có thể tiếp tục tập luyện.

Sau khi tập

Ngoài ra, nếu bạn dùng insulin, hãy kiểm tra lượng đường trong máu ngay sau khi tập thể dục xong và vài lần sau đó. Tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra ngay hoặc sau 4 – 8 giờ sau khi tập. Nếu gặp phải, bạn cũng ăn viên glucose, nước trái cây hay bất kỳ loại carbohydrate nhỏ nào như trên.

3. Bệnh nhân tiểu đường tập thể dục có thực sự an toàn không?

bệnh nhân tiểu đường và việc tập thể dục

Mức độ an toàn khi tập thể dục đối với bệnh nhân tiểu đường phần lớn phụ thuộc vào lượng đường trong máu trước và sau khi tập luyện, sức khỏe tổng thể. Để tập thể dục một cách an toàn, hãy luôn theo dõi lượng đường trong máu trước, trong và sau khi tập.

Tập thể dục mang đến cho người bị bệnh tiểu đường các lợi ích như sau:

  • Cơ thể bạn đốt cháy nhiều năng lượng hơn để thúc đẩy việc xây dựng cơ bắp, từ đó, góp phần làm giảm lượng đường trong máu một cách ổn định. Giúp những người mắc bệnh tiểu đường type 2 cải thiện HbA1c và kiểm soát bệnh. 
  • Giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn, góp phần làm giảm lượng đường trong máu trong tối đa 12 giờ sau khi tập thể dục.
  • Cải thiện cholesterol trong máu, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Kiểm soát huyết áp tốt hơn.
  • Hỗ trợ giảm cân lành mạnh nếu bị thừa cân, béo phì.
  • Tăng cường sự linh hoạt của xương khớp.
  • Giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị bệnh nhân tiểu đường nên dành khoảng 150 phút tập thể dục với cường độ  vừa phải hoặc 75 phút tập thể dục cường độ cao hàng tuần.

Xem thêm >> Bị biến chứng tiểu đường có nên tập thể dục?

4. Tại sao bệnh nhân tiểu đường nên tập thể dục sau bữa ăn?

lợi ích của việc tập thể dục với bệnh nhân tiểu đường

Sau khi ăn là thời điểm mà đường huyết bị tăng cao. Tập thể dục sau bữa ăn là cách tốt nhất để giúp bệnh nhân tiểu đường ổn định lượng đường trong máu, đồng thời giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng tiểu đường, bao gồm cả bệnh tim. Điều này đã được chứng minh trong rất nhiều nghiên cứu. 

Vì vậy, các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân tiểu đường nên bắt đầu tập thể dục khoảng 1 – 3 giờ sau bữa ăn. Lúc này, lượng đường trong máu có khả năng tăng cao hơn.

5. Người bị tiểu đường có nên tập thể dục vào buổi tối?

Bất kỳ hoạt động nào kéo dài quá lâu với cường độ nặng vào buổi tối có thể khiến bạn khó ngủ hoặc thậm chí là gây mất ngủ. Đối với bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là những người đang sử dụng insulin, tập thể dục cường độ cao vào buổi tối có thể gây ra lượng đường trong máu thấp vào buổi sáng sớm.

Vì vậy, người bệnh tiểu đường có thể tập thể dục buổi tối nhưng nên chọn hoạt động nhẹ nhàng và tránh tập quá gần giờ đi ngủ.

Tập thể dục là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường. Để tránh các vấn đề nguy hiểm tiềm ẩn, hãy kiểm tra lượng đường trong máu của bạn trước, trong và sau khi tập thể dục. Đồng thời, tái khám và hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn bài tập, cũng như cường độ tập luyện phù hợp nhất để giúp kiểm soát tình trạng bệnh một cách hiệu quả.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

QUESTIONS AND ANSWERS – EXERCISE. https://diabetesaction.org/questions-exercise. Ngày truy cập: 14/12/2021

Glucose Control: Why Timing Your Exercise After Meals Matters. https://health.clevelandclinic.org/exercise-and-your-glucose-levels-does-timing-make-a-difference/. Ngày truy cập: 14/12/2021

Diabetes and exercise. https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/managing-your-diabetes/exercise. Ngày truy cập: 14/12/2021

Diabetes and exercise: When to monitor your blood sugar. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-and-exercise/art-20045697. Ngày truy cập: 14/12/2021

The importance of exercise when you have diabetes. https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/the-importance-of-exercise-when-you-have-diabetes. Ngày truy cập: 14/12/2021

Exercise and Type 2 Diabetes. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2992225/. Ngày truy cập: 14/12/2021

Blood Sugar and Exercise. https://www.diabetes.org/healthy-living/fitness/getting-started-safely/blood-glucose-and-exercise. Ngày truy cập: 14/12/2021

Phiên bản hiện tại

15/12/2021

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Tiểu đường 7.5 có nguy hiểm không? Hiểu để kiểm soát bệnh hiệu quả

Người bị hạ đường huyết nên ăn gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 15/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo