backup og meta

Máy đo đường huyết không cần lấy máu có những loại nào, giá bao nhiêu?

Máy đo đường huyết không cần lấy máu có những loại nào, giá bao nhiêu?

Vì phải thực hiện kiểm tra đường huyết gần như mỗi ngày nên việc lấy máu vẫn khiến nhiều bệnh nhân tiểu đường cảm thấy e dè và sợ hãi. Vậy có loại máy đo đường huyết nào không cần lấy máu không?

Hiện nay, trên thị trường đã có nhiều dòng máy tân tiến giúp bạn xác định mức đường huyết mà không cần phải lấy máu nữa. Vậy, các dòng đang được ưa chuộng là loại nào, giá máy đo đường huyết không cần lấy máu là bao nhiêu? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết sau đây nhé!

Các loại máy đo đường huyết không cần lấy máu

Vì hiểu được sự lo lắng của những bệnh nhân cần phải kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, nhiều nhà sản xuất đã không ngừng nghiên cứu để phát triển ra các dòng máy giúp đo đường huyết không cần lấy máu. Các loại máy này có thể đo nồng độ đường trong máu bằng một trong những cách sau:

  • Có đèn hồng ngoại chiếu xuyên qua da ở cánh tay hoặc ngón tay
  • Truyền một dòng điện yếu qua da để hút máu qua da
  • Thông qua nước mắt hoặc nước bọt
  • Dùng bộ cảm biến dưới da để đo nồng độ đường trong dịch mô

Các dòng máy đo đường huyết không cần lấy máu phổ biến trên thị trường

Dù có nhiều dòng máy đo đường huyết không lấy máu được phát triển nhưng thực tế, không có quá nhiều loại được phê duyệt sử dụng trên thị trường. Vì vậy, hiện nay, khi nhắc về máy đo đường huyết không cần lấy máu, người ta thường chỉ nghĩ đến loại máy theo dõi đường huyết liên tục CGM.

Các loại máy này đều hoạt động thông qua một cảm biến nhỏ được đặt vào dưới da, thường là ở bụng hoặc cánh tay. Bộ cảm biến này giúp đo nồng độ đường trong dịch mô năm phút một lần liên tục trong cả ngày và đêm. Sau đó, máy sẽ gửi thông tin đến màn hình của bộ thu hoặc đến các thiết bị điện tử như điện thoại và máy tính bảng của bạn. Bạn có thể tải dữ liệu đường huyết vào máy tính và gửi cho bác sĩ bất kỳ lúc nào.

Với một vài dòng máy, bộ cảm biến được kết nối với thiết bị bơm insulin tự động để nạp insulin khi đường huyết tăng cao.

Cơ chế của máy đo đường huyết không cần lấy máu

Dưới đây là thông tin về một số dòng máy đo cho người bệnh tiểu đường không cần lấy máu thông dụng, được nhiều người lựa chọn:

Máy đo đường huyết không cần lấy máu FreeStyle Libre

Đây là bộ theo dõi đường huyết liên tục, gồm có một đầu đọc nhỏ gọn cầm tay và một bộ cảm biến đeo vào mặt sau cánh tay. FreeStyle Libre là sản phẩm của Abbott Diabetes Care – Anh, đơn vị nổi tiếng thế giới trong chăm sóc sức khỏe cho người tiểu đường. Abbott được biết đến rộng rãi nhờ các sản phẩm sữa tiểu đường Glucerna.

Cách sử dụng

Bộ phận cảm biến sẽ đo lượng đường trong máu mỗi phút qua một sợi mỏng như sợi tóc, linh hoạt được đưa vào ngay dưới da. Vì không phải lấy máu và đo tự động nên bộ sản phẩm này giúp người bệnh tránh khỏi những đau đớn và khó chịu khi phải tự lấy máu và tiến hành đo hàng ngày.

Để kiểm tra kết quả, bạn chỉ cần dùng đầu đọc cầm tay và quét lên phía trên bộ cảm biến gắn ở mặt sau cánh tay là được. Kể cả khi bạn quét qua lớp áo thì đầu đọc vẫn đọc được kết quả.

Ưu điểm của máy đo đường huyết không cần lấy máu FreeStyle Libre

  • Cảm biến chỉ nhỏ bằng một đồng xu, rất tiện lợi
  • Cảm biến không gây khó chịu cho người dùng, có thể đeo liên tục trong 14 ngày
  • Không cần lấy máu ở đầu ngón tay như các máy đo đường huyết khác, không đau
  • Chống nước lên đến 30 phút ở độ sâu lên đến 1 mét nên không cần gỡ ra khi tắm hay khi đi bơi
  • Theo dõi được đường huyết thường xuyên và dễ dàng ở mọi thời điểm, từ đó dễ dàng quan sát được bất thường và đi khám, điều chỉnh ăn uống nếu cần.

Lưu ý khi sử dụng máy đo đường huyết FreeStyle Libre

  • Phải quét cảm biến ít nhất 8 tiếng một lần
  • Nếu bị kích ứng da ở khu vực tiếp xúc với cảm biến thì nên ngừng sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ.

Máy đo đường huyết không cần lấy máu FreeStyle Libre giá bao nhiêu?

Hiện cả bộ máy đo đường huyết không cần lấy máu FreeStyle Libre (gồm đầu đọc và cảm biến) có giá 3.360.000đ. Bạn có thể mua trực tiếp tại các cửa hàng thiết bị y tế uy tín hoặc trang thương mại điện tử chính hãng của Abbott FreeStyle Libre.

Có máy đo đường huyết không cần lấy máu Omron không?

Vì độ nổi tiếng của thương hiệu và chất lượng các sản phẩm đang có trên thị trường của Omron mà nhiều người tin rằng nếu có máy đo đường huyết không cần lấy máu Omron thì không cần lo lắng về độ chính xác cũng như độ bền. Tuy nhiên, thật đáng tiếc rằng cho đến nay, hãng này chưa có máy đo cho người tiểu đường mà không cần lấy máu.

Bạn có thể tham khảo thông tin về 4 loại máy đo đường huyết Omron (có lấy máu ngón tay) tại bài viết này: Máy đo đường huyết Omron có tốt không? Giá bao nhiêu?

Máy đo đường huyết không cần lấy máu Glucowise

Sản phẩm này thuộc sở hữu của công ty META, có trụ sở đặt tại London, Anh. Đây là thiết bị đo đường huyết không xâm lấn, không gây đau. Nhiều người tìm kiếm thông tin về sản phẩm này nhưng rất tiếc nó vẫn còn đang thử nghiệm, chưa được đưa vào sử dụng.

Với Glucowise, bạn có thể theo dõi đường huyết nhiều lần trong ngày và ở bất cứ nơi nào mà không cần xâm lấn vào da.

Ưu điểm của máy đo đường huyết Glucowise

  •  Đo đường huyết liên tục được, không xâm lấn nên không gây đau đớn
  • Đo tự động nên người dùng có thể lấy kết quả mọi lúc, mọi nơi mà không cần tiến hành một loạt thao tác rườm rà
  • Công nghề Đám mây thông minh sẽ đưa ra những cảnh báo và lời khuyên cần thiết ở từng trường hợp. Máy tự động phân tích dữ liệu ở hiện tại và trước đó để dự đoán diễn biến đường huyết của bạn, giúp bạn dễ dàng điều chỉnh lượng thức ăn hoặc thuốc
  • Thiết kế nhỏ gọn, độ riêng tư cao
  • Dữ liệu được gửi qua máy tính hoặc điện thoại mà không cần kết nối dây
  • Không dùng que thử, tiết kiệm chi phí.

Máy đo đường huyết Glucowise giá bao nhiêu hiện vẫn chưa rõ vì chưa đưa vào thương mại.

Máy đo đường huyết không lấy máu phù hợp với những ai?

Máy theo dõi đường huyết liên tục không cần lấy máu đa số được sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường type 1. Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để quan sát tác dụng của loại máy này đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Máy có thể được sử dụng cho người lớn và trẻ em nếu bệnh nhân:

  • Đang điều trị bằng liệu pháp insulin tích cực
  • Nghi ngờ bị hạ đường huyết mà không thể nhận biết
  • Có mức đường huyết tăng cao hoặc hạ xuống thấp thường xuyên
  • Không thể nhận ra hoặc không thể nói với ai về các triệu chứng mình đang gặp phải (các bệnh nhi nhỏ tuổi, những người gặp vấn đề về phát triển hoặc thần kinh)

Các bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục lâu dài hoặc chỉ trong vài ngày để giúp điều chỉnh kế hoạch kiểm soát bệnh của bạn.

Ưu điểm máy đo đường huyết không cần lấy máu

Máy đo đường huyết không cần lấy máu có chính xác không?

Máy đo đường huyết không cần lấy máu có chính xác không? Dù các nhà khoa học luôn nỗ lực nghiên cứu để cải tiến máy đo đường huyết không lấy máu chính xác và dễ sử dụng hơn nhưng dòng máy này hiện vẫn chưa đạt đủ độ tin cậy cần thiết. Bạn vẫn cần phải đo đường huyết bằng cách lấy máu ngón tay 2 lần mỗi ngày để hiệu chỉnh máy đo đường không cần lấy máu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, bạn sẽ không thể dựa vào kết quả từ các loại máy này để đưa ra bất kỳ quyết định điều trị nào, chẳng hạn như điều chỉnh liều insulin.

Không những vậy, dù có kích thước khá nhỏ gọn nhưng việc mang cảm biến dưới da cũng có thể khiến bạn khó chịu. Ngoài ra, một điểm bất tiện khác của loại máy này là bạn phải thay cảm biến sau mỗi 7 – 14 ngày sử dụng. Đồng thời, giá máy đo đường huyết không cần lấy máu cũng không hề rẻ, vì vậy, bạn có thể phải tiêu tốn khá nhiều tiền bạc.

Cách sử dụng máy đo đường huyết không cần lấy máu

Việc sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục không cần lấy máu tương đối đơn giản, bạn sẽ cần thực hiện theo các bước sau:

  • Đặt cảm biến vào dưới da, lớp băng dính sẽ giúp cố định cảm biến tại chỗ
  • Hiệu chỉnh thiết bị bằng cách đo đường huyết với máy đo tiêu chuẩn lấy máu đầu ngón tay
  • Thiết lập các thông số và thông báo cho máy
  • Đọc các dữ liệu về mức đường huyết của bạn trên các thiết bị điện tử
  • Điều chỉnh lại kế hoạch kiểm soát đường huyết của mình dựa trên các dữ liệu đã thu thập được
  • Thay bộ cảm biến mỗi 7-14 ngày.

Máy đo đường huyết không cần lấy máu ra đời như một “vị cứu tinh” cho những bệnh nhân đái tháo đường sợ lấy máu. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ về cơ chế hoạt động cũng như ưu, nhược điểm của loại máy này để từ đó sử dụng hiệu quả nhé.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Glucose Monitoring Devices. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=85&contentid=P00339. Ngày truy cập: 27/10/2021.

Continuous Glucose Monitoring. https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/11444-glucose-continuous-glucose-monitoring. Ngày truy cập: 27/10/2021.

Continuous Glucose Monitoring (CGM). https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/managing-your-diabetes/testing/continuous-glucose-monitoring-cgm. Ngày truy cập: 27/10/2021.

Flash glucose monitoring. https://www.diabetesaustralia.com.au/living-with-diabetes/managing-your-diabetes/diabetes-technology/flash-glucose-monitoring. Ngày truy cập: 27/10/2021.

Diabetes testing and monitoring. https://www.healthdirect.gov.au/diabetes-testing-and-monitoring. Ngày truy cập: 27/10/2021.

Continuous Glucose Monitoring. https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/managing-diabetes/continuous-glucose-monitoring. Ngày truy cập: 27/10/2021.

Blood glucose meter: How to choose Print. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/blood-glucose-meter/art-20046335. Ngày truy cập: 27/10/2021.

Bộ Theo Dõi Đường Huyết Liên Tục FreeStyle Libre https://www.family.abbott/vn-vi/glucerna/freestyle-libre.html Ngày truy cập: 11/09/2023

Glucowise https://gluco-wise.com/ Ngày truy cập: 11/09/2023

Phiên bản hiện tại

11/09/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lê Hoàng Bảo

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Máy đo đường huyết tốt nhất 2023: Gợi ý tiêu chí lựa chọn!

Đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm gây biến chứng?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lê Hoàng Bảo

Khoa nội tiết · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 11/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo